- 13913 S. Post Oak Rd, Houston TX 77045
- Phone: (281) 838-0535. Fax: (832) 550-2889
- Trụ Trì: Tỳ khưu Giác Đẳng
- Email: phapluan@gmail.com
- Web: chuaphapluan.com
- Xem bản đồ
Lớp Phật Pháp Buddhadhamma
Môn học: Thắng Pháp Abhidhamma
Bài học ngày 6.1.2022
Chương VI. TOÁT YẾU TƯƠNG TẬP (Samuccayasaṅgaha)
BÀI 49. TOÁT YẾU GIÁC PHẦN (Bodhipakkhiyasaṅgaha)
Ngũ Quyền và Ngũ Lực
Giống như trong giao tế xã hội, một người hiểu việc cần biết chỗ nào để gõ cửa và ai là người thật sự có ảnh hưởng ở phương diện gì. Quyền và lực là hai đề tài có chi pháp và pháp bản thể giống nhau nhưng một nói về căn cơ cần thiết cho sự tu chứng trong lúc đề tài kia nói về sức mạnh mà hành giả có thể vận dụng như nội lực trong sự tu tập. Do sự ứng dụng trong pháp hành khác biệt nên ngũ quyền và và ngũ lực được nêu thành hai thể tài riêng biệt trong giác phần.
4. Ngũ quyền (pañc' indriyāni), Quyền _ indriya đã định nghĩa trong hai mươi hai quyền, phần B Toát yếu hỗn hợp.
1/ Tín quyền (saddhindriyaṃ), là chức năng của lòng tin, chính niềm tin lôi kéo các pháp đồng sanh xác tín đối tượng (Phật, Pháp, Tăng …v.v…) không có nghi ngờ. Chi pháp tín quyền là tâm sở tín trong tâm thiện.
2/ Tấn quyền (viriyindriyaṃ), là chức năng tinh tấn, chính sự chuyên cần lôi kéo các pháp đồng sanh năng động, trỗi dậy, không lui sụt thối thất. Chi pháp tấn quyền là tâm sở cần trong tâm thiện.
3/ Niệm quyền (satindriyaṃ), là chức năng chánh niệm, chính sự nhớ biết bén nhạy lôi kéo các pháp đồng sanh tỉnh táo, không lơ đễnh. Chi pháp niệm quyền là tâm sở niệm trong tâm thiện.
4/ Định quyền (samādhindriyaṃ), là chức năng tập trung, chính sự tập trung lôi kéo các pháp đồng sanh trự vững vàng, không phân tán phóng dật. Chi pháp định quyền là tâm sở nhất hành trong tâm thiện.
5/ Tuệ quyền (paññindriyaṃ), là chức năng quán triệt, chính sự sáng suốt lôi kéo các pháp đồng sanh biết cảnh một cách xác thực không mê lầm. Chi pháp tuệ quyền là tâm sở trí tuệ trong tâm thiện tương ưng trí.
5. Ngũ lực (pañca balāni), cũng có năm chi pháp như ngũ quyền nhưng nói ở khía cạnh sức mạnh, không rung động. Năm lực là:
1/ Tín lực (saddhābalaṃ), lòng tin là sức mạnh áp chế thái độ do dự không xác tín.
2/ Tấn lực (viriyabalaṃ), sự tinh tấn là sức mạnh áp chế trạng thái biếng nhác.
3/ Niệm lực (satibalaṃ), chánh niệm là sức mạnh áp chế trạng thái lơ đãng, không tỉnh táo.
4/ Định lực (samādhibalaṃ), định tâm là sức mạnh áp chế trạng thái tán loạn lao chao.
5/ Tuệ lực (paññābalaṃ), trí tuệ là sức mạnh áp chế trạng thái mê mờ, không thông hiểu.
Năm lực nầy cũng nằm trong chín lực (nava balāni) đã nói ở phần B _ Toát yếu hỗn hợp nhưng đây chỉ lấy có năm vì là những pháp trợ giúp sự giác ngộ.
Trong việc tu tiến, pháp quyền lực phải được quân bình với nhau, nếu chênh lệch sẽ dẫn đến tác dụng nghịch.
Tín (saddhā) và trí (paññā) phải quân bình với nhau. Nếu tín vượt trội hơn tuệ sẽ dẫn đến niềm tin mù quáng; nếu trí vượt trội hơn tín thì dẫn đến cuồng tri thức hay hoài nghi đủ điều.
Cần (viriya) và định (samādhi) phải quân bình với nhau. Nếu cần vượt trội hơn định thì dẫn đến phóng dật, tâm lao chao; Nếu định vượt trội hơn cần thì dẫn đến thuỵ miên, ngũ gục.
Niệm (sati) thì không có tác hại khi vượt trội, không có chuyện “niệm bị dư thừa”, vì niệm (sati) giám sát sự phát triển của những pháp quyền khác và đảm bảo bốn quyền ấy được giữ ở mức quân bình.
Bài đã học: Bài 48. TOÁT YẾU GIÁC PHẦN (Bodhipakkhiyasaṅgaha)
Tứ Chánh Cần và Tứ Như Ý Túc
Bài học tiếp theo: Bài 50. TOÁT YẾU GIÁC PHẦN (Bodhipakkhiyasaṅgaha)
Thất Giác Chi
Biên soạn giáo trình: Tỳ kheo Giác Đẳng