Môn học: Thắng Pháp Abhidhamma _ BÀI 47. TOÁT YẾU GIÁC PHẦN (Bodhipakkhiyasaṅgaha) - Tứ Niệm Xứ  (cattāro satipaṭṭhāna)

Môn học: Thắng Pháp Abhidhamma _ BÀI 47. TOÁT YẾU GIÁC PHẦN (Bodhipakkhiyasaṅgaha) - Tứ Niệm Xứ (cattāro satipaṭṭhāna)

Thứ năm, 23/12/2021, 13:07 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: Thắng Pháp Abhidhamma

Bài học ngày 23.12.2021


Chương VI. TOÁT YẾU TƯƠNG TẬP (Samuccayasaṅgaha)

BÀI 47. TOÁT YẾU GIÁC PHẦN (Bodhipakkhiyasaṅgaha)

Tứ Niệm Xứ (cattāro satipaṭṭhāna)

1. Tứ niệm xứ, danh từ satipaṭṭhāna nghĩa là niệm có cơ sở, một chánh niệm hoàn thiện, một cách chánh niệm để phát triển minh sát (vipassanā). Có 4 niệm xứ:

1/ Thân quán niệm xứ (kāyānupassanāsatipaṭṭhāna), là niệm đặt trên đối tượng sắc thân (kāya), là sắc uẩn; ghi nhận sự hiện hữu của sắc uẩn như hơi thở, đại oai nghi, tiểu oai nghi, thể trược, bốn nguyên tố, tử thi. Quán niệm thân để thấy tính chất vô thường, khổ, vô ngã, bất tịnh của thân nầy.

2/ Thọ quán niệm xứ (vedanānupassanāsatipaṭṭhāna), là niệm đặt trên đối tượng cảm thọ (vedanā), tức là thọ uẩn; ghi nhận sự sanh khởi của thọ uẩn: đây là thọ khổ, đây là thọ lạc, đây là thọ ưu, đây là thọ hỷ, đây là thọ xả, đây là thọ liên hệ vật chất, đây là thọ không liên hệ vật chất. Niệm cảm thọ để thấy tính chất vô thường, khổ, vô ngã của thọ uẩn.

3/ Tâm quán niệm xứ (cittānupassanāsatipaṭṭhāna), là niệm đặt trên đối tượng tâm sanh (cittuppāda); ghi nhận sự sanh khởi của thức uẩn, như tâm có tham biết đây là tâm có tham, tâm không tham biết đây là tâm không tham, tâm có sân biết đây là tâm có sân …v.v… Quán niệm tâm để thấy rõ tính chất vô thường, khổ, vô ngã của thức uẩn (bao gồm cả bốn danh uẩn vì là tâm sanh).

4/ Pháp quán niệm xứ (dhammānupassanāsatipaṭṭhāna), là niệm đặt trên đối tượng pháp thực tính (dhamma); Pháp trong pháp quán thường được cho là tưởng uẩn (saññā) và hành uẩn (saṅkhāra), là hai uẩn còn lại, vì thân quán là sắc uẩn, thọ quán là thọ uẩn, tâm quán là thức uẩn, tổng cộng là năm uẩn quá rõ ! Tuy nhiên nếu xét theo kinh niệm xứ thì pháp quán niệm xứ còn nhiều hơn tưởng uẩn và hành uẩn. Trong kinh niệm xứ, pháp quán được đức Phật dạy là quán niệm năm triền cái, năm thủ uẩn, mười hai xứ, bảy giác chi, bốn thánh đế; Như vậy sự quán niệm danh sắc hay bất kỳ pháp thực tính nào thuộc năm đề tài trên đều gọi là pháp quán niệm xứ. Quán niệm Pháp để thấy rõ tam tướng, không phải chỉ tỏ ngộ tính vô ngã như thường được nói bởi vài vị tiền bối.

Lại nữa, các Ngài nói sở dĩ có bốn (4) niệm xứ vì để từ bỏ bốn kiến điên đảo (vipallāsadiṭṭhi) là chấp thường, lạc, ngã, tịnh … Điều nầy cần phải xét lại !!!

Chi pháp của bốn niệm xứ là tâm sở niệm trong tâm đại thiện khi tu tập thiền quán.

Bài đã học: BÀI 46. TOÁT YẾU HỖN HỢP (Missakasaṅgaha)

Cửu Lực - Tứ Trưởng và Tứ Thực

Bài học tiếp theo: Bài 48. TOÁT YẾU GIÁC PHẦN (Bodhipakkhiyasaṅgaha)

Tứ Chánh Cần

Biên soạn giáo trình: Tỳ kheo Giác Đẳng

Ý kiến bạn đọc