Môn học: Thắng Pháp Abhidhamma _ BÀI 46. TOÁT YẾU HỖN HỢP (Missakasaṅgaha) “tiếp theo” _ Về Cửu lực (nava balāni) _ Tứ trưởng (cattāro adhipatī) & Tứ thực (cattāro āhārā)

Môn học: Thắng Pháp Abhidhamma _ BÀI 46. TOÁT YẾU HỖN HỢP (Missakasaṅgaha) “tiếp theo” _ Về Cửu lực (nava balāni) _ Tứ trưởng (cattāro adhipatī) & Tứ thực (cattāro āhārā)

Thứ năm, 16/12/2021, 13:00 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: Thắng Pháp Abhidhamma

Bài học ngày 16.12.2021


Chương VI. TOÁT YẾU TƯƠNG TẬP (Samuccayasaṅgaha)

BÀI 46. TOÁT YẾU HỖN HỢP (Missakasaṅgaha) “tiếp theo”

Về Cửu lực (nava balāni) _ Tứ trưởng (cattāro adhipatī) & Tứ thực (cattāro āhārā)

Cả ba đề tài cửu lực, tứ trưởng, tứ thực đều là đề tài quan trọng trong Phật học. Riêng hai đề tài cửu lực và tứ trưởng ít khi được đề cập như là pháp hỗn hợp có cá thiện, bất thiện, và vô ký. Có thể nói đây là khía cạnh đặc biệt của Thắng Pháp Tạng. Sự hiểu biết rộng những đề tài nầy cũng thật sự lợi lạc cho người tu tập thiền tứ niệm xứ nói riêng và theo đuổi pháp hành nói chung. Trong lúc hai đề tài cửu lực và tứ trưởng soi sáng lãnh vực tâm lý thì đề tài tứ thực là một đề tài lớn trong Phật pháp nói về nhân duyên cấu tạo và tồn tại của thế giới.


5. Cửu lực (nava balāni), là chín sức mạnh. Lực _ balaṃ, là pháp có sức mạnh lấn lướt áp chế được những pháp đối lập; hay có ý nghĩa là không rung động. Lực nói theo pháp hỗn hợp (missaka) là nói gồm chung những pháp có sức mạnh đặc biệt dù là bất thiện, thiện hay vô ký. Chín lực là:

1/ Tín lực (saddhābala), chi pháp đây là tâm sở tín trong 91 tâm tịnh hảo; Là sức mạnh ức chế thái độ do dự không quyết đoán.

2/ Tấn lực (viriyabala), chi pháp đây là tâm sở cần trong 105 tâm tương ưng cần; Là sức mạnh ức chế thái độ tiêu cực thụ động không năng nỗ.

3/ Niệm lực (satibala), chi pháp đây là tâm sở niệm trong 91 tâm tịnh hảo; Là sức mạnh ức chế trạng thái lơ đãng thơ thẩn.

4/ Định lực (samādhibala), chi pháp đây là tâm sở nhất hành trong 104 tâm trừ 16 tâm vô cần và tâm si hoài nghi; Là sức mạnh ức chế tình trạng lao chao tán loạn.

5/ Tuệ lực (paññābala), chi pháp đây là tâm sở trí tuệ trong 79 tâm tương ưng trí; Là sức mạnh ức chế tình trạng không thấu đáo, làm cho rõ biết.

6/ Tàm lực (hiribala), chi pháp đây là tâm sở tàm trong 91 tâm tịnh hảo; Là sức mạnh của tính hổ thẹn cái xấu, giúp miễn nhiễm cấu uế.

7/ Quý lực (ottappabala), chi pháp đây là tâm sở quý trong 91 tâm tịnh hảo; Là sức mạnh của tính khiếp sợ với cái xấu, giúp miễn nhiễm cấu uế.

8/ Vô tàm lực (ahirikabala), chi pháp đây là tâm sở vô tàm trong 12 tâm bất thiện; Là sức mạnh của tính không thẹn với cái xấu, tác động gây tội lỗi.

9/ Vô quý lực (anottappabala), chi pháp đây là tâm sở vô quý trong 12 tâm bất thiện; Là sức mạnh của tính không sợ với cái xấu, tác động gây tội lỗi.


6. Tứ trưởng (cattāro adhipatī), là bốn pháp chủ lực của các pháp đồng sanh, làm trưởng duyên cho các pháp đồng sanh, ví như một hiệp hội hay một đoàn lữ hành, có người sẽ là trưởng đoàn, nổi trội hơn mọi người, để lãnh đạo dẫn dắt các người trong đoàn vậy. Bốn pháp trưởng là:

1/ Dục trưởng (chandādhipati), chi pháp đây là tâm sở dục trong 84 tâm đổng lực đa nhân (tức 18 đổng lực nhị nhân và 66 đổng lực tam nhân); Là sự mong muốn, hoài vọng, thành yếu tố chủ lực trợ cho các pháp đồng sanh.

2/ Cần trưởng (viriyādhipati), chi pháp đây là tâm sở cần trong 84 tâm đổng lực đa nhân; Là sự năng nổ, nhiệt tâm, thành yếu tố chủ lực trợ cho các pháp đồng sanh.

3/ Tâm trưởng (cittādhipati), chi pháp đây là 84 tâm đổng lực đa nhân; Là sự biết cảnh, thành yếu tố chủ lực trợ cho các pháp đồng sanh.

4/ Thẩm trưởng (vimaṃsādhipati), chi pháp đây là tâm sở trí tuệ trong 66 tâm đổng lực tam nhân; Sự hiểu biết sáng suốt, thành yếu tố chủ lực trợ cho các pháp đồng sanh.

Có 4 pháp trưởng nhưng trong cùng một sát na thì chỉ có một pháp làm trưởng, ba pháp khác thì phụ thuộc, không thể trong cùng một sát na tâm sanh mà có hai hoặc ba hoặc bốn pháp (dục, cần, tâm, thẩm) đồng làm trưởng. Cũng như trong một nước chỉ có một vị vua. Điều nầy khác với pháp quyền trong một sát na tâm có được nhiều Quyền, vì mỗi pháp quyền cai quản một lĩnh vực không lấn cấn nhau, như tâm đại thiện thứ nhất có 8 quyền đồng sanh: ý quyền, mạng quyền, hỷ quyền, tín quyền, tấn quyền, niệm quyền, định quyền và tuệ quyền.


7. Tứ thực (cattāro āhārā), là bốn thứ thức ăn: Thực _ āhāra, là đồ ăn, thứ dẫn đến sự trưởng thành hay hình thành; Danh sắc được hình thành nhờ pháp nào, pháp đó gọi là thực hay thức ăn. Có bốn loại thức ăn:

1/ Đoàn thực (kabalīkārāhāra) là thức nhai nuốt, hình thành chất dinh dưỡng (oja) nuôi thân sắc. Chi pháp là sắc vật thực ngoại.

2/ Xúc thực (phassāhāra) là thức ăn cho thọ, xúc duyên thọ. Chi pháp đây là tâm sở xúc trong tất cả tâm.

3/ Tư thực (manosañcetanāhāra) là thức ăn cho tâm quả hiệp thế và sắc nghiệp. Chi pháp đây là tâm sở tư trong tâm bất thiện và tâm thiện hiệp thế.

4/ Thức thực (viññānāhāra) là thức ăn cho danh sắc (danh là tâm sở, sắc là sắc nghiệp tái tục). Chi pháp đây là thức tái tục (paṭisandhiviññānaṃ); 15 quả thức tái tục ngũ uẩn thì duyên cho danh và sắc, riêng về 4 quả thức tái tục cõi tứ uẩn thì chỉ duyên cho danh.


Bài đã học: BÀI 45. TOÁT YẾU HỖN HỢP (Missakasaṅgaha) “tiếp theo”

Về Nhị thập nhị quyền (bāvīsatindriyāni)

Bài học tiếp theo: BÀI 47. TOÁT YẾU GIÁC PHẦN (Bodhipakkhiyasaṅgaha)


Biên soạn giáo trình: Tỳ kheo Giác Đẳng

Ý kiến bạn đọc