Môn học: Thắng Pháp Abhidhamma _ Bài 31. Sắc đại hiển (Mahābhūtarūpa)

Môn học: Thắng Pháp Abhidhamma _ Bài 31. Sắc đại hiển (Mahābhūtarūpa)

Thứ năm, 21/10/2021, 15:16 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: Thắng Pháp Abhidhamma

Bài học ngày 21.10.2021


Chương IV. TOÁT YẾU SẮC PHÁP (Rūpasaṅgaha) _ Phần I

Bài 31. Sắc đại hiển (Mahābhūtarūpa)

Sắc đại hiển là gì?

Là nguyên tố tạo ra mọi vật chất, từ vật vô tri như cây cỏ …v.v… đến thân các sinh vật như trời, người, thú …v.v… từ vật thể nhỏ như hạt bụi …v.v… đến vật thể lớn như núi …v.v… đều do 4 nguyên tố đất, nước, lửa, gió tạo thành, chỗ nào có vật chất thì chỗ đó có hiện hữu của đất, nước, lửa, gió. Vì là là loại sắc có tầm rộng lớn như thế nên gọi là sắc đại hiển. Như câu pāli chú giải: upādinnānupādinnasantānesu salakkhanato sasambhārato ca mahantāni hutvā bhavanti pātubhavantī 'ti mahābhūtāni.

Đất (paṭhāvi) theo nghĩa chân đế: Nguyên tố đất (paṭhavīdhātu) là thể rắn của vật chất, nâng đỡ các sắc đồng sanh. Đặc tính của đất là cản vướng (kakkhaḷattalakkhaṇā) cứng hoặc mềm; Có chức năng của đất là điểm tựa (patiṭṭhānarasā); Có biểu hiện là hứng chịu (sampaṭicchanapaccupaṭṭhānā); Có nhân gần là có ba nguyên tố khác (avasesadhātuttayapaṭṭhānā).

Nước (āpo) theo nghĩa chân đế: Nguyên tố nước (āpodhātu) là thể kết của vật chất, kết dính các sắc đồng sanh lại, không để rời rạc. Đặc tính của nước là thẩm thấu (paggharaṇalakkhaṇā); Có chức năng là làm nẩy nở (brūhanarasā); Có biểu hiện là quến tụ (saṅgahapaccupaṭṭhānā); Có nhân gần là ba nguyên tố khác (avasesadhātuttayapadaṭṭhāna).

Lửa (tejo) theo nghĩa chân đế: Nguyên tố lửa (tejodhātu) là thể đốt của vật chất, làm cho các sắc đồng sanh thành thục. Lửa có đặc tính là tánh nóng (uṇhattalakkhaṇā); Có chức năng làm chín muồi (paripācanarasā); Có biểu hiện là nhuần nhuyễn (maddavānuppadānapaccupaṭṭhānā); Có nhân gần là ba nguyên tố khác (avasesadhātuttayapadaṭṭhānā).

Gió (vāyo) theo nghĩa chân đế: Nguyên tố gió (vāyodhātu) là thể động của vật chất, sự chuyển dịch của các pháp đồng sanh. Gió có đặc tính là chuyển động (samīraṇalakkhaṇā); Có chức năng là di chuyển (samudīraṇarasā); Có biểu hiện là thay đổi (abhinīhārapaccupaṭṭhānā); Có nhân gần là ba nguyên tố khác (avasesadhātuttayapadaṭṭhānā).


Tại sao gọi là “đại hiển – mahābhūta”?

Chữ mahā là lớn hay đại. Bhūta là sự hiện hữu, hiển bày, hiển sinh. Thường được dịch là tứ đại hay tứ đại chủng như cách nói “tứ đại bất hoà” hay “địa đại, thuỷ đại, hoả đại, phong đại”. Ngoài ra còn gọi là bốn đại chủng. Có lẽ chữ tứ đại dường như chỉ nói tới mahā nên chưa “hết ý” nên dịch là đại hiển cho đủ nghĩa chữ mahābhūta. Nên lưu ý chữ đại trong “đại hiển” là tỉnh từ trong lúc chữ đại trong “tứ đại” là danh từ.


Bốn sắc đại hiển có phải là bốn thứ vật chất riêng biệt?

Không nên hiểu tứ đại là bốn thứ vật chất riêng biệt mà là “bốn thành tố của tất cả vật chất từ hạt vi trần tới một hành tinh khổng lồ”. Có thể gọi là bốn thành tố của bất cứ đơn vị vật chất nào. Nói cách khác không thể có thành tố nầy mà không có thành tố kia. Địa đại là thành tố chiếm ngự không gian dù cứng hay mềm; thuỷ đại là thành tố gắn kết của vật chất; hoả đại là nhiệt lượng dù nóng hay lạnh; phong đại thành tố hằng chuyển như sự liên tục chuyển động của cực âm và cực dương trong tất cả nguyên tử.


Phải chăng có sự khác biệt lớn khi nói về tứ đại giữa Kinh Tạng và Thắng Pháp Tạng?

Bảo rằng có sự khác biệt khi nói về tứ đại giữa Kinh Tạng và Thắng Pháp Tạng là không chính xác. Tứ đại nói theo Thắng Pháp là nói theo vĩ mô (trong một hạt bụi hay ngay cả một nguyên tử cũng có bốn đại). Trong lúc Kinh Tạng nói cả ba phương diện:

a. Thường thức (địa đại là núi non, đất đá …v.v…; thuỷ đại là nước của sông ngòi, biển cả …v.v…; hoả đại là lửa củi, lửa rừng …v.v…; phong đại là giông, là gió …v.v…)

b. Thân quán (điạ đại là cơ phận của thân thuộc thể rắn như thịt, gân, xương …v.v…; thuỷ đại là thành phần của thân thuộc thể loãng như mật đàm, mủ, máu …v.v…; hoả đại là chất ấm như hơi nóng của thân; phông đại là thành phần thuộc khí như như hơi thở …v.v…)

c. Bản thể vĩ mô là cách hiểu giống như định nghĩa tứ đại theo Thắng Pháp.

Ba cách hiểu về tứ đại trên đều được đề cập trong Đại Kinh Thí Dụ Dấu Chân Voi, Trung Bộ, do ngài Sāriputta giảng cũng như rất nhiều bài kinh khác trong Kinh Tạng.


Biên soạn giáo trình: Tỳ kheo Giác Đẳng

 

Ý kiến bạn đọc