Môn học: Thắng Pháp Abhidhamma _ Bài 29. Phụ chú tâm lộ đổng lực và mót cảnh

Môn học: Thắng Pháp Abhidhamma _ Bài 29. Phụ chú tâm lộ đổng lực và mót cảnh

Thứ năm, 14/10/2021, 13:22 GMT+7

 

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: Thắng Pháp Abhidhamma

Bài học ngày 14.10.2021


Bài 29. Phụ chú tâm lộ đổng lực và mót cảnh

Trong lộ trình tâm có hai thứ tâm lộ đặc biệt là đổng lực (javana) và mót cảnh (tadālambana). Cần phải biết quy tắc (niyama) sinh diễn hai thứ tâm lộ ấy.

Quy tắc tâm đổng lực (Javananiyamo)

Tâm đổng lực (javanacitta) có 55 hoặc 87 thứ là 12 tâm bất thiện, 26 hoặc 37 tâm thiện, 18 tâm tố ứng cúng, 4 hoặc 20 tâm quả siêu thế.

Nói theo lãnh vực, tâm đổng lực dục giới có 29 tâm là 12 tâm bất thiện, 8 tâm đại thiện, 8 tâm đại tố và 1 tâm sinh tiếu. Tâm đổng lực sắc giới có 10 thứ là 5 tâm thiện sắc giới và 5 tâm tố sắc giới. Tâm đổng lực vô sắc giới có 8 thứ là 4 tâm thiện vô sắc và 4 tâm tố vô sắc. Đổng lực siêu thế có 8 hoặc 40 thứ là 4 hoặc 20 tâm đạo và 4 hoặc 20 tâm quả.


· Tâm đổng lực sinh khởi mấy chập (sát na) trong một lộ trình?

- 29 tâm đổng lực dục giới trong lộ ngũ môn bình nhật và lộ ý môn bình nhật thông thường (kể cả lộ chiêm bao) thì chặng đổng lực sanh 6 hay 7 chập. Trong lộ ngũ môn cận tử, lộ ý môn cận tử, lộ ý môn lúc hôn mê (mucchākāla), lộ ý môn lúc bất tỉnh (visaññībhūtakāla), lộ ý môn thời thai non (atiruṇakāla) tâm diễn hoạt yếu, nên đổng lực chỉ sanh khởi 5 chập; Trong lộ ý tâm diễn hoạt cấp tốc như lúc Đức Phật hiện song thông (yamakapāṭihāriyakāla) thì đổng lực cũng chỉ sinh khởi 4 chập hoặc 5 chập.

- Đổng lực dục giới thuộc 4 tâm đại thiện tương ưng trí trong lộ đắc đạo, lộ đắc thiền, lộ nhập thiền, lộ hiện thông, lộ nhập thiền quả và lộ nhập thiền diệt, sanh khởi 4 chập là chuẩn bị, cận hành, thuận thứ, chuyển tộc (đối với người trì căn); sanh khởi 3 chập là cận hành, thuận thứ, chuyển tộc (đối với người lợi căn).

- Đổng lực dục giới thuộc 4 tâm đại tố tương ưng trí trong lộ đắc thiền, lộ nhập thiền, lộ hiện thông, lộ nhập thiền quả và lộ nhập thiền diệt của bậc A la hán sanh khởi 4 chập (đối với người trì căn) là chuẩn bị, cận hành, thuận thứ, chuyển tộc; sanh khởi 3 chập (đối với người lợi căn) là cận hành, thuận thứ và chuyển tộc.

- 18 tâm đổng lực đáo đại thuộc thiền chứng lần đầu tiên trong lộ đắc thiền, chỉ khởi lên 1 chập. Nhưng trong lộ nhập thiền thì 18 tâm đổng lực đáo đại sanh liên tục vô số sát na.

- Tâm thông thiện và tâm thông tố chỉ khởi lên 1 chập trong lộ hiện thông.

- Tâm thiện và tố phi tưởng phi phi tưởng trong lộ nhập thiền diệt khởi lên 2 chập (cho người trì căn) và khởi lên 1 chập (đối với người lợi căn), rồi diệt thọ tưởng.

- Về đổng lực siêu thế, các tâm đạo chỉ khởi lên 1 sát na trong lộ đắc đạo.

- Các tâm quả siêu thế trong lộ đắc đạo, khởi lên 2 sát na (đối với người lợi căn), hay khởi lên 3 sát na (đối với người trì căn). Nhưng trong lộ nhập thiền quả thì các tâm quả siêu thế sanh khởi vô số sát na.

- Riêng tâm tam quả ngũ thiền và tâm tứ quả ngũ thiền trong lộ nhập thiền diệt chỉ khởi lên 1 sát na sau khi xuất định.


· Đổng lực dục giới và đổng lực kiên cố trong cùng một lộ tâm đặc biệt liên hệ thế nào?

Trong lộ đắc thiền và lộ nhập thiền:

- Nếu đổng lực kiên cố là tâm thiền thiện thọ hỷ thì đổng lực dục giới (chuẩn bị, cận hành, thuận thứ, chuyển tộc) sẽ là tâm đại thiện thọ hỷ hợp trí.

- Nếu đổng lực kiên cố là tâm thiền thiện thọ xả thì đổng lực dục giới sẽ là tâm đại thiện thọ xả hợp trí.

- Nếu đổng lực kiên cố là tâm thiền tố thọ hỷ thì đổng lực dục giới sẽ là tâm đại tố thọ hỷ hợp trí.

- Nếu đổng lực kiên cố là tâm thiền thiền tố thọ xả thì đổng lực dục giới sẽ là tâm đại tố thọ xả hợp trí.

Trong lộ hiện thông:

- Nếu đổng lực kiên cố là tâm thông thiện thì đổng lực dục giới sẽ là tâm đại thiện thọ xả hợp trí.

- Nếu đổng lực kiên cố là tâm thông tố thì đổng lực dục giới sẽ là tâm đại tố thọ xả hợp trí.

Trong lộ đắc đạo:

- Nếu đổng lực kiên cố là tâm đạo quả thọ hỷ thì đổng lực dục giới sẽ là tâm đại thiện thọ hỷ hợp trí.

- Nếu đổng lực kiên cố là tâm đạo quả thọ xả thì đổng lực dục giới sẽ là tâm đại thiện thọ xả hợp trí.

Trong lộ nhập thiền quả:

- Nếu đổng lực kiên cố là tâm quả hữu học thọ hỷ thì đổng lực dục giới sẽ là tâm đại thiện thọ hỷ hợp trí.

- Nếu đổng lực kiên cố là tâm quả hữu học ngũ thiền thì đổng lực dục giới sẽ là tâm đại thiện thọ xả hợp trí.

- Nếu đổng lực kiên cố là tâm tứ quả thọ hỷ thì đổng lực dục giới sẽ là tâm đại tố thọ hỷ hợp trí.

- Nếu đổng lực kiên cố là tâm tứ quả ngũ thiền thì đổng lực dục giới sẽ làm tâm đại tố thọ xả hợp trí.

Trong lộ nhập thiền diệt:

- Nếu đổng lực kiên cố là tâm thiện phi tưởng phi phi tưởng xứ và xuất định với tâm tam quả ngũ thiền thì đổng lực dục giới sẽ là tâm đại thiện thọ xả hợp trí.

- Nếu đổng lực kiên cố là tâm tố phi tưởng phi phi tưởng xứ và xuất định với tâm tứ quả ngũ thiền thì đổng lực dục giới sẽ là tâm đại tố thọ xả hợp trí.


Quy tắc tâm mót cảnh (Tadālambananiyamo)

Tâm mót cảnh hay na cảnh hay đồng sở duyên (tadālambana) là thứ tâm “hưởng cảnh dư”, có cùng đối tượng với tâm đổng lực. Tâm mót cảnh chỉ sanh khởi sau những chập đổng lực dục giới (kāmajavana), cho người cõi dục (kāmapuggala) và biết cảnh dục (kāmārammaṇa).

Hơn nữa, Tâm mót cảnh chỉ xuất hiện trong lộ ngũ môn cảnh rất lớn (atimahantārammaṇa) và lộ ý môn cảnh rất rõ (ativibhūtārammaṇa) thôi.

Có 11 thứ tâm mót cảnh là tâm ý thức giới quả bất thiện, 2 tâm ý thức giới quả thiện vô nhân và 8 tâm đại quả (tức là 3 tâm quan sát và 8 tâm đại quả vì tránh hiểu nhập nhằng nên gọi tên khác).

Có 3 thứ đối tượng nói theo thực tính là cảnh xấu (aniṭṭhārammaṇa), cảnh tốt (iṭṭhārammana) và cảnh rất tốt (ati _ iṭṭhārammaṇa). Cảnh tốt xấu nói theo quan niệm thì khó xác định bởi đối với người nầy là xấu mà đối với người kia là tốt, như mùi vị trái cây sầu riêng, là hấp dẫn người nầy nhưng lại khó chịu cho người kia …v.v… Bởi vậy, nói cảnh tốt hay xấu ở đây là nói theo thực tính nhân quả, cảnh xấu là đối tượng của tâm quả bất thiện, cảnh tốt là đối tượng của tâm thiện.

Tâm quả bất thiện 7 thứ là 5 thức, tâm tiếp thâu và tâm quan sát, bắt cảnh xấu.

Tâm quả thiện. 16 thứ là 5 thức, tâm tiếp thâu, tâm quan sát và 8 tâm đại quả, bắt cảnh tốt.

Khi bắt cảnh xấu, tâm quan sát quả bất thiện khởi lên, thì cũng chính tâm ấy làm tâm mót cảnh (gọi là tâm ý thức giới quả bất thiện, tất nhiên là thọ xả) cho lộ tâm đó.

Khi bắt cảnh tốt, tâm quan sát quả thiện thọ xả khởi lên, thì cũng chính tâm ấy làm việc mót cảnh (gọi là tâm ý thức giới quả thiện vô nhân thọ xả) cho lộ tâm đó, cũng có thể là 4 tâm đại quả thọ xả làm tâm mót cảnh cho lộ tâm đó tuỳ theo sung lực của thiện nghiệp quá khứ.

Khi bắt cảnh rất tốt, tâm quan sát quả thiện thọ hỷ khởi lên, thì cũng chính tâm nầy làm việc mót cảnh (gọi là tâm ý thức giới quả thiện vô nhân thọ hỷ) cho lộ tâm đó, cũng có thể là 4 tâm đại quả thọ hỷ làm tâm mót cảnh cho lộ tâm đó tuỳ theo sung lực của thiện nghiệp quá khứ.

Lộ ý môn dục giới cảnh rất rõ cũng khởi lên tâm mót cảnh (đó là lộ ý nối góp lộ ngũ, lộ ý bình thường và lộ ý chiêm bao). Sáu cảnh là 5 cảnh dục (sắc, thinh …v.v…) thuộc quá khứ vị lai, cảnh pháp thuần thuộc dục giới; Sáu cảnh nầy cũng có xấu, tốt và rất tốt. Lộ ý môn dục giới bắt sáu cảnh pháp ấy (rất rõ) mà sinh diễn tâm mót cảnh. Trường hợp nầy tâm mót cảnh tuỳ thuộc vào tâm đổng lực (javana).

Sau tâm đổng lực thọ hỷ (Somanassasahagatajavanāvasāne) sẽ khởi lên tâm mót cảnh thọ hỷ (Somanassasahagatatadālambanaṃ).

Sau tâm đổng lực thọ xả (Upekkhāsahagatajavanāvasāne) sẽ khởi lên tâm mót cảnh thọ xả (Upekkhāsahagatatadālambanaṃ).

Nhưng sau tâm đổng lực thọ ưu cũng chỉ hiện khởi tâm mót cảnh thọ xả (domanassasahagatajavanāvasāne pana tadālambanaṃ upekkhāsahagataṃ eva bhavati)

[Cũng bởi quy tắc sau ưu là xả, nên đối với người tục sinh bằng tâm thọ hỷ, có hữu phần thọ hỷ, khi sanh khởi lộ tâm kết thúc đổng lực thọ ưu mà không có tâm mót cảnh thọ xả thì mới xen vào một chập hữu phần khách thọ xả (upekkhāsahagataṃ āgantukabhavaṅgaṃ) để dung hoà giữa đổng lực thọ ưu và tiềm thức thọ hỷ]


Bài học tiếp theo: Bài 30. TOÁT YẾU SẮC PHÁP (Rūpasamuddeso)

Biên soạn giáo trình: Tỳ kheo Tuệ Siêu


KHÔNG VUI NHƯNG RẤT NÊN HỌC

Cầu Mong Bài Giảng Tốc Hành Tâm Qua Nhanh

Nếu có một thuật ngữ Phật học ít người biết đến nhưng lại mang nhiều nghĩa và rất quan trọng để biết thì có lẽ đó là từ vựng “javana”. Từ điển Pāḷi – Enghlish Dictionary của Rhys David nêu lên 19 ý nghĩa của từ nầy.

Nói một cách ngắn gọn dễ hiểu thì diễn trình tâm thức có hai phần căn bản là tiềm thức và hoạt thức. Trong hoạt thức thì javana là công đoạn xử lý cảnh.

Javana có khi dịch là “tốc hành tâm” nghĩa là ‘tâm nhanh’ nhưng kỳ thật là chậm. Hồi xưa khi hỏi Ngài Tịnh Sự tại sao phần hành javana có nhiều sát na hơn tất cả phần hành khác. Ngài trả lời: Chèn ơi, dọn ăn thì nhanh được nhưng mà ăn thì phải có thời gian chứ. Lúc đó Ngài gọi javana là “tâm thực” nghĩa là tâm hưởng cảnh.

Javana là tâm tạo nghiệp nhưng cũng là tâm đoạn nghiệp. Tâm javana không phải là quả của nghiệp mà là tâm tạo quả. Tuy vậy khi một bậc thánh đoạn tận vô minh và ái dục thì cũng đoạn nghiệp ở công đoạn javana.

Javana là tâm xử lý cảnh mà cũng là tâm bị cảnh sai xử. Nếu có một từ ngữ tiếng Việt gần nhất với vai trò của javana thì đó là “tâm xử lý cảnh”. Tuy nhiên điều oái oăm là tâm có nghĩa là biết cảnh. Cảnh duyên cho chúng ta biết nhiều về lý do tại sao xúc duyên thọ, thọ duyên ái… Nói cách khác chưa biết ... ai xử ai.

Javana được nói là có những quy tắc nhưng lại là thứ tâm có nhiều “bất quy tắc”. Nếu liệt kê thì có thể đưa ra một danh sách dài những quy tắc về tâm javana như “trong một diễn trình tâm thì công đoạn javana sanh khởi nhiều sát na cùng loại tâm, tuy nhiên trong diễn trình tâm đắc thiền, đắc đạo thì...”. Danh sách quy tắc nối đuôi bằng những bất quy tắc.

Sao lại rắc rối vậy? Thật ra là hên xui… Tuỳ giảng sư.

Biên soạn: Tỳ kheo Giác Đẳng


 

Ý kiến bạn đọc