- 13913 S. Post Oak Rd, Houston TX 77045
- Phone: (281) 838-0535. Fax: (832) 550-2889
- Trụ Trì: Tỳ khưu Giác Đẳng
- Email: phapluan@gmail.com
- Web: chuaphapluan.com
- Xem bản đồ
Lớp Phật Pháp Buddhadhamma
Môn học: Thắng Pháp Abhidhamma
Bài học ngày 7.10.2021
Bài 27. Lộ ý môn bình nhật _ đặc biệt (tiếp theo)
"Về lộ đắc đạo _ lộ nhập thiền quả _ lộ nhập thiền diệt"
5. Lộ đắc đạo (Maggavīthi)
Có hai trường hợp: Đắc sơ đạo (paṭhamamagga) và đắc ba đạo còn lại (avasesamagga). Lộ đắc đắc sơ đạo là chuyển từ phàm tánh sang thánh tánh nên có sát na chuyển tộc (gotrabhū); Lộ đắc nhị đạo, tam đạo, tứ đạo là tiến bậc từ thánh thấp đến thánh cao nên có sát na khiết hoá (vodāna) thay vì chuyển tộc (gotrabhū). Vì vậy lộ đắc đạo có hai là lộ đắc sơ đạo (paṭṭhamamaggavīthi) và lộ đắc đạo cao (avasesamaggavīthi).
5a. Lộ đắc sơ đạo, có sát na chuẩn bị và không có sát na chuẩn bị.
Diễn trình như sau:
Có sát na chuẩn bị
· Hữu phần rung động (1) > Hữu phần dứt dòng (1) > Khai ý môn (1) > Chuẩn bị (1) > Cận hành (1) > Thuận thứ (1) > Chuyển tộc (1) > Sơ đạo (1) > Sơ quả (2) > tái diễn Hữu phần tiềm thức.
Không có sát na chuẩn bị
· Hữu phần rung động (1) > Hữu phần dứt dòng (1) > Khai ý môn (1) > Cận hành (1) > Thuận thứ (1) > Chuyển tộc (1) > Sơ đạo (1) > Sơ quả (3) > tái diễn Hữu phần tiềm thức.
Nhận xét:
Một người tu tập thiền quán, sau khi tiến hành tuệ minh sát đạt đến Hành lảnh tuệ (saṅkhārupekkhāñāṇa), nếu thuận duyên người ấy chứng đắc đạo quả ngay kiếp sống nầy. Đạo quả đầu tiên vị ấy đắc chứng là sơ đạo sơ quả (đạo quả tu đà hườn _ sotāpattimagga_ phala).
Lộ đắc sơ đạo có 2 chặng là khai ý môn và đổng lực (gồm đổng lực dục giới và đổng lực kiên cố đạo quả siêu thế) _ có 8 chập tâm là sát na khai môn, sát na chuẩn bị, sát na cận hành, sát na thuận thứ, sát na chuyển tộc, sát na sơ đạo và 2 sát na sơ quả; Nếu là lộ đắc đạo của người lợi căn không có sát na chuẩn bị thì thay vào đó có 3 sát na sơ quả, cũng là 8 chập _ lộ nầy có 4 thứ tâm sanh là một tâm khai ý môn, 1 trong 4 tâm đại thiện hợp trí, 1 trong 5 tâm sơ đạo, 1 trong năm tâm sơ quả; Tổng quát có 15 thứ tâm.
5b. Lộ đắc đạo cao, có sát na chuẩn bị và không có sát na chuẩn bị.
Diễn trình như sau:
Có sát na chuẩn bị
· Hữu phần rung động (1) > Hữu phần dứt dòng (1) > Khai ý môn (1) > Chuẩn bị (1) > Cận hành (1) > Thuận thứ (1) > Khiết hoá (1) > Đạo cao (1) > Quả cao (2) > tái diễn Hữu phần tiềm thức.
Không có sát na chuẩn bị
· Hữu phần rung động (1) > Hữu phần dứt dòng (1) > Khai ý môn (1) > Cận hành (1) > Thuận thứ (1) > Khiết hoá (1) Đạo cao (1) > Quả cao (3) > tái diễn Hữu phần tiềm thức.
Nhận xét:
Bốn Sa-môn quả đắc chứng thứ lớp: Tư đà hườn rồi Tư đà hàm rồi A na hàm cuối cùng là A la hán.
Mỗi tầng thánh là một lộ đắc đạo. Lộ đắc đạo quả Tư đà hàm, lộ đắc đạo quả A na hàm và lộ đắc đạo quả A la hán có diễn trình giống nhau nên gom chung trình bày một lộ tâm gọi là lộ đắc đạo cao.
Lộ đắc đạo cao có 2 chặng là khai môn và đổng lực (gồm đổng lực dục giới và đổng lực kiên cố) _ có 8 chập tâm là sát na khai môn, sát na chuẩn bị, sát na cận hành, sát na khiết hoá, sát na đạo cao và sát na quả cao; Nếu là lộ đắc đạo cao của nguời lợi căn không có sát na chuẩn bị, thì thay vào đó có 3 sát na quả cao, cũng là 8 chập _ Tính thứ tâm thì mỗi lộ đắc đạo cao có 4 thứ; Tổng quát có 15 thứ tâm.
Lộ đắc nhị đạo có bốn thứ tâm sanh là 1 khai ý môn, 1 trong 4 tâm đại thiện hợp trí, 1 trong 5 tâm nhị đạo, 1 trong 5 tâm nhị quả; Tổng quát có 15 thứ tâm.
Lộ đắc tam đạo có 4 thứ tâm sanh là 1 tâm khai ý môn, 1 trong 4 tâm đại thiện hợp trí, 1 trong 5 tâm tam đạo, 1 trong 5 tâm tam quả; Tổng quát có 15 thứ tâm.
Lộ đắc tứ đạo có 4 thứ tâm sanh là 1 tâm khai ý môn, 1 trong 4 tâm đại thiện hợp trí, 1 trong 5 tâm tứ đạo, 1 trong 5 tâm tứ quả; Tổng quát có 15 thứ tâm.
6. Lộ nhập thiền quả (Phalasamāpattivīthi)
Lộ nhập thiền quả có bốn sát na thuận thứ (trì căn) ba sát na thuận thứ (lợi căn).
Diễn trình như sau:
· Hữu phần rung động (1) > Hữu phần dứt dòng (1) > Khai ý môn (1) > Thuận thứ (4) > Quả siêu thế sanh vô số sát na > Tái diễn hữu phần tiềm thức.
· Hữu phần rung động (1) > Hữu phần dứt dòng (1) > Khai ý môn (1) > Thuận thứ (3) > Tâm quả siêu thế sanh vô số sát na > tái diễn Hữu phần tiềm thức.
Nhận xét:
Lý do đổng lực dục giới trong lộ nhập thiền quả không mang mang tên parikamma (chuẩn bị), upacāra (cận hành) …v.v… mà chỉ gọi là anuloma (thuận thứ) của bốn hay ba sát na, Ngài Jotika giải thích vì có tâm quả siêu thế không cùng giống với đổng lực dục giới. Khi chứng thiền thiện, nhập thiền thiện, hiện thông thiện, đắc siêu thế thiện thì đổng lực kiên cố thiện ấy đồng giống với đổng lực dục giới thiện nên đổng lực dục giới nầy mới có tên parikamma, upacāra, anuloma, gotrabhū; Hoặc khi chứng thiền tố, nhập thiền tố, hiện thông tố thì đổng lực kiên cố ấy đồng giống tố với đổng lực dục giới tố nên đổng lực dục giới nầy mới có tên parikamma, upacāra, anuloma, gotrabhū. Còn khi nhập thiền quả thì đổng lực kiên cố quả nầy không đồng giống (jāti) với đổng lực dục giới thiện hay đổng lực dục giới tố, nên đổng lực dục giới trong trường hợp nhập thiền quả chỉ có tên gọi là anuloma (thuận thứ) cho cả bốn hay ba sát na.
Mặt khác, việc nhập thiền quả siêu thế đây chỉ thực hiện được đối với vị đắc đạo quả mà có chứng thiền hiệp thế nữa; Một vị đắc đạo quả vô thiền thì không nhập thiền quả được.
Vị nhập thiền quả chỉ là bậc thánh: Thánh hữu học (Tu đà hườn, Tư đà hàm, A na hàm) và thánh A la hán.
Lộ nhập thiền quả của bậc Hữu học có 2 chặng là chặng khai môn và chặng đổng lực (gồm đổng lực dục giới và đổng lực kiên cố) _ có vô số sát na tâm sanh vì nhập thiền _ có 3 thứ tâm sanh là 1 tâm khai ý môn, 1 trong 4 tâm đại thiện hợp trí, 1 trong 15 tâm quả hữu học; Tổng quát có 20 thứ tâm.
Lộ nhập thiền quả của bậc A la hán cũng có 2 chặng _ vô số chập tâm sanh _ có 3 thứ tâm sanh là 1 tâm khai ý môn, 1 trong 4 tâm đại tố hợp trí, 1 trong 5 tâm tứ quả; Tổng quát có 10 thứ tâm.
7. Lộ nhập thiền diệt (Nirodhasamāpattivīthi)
Lộ nhập thiền diệt có sát na chuẩn bị và không có sát na chuẩn bị.
Diễn trình như sau:
Có sát na chuẩn bị
· Hữu phần rung động (1) > Hữu phần dứt dòng (1) > Khai ý môn (1) > Chuẩn bị (1) > Cận hành (1) > Thuận thứ (1) > Chuyển tộc (1) > Tâm thiền (2) _ tâm pháp không sanh _ Quả (1) > tái diễn Hữu phần tiềm thức.
Không có sát na chuẩn bị
· Hữu phần rung động (1) > Hữu phần dứt dòng (1) > Khai ý môn (1) > Cận hành (1) > Thuận thứ (1) > Chuyển tộc (1) > Tâm thiền (2) _ tâm pháp không sanh _ Quả (1) > tái diễn Hữu phần tiềm thức.
Nhận xét:
Thiền diệt (nirodhasamāpatti) là định diệt thọ tưởng (saññāvedayitanirodho samādhi) tình trạng ngưng diễn hoạt tâm pháp và sắc tâm trong thời gian bảy ngày.
Chỉ có bậc A la hán và bậc A na hàm mới nhập thiền diệt được và phải đạt đến thiền phi tưởng phi phi tưởng xứ mới có khả năng diệt tâm hành (cittasaṅkhāra, tức Thọ và Tưởng).
Chuẩn bị nhập thiền diệt, trước hết hành giả nhập sơ thiền, xuất sơ thiền quán tam tướng; Nhập nhị thiền, xuất nhị thiền quán tam tướng; Nhập tam thiền, xuất tam thiền quán tam tướng; Nhập tứ thiền, xuất tứ thiền quán tam tướng; Nhập ngũ thiền, xuất ngũ thiền quán tam tướng; Nhập không vô biên xứ, xuất không vô biên xứ quán tam tướng; Nhập thức vô biên xứ, xuất thức vô biên xứ quán tam tướng; Nhập vô sở hữu xứ, xuất vô sở hữu xứ khỏi quán tam tướng nữa mà hành giả khi ấy chú nguyện bốn điều: (1) “Nguyện đừng có tổn hại đến thân và vật liên hệ thân trong thời gian nầy”, (2) “Nguyện xuất diệt định khi Tăng chúng mong đợi”. (3) “Nguyện xuất diệt định khi bậc Đạo Sư triệu tập”. (4) “Nguyện xuất diệt định trước thời điểm mệnh chung”; Sau khi lập nguyện hành giả nhập thiền phi tưởng phi phi tưởng xứ, thiền phi tưởng phi phi tưởng sinh khởi hai sát na tức thì tâm pháp và sắc tâm diệt mất. Tình trạng nầy kéo dài hết thời gian ấn định rồi xuất thiền diệt có tâm tam quả hay tứ quả khởi lên một sát na và tái diễn hữu phần tiềm thức. Đó gọi là lộ nhập thiền diệt.
Lộ nhập thiền diệt của vị A na hàm và A la hán đều có 2 chặng là khai môn và đổng lực (gồm đổng lực dục giới và đổng lực kiên cố) _ đều có 8 hoặc 7 chập, là sát na khai ý môn, sát na chuẩn bị, sát na cận hành, sát na thuận thứ, sát na chuyển tộc, 2 sát na thiền phi tưởng phi phi tưởng xứ, 1 sát na tâm quả siêu thế khi xuất định. Tính 7 chập là không có sát na chuẩn bị.
Về thứ tâm sanh, lộ nhập thiền diệt của vị A na hàm có 4 thứ, tổng quát là 5 thứ, tức là 1 tâm khai ý môn, 1 trong 2 tâm đại thiện thọ xả hợp trí, 1 tâm thiền thiện phi tưởng phi phi tưởng xứ, 1 tâm tam quả ngũ thiền. Lộ nhập thiền diệt của vị A la hán có 4 thứ, tổng quát là 5 thứ tức là 1 tâm khai ý môn, 1 trong 2 tâm đại tố thọ xả hợp trí, 1 tâm thiền tố phi tưởng phi phi tưởng xứ, 1 tâm tứ quả ngũ thiền.
Dứt phần: Lộ ý môn bình nhật_đặc biệt
Bài học tiếp theo: Bài 28. Lộ ý môn thời cận tử (Maraṇāsannavīthi)
Biên soạn giáo trình: Tỳ kheo Tuệ Siêu
KHÔNG VUI NHƯNG RẤT NÊN HỌC
Đạo – Magga – Trong Ý Nghĩa Đạo Quả
Đa phần người ta dùng chữ đạo để chỉ cho tôn giáo hay tín ngưỡng. Như cách gọi Đạo Phật, Đạo Thiên Chúa, Đạo Hồi. Người Ki Tô Giáo Việt Nam cũng dùng chữ “đạo” để chỉ riêng cho Đạo Catholic (Thiên chúa giáo La mã) như nói “có đạo, theo đạo”. Đây là cách gọi chủ quan bởi với quan niệm là đạo mình mới là đạo thật sự. Nhưng do ảnh hưởng của Ki Tô Giáo nên dần dà được nhiều người, kể cả Phật tử, sử dụng.
Ảnh hưởng Lão Trang, chữ Đạo đôi khi sử dụng như một khái niệm triết học chỉ cho chân lý, chân như, sự thật tối hậu. Ở khái niệm nầy “đạo được hiểu là cứu cánh” mà ngay cả người Phật tử cùng thường xài thí dụ đắc đạo, chứng đạo. Ngày nay người dùng chữ “đạo học” hay “xuất gia tầm đạo” cũng trong phạm trù nầy. Ở đây đạo được xem là chân lý tối hậu.
Chữ “đạo” trong Tam Tạng Pāli tương đối dễ gây ngộ nhận nếu không đọc kỹ. Ba trường hợp sau đây cần được cân nhắc.
1. Chữ đạo trong “trung đạo – majjhimāpaṭipadā – chỉ cho phương thức thực hành (paṭipadā) khác với chữ đạo trong “đạo quả” (magga phala)
2. Chữ đạo trong “bát chánh đạo (atthagika-magga) mặc dù dùng chữ magga nhưng cũng không mang ý nghĩa của chữ đạo trong “đạo quả” (magga phala). Điểm nầy rắc rối cần giải thích dài dòng (…)
3. Chữ đạo trong đạo quả – ý nghĩa đề cập trong bài học nầy “nẻo chứng ngộ niết bàn” với những điểm cần lưu ý dưới đây:
a. Đạo – magga – ở đây chỉ sanh khởi một sát na rồi tiếp theo là quả. Do vậy đạo ở đây không phải là hành trình tu tập mà là sự kết tinh của sự tu tập. Như vậy chữ đạo ở đây mang ý nghĩa khác với chữ đạo trong “trung đạo”. Bát chánh đạo là trung đạo nhưng không phải là đạo trong đạo quả.
b. Đạo ở đây được nêu chung với quả nhưng đạo không phải là nhân tạo quả như con đường dẫn tới hòn núi nhưng con đường không tạo nên hòn núi.
c. Đạo ở đây không phải là cứu cánh cũng không phải là chân lý tối hậu. Niết bàn mới là cứu cánh. Niết bàn không phải là đạo trong từ ngữ đạo quả.
d. Đạo ở đây không phải là hệ thống giáo điển (Buddhasāsana) mà được dạy trong hệ thống giáo điển. Nói cách khác chữ đạo trong bài học nầy không liên quan gì tới cách nói “Đạo Phật”
e. Đạo ở đây mang hai khía cạnh ắt có và đủ là chứng tri niết bàn và đoạn tận kiết sử (hay vĩnh viễn giảm thiểu kiết sử trong trường hợp nhị đạo tư đà hàm)
Biên soạn: Tỳ kheo Giác Đẳng