Môn học: Thắng Pháp Abhidhamma _ Bài 26. Lộ ý môn bình nhật _ đặc biệt (tiếp theo) _ Về lộ nhập thiền cơ và lộ hiện thông

Môn học: Thắng Pháp Abhidhamma _ Bài 26. Lộ ý môn bình nhật _ đặc biệt (tiếp theo) _ Về lộ nhập thiền cơ và lộ hiện thông

Chủ nhật, 03/10/2021, 14:22 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: Thắng Pháp Abhidhamma

Bài học ngày 3.10.2021


Bài 26. Lộ ý môn bình nhật _ đặc biệt (tiếp theo)

Về lộ nhập thiền cơ và lộ hiện thông

3. Lộ nhập thiền cơ (Pādakajhānavīthi)

Lộ nhập thiền cơ, có sát na chuẩn bị và không có sát na chuẩn bị (trì căn và lợi căn)

Diễn trình như sau:

Có sát na chuẩn bị

· Hữu phần rung động (1) > Hữu phần dứt dòng (1) > Khai ý môn (1) > Chuẩn bị (1) > Cận hành (1) > Thuận thứ (1) > Chuyển tộc (1) > Tâm ngũ thiền sanh vô số sát na > tái diễn Hữu phần tiềm thức.

Không có sát na chuẩn bị

· Hữu phần rung động (1) > Hữu phần dứt dòng (1) > Khai ý môn (1) > Cận hành (1) > Thuận thứ (1) > Chuyển tộc (1) > Tâm ngũ thiền sanh vô số sát na > tái diễn Hữu phần tiềm thức.

Nhận xét:

Thiền cơ (Pādakajhāna) là thiền làm cơ sở cho tâm thông (Abhiññā). Thiền cơ là tâm ngũ thiền đổng lực sắc giới. Một vị muốn hiện thông phải nhập thiền cơ (trong khoảnh khắc), dứt lộ nhập thiền cơ mới bắt đầu hiện thông.

Có hai thứ thiền cơ là ngũ thiền thiện sắc giới và ngũ thiền tố sắc giới. Hạng phàm tam nhân và thánh hữu học nhập thiền cơ là ngũ thiền thiện, vị A la hán nhập thiền cơ là ngũ thiền tố.

Lộ nhập thiền cơ diễn trình cũng giống như các lộ nhập thiền khác nhưng được trình bày nữa vì đặc biệt là nhập thiền cơ sở để hiện thông.

Lộ nhập thiền cơ ngũ thiền thiện có 2 chặng là khai môn và đổng lực (gồm đổng lực dục giới và đổng lực sắc giới ngũ thiền) _ có vô số chập tâm sanh (vì nhập thiền) _ có 3 thứ tâm là 1 tâm khai ý môn, 1 trong 2 tâm đại thiện thọ xả hợp trí và 1 tâm ngũ thiền thiện sắc giới.

Lộ nhập thiền cơ ngũ thiền tố cũng có 2 chặng _ có vô số tâm sanh _ có 3 thứ tâm là 1 tâm khai ý môn, 1 trong 2 tâm đại tố thọ xả hợp trí và 1 tâm ngũ thiền sắc giới.

4. Lộ hiện thông (Abhiññāvīthi)

Lộ hiện thông có sát na chuẩn bị và không có sát na chuẩn bị

Diễn trình như sau:

Có sát na chuẩn bị

· Hữu phần rung động (1) > Hữu phần dứt dòng (1) > Khai ý môn (1) > Chuẩn bị (1) > Cận hành (1) > Thuận thứ (1) > Chuyển tộc (1) > Tâm thông (1) > tái diễn Hữu phần tiềm thức.

Không có sát na chuẩn bị

· Hữu phần rung động (1) > Hữu phần dứt dòng (1) > Khai ý môn (1) > Cận hành (1) > Thuận thứ (1) > Chuyển tộc (1) > Tâm thông (1) > tái diễn Hữu phần tiềm thức.

Nhận xét:

Tâm thông hay diệu trí hoặc thắng trí (Abhiññā) là năng lực siêu nhiên của ngũ thiền sắc giới. Có năm loại thông là biến hoá thông (Iddhividhi), tha tâm thông (Cetopariya), túc mạng thông (Pubbenivāsānusati), thiên nhãn thông (Dibbacakkhu) và thiên nhĩ thông (Dibbasota).

Hành giả nhập thiền cơ ngũ thiền với một trong mười đề mục biến xứ (kasiṇa) (chỉ có chứng thiền đề mục biến xứ mới hiện thông được). Sau khi xuất thiền cơ xen vài hữu phần rồi lộ hiện thông khởi lên; Hành giả ước nguyện biến hoá, hay biết tâm người khác, hay nhớ tiền kiếp, hay thấy cảnh sắc vi tế, hay nghe được âm thanh cự nhỏ, nhờ năng lực thiền định nên vị ấy làm được tất cả điều muốn làm.

Có hai thứ tâm thông là thông thiện và thông tố. Hành giả phàm tam nhân và thánh hữu học hiện thông là thông thiện, bậc thánh A la hán hiện thông là thông tố.

Lộ hiện thông thiện có 2 chặng là chặng khai môn và chặng đổng lực (gồm đổng lực dục giới và đổng lực kiên cố) _ có 6 chập tâm là khai môn, chuẩn bị, cận hành, thuận thứ, chuyển tộc, tâm thông; hoặc 5 chập là không có sát na chuẩn bị _ có 3 thứ tâm là 1 tâm khai ý môn, 1 trong 2 tâm đại thiện thọ xả hợp trí, 1 tâm thông thiện.

Lộ hiện thông tố cũng có 2 chặng _ cũng có 6 hoặc 5 chập _ có 3 thứ là 1 tâm khai ý môn, 1 trong 2 tâm đại tố thọ xả hợp trí, 1 tâm thông tố.

Bài học tiếp theo: Bài 27. Lộ ý môn bình nhật _ đặc biệt (tiếp theo)

Về lộ đắc đạo, lộ nhập thiền quả và lộ nhập thiền diệt

Biên soạn giáo trình: Tỳ kheo Tuệ Siêu

KHÔNG VUI NHƯNG NÊN HỌC

Nói Về Thông Không Dễ Hiểu Thông

Khi nói về “hiện thông” trong Thắng Pháp thì có nhiều chỗ khó thông. Một phần vì từ ngữ và một phần do phạm trù được nói tới.

Trước nhất nên nói về ý nghĩa tổng quát của sự “hiện thông” được đề cập riêng trong diễn trình tâm thức. Đó là khả năng siêu nhiên của định lực thiền chứng hay tam muội định. Có hai yếu tố cần có để hiện thông là chứng ngũ thiền và luyện thông.

Những năng lực siêu nhiên không phải chỉ có từ tam muội định mà có thể do sanh loại như chư thiên các cõi trời dục giới, hay do phước duyên đặc biệt, hoặc cũng được ghi nhận do chú thuật.

Khi nói đến “hiện thông” thuộc diễn trình tâm trong thắng pháp chỉ nói tới năm loại (ngũ thông) là: Biến hóa thông (Iddhividhi), thiên nhĩ thông (Dibbasota), tha tâm thông (Cetopariyañāṇa), túc mạng thông (Pubbenivāsānussati), thiên nhãn thông (Dibbacakkhu).

Ngũ thông kể trên đơn thuần là kết quả luyện thông với năng lực thiền chứng ngũ thiền. Còn lục thông được đặc biệt kể cho trường hợp một vị chứng quả a la hán câu phần giải thoát. Mặc dù ngũ thông có nằm trong lục thông nhưng nên nhớ hai trường hợp rất khác nhau. Chư vị a la hán khi đắc tứ quả với lục thông không qua quá trình luyện thông như người chứng ngũ thông do tập luyện y cứ trên tam muội định.

Một điểm thường ngộ nhận trong giới học Phật là cách hiểu tam minh nằm trong lục thông mà một số vị cho rằng túc mạng minh, sanh tử minh và lậu tận minh thuộc là ba trong lục thông tức túc mạng thông, thiên nhãn thông và lậu tận thông. Kỳ thật thì có sự khác biệt giữa thông (Abhiññā) và minh (Vijjā) (mặc dù người đời thường có từ kép chung là … thông minh). Một vị a la hán chứng lục thông là sự thành tựu song hành của tâm giải thoát (thiền định) và tuệ giải thoát. Sự giác ngộ với tam minh, như trường hợp của Đức Phật và một số thánh đệ tử ưu việt, không phải kém cạnh chỉ vì có ba mà không là sáu. Đơn giản giác ngộ với ba minh là sự giác ngộ với khả năng quán triệt pháp giới với sự nhớ biết rõ ràng các chi tiết của nhiều kiếp sống luân hồi quá khứ (túc mạng minh) rồi nhận ra những đầu mối nhân quả tương quan (sanh tử minh) để rồi cuối cùng thấy được chân tướng của vô minh và ái trong trạng thái sâu kín nhất dẫn đến đoạn tận tất cả cội rễ phiền não (lậu tận minh). Nhưng vậy khi nói chứng ngũ thông là đơn thuần nói về năng lực siêu nhiên của định lực tam muội; nói đến chứng lục thông là sự thành tựu của cả hai chỉ và quán (câu phần giải thoát); nói đến chứng ngộ tam minh là sự thành tựu tuệ giác siêu việt với khả năng quán chiếu pháp giới.

Hai chữ diệu trí (Abhiññā) và minh (Vijjā) có thể khiến người học lúng túng. Chữ diệu trí (Abhiññā) được định nghĩa là là sự hiểu biết về kỹ năng trong lúc chữ minh (Vijjā) chỉ cho sự quán triệt chân tướng vạn pháp.

Còn chữ nầy cũng rắc rối nữa: khi nói có thần thông thì hiểu là có ngũ thông nhưng trong thuật ngữ chuyên môn thì thần thông thường được dịch cho chữ Iddhividhi là một trong ngũ thông mà đôi khi cũng gọi là biến hoá thông.

Quan trọng nhất là dùng xài từ vựng nào đi nữa thì điểm quan trọng vẫn là hiểu cho thông.

Biên soạn: Tỳ kheo Giác Đẳng

Ý kiến bạn đọc