Môn học: Thắng Pháp Abhidhamma _ Bài 24. Lộ ý môn bình nhật _ đặc biệt

Môn học: Thắng Pháp Abhidhamma _ Bài 24. Lộ ý môn bình nhật _ đặc biệt

Chủ nhật, 26/09/2021, 12:27 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: Thắng Pháp Abhidhamma

Bài học ngày 26.9.2021


Bài 24. Lộ ý môn bình nhật _ đặc biệt

C. Lộ ý môn bình nhật – đặc biệt

Lộ ý môn đặc biệt là lộ đắc thiền, đắc đạo, nhập thiền, hiện thông …v.v… Những lộ ý môn nầy có đổng lực kiên cố (appanājavaṇa) khởi lên trong diễn trình nên cũng gọi là lộ ý môn đổng lực kiên cố (Appanājavanamonodvāravīthi).

Thật ra, chặng đổng lực (javana) của lộ kiên cố có hai loại là đổng lực dục giới (kāmajavana) và đổng lực kiên cố (appanājavana), nhưng vì các lộ ý môn nầy là đặc biệt có đổng lực kiên cố sanh khởi mà lộ ý thông thường không có nên mới gọi đây là lộ ý môn đổng lực kiên cố.

Đổng lực dục giới trong lộ ý đặc biệt nầy là 8 tâm đổng lực dục giới tịnh hảo tương ưng trí, tức là 4 đại thiện hợp trí và 4 đại tố hợp trí. Giai đoạn đổng lực dục giới trong lộ ý đặc biệt, sanh khởi 4 chập có tên gọi riêng:

1/ Sát na chuẩn bị (parikamma) là tâm sắp xếp cho cân bằng ngũ quyền để trợ tâm kiên cố sanh khởi. Người lợi căn (tikkhindriya) thì trong lộ đắc thiền hay đắc đạo … không có sát na chuẩn bị nầy; Người độn căn (mudindriya) mới có.

2/ Sát na cận hành (upacāra) là tâm đến gần lằn ranh của tâm kiên cố.

3/ Sát na thuận thứ (anuloma) là tâm thuận theo cái tâm trước và cái tâm sau.

4/ Sát na chuyển tộc (gotrabhū) là tâm biến đổi tộc tánh để tiến hoá. Có hai tộc tánh (gotta = gotra) là dục tánh (kāmagotta) và phàm tánh (puthujjanagotta). Tâm chuyển tộc trong lộ đắc thiền đáo đại, là biến đổi dục tính để đạt đến thiền sắc và thiền vô sắc; Tâm chuyển tộc trong lộ đắc sơ đạo sơ quả, là biến đổi phàm tánh để đạt đến trạng thái bậc thánh. Nhưng trong các lộ đắc nhị đạo nhị quả, lộ đắc tam đạo tam quả, lộ đắc tứ đạo tứ quả thì chỗ tâm chuyển tộc nầy không còn gọi vậy mà gọi là sát na khiết hoá (vodāna danh từ củ là tiến bực, dũ tịnh), tức là “thanh tịnh hơn” từ thánh tánh thấp tiến lên thánh tánh cao.

Lại nữa, trong lộ đặc biệt đổng lực dục giới và đổng lực kiên cố có sự tương đồng về trí tuệ, về cảm thọ, về tính chất.

Tương đồng về trí tuệ, đổng lực kiên cố là tâm thiền đáo đại và tâm siêu thế luôn luôn hợp trí nên giai đoạn đổng lực dục giới (chuẩn bị, cận hành, thuận thứ, chuyển tộc) cũng phải là tâm đại thiện _ đại tố hợp trí.

Tương đồng về cảm thọ, trong lộ đắc thiền, nhập thiền… nếu đổng lực thiền và đổng lực siêu thế là thọ hỷ thì đổng lực dục giới (chuẩn bị, cận hành …v.v…) củng phải là đại thiện _ đại tố thọ hỷ; Nếu đổng lực kiên cố là thọ xả thì giai đoạn đổng lực dục giới củng là thọ xả.

Tương đồng về tính chất, trong lộ đắc thiền thiện, lộ đắc đạo (thiện siêu thế) đổng lực kiên cố là thiện thì giai đoạn đổng lực dục giới củng là tâm thiện. Trong lộ đắc thiền, nhập thiền tố… đổng lực kiên cố là tâm tố thì giai đoạn đổng lực dục giới là tâm đại tố.

Về diễn cảnh của những lộ kiên cố nầy, theo Abhidhammatthasaṅgaha là cảnh rõ, theo Paramatthadīpanī là cảnh rất rõ.

Về hình thức diễn tiến thì các lộ kiên cố nầy là lộ chót đổng lực, đổng lực kiên cố (appanājavana).

Lộ ý môn đặc biệt hay lộ ý kiên cố có 7 lộ:

1. Lộ đắc thiền (Ādikammikajhānavīthi)

2. Lộ nhập thiền (Jhānasamāpattivīthi)

3. Lộ nhập thiền cơ (Pādakajhānavīthi)

4. Lộ hiện thông (Abhiññāvīthi)

5. Lộ đắc đạo (Maggavīthi)

6. Lộ nhập thiền quả (Phalasamāpattivīthi)

7. Lộ nhập thiền diệt (Nirodhasamāpattivīthi)

Bài học tiếp theo: Bài 25. Lộ ý môn bình nhật _ đặc biệt (tiếp theo)

                                           Về lộ đắc thiền và lộ nhập thiền

Biên soạn giáo trình: Tỳ kheo Tuệ Siêu

Sự Chuyển Hoá Của Thiền Định và Đạo Quả Theo Phật Pháp

Khái niệm về chứng thiền, đắc đạo trong Phật học đã trở nên phổ biến trong văn hoá dân gian và thường khi được hiểu với nhiều cách khác biệt bởi chính người Phật tử. Thí dụ một số người hiểu rằng sự viên thành chánh quả là sự ban phong của Đức Phật cho những người có nhiều công đức; hay một người đắc đạo thì sẽ có đường huyền thuật qua những phép lạ; thậm chí người ta nghĩ rằng một chúng sanh đắc đạo sẽ không bị luật vô thường chi phối như phàm phu. Thử suy niệm về vài điều sau đây để làm quen với những gì mà kinh điển gọi là chứng thiền hay đắc đạo.

Để hiểu về sự chứng thiền chúng ta thử lấy một đơn cử trong đời sống có những lúc vì lý do gì đó chúng ta cảm thấy hân hoan thư thới. Sau nầy muốn trở lại với tâm trạng đó không phải dễ dàng thể nhập. Hoặc giả tâm đang an bình bổng nhiên có sự chi phối vì sự ồn ào hay khó chịu thì rất khó bình tâm. Phật pháp dạy rõ là sở dĩ người bình thường không dễ dàng xuất nhập một trạng thái tâm nào đó hay giữ tâm không bị giao động trước những chi phối vì thiếu năng lực thuần thục của sự tập trung hay tam muội định (samādhi). Người chứng thiền do sự tôi luyện nên có thể xuất nhập thuần thục những thiền chứng.

Nói về sự đắc đạo thì phải nói đến tuệ giác nhận chân bản chất của cuộc sống. Cái biết của tuệ giác không có thối chuyển trở lại trạng thái cũ. Một thí dụ trong kinh có đề cập như một người mù vốn không có khái niệm về sự khác biệt của màu sắc nên người khác không thể dùng ngôn ngữ để diễn tả cho người đó hiểu. Sau nầy vì một kỳ tích nào đó mà người mù có được mắt sáng thấy được các màu thì từ đó trở đi không bao giờ có nghi hoặc gì về câu hỏi có các màu sắc hay không.

Sách Cổ Học Tinh Hoa có kể rằng có người chưa bao giờ biết về một binh khí có tên là cái ná. Có người khác muốn người đó hiểu về cái ná nên tạm dụng cách sử dụng cung tên để diễn tả. Tuy không thể khiến người kia hình dung rõ ràng hoàn toàn cái ná nhưng cũng có thể tạm hiểu. Khi chúng ta học Thắng Pháp hay Phật Pháp cũng vậy. Có những khái niệm tương đối xa lạ nếu dùng thí dụ quen thuộc sẽ giúp rất nhiều để liên tưởng.

Biên soạn: Tỳ kheo Giác Đẳng

Ý kiến bạn đọc