Môn học: Thắng Pháp Abhidhamma _ Bài 23. Diễn trình Lộ ý môn

Môn học: Thắng Pháp Abhidhamma _ Bài 23. Diễn trình Lộ ý môn

Thứ năm, 23/09/2021, 12:17 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: Thắng Pháp Abhidhamma

Bài học ngày 23.9.2021


Bài 23. Diễn trình Lộ ý môn

Lộ tâm sinh diễn nương ý môn, biết cảnh pháp, gọi là lộ ý môn (manodvāravīthi).

Dòng tâm thức sinh diễn khởi đầu một kiếp sống luôn luôn là lộ ý môn; Đời sống trong thời bình nhật phần lớn sinh hoạt cũng bằng lộ ý môn; Lúc lâm chung của mọi chúng sanh diễn ra lộ ý môn nhiều hơn lộ ngũ môn, Vị A la hán viên tịch hoàn toàn là lộ ý. Như vậy lộ ý môn diễn ra vào ba thời: cận tái tục, bình nhật và cận tử.

· Lộ ý môn thời tái tục (paṭisandhivīthi)

Lộ tâm khởi đầu kiếp sống sau khi tâm tái tục khởi lên, gọi là lộ ý môn thời tái tục khởi lên, gọi là lộ ý môn thời tái tục.

Đây là lộ ý môn cảnh rất rõ, chót đổng lực, không có Hữu phần vừa qua.

Diễn trình như sau:

· Tâm tái tục (1) > Tâm hữu phần (14) > Hữu phần rung động (1) > Hữu phần dứt dòng (1) > Khai ý môn (1) > Đổng lực (7) > tái diễn Hữu phần tiềm thức.

Giải thích: Niêm luật lộ ý môn khách quan khởi đầu tiếp sống diễn ra sau 17 hữu phần, Hữu phần đầu tiên gọi là tâm tái tục (paṭisandhiviññāṇaṃ, kiết sanh thức), kế đến là 14 hữu phần tiềm thức, rồi 1 hữu phần rung động, 1 hữu phần dứt dòng để nhường chỗ cho lộ ý sanh khởi.

Tâm tái tục và hữu phần ấy là 1 trong 19 tâm: 2 tâm quả dục ý thức giới vô nhân thọ xả, 8 tâm quả dục giới hữu nhân, 5 quả sắc giới, 4 quả vô sắc giới.

Đổng lực trong lộ ý môn khởi đầu kiếp sống luôn luôn là tâm tham, dù đối với chúng sanh cảnh khổ hay người kiếp chót cũng thế, vì mới đầu đều dính mắc sanh hữu.

Nhận xét: Lộ nầy có 2 chặng tâm lộ là khai môn và đổng lực _ có 9 chập tâm là 1 khai ý môn và 7 sát na đổng lực _ có 2 trong 9 thứ tâm là tâm khai ý môn và 8 tâm tham.

· Lộ ý môn thời bình nhật (pavittivithi)

Lộ ý môn diễn ra kể từ sau lộ tục sinh cho đến trước lộ cận tử, gọi là lộ ý môn bình nhật.

Lộ ý môn bình nhật có cách:

A. Lộ ý thông thường.

- Là lộ ý diễn ra trong sinh hoạt đời thường để xử lý cảnh, như sanh nối tiếp theo lộ ngũ để nhận định 5 cảnh đã thấy, đã nghe, để ngửi, đã nếm, đã đụng; Hoặc là lộ ý suy nghĩ biết cảnh pháp.

B. Lộ ý chiêm bao.

Là lộ ý diễn ra trong giấc ngủ không liền giấc , thấy cảnh sinh hoạt nhưng không có thật.

C. Lộ ý đặc biệt.

- Là lộ tâm có đổng lực kiên cố hay đổng lực an chỉ, như đắc thiền thông đạo quả …v.v…

A. Lộ ý môn bình nhật _ thông thường

1. Lộ ý môn bình nhật thông thường, cảnh rất rõ, chót mót cảnh, không có Hữu phần vừa qua và có từ một đến năm Hữu phần vừa qua.

Diễn trình như sau:

Lộ không có Hữu phần vừa qua

· Hữu phần rung động (1) > Hữu phần dứt dòng (1) > Khai ý môn (1) > Đổng lực (7) > Mót cảnh (2) > tái diễn Hữu phần tiềm thức.

Lộ có từ một đến năm Hữu phần vừa qua

· Hữu phần vừa qua (1-5) > Hữu phần rung động (1) > Hữu phần dứt dòng (1) > Khai ý môn (1) > Đổng lực (7) > Mót cảnh (2) > tái diễn Hữu phần tiềm thức.

Nhận xét: Lộ ý cảnh rất rõ chót mót cảnh nầy đều có 3 chặng tâm lộ là khai môn, đổng lực và mót cảnh _ có 10 chập tâm là 1 sát na khai ý môn, 7 sát na đổng lực và 2 sát na mót cảnh _ có 41 thứ tâm là 1 tâm khai ý môn, 29 tâm đổng lực dục giới, 11 tâm làm việc mót cảnh. Trường hợp nầy tính ra 6 lộ tâm là 1 lộ không có hữu phần vừa qua và 5 lộ có hữu phần vừa qua (từ một đến năm Hữu phần vừa qua)

2. Lộ ý môn bình nhật thông thường, cảnh rất rõ và rõ, chót đổng lực, không có hữu phần vừa qua và có từ một đến bảy hữu phần vừa qua.

Diễn trình như sau:

Lộ không có Hữu phần vừa qua

· Hữu phần rung động (1) > Hữu phần dứt dòng (1) > Khai ý môn (1) > Đổng lực (7) > tái diễn Hữu phần tiềm thức.

Lộ có một đến bảy Hữu phần vừa qua

· Hữu phần vừa qua (1-7) > Hữu phần rung động (1) > Hữu phần dứt dòng (1) > Khai ý môn (1) > Đổng lực (7) > tái diễn Hữu phần tiềm thức.

Nhận xét: Lộ ý môn cảnh rất rõ và rõ, chót đổng lực nầy đều có 2 chặng tâm lộ là khai môn và đổng lực _ có 8 chập tâm là 1 sát na khai ý môn và 7 sát na đổng lực _ có 30 thứ tâm là 1 tâm khai ý môn, 29 tâm đổng lực dục giới. Trường hợp nầy tính ra được 8 lộ tâm là 1 lộ không có Hữu phần vừa qua và 7 lộ có Hữu phần vừa qua (từ một đến bảy Hữu phần vừa qua)

3. Lộ ý môn bình nhật thông thường, cảnh rất rõ và rõ, chót đổng lực xen Hữu phần khách, không có Hữu phần vừa qua và có từ một đến bảy Hữu phần vừa qua.

Diễn trình như sau:

Lộ không có Hữu phần vừa qua

· Hữu phần rung động (1) > Hữu phần dứt dòng (1) > Khai ý môn (1) > Đổng lực (7) > Hữu phần khách (1) > tái diễn Hữu phần tiềm thức.

Lộ có từ một đến bảy Hữu phần vừa qua

· Hữu phần vừa qua (1-7) > Hữu phần rung động (1) > Hữu phần dứt dòng (1) > Khai ý môn (1) > Đổng lực (7) > Hữu phần khách (1) > tái diễn hữu phần tiềm thức.

Nhận xét: Hữu phần khách như đã có trình bày ở phần lộ ngũ môn, lộ hữu phần khách xảy ra cho người cõi dục có tâm hữu phần tiềm thức thọ hỷ, khi kết thúc đổng lực thọ ưu thì có một tâm hữu phần thọ xả xen vào để dung hoà giữa ưu và hỷ. Tất cả lộ ý có hữu phần khách nầy đều có 2 chặng tâm khách quan là khai môn và đổng lực _ có 8 chập tâm là một sat na khai ý môn và 7 sát na đổng lực _ có 3 thứ tâm là một tâm khai ý môn và 2 tâm sân; Tâm hữu phần khách là một trong 6 tâm quả dục ý thức giới thọ xả và tâm hữu phần tiềm thức đây là một trong 4 tâm hữu phần dục giới thọ hỷ. Trường hợp nầy tính ra được 8 lộ tâm là một lộ không có Hữu phần vừa qua và 7 lộ có Hữu phần vừa qua (từ một đến bảy Hữu phần vừa qua).

4. Lộ ý môn bình nhật thông thường, cảnh mờ, chót khai môn, có hai và ba khai ý môn, trường hợp nầy không có Hữu phần vừa qua.

Diễn trình như sau:

· Hữu phần rung động (1) > Hữu phần dứt dòng (1) > Khai ý môn (2-3) > tái diễm Hữu phần tiềm thức.

Nhận xét: Hai lộ nầy chỉ có một chặng tâm khách quan là khai môn _ 2 hoặc 3 chập khai ý môn _ 1 thứ tâm là tâm khai ý môn. Hai lộ nầy được gọi là lộ cảnh mờ, tức là cảnh không rõ, lúc không suy nghĩ được gì bởi chỉ có 1 thứ tâm lộ khai ý môn khởi lên thôi. Đây chỉ là sự diễn tiến theo thực tính pháp, nói cho có đủ các trường hợp sinh diễn lộ trình tâm.

5. Lộ ý môn bình nhật thông thường, cảnh rất mờ, chót không, hai chập hữu phần rung động.

Diễn trình như sau:

· Hữu phần tiềm thức > Hữu phần rung động > Hữu phần rung động > trở lại Hữu phần tiềm thức.

Nhận xét: Trường hợp nầy không diễn ra lộ tâm khách quan nhưng được kể vào diễn trình tâm vì vẫn có có cảnh hiện ra dù rất mờ, tức là rất không rõ (ati_avibhūtaṃ). Không có chặng _ không có chập tâm khách quan _ không có thứ tâm sanh.

B. Lộ ý môn bình nhật _ chiêm bao

Lộ tâm chiêm bao là diễn trình tâm khởi lên trong khi ngủ không liền giấc, nghĩa là không phải giấc ngủ sâu.

Lộ tâm chiêm bao chỏ xảy ra ở thời bình nhật, không có trong thời tục sinh hay thời cận tử.

Nhân sanh lộ chiêm bao có bốn: (1) Pubbanimitta, điềm nghiệp báo trước. (2) Anubhūtabubba, bị tác động bỏi sinh hoạt ban ngày. (3) Devatopasaṃharaṇa, do chư thiên báo mộng. (4) Dhātukhobha, do bốn đại bất hoà.

Chỉ có 4 hạng phàm nhân và 3 bậc thánh hữu học mới sanh lộ chiêm bao, bậc Lậu tận không có chiêm bao.

Lộ chiêm bao chỉ có ở cõi nhân loại, bàng sanh ngạ quỉ và A tu la. Cõi địa ngục thọ khổ suốt nên không ngủ được, cõi chư thiên phạm thiên thì hưởng lạc đặc biệt nên cũng không ngủ.

Tâm thiện và tâm bất thiện trong lộ chiêm bao không thành nghiệp tạo quả dị thục.

Lộ chiêm bao chót mót cảnh và chót đổng lực, là giấc mơ cảnh rõ và rất rõ, thức dậy còn nhớ được giấc chiêm bao; lộ chiêm bao chót khai môn và chót không là giấc mơ không đạt đến sự hưởng cảnh vì thế không nhớ biết gì khi thức giấc.

1. Lộ chiêm bao cảnh rất rõ, chót mót cảnh có Hữu phần vừa qua và không có Hữu phần vừa qua.

Diễn trình như sau:

Lộ có Hữu phần vừa qua

· Hữu phần vừa qua (1) > Hữu phần rung động (1) > Hữu phần dứt dòng (1) > Khai ý môn (1) > Đổng lực (7) > Mót cảnh (2) > tái diễn Hữu phần tiềm thức.

Lộ không có Hữu phần vừa qua

· Hữu phần rung động (1) > Hữu phần dứt dòng (1) > Khai ý môn (1) > Đổng lực (7) > Mót cảnh (2) > tái diễn Hữu phần tiềm thức.

Nhận xét: Cả hai lộ chiêm bao chót mót cảnh đều có 3 chặng tâm khách quan là khai môn, đổng lực và mót cảnh _ có 10 chập tâm là 1 sát na khai ý môn, 7 sát na đổng lực và 2 sát na mót cảnh _ có 32 thứ tâm là 1 tâm khai ý môn, 12 tâm bất thiện 8 tâm đại thiện và 11 tâm mót cảnh.

2. Lộ chiêm bao cảnh rất rõ và rõ, chót đổng lực, có Hữu phần vừa qua và không có Hữu phần vừa qua.

Diễn trình như sau:

Lộ có Hữu phần vừa qua

· Hữu phần vừa qua (1) > Hữu phần rung động (1) > Hữu phần dứt dòng (1) > Khai ý môn (1) > Đổng lực (7) > tái diễn Hữu phần tiềm thức.

Lộ không có Hữu phần vừa qua

· Hữu phần rung động (1) > Hữu phần dứt dòng (1) > Khai ý môn (1) > Đổng lực (7) > tái diễn Hữu phần tiềm thức.

Nhận xét: Cả hai lộ chiêm bao chót đổng lực đều có 2 chặng tâm khách quan là khai môn và đổng lực _ có 8 chập tâm là 1 sát na khai ý môn và 7 sát na đổng lực _ có 21 thứ tâm là 1 tâm khai ý môn, 12 tâm bất thiện và 8 tâm đại thiện.

3. Lộ chiêm bao cảnh rất rõ và rõ, xen Hữu phần khách, có Hữu phần vừa qua và không có Hữu phần vừa qua.

Diễn trình như sau:

Lộ có Hữu phần vừa qua

· Hữu phần vừa qua (1) > Hữu phần rung động (1) > Hữu phần dứt dòng (1) > Khai ý môn (1) > Đổng lực (7) > Hữu phần khách (1) > tái diễn Hữu phần tiềm thức.

Lộ không có Hữu phần vừa qua

· Hữu phần rung động (1) > Hữu phần dứt dòng (1) > Khai ý môn (1) > Đổng lực (7) > Hữu phần khách (1) > tái diễn Hữu phần tiềm thức.

Nhận xét: Cả hai lộ chiêm bao xen giữa hữu phần khách đều có 2 chặng tâm khách quan là khai môn và đổng lực _ có 8 chập tâm là một sát khai ý môn và 7 sát na đổng lực, nếu kể thêm 1 sát na Hữu phần khách thì lộ nầy có 9 chập _ có 3 thứ tâm là 1 tâm khai ý môn và 2 tâm sân. Hữu phần khách là một trong 6 quả dục ý thức giới xả thọ; Hữu phần tiềm thức trường hợp nầy là 1 trong 4 tâm đại quả thọ hỷ.

4. Lộ chiêm bao cảnh mờ, chót khai môn, không có Hữu phần vừa qua.

Diễn trình như sau:

· Hữu phần rung động (1) > Hữu phần dứt dòng (1) > Khai ý môn (3) > tái diễn Hữu phần tiềm thức.

Nhận xét: Lộ chiêm bao cảnh mờ nầy chỉ có 1 chặng tâm khách quan là khai ý môn _ có 3 chập tâm là 3 sát na khai ý môn _ có 1 thứ tâm là tâm khai ý môn.

5. Lộ chiêm bao cảnh rất mờ, chót không, không có Hữu phần vừa qua.

Diễn trình như sau:

· Hữu phần tiềm thức > Hữu phần rung động > Hữu phần rung động > Hữu phần rung động > trở lại Hữu phần tiềm thức.

Nhận xét: Lộ chiêm bao cảnh rất mờ nầy vì không sanh khởi được tâm khách quan nên không tính chặng tâm _ không tính chập tâm _ không tính thứ tâm. Đây chỉ là nói theo thực tính pháp mới kêu là lộ tâm chiêm bao vậy thôi.

Biên soạn giáo trình: Tỳ kheo Tuệ Siêu

Thắng Pháp nêu lên những chi tiết rất tết nhị về tâm khởi đầu kiếp sống, tâm cùng của kiếp sống, và dòng tiềm thức tồn tại trong cuộc sống hằng ngày. Để đề tài được hiểu với sự nối kết giữa những câu hỏi thường thức và Phật học chúng ta thử dùng Thắng Pháp thảo luận những câu hỏi nêu ra sau đây được trích từ quyển Đức Phật và Phật Pháp (The Buddha and His Teachings) Hòa thượng Narada, 1980, Phạm Kim Khánh dịch Việt, 1998.

Chương 24: Do đâu tin có Tái Sanh?

Nghiệp Báo và Tái Sanh giải thích những gì?

Thuyết Nghiệp Báo và Tái Sanh giải thích:

1. Vấn đề đau khổ mà chính ta phải chịu trách nhiệm;

2. Tình trạng chênh lệch tựa hồ như bất công giữa người và người;

3. Sự hiện hữu của những bậc vĩ nhân và những thần đồng;

4. Tại sao hai trẻ sanh đôi giống nhau y hệt về mặt vật chất, được nuôi dưỡng y như nhau, mà lại có những đặc tính hoàn toàn khác biệt về mặt tinh thần, đạo đức và trí tuệ;

5. Tại sao trong một gia đình, nếu theo định luật truyền thống thì con cái phải giống nhau hết, mà trong thực tế thì lại khác;

6. Tại sao có những người có khiếu đặc biệt:

7. Tại sao cha mẹ và con cái lại có những đặc tính khác nhau về mặt đạo đức và trí tuệ;

8. Tại sao trẻ con lại có những tật xấu như tham lam, sân hận, ganh tỵ;

9. Tại sao khi gặp một người nào lần đầu tiên, ta đã có thiện cảm hay ác cảm;

10. Tại sao trong mỗi người lại có tiềm tàng ngủ thầm "một kho tàng đức hạnh và một hầm tật xấu";

11. Tại sao có sự thay đổi bất ngờ, bậc thiện trí thức trở thành tầm thường hay kẻ sát nhân bổng nhiên đổi tánh, sống như bậc thánh;

12. Tại sao có trường hợp cha mẹ hiền lương mà sanh con hung ác, trái lại cha mẹ hung dữ lạisanh con nhân từ;

13. Tại sao, một đàng, ta như thế nào trong hiện tại là do ta đã như thế nào trong quá khứ, và ta sẽ như thế nào trong tương lai là do ta như thế nào trong hiện tại; theo một đàng khác, trong hiện tại ta như thế nào không hoàn toàn bởi vì trong quá khứ ta đã như thế nào và trong tương lai ta sẽ như thế nào cũng không hoàn toàn tùy thuộc nơi chúng ta như thế nào trong hiện tại;

14. Tại sao có những cái chết đột ngột và có sự thay đổi bất ngờ về tài sản sự nghiệp;

15. Và trên tất cả, thuyết Nghiệp Báo và Tái Sanh giải thích vì sao có bậc toàn giác, những bậc giáo chủ toàn thiện như chư Phật, với đầy đủ đức tánh vật lý, tinh thần và trí tuệ.

Biên soạn: Tỳ kheo Giác Đẳng

Ý kiến bạn đọc