Môn học: Thắng Pháp Abhidhamma _ Bài 22. Diễn trình lộ ngũ môn

Môn học: Thắng Pháp Abhidhamma _ Bài 22. Diễn trình lộ ngũ môn

Chủ nhật, 19/09/2021, 09:47 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: Thắng Pháp Abhidhamma

Bài học ngày 19.9.2021


Bài 22. Diễn trình lộ ngũ môn

Năm lộ là lộ nhãn môn, lộ nhĩ môn, lộ tỷ môn, lộ thiệt môn, lộ thân môn, gọi chung là lộ ngũ môn có diễn trình giống nhau nên trình bày một lượt.

Lộ ngũ môn chỉ xảy ra ở thời bình nhật (pavattikāla) và thời cận tử (maraṇāsannakāla).

· Lộ ngũ môn bình nhật (pañcadvārapavattivīthi)

1. Lộ ngũ môn bình nhật, cảnh rất lớn, chót mót cảnh, một hữu phần vừa qua.

Diễn trình như sau:

· Hữu phần vừa qua (1) > Hữu phần rung động (1) > Hữu phần dứt dòng (1) > Khai ngũ môn (1) > Ngũ thức (1) > Tiếp thâu (1) > Quan sát (1) > Xác định (1) > Đổng lực (7) > Mót cảnh (2) > tái diễn Hữu phần tiềm thức.

Nhận xét: lộ ngũ môn nầy có 7 chặng (sở tâm) tính từ tâm khách quan sanh khởi (khai ngũ môn).

Có 14 chập là sát na khai ngũ môn, sát na nhãn thức (hoặc nhĩ thức …v.v…), sát na tiếp thâu, sát na quan sát, sát na xác định, bảy sát na đổng lực, hai sát na mót cảnh.

Có 7 thứ tâm là thực tế tâm đang sanh theo 7 sở, nói rộng thì lộ nầy có 54 tâm dục giới, vì sở ngũ là 1 trong 10 thức, sở tiếp thâu là 1 trong 2 tâm tiếp thâu, sở quan sát là 1 trong 3 tâm quan sát, sở đổng là 1 trong 29 tâm đổng lực dục giới, sở mót cảnh là 1 trong 11 tâm dục ý thức giới quả.

2. Lộ ngũ môn bình nhật, cảnh rất lớn, chót đổng lực, một hữu phần vừa qua.

Diễn trình như sau:

· Hữu phần vừa qua (1) > Hữu phần rung động (1) > Hữu phần dứt dòng (1) > Khai ngũ môn (1) > Ngũ thức (1) > Tiếp thâu (1) > Quan sát (1) > Xác định (1) > Đổng lực (7) > tái diễn Hữu phần tiềm thức.

Nhận xét: Lộ ngũ môn nầy có 6 chặng (sở tâm khách quan). Có 12 chập (sát na tâm khách quan). Có 6 thứ tâm thực tế, tổng quát thì có 46 tâm dục giới không có 8 đại quả.

3. Lộ ngũ môn bình nhật, cảnh rất lớn, chót đổng lực, một hữu phần vừa qua. Kết thúc đổng lực có xen Hữu phần khách (āgantukabhavaṅga).

Diễn trình như sau:

· Hữu phần vừa qua (1) > Hữu phần rung động (1) > Hữu phần dứt dòng (1) > Khai ngũ môn (1) > Ngũ thức (1) > Tiếp thâu (1) > Quan sát (1) > Xác định (1) > Đổng lực (7) > Hữu phần khách (1) > tái diễn Hữu phần tiềm thức.

Giải thích: Đối với người ở cõi dục giới, có tâm hữu phần thọ hỷ (do tục sinh bằng tâm thọ hỷ), gặp cảnh rất lớn và rất tốt, nhưng sanh đổng lực thọ ưu , thì sau khi kết thúc đổng lực thọ ưu sẽ có một tâm hữu phần xa lạ thọ xả sanh khởi một chập để dung hoà giữa hoạt thức thọ ưu với tiềm thức thọ hỷ. Tâm hữu phần xa lạ ấy gọi là Hữu phần khách (āgantukabhavaṅga).

Nhận xét: Lộ ngũ môn hữu phần khách nầy cũng có 6 chặng tâm lộ. Có 6 thứ tâm hiện hành (mỗi chặng mỗi thứ), tính tổng quát thì có 11 thứ tâm là chặng khai ngũ môn 1 tâm, chặng thức 1 trong 5 thức quả thiện, chặng tiếp thâu 1 tâm tiếp thâu quả thiện, chặng quan sát 1 tâm quan sát quả thiện thọ hỷ, chặng xác định 1 tâm tố vô nhân ý thức giới thọ xả, chặng đổng lực là 1 trong 2 tâm sân; Riêng về sát na hữu phần khách là 1 trong 6 tâm. Có 12 chập, kể luôn Hữu phần khách là 13.

4. Lộ ngũ môn bình nhật, cảnh lớn, chót đổng lực, hai đến ba hữu phần vừa qua.

Diễn trình như sau:

· Hữu phần vừa qua (2-3) > Hữu phần rung động (1) > Hữu phần dứt dòng (1) > Khai ngũ môn (1) > Ngũ thức (1) > Tiếp thâu (1) > Quan sát (1) > Xác định (1) > Đổng lực (7) > tái diễn Hữu phần tiềm thức.

Nhận xét: Lộ ngũ môn nầy cũng có 6 chặng tâm khách quan như lộ cảnh rất lớn chót đổng lực, chỉ khác nhau là cảnh rất lớn có 1 hữu phần vừa qua, cảnh lớn ở đây có 2 hoặc 3 hữu phần vừa qua. Lộ nầy có 6 thứ tâm hiện hành, tính tổng quát thì có 46 thứ tâm vì không có 8 tâm đại quả. Lộ nầy khởi lên 12 chập (sát na tâm khách quan).

5. Lộ ngũ môn bình nhật, cảnh lớn, chót đổng lực, có hai hay ba hữu phần vừa qua. Kết thức đổng lực có xen hữu phần khách.

Diễn trình như sau:

· Hữu phần vừa qua (2-3) > Hữu phần rung động (1) > Hữu phần dứt dòng (1) > Khai ngũ môn (1) > Ngũ thức (1) > Tiếp thâu (1) > Quan sát (1) > Xác định (1) > Đổng lực (7) > Hữu phần khách (1) > tái diễn Hữu phần tiềm thức.

Giải thích: lộ ngũ môn cảnh lớn có hữu phần khách nầy cũng xảy ra với người cõi dục giới, có hữu phần tiềm thức là thọ hỷ, sanh đổng lực thọ ưu, đối tượng lớn không kể là cảnh tốt hay cảnh xấu. Về ý nghĩa hữu phần khách cũng giống như đã giải trong lộ hữu phần khách cảnh rất lớn (lộ số 3).

Nhận xét: Lộ nầy cũng có 6 chặng, 13 chập tâm giống như lộ hữu phần khách cảnh rất lớn; Nhưng về thứ tâm thì nhiều hơn vì không giới hạn cảnh tốt xấu, trên thực tế là 6 thứ (cho 6 chặng), tính tổng quát thì có 19 thứ là 1 tâm khai ngũ môn, 10 thức tâm, 2 tâm thẩm tấn, 3 tâm quan sát, 1 tâm xác định, 2 tâm đổng lực sân, nếu kể thêm 6 tâm làm hữu phần khách thì có 25 thứ tất cả.

6. Lộ ngũ môn bình nhật, cảnh nhỏ, chót xác định, có từ bốn đến chín hữu phần vừa qua.

Diễn trình như sau:

· Hữu phần vừa qua (4-9) > Hữu phần rung động (1) > Hữu phần dứt dòng (1) > Khai ngũ môn (1) > Ngũ thức (1) > Tiếp thâu (1) > Quan sát (1) > Xác định (3) > tái diễn Hữu phần tiềm thức.

Giải thích: Vì là cảnh nhỏ nên hiện ra chậm phải kéo dài từ bốn hữu phần vừa qua, đến năm … đến chín chập mới tác động tâm khách quan sanh khởi được, và vì cảnh yếu nên tâm xác định kéo níu cảnh đến ba chập mới chìm vào hữu phần tiềm thức.

Nhận xét: Lộ nầy chỉ có năm chặng tâm khách quan; 7 chập tâm lộ; 17 thứ là khai ngũ môn 1, Ngũ thức 1 trong 10 thức tâm, Tiếp thâu 1 trong 2 tâm tiếp thâu, Quan sát 1 trong 3 tâm quan sát, xác định 1 là tâm tố vô nhân ý thức giới thọ xả.

7. Lộ ngũ môn bình nhật, cảnh rất nhỏ, chót không, có từ 10 đến 16 hữu phần vừa qua.

Diễn trình như sau:

· Hữu phần vừa qua (10 -16) > Hữu phần rung động (3) > tái diễn Hữu phần tiềm thức.

Giải thích: gọi là chót không (moghavāra) kỳ thật không diễn trình lộ tâm thì làm sao có kết thúc tâm lộ nào, nhưng gọi vậy cho biết có một trường hợp diễn cảnh không xảy ra lộ tâm. Nhưng không xảy ra lộ tâm sao gọi là lộ ngũ môn? Gọi như vậy vì căn cứ vào sự xuất hiện năm cảnh theo năm ngõ.

Do cảnh rất nhỏ không đủ sức tác động tâm lộ khách quan, chỉ làm rung động hữu phần tiềm thức, nên trường hợp nầy không kể được chặng tâm, chập tâm và thứ tâm, vì không thành lộ tâm.

· Lộ ngũ môn cận tử (pañcadvāramaraṇāsannavīthi)

Lộ ngũ môn vẫn có thể xảy ra lúc lâm chung. Có người vừa thấy cái gì, nghe tiếng gì …v.v… liền chết không kịp nghĩ suy, chấm dứt mạng sống bằng lộ tâm ngũ môn. Gọi đó là lộ ngũ môn cận tử.

Chỉ có người phàm và thánh hữu học mới chết bằng lộ tâm ngũ môn, do đó khi tâm tử (cuticitta) diệt liền sanh tâm tái tục (paṭisandhicitta) ở kiếp sống mới.

Về diễn cảnh, diễn cảnh của lộ ngũ môn cận tử luôn luôn là cảnh rất lớn, nên lộ nào cũng chỉ có một hữu phần vừa qua.

Lộ ngũ môn cận tử, có hai trường hợp là chót mót cảnh và chót đổng lực.

Mỗi trường hợp lại có hai hình thức là có xen hữu phần rồi tử, không xen hữu phần mà tử.

Như vậy, lộ ngũ môn cận tử có bốn diễn trình:

(1) Lộ ngũ môn cận tử chót mót cảnh, tử liền.

(2) Lộ ngũ môn cận tử chót mót cảnh, xen hữu phần rồi tử.

(3) Lộ ngũ môn cận tử chót đổng lực, tử liền.

(4) Lộ ngũ môn cận tử chót đổng lực, xen hữu phần rồi tử.

1. Lộ ngũ môn cận tử chót mót cảnh, tử liền.

Diễn trình như sau:

· Hữu phần vừa qua (1) > Hữu phần rung động (1) > Hữu phần dứt dòng (1) > Khai ngũ môn (1) > Ngũ thức (1) > Tiếp thâu (1) > Quan sát (1) > Xác định (1) > Đổng lực (5) > Mót cảnh (2) > Tâm tử (1) > Tâm tái tục kiếp mới.

Giải thích: Đổng lực thông thường sanh bảy chập nhưng trong lộ cận tử thì đổng lực sanh khởi năm chập (có ba trường hợp động lực chỉ sanh năm chập: lộ hiện song thông, lộ sắp ngất xỉu và lộ mệnh chung). Với người còn luân hồi, tâm tử vừa diệt liền khởi lên tâm tục sinh, sát na tử trợ sát na tái tục bằng vô gián duyên. (Theo Abhidhamma truyền thống kinh điển pāli không có thuyết “thân trung ấm” sau khi chết phải qua 49 ngày mới tái sanh).

Nhận xét: lộ ngũ môn cận tử có 7 chặng tâm từ khai môn đến mót cảnh _ có 12 chập tâm và 1 khai ngũ môn, 1 thức tâm, 1 tiếp thâu, 1 quan sát, 1 xác định, 5 đổng lực, 2 mót cảnh _ có 45 thứ là tâm dục giới trừ ra 9 tâm tố ưng cúng.

2. Lộ ngũ môn cận tử chót mót cảnh, xen hữu phần rồi tử.

Diễn trình như sau:

· Hữu phần vừa qua (1) > Hữu phần rung động (1) > Hữu phần dứt dòng (1) > Khai ngũ môn (1) > Ngũ thức (1) > Tiếp thâu (1) > Quan sát (1) > Xác định (1) > Đổng lực (5) > Mót cảnh (2) > Hữu phần (1) > Tâm tử (1) > Tâm tái tục kiếp mới.

Giải thích: Lộ cận tử nầy chỉ khác với lộ cận tử trước ở điểm là có xen hữu phần giữa tâm mót cảnh với tâm tử. Trường hợp xen hữu phần, Ngài Saddhammajotika đã giải thích, việc hữu phần sanh khởi xen vào giữa tâm mót cảnh và tâm tử là do nguyên tắc giãn thời gian cho sắc nghiệp diệt cùng lúc với sát na diệt của tâm tử.; sắc nghiệp sanh lần cuối vào sát na sanh của tâm thứ 17, từ tâm tử đếm lui, nếu lộ tâm cận tử kết thúc sớm hơn 17 thì phải có xen hữu phần để tâm tử ở vị trí 17 cho sắc nghiệp đã sanh lần cuối ấy sẽ diệt đồng thời với tâm tử. Và do đó hữu phần xen giãn cách nầy có thể sanh ít hay nhiều chập tuỳ theo nữa.

Nhận xét: lộ thứ 2 nầy cũng có 7 chặng _ 12 chập _ 45 thứ tâm, giống như lộ ngũ môn cận tử 1.

3. Lộ ngũ môn cận tử chót đổng lực, tử liền.

Diễn trình như sau:

· Hữu phần vừa qua (1) > Hữu phần rung động (1) > Hữu phần dứt dòng (1) > Khai ngũ môn (1) > Ngũ thức (1) > Tiếp thâu (1) > Quan sát (1) > Xác định (1) > Đổng lực (5) > Tâm tử (1) > Tâm tái tục kiếp mới.

Nhận xét: Lộ nầy có 6 chặng vì không có chặng mót cảnh _ có 10 chập _ có 37 thứ tâm là 1 tâm khai ngũ môn, 10 tâm thức giới, 2 tâm tiếp thâu, 3 tâm quan sát, 1 tâm xác định, 20 tâm đổng lực dục giới ngoài đổng lực ứng cúng.

4. Lộ ngũ môn cận tử chót đổng lực, xen hữu phần rồi tử.

Diễn trình như sau:

· Hữu phần vừa qua (1) > Hữu phần rung động (1) > Hữu phần dứt dòng (1) > Khai ngũ môn (1) > Ngũ thức (1) > Tiếp thâu (1) > Quan sát (1) > Xác định (1) > Đổng lực (5) > Hữu phần (1) > Tâm tử (1) > Tâm tái tục kiếp mới.

Nhận xét: Lộ thứ 4 nầy cũng có 6 chặng _ 10 chập _ 37 thứ tâm giống như lộ ngũ môn cận tử thứ 3 trước.

Biên soạn giáo trình: Tỳ kheo Tuệ Siêu

Không Nên Lấy Quan Niệm Thường Thức Để Học Diễn Trình Tâm

Hiện tượng vật chất được biết qua khoa học ngày nay vô cùng tế nhị như được trình bày qua các môn hoá học, vật lý… Tâm thức so với vật chất vi tế và khó tưởng tượng hơn nhiều. Lấy thí dụ một người bình thường nghe nói về “chất sắt (iron)” để cùng tạo một loại protein của hồng huyết cầu mang oxy cho bắp thịt và hormone trong người. Danh từ “chất sắt” có thể khiến người ta nghĩ tới kim loại không liên hệ tới cơ thể. Đây là một đề tài tuy rất gần gủi nhưng không đơn giản để trình bày nói gì tới tâm thức. Đặc biệt là tâm thức theo Thắng Pháp Abhidhamma.

Tâm nào cũng biết cảnh nhưng có sự khác biệt giữa tiềm thức và hoạt thức. Tiềm thức là cách gọi dễ hiểu cho tâm hữu phần hay tâm hộ kiếp được dịch từ chữ bhavaṅga. Tiềm thức là tâm biết cảnh theo cách trạng lại của tâm tục sinh và sanh khởi do năng lực của trì nghiệp. Tiềm thức có một số ảnh hưởng cuộc sống hằng ngày như cá tánh hay tư chất nhưng mang tánh tiềm tàng. Hoạt thức thì ngược lại là tâm sanh khởi làm gián đoạn sự tồn tại liên tục của tiềm thức. Hoạt thức mở ra những tâm cảnh mới trong những diễn trình có cấu trúc phức tạp rất nhiều so với tiềm thức. Trong những giáo trình Thắng Pháp từ trước tiềm thức thường được gọi là tâm chủ quan và hoạt thức là tâm khách quan. Trên phương diện thuần tuý ngôn ngữ thì hai chữ chủ quan và khách quan không tinh xác lắm cho trường hợp nầy.

Hoạt thức sanh khởi từng chập theo diễn trình và xen lẫn bởi tiềm thức. Do tánh cách tự nhiên của tâm pháp, một diễn trình tâm dài nhất (ngoại trừ diễn trình tâm nhập thiền) thì số sát na tâm trong một diễn trình giới hạn trong con số sát na như 17 sát na. Trước đó và sau đó là sự sanh khởi và xen lẫn của các sát na tiềm thức. Nói như vậy nghĩ là một người ngắm nhìn đoá hoa đẹp nở trong vài phút thì phải trong suốt thời gian đó không chỉ có hoạt thức mà vô số diễn trình tâm sanh khởi và cách khoảng bởi những tâm tiềm thức.

Đừng nói thực và mộng mà nên nói về chân đế và thi thiết. Theo Thắng Pháp, khi ngắm một bức tranh thì đường nét, màu sắc được ghi nhận bởi con mắt đó là cảnh chân đế (thực thể); khi thưởng thức đó là tranh truyền chân, lập thể, thuỷ mạc …v.v… thì đó là thi thiết hay khái niệm định đặt. Thi thiết không là thực thể cũng không là mộng mị. Điều nầy phải đặc biệt cẩn trọng. Những khái niệm về đàn ông, đàn bà, chư thiên, nhân loại …v.v… đều là thi thiết nhưng không vô thưởng vô phạt như mộng mị. Trong diễn trình tâm thức thường có cả hai cảnh chân đế và cảnh thi thiết.

Trong thế giới vĩ mô, sự nhận thức và phải ứng đối với cảnh không bao giờ hoàn tất chỉ trong một diễn trình tâm. Có hằng triệu triệu sát na tâm sanh diệt trong một tích tắc. Như vậy có rất nhiều diễn trình tâm sanh khởi trong thời gian nầy. Một diễn trình tâm có nhiều chặng như diễn trình ngũ môn ấn tượng mạnh (cảnh rất lớn) có tới 17 sát na cũng chưa đủ để nhận rõ cảnh mà phải lập đi lập lại như những chu kỳ tái tục để tâm có thể nhận rõ, phản ứng và hành động.

Biên soạn: Tỳ kheo Giác Đẳng

Ý kiến bạn đọc