Môn học: Phật Pháp Cơ Bản | Phần II: Phật Pháp - NGHIỆP BÁO - SỐNG VỚI NIỀM TIN NGHIỆP BÁO

Thứ hai, 20/02/2023, 16:30 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: Phật Pháp Cơ Bản

Bài học ngày 20.2.2023


Phần II: Phật Pháp

NGHIỆP BÁO

SỐNG VỚI NIỀM TIN NGHIỆP BÁO

Từ sự học hiểu nghiệp báo cho đến áp dụng cụ thể vào đời sống thực tế là điều không đơn giản. Có rất nhiều khía cạnh và tuỳ vào căn cơ mỗi cá nhân để sự kiến thức và sự thực hành bổ sung cho nhau. Trên phương diện tâm lý, đôi khi niềm tin nghiệp báo cũng tạo nên sự ngần ngại hay mặc cảm đối với sở hành của bản thân. Trong phần nầy đặc biệt nói về thái độ đối với những nghiệp bất thiện hay hành động sai quấy mà chúng ta nhận thấy ở bản thân mình. Bởi vì nói về sự thực hành cụ thể nên trích lục từ Luật Tạng, một phần quan trọng của kinh điển, chứa đựng những ý nghĩa liên quan tới hành vi.

Có một thuật ngữ nên biết khi nói về nghiệp đó là Paṭikamma. Từ nầy đôi khi được dịch là sám hối, phát lộ. Khái niệm nầy ngày nay do ảnh hưởng của Thiên Chúa Giáo người ta cũng hiểu như xưng tội và rửa tội. Tất nhiên để hiểu chính xác thì không đơn giản. Câu hỏi đặt ra là nếu một người đã tạo nghiệp bất thiện thì có cách gì để tẩy xoá hay chuyển nghiệp không? Phải rất cẩn thận với câu trả lời.

Nếu nói là sự sám hối hoàn toàn vô ích vì “đã làm thì không thể không trả quả” là cách nói cực đoan. Còn bảo rằng “sám hối sẽ hết tội” thì là một cực đoan khác. Giáo lý nghiệp báo trong Tam Tạng dạy rõ là không ai có thể “xoá tất cả nghiệp bằng sự sám hối” mà chỉ có thể vượt thoát tất cả khi chứng đắc vô dư y niết bàn. Nhưng không phải vì vậy mà sự sám hối thành vô nghĩa và không mang giá trị thiết thực.

Trước hết hãy nói về sám hối. Theo Luật Tạng và Kinh Tạng thì có ba hình thức sám hối:

a. Sám hối những lầm lỗi nào đã tạo (āpatti-paṭikamma). Đây là điều được tìm thấy nhiều trong sự hành trì giới bổn của người xuất gia. Nói lên sự tôn kính đối với những nguyên tắc tốt đẹp, cụ thể là giới bổn. Sự sám hối nầy có thể đơn cử hoặc nói chung chung. Đây cũng là sự thể hiện tâm thành phục thiện đối với lầm lỗi lớn nhỏ.

b. Sám hối bằng cách thỉnh cầu chỉ giáo đối với những khuyết điểm bản thân (pavāraṇā-kamma). Trong từ vựng chuyên môn cũng gọi là “tự tứ”. Khó có ai toàn hảo về mọi mặt. Lời thỉnh cầu sự chỉ điểm những sai phạm tự hội chúng là thể thiện hiện cao nhất sự chân thành cải thiện bản thân.

c. Sám hội bằng cách bày tỏ sự ăn năn với sự sai quấy nghiêm trọng nào đó đã làm (accaya-desanā). Điều nầy bao gồm sự phát lộ hành vi bất thiện, nhận biết đó là điều sai quấy, và xin được ghi nhận. Thí dụ như trường hợp vua Ajāsattu (A Xà Thế) xin sám hội trước Đức Phật về tội giết cha của mình.

Những cách sám hối kể trên có hiệu ứng quan trọng đối với nhân quả nghiệp báo bản thân. Và điều nầy là một phần quan trọng của pháp tinh tấn không giải đãi (appamāda) vốn không thể thiếu trong đời sống tu tập.

Sự chuyển nghiệp có thể hiểu một cách cô đọng qua câu kinh Pháp Cú 173:

"Ai dùng các hạnh lành,

Làm xóa mờ nghiệp ác,

Chói sáng rực đời này,

Như trăng thoát mây che.

(Bản dịch của HT Thích Minh Châu)

Trong một đoạn kinh khác, có Phật ngôn về khả tính chuyển hoá nghiệp qua thí dụ muối và nước. Muối như nghiệp bất thiện. Nước như là thiện nghiệp. Nếu sống với thiện hạnh to lớn thì những quả nghiệp bất thiện nhỏ không ảnh hưởng nhiều như một nắm muối không thể làm mặn một giòng sông (Tăng Chi Bộ A. II. 361).

Bài tiếp theo: Nghiệp Giải Thoát Nghiệp

Tỳ khưu Giác Đẳng biên soạn

Ý kiến bạn đọc