Môn học: Phật Pháp Cơ Bản - Phần II: Phật Pháp - Khổ Đế

Thứ hai, 25/04/2022, 18:11 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: Phật Pháp Cơ Bản

Bài học ngày 25.4.2022


Phần II: Phật Pháp

Khổ Đế

Đau khổ trong Phật Pháp không phải là đề tài của triết lý mà là thực tại mà bất cứ ai cũng phải đối diện. Điểm quan trọng là đối diện thế nào. Có thể thí dụ như trường hợp muốn chữa trị căn bệnh thì trước hết phải hiểu rõ bệnh trạng.

Sự nhận thức rõ về tánh cấp thiết của khổ đau giúp người tu giảm thiểu tánh giải đãi. Sự chễnh mảng xem thường (pamāda) là nguyên nhân gây ra vô số vấn đề đối với người tu tập. Chính do không ý thức rõ hiểm hoạ nên giải đãi.

Cái nhìn về tánh phổ cập của đau khổ cũng giúp người tu tập không nuôi ảo tưởng về cảnh giới tái sanh trong tương lai, và do vậy, tập chú vào hiện tại. Một điều rất sai lầm rất thường xẩy ra với người tu tập là luôn hướng đến kiếp sau hay được sanh về cảnh giới nào đó. Cái nhìn nầy thường tạo nên thái độ không quan tâm đến những gì xẩy ra trước mắt.

Nên hiểu tứ đế qua cả hai phương diện pháp học và pháp hành. Kinh Tứ Niệm Xứ (Trường Bộ và Trung Bộ) đều nói đến “pháp quán niệm xứ” mà trong đó có quán sát về tứ diệu đế đối với thân, tâm, và những gì xẩy ra chung quanh. Đoạn kinh sau đây nêu rõ sự quán sát đối với khổ qua cả hai phương diện lý thuyết cũng như tu tứ niệm xứ:

Tại đấy, Tôn giả Sāriputta, sau khi Thế Tôn đi không bao lâu, liền gọi các Tỷ-kheo: "Này chư Hiền". -- "Thưa vâng, Hiền giả". Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Tôn giả Sariputta. Tôn giả Sāriputta nói như sau:

-- Chư Hiền, Vô thượng Pháp luân đã được Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác chuyển vận ở vườn Lộc Uyển, chỗ chư Tiên đọa, tại Ba la nại... sự khai thị, tuyên thuyết, thi thiết, kiến lập, mở rộng, phân biệt, hiển lộ về Khổ diệt đạo Thánh đế.

Và này chư Hiền, thế nào là Khổ Thánh đế? Sanh là khổ, già là khổ, (bệnh là khổ), chết là khổ, sầu, bi, khổ, ưu, não là khổ; cầu không được là khổ. Tóm lại, năm thủ uẩn là khổ.

Này chư Hiền, thế nào là sanh? Mỗi mỗi hạng chúng sanh, trong từng giới loại, sự xuất sản, xuất sanh, xuất thành, tái sanh của chúng, sự xuất hiện các uẩn, sự hoạch đắc các căn. Này chư Hiền, như vậy gọi là sanh.

Này chư Hiền, thế nào là già? Mỗi mỗi hạng chúng sanh, trong từng giới loại, sự niên lão, sự hủ hoại, trạng thái rụng răng, trạng thái tóc bạc, da nhăn, tuổi thọ rút ngắn, các căn hủy hoại. Này chư Hiền, như vậy gọi là già.

Này chư Hiền, thế nào là chết? Mỗi mỗi hạng chúng sanh trong từng giới loại, sự tạ thế, sự từ trần, thân hoại, sự diệt vong, sự chết, sự tử vong, thời đã đến, các uẩn đã tận diệt, sự vất bỏ tử thi. Này chư Hiền, như vậy gọi là chết.

Này chư Hiền, thế nào là sầu? Này chư Hiền, với những ai gặp phải tai nạn này hay tai nạn khác; với những ai cảm thọ sự đau khổ này hay sự đau khổ khác, sự sầu của người ấy. Này chư Hiền, như vậy gọi là sầu.

Này chư Hiền, thế nào là bi? Này chư Hiền, với những ai gặp phải tai nạn này hay tai nạn khác; với những ai cảm thọ sự đau khổ này hay sự đau khổ khác, sự bi ai, sự bi thảm, sự than van, sự than khóc, sự bi thán, sự bi thống của người ấy. Này chư Hiền, như vậy gọi là bi.

Này chư Hiền, thế nào là khổ? Này chư Hiền, sự đau khổ về thân, sự không sảng khoái về thân, sự đau khổ do thân cảm thọ, sự không sảng khoái do thân cảm thọ. Này chư Hiền, như vậy gọi là khổ.

Này chư Hiền, thế nào là ưu? Này chư Hiền, sự đau khổ về tâm, sự không sảng khoái về tâm, sự đau khổ do tâm cảm thọ, sự không sảng khoái do tâm cảm thọ. Này chư Hiền, như vậy gọi là ưu.

Này chư Hiền, thế nào là não? Này chư Hiền, với những ai gặp tai nạn này hay tai nạn khác; với những ai cảm thọ sự đau khổ này hay sự đau khổ khác, sự áo não, sự bi não, sự thật vọng, sự tuyệt vọng của người ấy. Này chư Hiền, như vậy gọi là não.

Này chư Hiền, thế nào là cầu bất đắc khổ? Này chư Hiền, chúng sanh bị sanh chi phối, khởi sự mong cầu: "Mong rằng ta khỏi bị sanh chi phối! Mong rằng ta khỏi phải đi thác sanh". Lời mong cầu ấy không được thành tựu. Như vậy gọi là cầu bất đắc khổ. Này chư Hiền, chúng sanh bị già chi phối... chúng sanh bị bệnh chi phối... chúng sanh bị chết chi phối... chúng sanh bị sầu, bi, khổ, ưu, não chi phối, khởi sự mong cầu: "Mong rằng ta khỏi bị sầu, bi, khổ, ưu, não chi phối!" Mong rằng ta khỏi đương chịu sầu, bi, khổ, ưu não!" Lời mong cầu ấy không được thành tựu. Như vậy gọi là cầu bất đắc khổ.

Này chư Hiền, như thế nào là tóm lại, năm thủ uẩn là khổ? Như sắc thủ uẩn, thọ thủ uẩn, tưởng thủ uẩn, hành thủ uẩn, thức thủ uẩn. Này chư Hiền, như vậy gọi là tóm lại, năm thủ uẩn là khổ.

(Trích Kinh Phân Tích Về Đế (Saccavibhaṅgasutta), Trung Bộ, bài 141, bản dịch của HT Thích Minh Châu)

Tất cả những gì được đề cập trong khổ đế bao gồm cả bản chất tự nhiên và phản ứng hay thái độ tạo nên sự khổ. Như bản chất của năm uẩn là có những hệ luỵ mà chấp thủ năm uẩn khiến khổ đau tăng gấp nhiều lần. Rất khó tin khi nói rằng một trong những điều khiến chúng ta đau khổ nhiều là vì nhận thức sai lầm.

Người tu Phật không hiểu sự đau khổ trong tâm trạng bi quan mà lấy đau khổ để thắp sáng tuệ giác. Trên phương diện pháp học, giáo nghĩa về khổ đế giúp khai thông cái nhìn toàn diện về thế giới và cứu cánh giác ngộ giải thoát. Trên phương diện pháp hành, quán niệm khổ để giúp hành giả thấy được bản chất tự nhiên của sự bất toàn đối với thân tâm và cả cuộc sống.

Biên soạn giáo trình: Tỳ kheo Giác Đẳng

Ý kiến bạn đọc