Môn học: Phật Pháp Cơ Bản - Phần II: Phật Pháp - Đạo Đế (Chánh niệm)

Thứ hai, 18/07/2022, 18:10 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: Phật Pháp Cơ Bản

Bài học ngày 18.7.2022


Phần II: Phật Pháp

Đạo Đế (Chánh niệm)

Đạo đế nói một cách ngắn gọn là con đường dẫn đến sự chấm dứt khổ đau. Kinh văn nêu rõ:

Idaṃ kho pana bhikkhave dukkhanirodhagāminī paṭipadā ariyasaccaṃ ayameva ariyo aṭṭhaṅgiko maggo seyyathīdaṃ: sammādiṭṭhi sammāsaṅkappo sammāvācā sammākammanto sammā’ājīvo sammāvāyāmo sammāsati sammāsamādhi.

Nầy các Tỳ khưu, đây là diệu đế về con đường dẫn đến diệt khổ: chính là thánh đạo tám chi phần tức chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định.


[Nội dung bài học ngày 18.7.2022]

Chánh niệm là khả năng bám sát với thực tại một cách tỉnh thức liên tục. Thực tại ở đây là thân và tâm. Tỉnh thức là thắp sáng ý thức với hiện tại. Chánh niệm đối ngược với khuynh hướng cố hữu của tâm ý là thường truy cầu quá khứ và mộng tưởng tương lai. Người ta thường thấy hiện tại buồn chán nên hay tầm cầu cái gì đó hoặc nhớ nghĩ những gì đã qua. Sống thiếu chánh niệm thường tạo nên trạng thái không thật sự sống trọn với những gì đang thật sự xẩy ra.

A. Tu tập bát chánh đạo xây dựng trên nền tảng huân tập chánh niệm đặc biệt là bước đầu với khả năng quán sát hơi thở.

B. Bốn niệm xứ gồm:

a. Quán thân là chánh niệm đối với thân như hơi thở; tư thế đi đứng nằm ngồi; cử chỉ trong sinh hoạt như ăn uống, mặc y ..v.v..

b. Quán thọ là ý thức rõ cảm xúc vui, buồn, thản nhiên .

c. Quán tâm là khả năng nhận ra những trạng thái của tâm trong hiện tại như tâm thiện, tâm bất thiện, tâm thanh tịnh hay ô nhiễm ..v.v..

d. Quán pháp là quán chiếu nhận diện những đề tài pháp do Phật dạy như năm triền cái, sáu nội ngoại xứ, thất giác chi, tứ diệu đế ở chính thân tâm chứ không phải qua sách vỡ hay suy diễn.

C. Đối với phần đông, sự tu tập chánh niệm với căn bản là niệm hơi thở ra vào. Chính phép niệm hơi thở tạo nên khả năng quán sát liên tục, khách quan, và trở về với hiện tại.

D. Từ nền tảng hơi thở, hành giả có thể nhận biết xa hơn những trạng thái như đau nhức (thọ quán), tâm hưng phấn (tâm quán), sự nhĩ thức đối với âm thanh nào đó (pháp quán) nhưng sau những ghi nhận cần hướng sự chú ý trở về lại hơi thở.

E. Hành giả sau khi thuần thục với hơi thở có thể dùng chánh niệm quán sát chuyên sâu vào từng lãnh vực riêng biệt như quán thân, quán thọ, quán tâm, quán pháp. Giai đoạn chuyên sâu chỉ nên thực hành khi chánh niệm đủ mạnh và thuần thục.

F. Khả năng tập trung bền bĩ theo dõi hơi thở hay bước chân là chỉ tịnh (samatha) và khả năng nhận diện – đặt biệt là thấy rõ sanh diệt – là minh sát (vipassanā). Cả hai đểu phải song hành trong pháp bát chánh đạo. Riêng chánh định sẽ được nói thêm trong phần tới.

G. Trong sự tu tập chánh niệm nói riêng, và đời sống của người tu Phật nói chung, sống tập chú vào hiện tại tốt hơn bận lòng với việc đã qua cũng như cái chưa tới; tập chú vào thân tâm tốt hơn là lo nghĩ mông lung; quán sát tướng trạng sanh diệt của danh sắc quan trọng hơn khái niệm giả lập.

(còn tiếp)

Biên soạn: Tỳ khưu Giác Đẳng

Ý kiến bạn đọc