- 13913 S. Post Oak Rd, Houston TX 77045
- Phone: (281) 838-0535. Fax: (832) 550-2889
- Trụ Trì: Tỳ khưu Giác Đẳng
- Email: phapluan@gmail.com
- Web: chuaphapluan.com
- Xem bản đồ
Lớp Phật Pháp Buddhadhamma
Môn học: Phật Pháp Cơ Bản
Bài học ngày 11.10.2021
Phần I. Đức Phật
Bài 9. HỒI QUY CỐ HƯƠNG
Tế độ thân quyến là một trong ba bản nguyện của chư vị đại bồ tát hướng cầu quả vị chánh đẳng chánh giác: tự giác, giác tha, và tế độ thân quyến đồng hành trong nhiều kiếp huân tu ba la mật hạnh. Mặc dù có túc duyên nhiều đời quá khứ nhưng một việc thường xẩy ra với đời sống sa môn là thuyết pháp cảm hoá quyến thuộc thường khó hơn với người dưng xa lạ. Đức Thế Tôn trở về cố hương vương quốc Sakya trong thời kỳ đầu khi Ngài vừa khởi sự con đường hoằng pháp độ sanh. Năm đó Đức Thế Tôn 36 tuổi. Ngài đã hình thành hội chúng Tăng già hơn một ngàn tỷ kheo với nhị vị thượng thủ thinh văn. Kinh đô Rājagaha của vương quốc hùng mạnh Magadha trở thành trung tâm Phật giáo đầu tiên với sự hộ trì thành tín của vua Bimbisāra. Đã 7 năm từ lúc Bậc Đạo Sư rời thành Kapilavatthu chọn đời sống sa môn. Cuối mùa an cư, Ngài cùng chư tăng khởi hành hồi quy cố hương.
Cung thỉnh Đức Phật hồi quy cố hương
Ngay khi được tin sự thành đạo và chuyển pháp luân đức vua Suddhodana lập tức cử sứ giả đến Rājagaha cung thỉnh Phật hồi quy cố hương. Chín lần sứ giả ra đi đều gặp được Đức Phật, thính pháp, đắc chứng đạo quả thoát và xuất gia nên các ngài tự thấy không còn thích hợp với phận sự tôi thần mà vua giao phó nên đều im lặng với đời sống mới. Sau cùng vua Suddhodana nhờ tới một hoàng thân vốn là bạn tâm giao với hoàng tử Siddattha phụ trách trọng nhiệm nầy.
Hoàng thân Kāḷudāyī vốn là bạn thân của thái tử Siddattha từ thuở thiếu thời. Khi được nhà vua nhờ làm sứ giả cung thỉnh Đức Phật. Nghe được những gì đã xẩy ra đối với các phái đoàn trước, vị hoàng thân nầy đã xin phép là khi gặp Phật được xuất gia. Nhà vua đồng ý. Phái đoàn đã khởi hành trước mùa an cư thứ hai của Đức Phật.
Như đã dự đoán, hoàng thân Kāḷudāyī gặp lại Đức Thế Tôn sau 7 năm xa cách và nhanh chóng xuất gia rồi đắc chứng quả A la hán. Dù thân phận đã khác nhưng vẫn có thể thực hiện lời đã hứa là cung thỉnh Đức Phật trở vê cố hương. Đức Thế Tôn nhận lời và lên đường cùng đại chúng tỳ kheo. Hành trình kéo dài hai tháng từ Rājagaha đến Kapilavatthu.
Hoàng tộc và thần dân Kapilavatthu
Thần dân của kinh đô Kapilavatthu hân hoan chào đón Bậc Đại Giác trở về. Họ vốn đã từ lâu biết về một hoàng tử xuất chúng nhưng mang cõi lòng của một bậc xuất trần thượng sĩ. Sự trở về của Đức Phật đã mở ra một trang sử mới đối với vương quốc Sakya. Rất nhiều thiện nam tử trong hoàng tộc và dân chúng xuất gia tu theo Đức Phật. Tất cả những đệ tử xuất gia sau nầy đều được gọi với danh gọi thân thương là Thích Tử (Sakyaputta) hay Thích Nữ (Sakyadhītā) có nghĩa là “những người con của Dòng Thích Ca” bất kể xuất thân thế nào.
Tuy Vua Suddhodana mang tâm tư trọng vọng lớn đối với người con ưu tú của mình nhưng những bậc niên trưởng trong hoàng tộc vẫn xem Đức Phật quá trẻ để nhận sự tôn kính. Đức Thế Tôn đã hiển hoá thần thông, ban pháp thoại và kể những câu chuyện tiền thân để cảm hoá quyến thuộc. Không lâu sau đó hầu hết hoàng tộc Sakya đã quy ngưỡng Tam Bảo và có những thay đổi không ngờ.
Vua Suddhodana đã biến ngự viên Nirodha (Ni Câu Đảm) trở thành tịnh xá dâng lên Đức Phật và Tăng chúng. Có rất nhiều sự kiện quan trọng xẩy ra tại ngôi chùa lịch sử nầy. Ngôi chùa nầy có ảnh hưởng sâu xa đối với dòng Sakya và cả vương quốc trong nhiều thập kỷ sau đó. Và cũng có thể nói là chưa bao giờ một ngự viên biến thành tu viện mang tánh biểu tượng về con đường xuất thế như nơi nầy.
Thân nhân
Phụ hoàng Suddhodana luôn mang tâm trạng mâu thuẫn của một người quí kính Đức Phật đồng thời cũng quan tâm sâu xa tiền đồ của vương vị dòng Sakya. Vua cha đã chấn động tâm tư khi hay tin Đức Phật đi khất thực trong hoàng thành cùng với chư tăng. Nhà vua cũng xao xuyến khi biết những con cháu trong cương vị kế thừa đế nghiệp lần lượt xuất gia đi theo con đường của Đức Phật. Tuy vậy trong lần Đức Phật trở về cố hương lần đầu thì vua cha đã chứng quả hữu học. Ba năm sau đó vua Suddhodana lâm trọng bệnh, Đức Phật lại trở về độ vua cha chứng quả A la hán trước khi băng hà.
Hoàng hậu Yasodhara, người bạn đời của Bồ tát khi còn là vua, đã để lại những giai thoại đặc biệt khi Đức Thế Tôn trở lại cố hương. Mặc dù rất mong đợi gặp lại Đức Phật nhưng bà đã không đến bái kiến như những người khác trong hoàng tộc vì nghĩ rằng nếu mình không có lỗi trong bổn phận thì Đức Phật sẽ đến gặp. Với lời thỉnh cầu của vua cha, Đức Thế Tôn cùng nhị vị thượng thủ thinh văn đã quan lâm biệt điện thuyết pháp độ hoàng hậu Yasodhara. Sau nầy bà trở thành một trong những tỳ kheo ni đầu tiên trong giáo pháp và chứng đắc quả vị vô sanh ứng cúng.
Hoàng tử Rāhula, đứa con trai duy nhất của Đức Bồ Tát và hoàng hậu Yasodhara, vâng lời mẹ đến gặp Đức Phật xin thừa kế đế nghiệp. Thay vì trao cho Rāhula sự nghiệp thế gian, Đức Phật đã cho Rāhula xuất gia trở thành vị sa di đầu tiên trong giáo pháp lúc mới bảy tuổi. Dưới sự dìu dắt trực tiếp của Tôn giả Sāriputta, câu chuyện của sa di Rāhula trở thành hình ảnh tiêu biểu cho sự giáo dục tinh thần đối với tuổi trẻ nhiều thế hệ cho tới ngày nay.
Nhiều hoàng tử trẻ tuổi ưu tú trong dòng Sakya đã xuất gia nhưng một hiện tượng của thời đại. Chưa bao giờ và ở bất cứ nơi đâu trong lịch sử nhân loại mà rất nhiều ông hoàng, bà chúa tự ý từ bỏ gia đình sống đời phạm hạnh như đã xẩy ra trong hoàng tộc của vương quốc Sakya khi Đức Thế Tôn hồi quy cố hương. Trong số nầy phải nhắc tới hoàng tử Nanda, người em cùng cha khác mẹ với Đức Phật; hoàng tử Ānanda, sau nầy trở thành thị giả của Đức Phật được xem là bậc đệ nhất đa văn “thủ khố chánh pháp; hoàng tử Anuruddha, trở thành một đại đệ tử đệ nhất thiên nhãn. Và nhiều hoàng thân khác. Ba năm sau đó khi vua Suddhodana băng hà, Di mẫu Mahāpajāpatī Gotamī cùng nhiều công nương trong hoàng tộc cũng xuất gia. Chính những vị nầy đã mở ra trang sử mới về sự thành lập giáo đoàn nữ tu sĩ trong lịch sử Phật giáo.
Biên soạn giáo trình: Tỳ kheo Giác Đẳng