Môn học: Phật Pháp Cơ Bản _ Phần I. Đức Phật _ Bài 13. GIÁO HOÁ VỚI NHIỀU PHƯƠNG TIỆN (II)

Thứ hai, 08/11/2021, 17:50 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: Phật Pháp Cơ Bản

Bài học ngày 08.11.2021


Phần I. Đức Phật

Bài 13. GIÁO HOÁ VỚI NHIỀU PHƯƠNG TIỆN (II)

Đức Thế Tôn là Phật. Là bậc giác ngộ và khai ngộ chúng sanh hiểu rõ lẽ thật. Lãnh hội sự thật không đơn giản như phát khởi lòng tin ở thần linh hay cá nhân nào đó. Chúng sanh vốn dị biệt về căn cơ, không đồng đẳng về phúc đức, đa dạng trong khả năng nhận thức. Để chuyển hoá và khai ngộ cuộc đời, Đức Phật đã phải dùng rất nhiều phương tiện khác nhau. Bá gia thì bá tánh. Muôn người thì muôn bệnh. Trăm cái khổ không cái nào giống cái nào. Kho tàng mênh mông của ba tạng kinh điển đã ghi lại rất nhiều câu chuyện, mà qua đó, cho chúng ta thấy được tâm đại bi vô lượng của Đức Thế Tôn trong sự giáo hoá chúng sanh ngộ nhập tri kiến giải thoát.


Hoá giải tranh chấp

Tranh chấp dẫn đến chiến chinh là chuyện muôn thuở của của con người. Đức Phật là bậc sống ngoài những hệ luỵ thế nhân. Thế nhưng vì lòng đại bi cứu đời mà có lúc Ngài cũng tìm cách dập tắt ngòi nổ của chiến tranh. Sự việc không dễ dàng trong cương vị của một sa môn và có thể nói chỉ có bậc Chánh đẳng chánh giác mới làm được điều đó.

Hai vương quốc Sakya và Koliya vì tranh chấp nước con sông Rohinī đã điều binh sẳn sàng cho một cuộc chiến đẫm máu. Vương quốc Sakya là quê nội và vương quốc Koliya là quê ngoại của Đức Phật. Con sông Rohinī là ranh giới tự nhiên của hai vương quốc nầy. Vào mùa hè con sông cạn vì thời tiết khô cằn. Dân chúng hai bên cùng chắt chiu chút ít nước sông còn lại để tắm giặt và canh tác. Nước ít mà nhu cầu lớn đưa đến tranh dành. Sự xô xát giữa dân chúng khiến triều đình hai nước động binh và trong tư thế nghênh chiến để giải quyết bế tắc.

Đức Thế Tôn đã xuất hiện đúng lúc khi trận chiến sắp bắt đầu. Ngài đã kêu gọi cà hai bên bình tâm so sánh giữa giá trị của chút nước sông và sự tồn vong của chính những chiến sĩ sát đế lỵ. Họ tỉnh ngộ và chấp nhận thoả hiệp để tiếp tục cùng sống trong hoà bình.


Giúp đỡ người bị ruồng rẫy

Cha mẹ già nua bị con cái bỏ rơi vốn là chuyện thường tình. Đức Phật thường dạy con cái nên biết ân sâu của cha mẹ và cảm kích về những gì cha mẹ làm cho mình. Trong cương vị một vị Phật độ đời Ngài không áp đặt những điều răn mà người đời phải tuân giữ mà thay vào đó là thắp sáng sự hiểu biết. Đức Thế Tôn dạy rất rõ về giá trị của hiếu đạo và quả nghiệp của sự bất hiếu. Một người Phật tử hiểu biết giáo pháp thật sự sẽ sống theo hiếu đạo.

Bà la môn Mahāsāla vốn là phú gia giàu có nhưng về già sau khi chia tất cả sản nghiệp cho bốn người con thì tất cả không ai chăm sóc cho người cha lớn tuổi cô đơn. Do duyên và nghiệp quá khứ, vị nầy gặp Đức Thế Tôn khi Ngài đang đi khất thực. Ông lão bà la môn đã sống lang thang trong sự chua chát về thân phận bị ruồng rẫy bởi những đứa con thân yêu của mình. Nhờ thiện duyên đưa đẩy ông đã đến gặp Đức Phật và trình bày về hoàn cảnh đau thương của mình.

Đức Thế Tôn đã dạy ông một bài kệ để học thuộc lòng và đọc trước đám đông:

Chúng sinh ra, tôi mừng
Chúng trưởng thành, tôi vui.
Chúng lại cùng với vợ
Ruồng rẫy và đuổi tôi,
Như chó xua bầy lợn,
Chúng độc ác, lỗ mãng,
Dù gọi tôi: “Cha thân”.
Chúng thật quỷ Dạ-xoa,
Ðội lốt là con tôi,
Và chúng trục xuất tôi,
Tôi tuổi cao sức yếu
Như ngựa già vô dụng,
Bị đuổi khỏi máng ăn.
Nay cha của bọn trẻ,
Phải ăn xin nhà người,
Thà cho tôi cái gậy,
Hơn lũ con bất hiếu.
Với gậy, chận bò dữ,
Chận được loại chó dữ,
Dò an toàn chỗ tối ,
Tìm chân đứng chỗ sâu,
Với sức mạnh chiếc gậy,
Vấp ngã đứng dậy được.

Bà-la-môn Mahāsāla học thuộc lòng bài kệ này từ Thế Tôn. Khi quần chúng tụ hội tại thính đường và giữa các người con đang ngồi họp, vị ấy đọc lên bài kệ ngôn trên. Những người con nghe được hối hận đã rước cha về nhà phụng dưỡng. Rồi vị bà la môn ấy đã trở lại gặp Đức Phật nói lên lòng tri ân và xin quy y Tam Bảo.


Hướng dẫn người đời hiểu giá trị của đời sống tinh thần

Đời sống chánh mạng khất thực của hàng sa môn đôi khi khiến một số người nghĩ rằng Đức Phật và các đệ tử xuất gia đi tu vì không thể tự lực sinh nhai. Với hình ảnh giản dị của một sa môn khất thực Đức Phật ít khi nhắc cho dân gian biết rằng bản thân của Ngài từng là một vị quân vương sống trong cung vàng điện ngọc vì hướng cầu giác ngộ giải thoát nên từ bỏ tất cả. Nhiều người dùng thước đo của danh lợi để đánh giá cuộc sống bởi vì không hiểu được giá trị của cuộc sống tinh thần.

Một lần Đức Thế Tôn ở tại xứ Magadha Ngài gặp Bà la môn Kasī Bhāradvāja khi đang đi khất thực. Vị Bà la môn đã chất vấn Đức Phật tại sao không cày bừa canh tác để có miếng ăn mà phải đi khất thực. Đức Phật ôn tồn trả lời là Ngài cũng cày bừa, gieo trồng và sống với thực phẩm mình làm ra. Câu trả lời của Đức Phật chẳng những làm ngạc nhiên ông bà la môn mà còn khiến ông nầy gặn hỏi thêm nếu Đức Phật có canh tác thì nông cụ của Ngài ở đâu?

Đức Phật đã trả lời bằng một bài kệ nói về sự canh tác của Ngài:

Lòng tin là hạt giống,

Thiền định là nước mưa,

Tri tuệ là ách cày

Tàm quý là cán cày,

Chánh niệm là lưỡi cày

Thân hành được hộ trì,

Khẩu hành được hộ trì

Ðối với các món ăn,

Ta thọ dụng tiết độ

Ta nhổ lên ác pháp

Với nhận chân lẽ thật

Là giải thoát của Ta.

Tinh tấn là kéo cày

Ðưa Ta tiến dần đến,

An ổn khỏi khổ nạn,

Một đi không trở lại

Như vậy, cày ruộng này,

Ðưa đến quả bất tử,

Sau khi cày ruộng này,

Vượt thoát mọi khổ đau

Vị bà la môn lãnh hội được giá trị của đời sống giác ngộ giải thoát liền đảnh lễ và xin cúng dường thực phẩm. Đức Thế Tôn đã từ chối và cho biết chư Phật không nhận sự cúng dường do thuyết pháp hay tụng đọc pháp kệ. Ngay sau đó, Bà la môn Kasi Bharadvāja đã quy y Tam Bảo.

Bài học tiếp theo: Bài 13. GIÁO HOÁ VỚI NHIỀU PHƯƠNG TIỆN (III)


Biên soạn giáo trình: Tỳ kheo Giác Đẳng

Ý kiến bạn đọc