- 13913 S. Post Oak Rd, Houston TX 77045
- Phone: (281) 838-0535. Fax: (832) 550-2889
- Trụ Trì: Tỳ khưu Giác Đẳng
- Email: phapluan@gmail.com
- Web: chuaphapluan.com
- Xem bản đồ
Lớp Phật Pháp Buddhadhamma
Môn học: PĀLI PHÁP CÚ
Bài học thứ hai 24.3.2025
XXVI
Phẩm Bà La Môn
(Brāhmaṇavagga)
XXVI. Phẩm Bà La Môn_Kệ số 31 (dhp 413)
Chánh văn:
31. Candaṃ’va vimalaṃ suddhaṃ
vippasannaṃ anāvilaṃ
nandībhavaparikkhīṇaṃ
tamahaṃ brūmi brāhmaṇaṃ.
(dhp 413)
Thích văn:
Candaṃ’va [hợp âm candaṃ iva].
Candaṃ [đối cách, số ít, nam tính, danh từ canda] mặt trăng.
Iva [bất biến từ tỷ giáo] như, ví như.
Vimalaṃ [đối cách, số ít, nam tính, tính từ vimala (vi + mala)] không lấm nhơ, không vết bẩn, vô cấu.
Suddhaṃ [đối cách, số ít, nam tính, tính từ suddha] trong sạch, thanh tịnh.
Vippasannaṃ [đối cách, số ít, nam tính, tính từ vippasanna (quá khứ phân từ của động từ vippasīdati)] được trong sáng.
Anāvilaṃ [đối cách, số ít, nam tính, tính từ anāvila (an + āvila)] không nổi cặn, không bị khuấy đục, lắng trong.
Nandībhavaparikkhīṇaṃ [đối cách, số ít, nam tính, tính từ hợp thể nandībhavaparikkhīṇa (“nandī + bhava” + parikkhīṇa)] có ái hữu đã bị đoạn tận, đã tận diệt hữu ái.
Việt văn:
31. Như trăng, sạch, không bẩn,
tỏa sáng và lắng trong,
hữu ái đã đoạn tận
ta gọi ấy Phạm chí.
(pc 413)
Chuyển văn:
31. Candaṃ iva vimalaṃ suddhaṃ vipassanaṃ anāvilaṃ nandībhavaparikkhīṇaṃ, taṃ ahaṃ brāhmaṇaṃ brūmi.
Ví như mặt trăng, người không uế nhiễm, thanh tịnh, tỏa sáng, lắng trong, đã đoạn tận ái hữu, người ấy ta gọi là bà la môn.
Duyện sự:
Bài kệ này, đức Phật thuyết khi Ngài trú tại chùa Jetavana, ở kinh thành Sāvatthi, do câu chuyện của trưởng lão Candābha.
Vị trưởng lão ấy có tên như vậy vì từ nhỏ trên thân, lỗ rốn to tròn phát ánh sáng, nhìn như vầng trăng nên được gọi là Candābha (Nguyệt Quang).
Nghe rằng trưởng lão Candābha có phúc tướng như vậy, do tiền nghiệp vị ấy đã trang trí bảo tháp xá lợi của đức Thế Tôn Kassapa những mặt trăng làm bằng gỗ trầm hương.
Trưởng lão xuất thân từ một gia tộc phú hào bà la môn. Khi lớn lên, các vị bà la môn trong gia tộc để chàng thanh niên Candābha ngồi trên cỗ xe và đưa chàng đi khắp nơi trong thiên hạ, các bà la môn nói với mọi người rằng: “Ai vuốt ve thân thể chàng thanh niên Candābha, người ấy sẽ được thành tựu danh vọng”. Nhưng để được sờ chạm vào thân thể của thanh niên bà la môn Candābha, người ta phải trả một trăm đồng tiền.
Họ du hành qua các thị trấn, làng mạc, cuối cùng họ đến Sāvatthi, họ dừng nghỉ tại điểm giữa kinh thành và tinh xá Jetavana.
Ở kinh thành Sāvatthi, có khoảng năm mươi triệu vị thánh cư sĩ đệ tử Phật, hằng ngày buổi sáng họ đặt bát cúng dường vật thực đến chư tỳ kheo, buổi xế chiều họ đi chùa để nghe pháp với tay cầm hương hoa, vải vóc, thuốc trị bệnh… Các ông bà la môn thấy họ bèn hỏi: “Quí vị đi đâu vậy?” _ Họ bảo: “chúng tôi đến bậc Đạo sư để nghe pháp” _ “Hãy đến đây! Quí vị đi đến đó làm gì? Không có uy lực nào bằng uy lực của vị bà la môn Candābha của chúng tôi đâu; bởi vì khi quí vị chạm đến thân của vị ấy, quí vị sẽ nhận được điều này. Quí vị hãy đến đây chiêm ngưỡng đi!”.
Các thánh cư sĩ nói: “Uy lực bà la môn Candābha của ông có là gì, chỉ có bậc Đạo sư chúng tôi mới là bậc đại uy lực thôi!”.
Hai bên không thể thuyết phục nhau nên các thánh cư sĩ đã bảo: “Thế thì hãy đến chùa, chúng ta sẽ biết ai có uy lực nhất, bậc Đạo sư chúng tôi hay là thanh niên Candābha các ông”. Rồi cùng nhau đi đến chùa.
Khi vừa đến trú xứ của đức Phật, ánh sáng của Candābha liền tắt mất ví như ngọn đèn giữa ban ngày. Nhóm bà la môn đưa Candābha ra khỏi phạm vi trú xứ của đức Phật thì ánh sáng của Candābha sáng rực lại như thường. Nhưng khi đưa Candābha trở vào tịnh thất đức Phật thì ánh sáng của Candābha tắt mất. Cứ như thế ba lần. Candābha suy nghĩ: “Có lẽ vị sa môn này biết chú thuật làm mất hào quang của ta”.
Candābha liền hỏi đức Phật: “Thưa sa môn phải chăng Ngài biết được chú thuật làm tắt mất ánh sáng?” _ “phải, ta biết” _ “Nếu vậy xin Ngài hãy truyền dạy cho con đi!”. “Không thể truyền dạy cho người chưa xuất gia”.
Candābha liền nói với những bà la môn: “Khi học được chú thuật đó ta sẽ là người tối thắng trong toàn cõi Diêm Phù Đề này; Các ông hãy ở đây, ta sẽ xuất gia và sẽ học chú thuật trong vài ngày”.
Vị ấy đã xin bậc Đạo sư xuất gia và thọ cụ túc giới.
Đức Thế Tôn sau khi cho vị ấy thọ cụ túc giới đã dạy cho đề mục quán 32 thể trược và sách tấn đây là khởi sự của chú thuật hãy tinh tấn hành trì.
Rồi cách hai ba ngày, nhóm bà la môn đến hỏi đã học được chú thuật chưa? Vị ấy đáp còn đang học.
Vài ngày sau tỳ kheo Candābha đã chứng đắc quả A la hán. Nhóm bà la môn lại đến hỏi nữa, lần này thì tỳ kheo Candābha đã nói với họ: “Các ông hãy về đi! Nay tôi đã phát sanh pháp bất khứ bất lai rồi”.
Chư tỳ kheo nghe được lời nói ấy cho rằng vị tỳ kheo này khoe pháp cao nhân, nên đã bạch trình lên đức Phật. Bậc Đạo sư phán: Này chư tỳ kheo, Candābha con trai ta nay là bậc Lậu tận, vị ấy nói điều đó là sự thật”. Nói xong, bậc Đạo sư thuyết lên bài kệ: Candaṃ’ va vimalaṃ suddhaṃ…v.v…tamahaṃ brūmi brāhmaṇan’ ti.
Dứt kệ ngôn có nhiều vị tỳ kheo đã đắc thánh quả.
Lý giải:
Bài kệ này, đức Phật cũng mô tả về đặc tính của vị A la hán, người mà Ngài gọi là bậc Phạm chí hay Bà la môn.
Như mặt trăng không có gì làm cho vấy bẩn, dù cho mây che khuất nhưng khi đám mây trôi đi thì mặt trăng cũng trong sáng.
Cũng vậy, vị A la hán đã thanh tịnh phiền não thì không thể bị tham sân si làm cho bẩn đục nội tâm.
Gọi là “Vô uế” (vimalaṃ), nghĩa là không dơ bẩn bởi phiền não (kilesamalaṃ).
Gọi là “thanh tịnh” (suddhaṃ), tức là trong sạch, không còn tùy phiền não (nirupakkilesaṃ).
Gọi là “trong sáng” (vippasannaṃ), tức là tâm tín thành (pasannacittaṃ).
Gọi là “lắng trong” (anāvilaṃ), tức là không bị khuấy động bởi phiền não.
Gọi là “hữu ái đã đoạn tận” (nandībhavaparikkhīṇaṃ), tức là ái trong ba cõi (dục hữu, sắc hữu, vô sắc hữu) đã được đoạn tận./.
Tỳ kheo Tuệ Siêu biên soạn.