Môn học: PĀLI PHÁP CÚ | XXVI. Phẩm Bà La Môn (Brahmaṇavagga) _ Kệ số 27 (dhp 409)

Thứ hai, 17/03/2025, 21:49 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: PĀLI PHÁP CÚ

Bài học thứ hai 10.3.2025

XXVI

Phẩm Bà La Môn

(Brāhmaṇavagga)

XXVI. Phẩm Bà La Môn_Kệ số 27 (dhp 409)

A person in a robe walking on a path in a forest

AI-generated content may be incorrect.

Chánh văn:

27. Yo’ dha dīghaṃ va rassaṃ vā

aṇuṃ thūlaṃ subhāsubhaṃ

loke adinaṃ n’ ādiyati

tamahaṃ brūmi brāhmaṇaṃ.

(dhp 409)

Thích văn:

Yo’ dha [hợp âm yo idha].

Yo [chủ cách, số ít, nam tính, quan hệ đại ya].

Idha [trạng từ] ở đây, trong đời này, ở thế gian này.

Dīghaṃ [đối cách, số ít, trung tính, tính từ dīgha] dài.

Va () [liên từ] hay là, hoặc là.

Rassaṃ [đối cách, số ít, trung tính, tính từ rassa] ngắn.

Aṇuṃ [đối cách, số ít, trung tính, tính từ aṇu] nhỏ.

Thūlaṃ [đối cách, số ít, trung tính, tính từ thūla] lớn.

Subhāsubhaṃ [đối cách, số ít, trung tính, tính từ hợp thể subhāsubha (subha + asubha)] đẹp hay không đẹp, đẹp hay xấu.

Loke [định sở cách, số ít, nam tính, danh từ loka] trong đời, trong thế gian.

Adinnaṃ [đối cách, số ít, trung tính, tính từ và danh từ hợp thể adinna (na + dinna)] chưa được cho; vật chưa được cho.

N’ ādiyati [hợp âm na ādiyati].

Na [bất biến từ phủ định] không, chẳng.

Ādiyati [động từ hiện tại, tiến hành cách, parassapada, ngôi III, số ít, “ā + dā + i + ya + ti”] lấy đi, mang đi, đoạt.

Việt văn:

27. Ở đời, vật dài, ngắn,

nhỏ, lớn, đẹp hoặc xấu

không lấy vật chưa cho

ta gọi ấy phạm chí.

(pc 409)

Chuyển văn:

27. Idha loke yo dīghaṃ vā rassaṃ vā aṇuṃ vā thūlaṃ vā subhaṃ vā asubhaṃ vā adinnaṃ na ādiyati taṃ ahaṃ brāhmaṇaṃ brūmi.

Ở thế gian này, ai không đoạt lấy vật chưa được cho dù vật dài hay ngắn, nhỏ hay lớn, đẹp hay xấu, ta gọi người ấy là bậc Phạm chí.

Duyên sự:

Bài kệ này, đức Phật thuyết ở Sāvatthi, khi Ngài trú tại chùa Jetavana, vì câu chuyện của vị trưởng lão nọ.

người bà la môn trong thành Sāvatthi ra ngoài làm việc, ông ta sợ mồ hôi thân thể làm bẩn tấm choàng, nên cởi tấm choàng để sang một bên rồi đi làm công việc.

Một vị tỳ kheo A la hán vào thành khất thực, sau khi ăn xong trở về chùa, vị ấy đi ngang qua chổ tấm choàng, thấy bỏ dưới đất, nhìn tới nhìn lui không thấy ai, nghĩ là “vật này vô chủ” nên chú nguyện vải phấn tảo (paṃsukūlaṃ) rồi nhặt lấy.

Khi người bà la môn ấy trở lại vừa nhìn thấy vị tỳ kheo nhặt tấm vải thì kêu lên: “Này Sa môn, sao ông lấy tấm choàng của tôi”. “Này bà la môn, tấm vải này của ông à ?”. “Đúng vậy, này Sa môn”.

Vị tỳ kheo phân trần: “Bởi tôi không thấy ai nên lấy tưởng là vải phấn tảo. Ông hãy lấy lại đi!”, rồi đã trả lại ông ta và đi về chùa. Vị ấy thuật lại việc đó cho các tỳ kheo nghe. Các tỳ kheo hỏi đùa với vị ấy: “Này hiền giả, tấm choàng đó dài, ngắn, thô, mịn, ra sao?” _ “Này chư hiền, đối với tôi không có quan tâm đến vật dài hay ngắn, vải thô hay vải mịn; Tôi chỉ lấy vải ấy quán tưởng là vải phấn tảo thôi”. Các vị tỳ kheo nghe vị ấy nói, đã trình lên đức Phật: “Bạch Thế Tôn, vị tỳ kheo đó nói không thật, nói hàm ý khác”. Đức Phật phán: “Này chư tỳ kheo, vị tỳ kheo đó nói sự thật, các bậc Lậu Tận không lấy tài sản của người khác”. Nói xong, Ngài đã thuyết lên bài kệ này: Yo’ dha dīghaṃ va rassaṃ vā…v.v…tamahaṃ brūmi brāhmaṇan’ ti.

Dứt kệ ngôn có nhiều vị tỳ kheo chứng đắc thánh quả.

Lý giải:

Bài kệ này, đức Phật thuyết liên quan đến vật mà vị tỳ kheo nọ lấy là tấm vải choàng (Sāṭaka), nên Ngài dùng từ dài hay ngắn (dīghaṃ vā rassaṃ vā); nhỏ hay lớn (aṇuṃ vā thūlaṃ vā) tức là tấm vải khổ hẹp hay khổ rộng; Đẹp hay xấu (subhaṃ vā asubhaṃ vā) tức là tấm vải dệt bằng chỉ thô xấu hay bằng chỉ sợi mịn đẹp. Khi các tỳ kheo hỏi về tấm choàng có giá trị thế nào? Vị ấy nói chỉ quán tưởng là vải phấn tảo mà lấy, chứ không quan tâm dính mắc là vải dài hay ngắn, rộng hay hẹp, mịn đẹp hay thô xấu.

Nói rộng ra, vị A la hán trong thế gian này không bao giờ lấy vật sở hữu của người khác, khi mà người ta chưa biếu tặng dâng cúng cho các Ngài, tức là các Ngài không lấy trộm. Vật sở hữu hay tài sản ấy nói theo kích cở là dài hay ngắn, lớn hay nhỏ; Nói theo số lượng là nhiều hay ít; Nói theo thẩm mỹ là đẹp hay xấu; Nói chung là vật có giá trị lớn hay giá trị nhỏ.

Người đã từ bỏ việc lấy trộm vật sở hữu của người khác dù đó là vật có nhiều giá trị hay ít giá trị. Người ấy, đức Phật gọi là Bậc Phạm chí hay Bà la môn./.

Tỳ kheo Tuệ Siêu biên soạn.

Ý kiến bạn đọc