Môn học: PĀLI PHÁP CÚ | XXVI. Phẩm Bà La Môn (Brahmaṇavagga) _ Kệ số 2 (dhp 384)

Thứ sáu, 03/01/2025, 22:25 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: PĀLI PHÁP CÚ

Bài học chủ nhật 8.12.2024

XXVI

Phẩm Bà La Môn

(Brahmaṇavagga)

XXVI. Phẩm Bà La Môn_Kệ số 2 (dhp 384)

Chánh văn:

2. Yadā dvayesu dhammesu

pāragū hoti brāhmaṇo

ath’ assa sabbe saṃyogā

atthaṃ gacchanti jānato.

(dhp 384)

Thích văn:

Yadā [trạng từ] khi nào, lúc nào.

Dvayesu [định sở cách, số nhiều, trung tính, danh từ dvaya] một cặp, một đôi.

Dhammesu [định sở cách, số nhiều, nam tính, danh từ dhamma] trong các pháp.

Pāragū [chủ cách, số ít, nam tính, danh từ hợp thể pāragū (pāra + gū từ căn gam)] người đi đến bờ kia.

Hoti [động từ hiện tại, tiến hành cách, parassapada, ngôi III, số ít, “hū + a + ti”] nó là.

Brāhmaṇo [chủ cách, số ít, nam tính, danh từ brāhmaṇa] phạm chí, bà la môn.

Ath’ assa [hợp âm atha assa].

Atha [trạng từ] rồi, rồi thì; khi ấy.

Assa [sở thuộc cách, số ít, nam tính, chỉ thị đại từ ima] của người này.

Sabbe [chủ cách, số nhiều, nam tính, phiếm chỉ đại từ sabba] tất cả, hết thảy, mọi.

Saṃyogā [chủ cách, số nhiều, nam tính, danh từ saṃyoga] các kiết sử, các triền phược.

Atthaṃ [đối cách, số ít, nam tính, danh từ attha] sự hoại diệt, sự tiêu tan.

Gacchanti [động từ hiện tại, tiến hành cách, parassapada, ngôi III, số nhiều, “gam + a + ti”] đi đến. Ở đây “atthaṃ gacchanti” có nghĩa là “đi đến tiêu hoại”.

Việt văn:

2. Khi nương vào hai pháp,

phạm chí đến bờ kia

với bậc trí giả ấy

mọi kiết sử dứt sạch.

(pc 384)

Chuyển văn:

2. Brāhmaṇo yadā dvayesu dhammesu pāragū hoti atha assa jānato sabbe saṃyoga atthaṃ gacchanti.

Vị bà la môn khi nào đạt đến bờ kia nhờ nương hai pháp, thì mọi kiết sử của bậc trí giả ấy được dứt sạch.

Duyên sự:

Bài kệ này, đức Phật thuyết khi Ngài trú tại Jetavanavihārī, ở gần thành Sāvatthi, để tiếp độ ba mươi vị tỳ kheo vin xứ.

Một ngày kia, có khoảng ba mươi vị tỳ kheo viễn xứ đi về Jetavana đảnh lễ bậc Đạo sư. Sau khi đảnh lễ bậc Đạo sư, chư vị đã ngồi xuống một bên. Lúc ấy trưởng lão Sāriputta thấy duyên lành đắc A la hán của các tỳ kheo ấy, nên trưởng lão bước đến đứng trước mặt đức Thế Tôn và hỏi một câu: “Bạch Thế Tôn, có hai pháp được nói đến, là hai pháp gì ?”

Đức Thế Tôn đã trả lời trưởng lão Sāriputta: “Này Sāriputta, được gọi là hai pháp ấy, chính là Chỉ (samatha) và Quán (vipassanā)”. Nói xong, đức Thế Tôn đã thuyết lên bài kệ này: Yadā dvayesu dhammesu…v.v…atthaṃ gacchanti jānato’ ti.

Dứt pháp thoại, tất cả ba mươi tỳ kheo ấy đều an trú trong quả vị A la hán.

Lý giải:

Hai pháp (dvayesu dhammesu), trong kinh điển có rất nhiều pháp hai chi (dukanipāta), nhưng trong trường hợp này, khi trưởng lão Sāriputta hỏi đức Phật: “có hai pháp được nói đến, là hai pháp gì ?” Đức Phật biết căn cơ của ba mươi tỳ kheo sẽ đắc chứng với pháp thiền định, nên Ngài đã trả lời rằng: Hai pháp đó là chỉ và quán (dve dhammā’ ti kho Sāriputta samathavipassanā vuccanti).

Thật vậy, khi nào trú trong hai pháp Chỉ (samatha) và Quán, vị tỳ kheo sẽ chứng sáu thắng trí (chaḷabhiññā) gọi là bậc phạm chí đã đạt đến bờ kia (pāragū hoti brāhmaṇo). Đối với vị đã liu tri như vậy thì mọi kiết sử (saṃyogā, saṃyojanāni) được tiêu trừ, được đoạn tận.

Ở đây, Chỉ (samatha) là thiền đưa đến Định (samādhi), chứng năm thắng trí là thiên nhĩ thông, tha tâm thông, biến hóa thông, thiên nhãn thông và túc mạng thông.

Quán (vipassanā) là thiền minh sát danh sắc đưa đến Tuệ (paññā), chứng bốn đạo bốn quả siêu thế và trí tứ đạo tứ quả, gọi là Lậu tận thông, thắng trí thứ sáu.

Gọi là “đạt đến bờ kia” (pāragū), khi đắc Định (thiền sắc và vô sắc) gọi là đạt đến bờ đáo đại, bỏ bờ dục giới. Khi đắc tuệ giải thoát (vô dư y níp bàn) gọi là đạt đến bờ siêu thế vượt khỏi sanh tử luân hồi.

Câu nói “Với bậc trí giả ấy, mọi kiết sử dứt sạch” (Ath’ assa sabbe saṃyogā atthaṃ gacchanti jānato). Bậc trí giả (jānato) là người thông hiểu, thấu suốt (jānantassa). Mọi kiết sử (sabbe saṃyogā) là mười sự ràng buộc, dây trói trong vòng luân hồi như Dục ái (kāmarāgasaṃyojana), sắc ái (rūpārāgasaṃyojana)…v.v…Tất cả kiết sử của vị ấy được tiêu trừ./.

Tỳ kheo Tuệ Siêu biên soạn.

Ý kiến bạn đọc