Môn học: PĀLI PHÁP CÚ | XXVI. Phẩm Bà La Môn (Brahmaṇavagga) _ Kệ số 19 (dhp 401)

Thứ sáu, 14/02/2025, 22:00 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: PĀLI PHÁP CÚ

Bài học thứ hai 10.02.2025

XXVI

Phẩm Bà La Môn

(Brāhmaṇavagga)

XXVI. Phẩm Bà La Môn_Kệ số 19 (dhp 401)

Chánh văn:

19. Vāri pokkharapatte’va

āragge_r_iva sāsapo

yo na limpati kāmesu

tamahaṃ brūmi brāhmaṇaṃ.

(dhp 401)

Thích văn:

Vāri [chủ cách, số ít, trung tính, danh từ vāri] nước, giọt nước.

Pokkharapatte’va [hợp âm pokkharapatte + iva].

Pokkharapatte [định sở cách, số ít, trung tính, danh từ hợp thể pokkharapatte (pokkhara + patta)] trên lá sen.

Iva [bất biến từ tỷ giảo] như, ví như.

Āragge_r_iva [hợp âm āragge (r) iva. Phụ âm “r” được xen giữa hai nguyên âm]

Āragge [định sở cách, số ít, trung tính, danh từ hợp thể āragga (āra + agga)] mũi kim, đầu nhọn cây kim.

Sāsapo [chủ cách, số ít, nam tính, danh từ sārapa] hột cải.

Yo [chủ cách, số ít, nam tính, quan hệ đại từ ya] ai, người nào.

Na [bất biến quá từ phủ định] không, chẳng.

Limpati [động từ hiện tại, tiến hành cách, parassapada, ngôi III, số ít, “eip + ṃ_a + ti”] dính bám, dính mắc.

Kāmesu [định sở cách, số nhiều, nam tính, danh từ kāma] trong các dục, đối với dục lạc.

Việt văn:

19. Như nước trên lá sen

như hột cải đầu kim

người không nhiễm ái dục

ta gọi ấy phạm chí.

(pc 401)

Chuyển văn:

19. Pokkharapatte vāri iva āragge sāsapo iva yo kāmesu na limpati taṃ ahaṃ brāhmaṇaṃ brūmi.

Ai không dính mắc dục lạc, như nước trên lá sen, như hột cải mũi kim, ta gọi người ấy là bà la môn.

Duyên sự:

Bài kệ này, đức Phật thuyết ở Sāvatthi, khi Ngài trú tại chùa Jetavana, vì câu chuyện của thánh ni Uppalavaṇṇā. Tình tiết câu chuyện này đã được nói đến trong duyên sự kệ pháp cú số 10_ Phẩm Người Ngu (dhp 69).

Thánh ni Uppalavaṇṇā xuất thân là tiểu thư con nhà trưởng giả, nàng không chịu lập gia đình, đã xin phép cha mẹ cho đi tu trong tuổi xuân thì. Nàng xinh đẹp với nước da hồng như cánh sen.

Xuất gia không bao lâu, nàng Uppalavaṇṇā đã thành tựu mục đích cứu cánh phạm hạnh, quả vị A la hán với lục thông và tứ tuệ phân tích.

Thánh ni Uppalavaṇṇā đã đi du hành tứ xứ một thời gian trở về kinh thành Sāvatthi. Ni sư đã đi vào rừng Andhavana, dựng một am thất và trú ngụ ở đó.

Vị tỳ kheo ni trẻ sống đơn độc trong khu rừng nên đã xảy ra tai họa cho vị ấy. Một chàng thanh niên đã theo dõi và ẩn núp trong am thất lúc tỳ kheo ni đi vào thành khất thực trở về, hắn đã xông ra và hãm hiếp vị thánh ni. Thế rồi hắn bị đất rút sau khi làm chuyện đồi bại, hắn đã sanh vào địa ngục A tỳ.

Thánh ni Uppalavaṇṇā đã trình báo sự việc ấy cho hội chúng ni biết. Ni chúng trình Tăng, chư Tăng bạch với đức Phật nhân đó đã chế định học giới cho tỳ khưu ni và Ngài yêu cầu vua Pasenadi xây dựng trú xá tỳ kheo ni trong nội thành để tránh tai hại phạm hạnh của Ni chúng.

Thời gian sau, các vị tỳ kheo khi hội họp tại giảng đường đã khởi lên lời dị nghị: “Các vị Lậu tận cũng còn thích dục lạc, hành lạc. Sao lại không hành lạc chứ? Các vị đó đâu phải là cây gỗ, đâu phải là gò mối, cũng thân bằng xương bằng thịt thôi; Bởi thế các vị ấy vẫn cảm thích dục lạc”.

Bậc Đạo sư đi đến giảng đường, nghe các tỳ kheo trình bạch chủ đề bình luận. Đức Phật dạy: “Này chư tỳ kheo, các bậc Lậu tận không cảm thích dục lạc, không hành lạc. Cũng như giọt nước rơi trên lá sen không bám, không đọng, tuột rơi xuống hết. Cũng như hột cải rơi trên đầu cây kim không bám không dính, nó trượt rơi xuống. Cũng vậy, hai loại dục (dục trần và dục tham) không bám dính, không đọng lại nơi tâm các bậc Lậu tận”. Nói xong, đức Phật đã thuyết lên bài kệ này: Vāri pokkharapatte’ va…v.v…tamahaṃ brūmi brāhmaṇan’ ti.

Dứt kệ ngôn có nhiều vị tỳ kheo đã chứng thánh quả.

Lý giải:

Đức Phật đưa ra hai thí dụ, giọt nước rơi trên lá sen và hột cải rơi trên đầu kim, để nói ý nghĩa các dục đối với tâm của vị A la hán.

Lá sen cấu tạo bề mặt phủ lớp phấn khi giọt sương hay giọt mưa rơi trên mặt lá sẽ không đọng lại làm ướt lá, nước sẽ tuột khỏi. Cũng vậy, tâm của bậc A la hán dù có ngoại cảnh: Sắc, thinh, hương, vị, xúc cũng không chi phối được.

Mũi nhọn của cây kim, hột cải rơi trên đầu kim không thể ghim dính. Cũng vậy, tâm của bậc A la hán không thể có dục tham khởi lên, vì các bậc Lậu tận đã tuyệt trừ tất cả phiền não thô tế.

Người không dính mắc dục tham và dục trần như thế, đức Phật gọi người ấy là Bà la môn, bậc phạm chí Lậu tận (Khīnāsavabrāhmaṇa)./.

Tỳ kheo Tuệ Siêu biên soạn.

 

Ý kiến bạn đọc