Môn học: PĀLI PHÁP CÚ | XXVI. Phẩm Bà La Môn (Brahmaṇavagga) _ Kệ số 12 (dhp 394)

Thứ năm, 09/01/2025, 18:28 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: PĀLI PHÁP CÚ

Bài học thứ năm 9.1.2025

XXVI

Phẩm Bà La Môn

(Brahmaṇavagga)

XXVI. Phẩm Bà La Môn_Kệ số 12 (dhp 394)

Chánh văn:

12. Kiṃ te jatāhi dummedha

kiṃ te ajinasāṭiyā

abbhantaraṃ te gahanaṃ

bāhiraṃ parimajjasi.

(dhp 394)

Thích văn:

Kiṃ [chủ cách, số ít, trung tính, nghi vấn đại từ ka] ích gì? Lợi gì? Tác dụng gì? (dùng với sở dụng cách).

Te [chỉ định cách, số ít, nhân xưng đại từ tumha] cho ngươi, cho anh.

Jaṭāhi [sở dụng cách, số nhiều, nữ tính, danh từ jaṭā] với tóc bện, với tóc rối.

Dummedha [hô cách, số ít, nam tính, danh từ dummedha (du + medha)] hi kẻ thiểu trí! Hi kẻ ngu si!

Ajinasāṭiyā [sở dụng cách, số ít, nữ tính, danh từ hợp thể ajinasāṭi (ajina + sāṭi)] áo da beo, áo da báo gấm.

Abbhantaraṃ [trạng từ (hình thức đối cách, số ít, trung tính, danh từ abbhantara)] bên trong, nội tâm.

Te [sở thuộc cách, số ít, nhân xưng đại từ tumha] của ngươi, của anh.

Gahanaṃ [chủ cách, số ít, trung tính, danh từ gahana] sự rối ren, sự chằng chịt, rừng rậm, đầy phiền não.

Bāhiraṃ [trạng từ (hình thức đối cách, số ít, trung tính, danh từ bāhira)] bên ngoài, bề ngoài.

Parimajjasi [động từ hiện tại, tiến hành cách, parassapada, ngôi II, số ít, “pari + maj + a + si”] đánh bóng, trau chuốt.

Việt văn:

12. Hỡi kẻ ngu, ích gì

với tóc bện, da beo,

nội tâm ngươi rối rm,

ngoại hình chỉ trau chuốt.

(pc 394)

Chuyển văn:

12. Dummedha, kiṃ te jatāhi? Kiṃ te ajinasāṭiyā? Abbhantaraṃ te gahanaṃ, bāhiraṃ parimajjasi.

Hi kẻ thiểu trí, ích gì cho ngươi với tóc bện? Ích gì cho ngươi với áo da beo? Nội tâm ngươi rối rm, ngươi chỉ đánh bóng ngoại hình thôi.

Duyên sự:

Bài kệ này, đức Phật thuyết khi Ngài trú tại giảng đường Kūṭāgāra, ở khu Đại Lâm (Mahāvana) gần kinh thành Vesāli, do chuyện ông Bà la môn lừa đảo tu hạnh con dơi.

Ông bà la môn Kuhaka ấy tu hạnh con dơi, ông ta leo lên một cây bàng tại cổng thành Vesāli mắc hai chân vào nhánh cây treo mình lên, đầu trút xuống dưới. Khi dân chúng trong thành đi ngang thấy vậy đứng nhìn bái phục, ông ta nói: “Hãy cho ta trăm con bò, hãy cho ta tiền, hãy cho ta một người hầu gái; Nếu ta rơi từ cây xuống và chết thì ta sẽ làm cho thành phố không còn là thành phố nữa”.

Dân thành suy nghĩ: “Vị bà la môn này từ sáng sớm đã treo mình như vậy nếu rơi xuống chết, có thể vị ấy làm cho thành không còn là thành nữa, sẽ diệt vong”. Vì sợ kinh thành bị diệt vong do lời nguyền của vị bà la môn ấy, nên họ đã dâng hiến tất cả những gì vị ấy yêu cầu. Bà la môn ấy tuột xuống đất lấy tất cả vật tặng rồi ra đi.

Các vị tỳ kheo buổi sáng vào thành khất thực đi ngang chỗ cây bàng cũng thấy ông bà la môn treo ngược trên cây và nghe lời nguyền của ông ta. Khi các vị trở về gần tịnh xá thấy ông bà la môn ấy vừa đi vừa gào lên như con bò rống, nhớ lại ông ta là bà la môn treo mình hồi sáng, bèn hỏi: “Này bà la môn, ông có nhận được như ông mong muốn chăng?”. Ông ta đáp: “Vâng, tôi đã nhận rồi”.

Chư tỳ kheo đi vào trong tịnh xá, đã trình bạch với đức Phật việc làm kiếm lợi lộc của vị bà la môn ấy. Bậc Đạo sư phán: “Này chư tỳ kheo, không phải chỉ nay người ấy là kẻ đạo tặc lừa bịp, mà kiếp trước nó cũng là kẻ đạo tặc lừa bịp rồi. Nhưng nay nó lừa được người ngu muội, chứ khi xưa nó đã không lừa được bậc trí tuệ”. Nói xong, Ngài đã kể câu chuyện quá khứ theo lời thỉnh cầu của chư tỳ kheo.

Thuở quá khứ, có một đạo sĩ xảo quyệt sống dựa vào ngôi làng xứ Kāsi. Một gia đình đã nuôi dưỡng đạo sĩ ấy, chăm nom từng miếng ăn thc uống, như con của mình. Một ngày kia, họ có được thịt con kỳ đà, đã nấu thành món thượng vị dâng cho vị đạo sĩ. Vị đạo sĩ ăn món thịt kỳ đà, bị hấp dẫn bởi vị ngon mới hỏi “đây là thịt gì?” được trả lời là thịt kỳ đà. Ông ta bèn đi khất thực xin bơ, sữa và các gia vị khác về cất riêng trong am thất.

Gần am thất có một gò mối, con kỳ đà chúa sống nơi ấy. Thỉnh thoảng, con kỳ đà ra khỏi hang và đến gần vị đạo sĩ. Hôm ấy, gã đạo sĩ có ý định giết con kỳ đà, nên giấu cây gậy bên mình rồi ngồi yên một chỗ gần gò mối như đang ngủ. Con kỳ đà rời khỏi hang gò mối đi đến gần gả đạo sĩ, nhưng nó nhận ra cử chỉ khác thường của gã đạo sĩ hôm nay, nên nó đã quày quả chạy về hang. Gã đạo sĩ thấy kỳ đà bỏ chạy liền ném cây gậy để giết con kỳ đà nhưng trượt mất.

Con kỳ đà chui vào hang, thò đầu ra và nói với gã đạo sĩ:

“Ta tưởng ngươi là vị sa môn nên đã đến gần kẻ không tự chế; Ngươi dùng gậy đập ta như vậy đâu phải là sa môn. Hởi kẻ thiểu trí, ích gì cho ngươi với tóc bện? Ích gì cho ngươi với áo da beo? Nội tâm ngươi rối rm, ngươi chỉ đánh bóng ngoại hình thôi”.

Gã đạo sĩ dùng lời ngon ngọt để dụ kỳ đà chúa ra khỏi hang, nhưng kỳ đà chúa đã phát hiện sự giả dối của tên đạo sĩ nên càng tránh xa gã.

Kết thúc câu chuyện quá khứ, đức Phật nhận diện bổn sanh: Gã đạo sĩ ấy nay là người bà la môn lừa đảo, con kỳ đà chúa chính là tiền thân của ta. Nói xong, Ngài đã nói lên bài kệ này: Kiṃ te jatāhi dummedha…v.v…bāhiraṃ parimajjāsī’ ti.

Dứt pháp thoại có nhiều vị tỳ kheo chứng đắc thánh quả.

Lý giải:

Kệ ngôn pháp cú này, đức Phật nói lại lời của kỳ đà chúa khiển trách gã đạo sĩ độc ác, bịp bợm.

Ý nghĩa kệ ngôn này hàm ý là “Chiếc áo không làm nên thầy tu”.

Cũng thế, con người thật sự đạo đức, có đạo đức chân chính, là do nội tâm có tu tập, có từ bỏ ác pháp, lắng yên phiền não. Nếu con người bên ngoài có vẻ đạo mạo, ăn mặc theo kiểu tu hành nhưng bên trong người ấy dẫy đầy phiền não, không chế ngự hành vi thân khẩu ý, đó cho là lừa bịp, không phải thật là sa môn hay bà la môn.

Ở đây trong bài kệ, mô tả vị tāpaso (khổ hành giả hay Đạo sĩ) bện tóc trên đầu, mặc áo làm bằng da beo, ra dáng người tu hành, nhưng muốn có món ăn cà ri thịt kỳ đà, lợi dụng lòng tin của con kỳ đà thường dạn dĩ đến gần mình, vị đạo sĩ ra tay giết nó. Con kỳ đà nhanh nhẹn tránh khỏi gậy ném, chun vào hang thò đầu ra chỉ trích vị đạo sĩ.

Cần phải hiểu là bất cứ vai trò nào, vẻ bề ngoài không nói lên được nội hàm; không có ích gì với ngoại hình được đánh bóng mà bên trong rỗng tuếch, “tốt gỗ hơn tốt nước sơn”, cái bàn bằng gỗ xấu dù bề ngoài sơn bóng loáng cũng không có giá trị. ./.

Tỳ kheo Tuệ Siêu biên soạn.

Ý kiến bạn đọc