Môn học: PĀLI PHÁP CÚ | XXV. Phẩm Tỳ Kheo (Bhikkhuvagga) _ Kệ số 4 (dhp 363)

Thứ sáu, 20/12/2024, 08:03 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: PĀLI PHÁP CÚ

Bài học thứ năm 24.10.2024

XXV

Phẩm Tỳ Kheo

(Bhikkhuvagga)

XXV. Phẩm Tỳ kheo_Kệ số 4 (dhp 363)

Chánh văn:

4. Yo mukhasaṃyato bhikkhu

mantabhāṇī anuddhato

atthaṃ dhammañca dīpeti

madhuraṃ tassa bhāsitaṃ.

(dhp 363)

Chuyển văn:

4. Yo bhikkhu mukhasaṃyato mantabhāṇī anuddhato atthaṃ dhammaṃ ca dīpeti tassa bhāsitaṃ madhuraṃ.

Thích văn:

Yo [chủ cách, số ít, nam tính, quan hệ đại từ ya] nào, người nào, ai mà.

Mukhasaṃyato [chủ cách, số ít, nam tính, danh từ hợp thể mukhasaṃyata (mukha + saṃyata)] người chế ngự miệng, người có miệng được chế ngự.

Bhikkhu [chủ cách, số ít, nam tính, danh từ bhikkhu] tỳ kheo, tỳ khưu.

Mantabhāṇī [chủ cách, số ít, nam tính, danh từ hợp thể mantabhāṇī (manta + bhāṇī)] người nói chuyện khôn ngoan, nói bằng trí tuệ, nói có sự hiểu biết.

Anuddhato [chủ cách, số ít, nam tính, tính từ hợp thể anuddhata (an + uddhata quá khứ phân từ của động từ uddharati)] để cao, cống cao.

Atthaṃ [đối cách, số ít, nam tính, danh từ attha] ý nghĩa, nghĩa lý.

Dhammañca [hợp âm dhammaṃ ca].

Dhammaṃ [đối cách, số ít, nam tính m danh từ dhamma] pháp, giáo pháp.

Ca [liên từ] và.

Dīpeti [động từ hiện tại, tiến hành cách, parassapada, ngôi III, số ít, “dip + e + ti”] làm sáng tỏ, giải nghĩa, giải thích.

Madhuraṃ [chủ cách, số ít, trung tính, tính từ madhura] ngọt ngào, dịu ngọt.

Tassa [sở thuộc cách, số ít, nam tính, chỉ thị đại từ ta] của người ấy, của vị ấy.

Bhāsitaṃ [chủ cách, số ít, trung tính, danh từ bhāsita] sự nói, lời nói.

Việt văn:

4. Tỳ kheo chế ngự miệng,

thâm thúy, không cao ngạo

giải thích pháp và nghĩa,

lời vị ấy ngọt ngào.

(pc 363)

4. Vị tỳ kheo nào đã chế ngự miệng nói chuyện khôn ngoan, không cao ngạo, giải thích pháp và nghĩa rõ ràng, lời nói của vị ấy là lời nói ngọt ngào.

Duyên sự:

Bài kệ này, đức Phật thuyết ở Sāvatthi, khi Ngài trú tại Jetavanavihāra, vì câu chuyện của tỳ kheo Kokālika.

Tỳ kheo Kokālika có tâm hiềm hận với hai vị Thượng thủ thinh văn, rồi nói lời lăng mạ hai vị ấy. Sau đó Kokālika mệnh chung sanh vào địa ngục Paduma.

Chư tỳ kheo hội họp tại giảng đường đã khởi lên cuộc bàn tán: “Ôi, tỳ kheo Kokālika vì cái miệng mà hại thân”.

Đức Thế Tôn đi đến và được nghe câu chuyện bàn tán của chư tỳ kheo, Ngài đã nói: Không phải chỉ nay Kokālika vì cái miệng mà hại thân, thuở trước, Kokālika cũng vậy rồi.

Chư tỳ kheo muốn nghe chuyện quá khứ nên thỉnh cầu đức Thế Tôn thuyết bổn sanh. Đức Phật đã kể lại câu chuyện bổn sanh Bahubhāṇijātaka. Rồi Ngài dạy: “Này chư tỳ kheo, với vị tỳ kheo tịnh hạnh, chế ngự khẩu hành cần phải có có tâm thanh lương, không ngạo ngh”. Nói xong, đức Phật thuyết bài kệ: Yo mukhasaṃyato bhikkhu…v.v…madhuraṃ tassa bhāsitan’ ti.

Dứt pháp thoại có nhiều vị tỳ kheo đã đắc thánh quả.

Lý giải:

Bài kệ này, đức Phật thuyết có ý nghĩa dy về khẩu hành của vị tỳ kheo.

Gọi là “chế ngự miệng” (mukhasaṃyato) tức là tỳ kheo biết kềm chế lời nói không nói công kích, xuyên tạc, chê bai, lăng mạ người khác.

Gọi là “thâm thúy” (mantabhāṇī) nghĩa là người nói ra có suy nghĩ, lời nói có ý nghĩa sâu sắc, nói bằng trí tuệ.

Gọi là “không cao ngạo” (anuddhato) tức là nói với tâm thanh lương, mát mẻ, không tự đề cao mình, không đưa mình lên và hạ bệ người khác.

Gọi là “giải thích pháp và nghĩa” (atthaṃ dhammañca dīpeti), tức là trình bày pháp môn và tường giải nghĩa lý của pháp môn.

Câu nói: “Lời nói vị ấy ngọt ngào” (madhuraṃ tassa bhāsitaṃ). Ở đây, lời nói ngọt ngào hay lời nói có vị ngọt có ba trường hợp:

Vị tỳ kheo chỉ thuyết giáo pháp và ý nghĩa của pháp, mong soi sáng, đem lại lợi ích cho người nghe. Đó gọi là lời nói có vị ngọt.

Vị tỳ kheo dù đang chỉ trích, quở trách người khác mà đem pháp và nghĩa để nói, để rầy dạy, vị ấy biết chế ngự lời nói, nói có ý nghĩa thâm sâu, nói với tâm thanh lương không cao ngạo. Đó cũng gọi là lời nói có vị ngọt.

Vị tỳ kheo dù không đang nói pháp, chỉ là nói chuyện giao tiếp, vị ấy nói biết kềm chế cái miệng, không nói xấu người khác, không huênh hoang… Đó cũng là lời nói có vị ngọt./.

Tỳ kheo Tuệ Siêu biên soạn.

Ý kiến bạn đọc