- 13913 S. Post Oak Rd, Houston TX 77045
- Phone: (281) 838-0535. Fax: (832) 550-2889
- Trụ Trì: Tỳ khưu Giác Đẳng
- Email: phapluan@gmail.com
- Web: chuaphapluan.com
- Xem bản đồ
Lớp Phật Pháp Buddhadhamma
Môn học: PĀLI PHÁP CÚ
Bài học chủ nhật 20.10.2024
XXV
Phẩm Tỳ Kheo
(Bhikkhuvagga)
XXV. Phẩm Tỳ kheo_Kệ số 3 (dhp 362)
Chánh văn:
3. Hatthasaṃyato pādasaṃyato
vācāsaṃyato saṃyatuttamo
ajjhattarato samāhito
eko santusito tamāhu bhikkhuṃ.
(dhp 362)
Chuyển văn:
3. Hatthasaṃyato pādasaṃyato vācāsaṃyato saṃyatuttamo ajjhattarato samāhito eko santusito taṃ bhikkhuṃ āhu.
Thích văn:
Hatthasaṃyato [chủ cách, số ít, nam tính, danh từ hợp thể hatthasaṃyata (hattha + saṃyata)] người đã chế ngự tay.
Pādasaṃyato [chủ cách, số ít, nam tính, danh từ hợp thể pādasaṃyata (pāda + saṃyata)] người đã chế ngự chân.
Vācāsaṃyato [chủ cách, số ít, nam tính, danh từ hợp thể vācāsaṃyata (saṃyata + uttama)] người đã chế ngự mình đầu.
Ajjhattarato [chủ cách, số ít, nam tính, danh từ hợp thể ajjhattarata (ajjhatta + rata)] người đã vui thích nội thiền.
Samāhito [chủ cách, số ít, nam tính, tính từ samāhita (quá khứ phân từ của động từ samādahati)] gom tâm, định tâm, định tĩnh.
Eko [chủ cách, số ít, nam tính, tính từ eka] một mình, đơn độc, độc thân.
Santusito [chủ cách, số ít, nam tính, tính từ santusita (quá khứ phân từ của động từ santussati)] biết đủ, biết hài lòng.
Tamāhu [hợp âm taṃ āhu].
Taṃ [đối cách, số ít, nam tính, đại từ ta] ấy, cái ấy, người ấy.
Āhu [động từ bất định khứ cách, thì quá khứ, parassapada, ngôi III, số nhiều, “
Bhikkhuṃ [đối cách, số ít, nam tính, danh từ bhikkhu] vị tỳ kheo, vị tỳ khưu.
Việt văn:
3. Người chế ngự tay chân,
chế ngự lời và mình
vui nội thiền, định tĩnh,
độc thân, sống bằng lòng
xứng gọi là tỳ kheo.
(pc 362)
3. Người đã chế ngự tay, chế ngự chân, chế ngự lời nói, đầu mình đều chế ngự, sống vui trong nội thiền, tâm định tĩnh, độc thân và biết bằng lòng. Các bậc trí gọi người ấy là tỳ kheo.
Duyên sự:
Bài kệ này, đức Phật thuyết ở Sāvatthi, khi Ngài trú tại Jetavanavihāra, vì chuyện vị tỳ kheo sát hại chim Hạc.
Có hai người bạn thân là cư dân thành Sāvatthi, đã xuất gia và được thọ cụ túc giới trong hàng tỳ kheo. Họ thường đi chung với nhau.
Một ngày kia, họ đến bờ sông Aciravatī, tắm và hong khô mình trong ánh nắng; Họ đứng nói chuyện kỷ niệm cũ. Ngay lúc đó, có hai con chim hạc bay qua bầu trời. Rồi một tỳ kheo trẻ trong hai người, đã nhặt hòn sỏi và nói: “Tôi sẽ ném trúng vào mắt của một con hạc kia”. Vị tỳ kheo kia bảo: “Không thể nào!”. Vị tỳ kheo nọ nói: “Tôi còn có thể ném trúng con mắt bên kia, chừa con mắt bên này”. Vị tỳ kheo bạn mới bảo: “Điều này thì ông càng không thể!”_ “Vậy thì hãy xem đây!”.
Vị tỳ kheo nọ liền nhặt hòn sỏi thứ hai ném phía sau chim hạc, chim hạc đang bay nghe tiếng hòn sỏi xé gió, nó ngoảnh cổ lại nhìn, tức thì tỳ kheo ấy ném hòn sỏi khác trúng ngay con mắt bên kia của hạc xuyên qua con mắt bên này. Chim hạc kêu thét lên, rơi lộn vòng rớt ngay dưới chân họ. Chư tỳ kheo đứng tại đấy thấy vậy mới nói: “Các hiền giả, đã xuất gia trong giáo pháp của đức Phật, thật không phải lẽ với hành vi sát sanh của các ông”. Rồi chư tỳ kheo đã dẫn họ đến gặp đức Phật. Bậc Đạo sư đã tra hỏi: “Này tỳ kheo, thật chăng ngươi đã sát hại sinh vật?” _ “Bạch Thế Tôn, thật như vậy”. Đức Phật liền quở trách: “Này tỳ kheo, tại sao ngươi đã xuất gia trong giáo pháp hướng thượng như vậy, lại có hành động như vậy? Các bậc hiền trí thuở xưa vào thời không có vị Phật xuất hiện và dù là sống đời cư sĩ, cũng biết ray rức trong những lỗi dù nhỏ nhặt. Còn ngươi đã xuất gia trong Phật giáo mà không biết hối hận vậy?” Rồi đức Phật đã kể chuyện bổn sanh. Sau đó Ngài thuyết lên bài kệ này: Hatthasaṃyato pādasaṃyato…v.v…eko santusito tamāhu bhikkhun’ ti.
Dứt pháp thoại, nhiều vị tỳ kheo đã chứng đắc Thánh quả.
Lý giải:
Trong bài kệ này, câu nói “chế ngự tay, chế ngự chân” (hatthasaṃyato pādasaṃyato), có nghĩa là bậc xuất gia phải thu thúc kềm chế tay chân, đi tay không đánh đồng xa, chân không chạy, đứng không múa tay, kiễng chân, còn nói chi là vun tay đánh người, vung chân đá người khác thì càng không nên.
Câu nói “chế ngự mình đầu” (saṃyatuttano), nghĩa là bậc xuất gia phải nghiêm trang thân, mình không lắc lư uốn éo, không xoay đầu ngẩng cổ, liếc mắt nhìn xéo nhìn nghiêng, nhíu chân mày giận dữ…v.v…
Câu nói: “Chế ngự lời” (vācāsaṃyato) nghĩa là bậc xuất gia phải kềm chế lời nói, không nói dối, không nói đâm thọc, không nói độc ác, không nói chuyện vô ích.
Gọi là: “Vui nội thiền” (ajjhattarato), nghĩa là vui thích với sự tu tập đề mục thiền, đề mục thiền được gọi là nội hành xứ (gocarajjhattasaṅkhātāya kammaṭṭhānabhāvanāya rato).
Gọi là “định tĩnh” (samāhito) nghĩa là tâm trụ kiên cố, an trụ hoàn hảo.
Gọi là “độc thân” (eko), tức là sống một mình, độc cư (ekavihārī hutvā).
Gọi là “sống bằng lòng” (santusito), nghĩa là bậc xuất gia hài lòng với cuộc sống thanh bần, hài lòng với những gì phát sanh như đồ ăn khất thực…v.v…kể cả sự thành tựu thiện pháp, hay thiền chứng, hoặc đạo quả.
Một người xuất gia hội đủ các đức tính như vậy, đức Phật gọi vị ấy là tỳ kheo./.
Tỳ kheo Tuệ Siêu biên soạn.