Môn học: PĀLI PHÁP CÚ | XXV. Phẩm Tỳ Kheo (Bhikkhuvagga) _ Kệ số 22 (dhp 381)

Thứ năm, 02/01/2025, 23:26 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: PĀLI PHÁP CÚ

Bài học thứ năm 28.11.2024

XXV

Phẩm Tỳ Kheo

(Bhikkhuvagga)

XXV. Phẩm Tỳ kheo_Kệ số 22 (dhp 381)

Chánh văn:

22. Pāmojjabahulo bhikkhu

pasanno buddhasāsane

adhigacche padaṃ santaṃ

saṅkhārūpasamaṃ sukhaṃ.

(dhp 381)

Chuyển văn:

22. Pāmojjabahulo buddhasāsane pasanno bhikkhu saṅkhārūpasamaṃ sukhaṃ santaṃ padaṃ adhigacche.

Thích văn:

Pāmojjabahulo [chủ cách, số ít, nam tính, tính từ hợp thể pāmojjabahula (pāmojja + bahula)] nhiều hân hoan, đầy phỉ lạc.

Bhikkhu [chủ cách, số ít, nam tính, danh từ bhikkhu] vị tỳ kheo, vị tỳ khưu.

Pasanno [chủ cách, số ít, nam tính, tính từ pasanna (quá khứ phân từ của động từ pasīdati)] đã tịnh tín, đã tin tưởng, đã tín ngưỡng.

Buddhasāsane [định sở cách, số ít, trung tính, danh từ hợp thể buddhasāsana (buddha + sāsana)] giáo lý của đức Phật, Phật giáo.

Adhigacche [động từ khả năng cách, attanopada, ngôi III, số ít, “adhi + gam + a + e”] phải đạt đến, nên chứng đạt, có thể chứng đắc.

Padaṃ [đối cách, số ít, trung tính, danh từ pada] cứu cánh, đích điểm.

Santaṃ [đối cách, số ít, trung tính, tính từ santa (quá khứ phân từ của động từ sammasati)] an tịnh, vắng lặng.

Saṅkhārūpasamaṃ [đối cách, số ít, nam tính, danh từ hợp thể saṅkhārūpasama (saṅkhāra + upasama)] tịch tịnh cách hành, tịnh chỉ các hành.

Sukhaṃ [đối cách, số ít, trung tính, danh từ sukha] sự an lạc, sự an vui.

Việt văn:

22. Tỳ kheo nhiều hân hoan,

 tín thành giáo lý Phật,

 chứng cảnh giới an tịnh,

 lạc tĩnh lặng các hành.

(pc 381)

22. Vị tỳ kheo có nhiều hân hoan, tin tưởng giáo lý Phật đà, có thể đạt đến cảnh giới tịch tịnh, an lạc, tĩnh lặng các hành.

Duyên sự:

Bài kệ này, đức Phật thuyết khi Ngài trú tại Veḷuvanavihāra, gần kinh thành Rājagaha, do chuyện tỳ kheo Vakkali.

Có người bà la môn ở Sāvatthi, một lần nhìn thấy đức Phật hành khất thực, thân tướng của Ngài quá tuyệt hảo như vị thiên thần. Người bà la môn ấy quyết định xuất gia theo đức Phật để có cơ hội gần Ngài, ngắm nhìn thân tướng Ngài cho mãn nhãn.

Sau khi xuất gia thọ đại giới, được biệt danh là tỳ kheo Vakkali. Tỳ kheo Vakkali mãi đi theo và ngắm nhìn đức Phật, bỏ qua việc học pháp và hành pháp.

Bậc Đạo sư chờ cho trí giác của Vakkali chín muồi nên Ngài vẫn không nói gì. Cho đến khi, đức Thế Tôn biết nay trí giác của tỳ kheo này đã được chín muồi, Ngài kêu vị ấy và dạy: “Này Vakkali, có lợi ích gì cho ngươi với việc ngắm nhín tấm thân hôi thúi này? Này Vakkali, ai thấy pháp, người ấy thấy Ta; Ai thấy ta, người ấy thấy pháp”.

Dù được giáo giới như vậy, tỳ kheo ấy vẫn không bỏ việc ngắm nhìn bậc Đạo sư để đi nơi khác. Đức Phật quán xét: “Vị tỳ kheo này nếu không có sự kinh cảm sẽ không giác ngộ được”.

Đến thời an cư mùa mưa, đức Thế Tôn đi đến thành Rājagaha. Trong ngày nhập hạ, Ngài đuổi tỳ kheo Vakkali: “Hãy đi đi, này Vakkali! Hãy đi đi, này Vakkali!”

Tỳ kheo Vakkali thất vọng khi trong ba tháng an cư không thể diện kiến bậc Đạo sư. Vị ấy đã lên đỉnh núi Linh Thứu, nghĩ rằng: “Có ích gì với mạng sống của ta, ta sẽ gieo mình từ một tảng đá”.

Đức Thế Tôn biết tâm trạng chán chường của tỳ kheo Vakkali, Ngài nghĩ “Tỳ kheo này nếu không được ta an ủi sẽ tự tử, như vậy sẽ tiêu mất duyên lành đạo quả”. Ngài đã phóng hào quang hiện ra trước mặt vị ấy. Kể từ lúc được thấy bậc Đạo sư mọi ni sầu ưu của tỳ kheo ấy đã tan biến và để làm sanh khởi hỷ lạc hân hoan mãnh liệt cho vị ấy, bậc Đạo sư đã nói lên bài kệ: Pāmojjabahulo bhikkhu…v.v…saṅkhārūpasamaṃ sukhan’ ti.

Nói xong bài kệ này, bậc Đạo Sư đã đưa tay cho tỳ kheo Vakkali và nói:

“Hãy đến đây, Vakkali, chớ sợ hãi! Hãy nhìn Như Lai, ta sẽ kéo ngươi lên như kéo con voi bị sa lầy”.

“Hãy đến đây, Vakkali, chớ sợ hãi! Hãy nhìn Như Lai, ta sẽ cứu thoát ngươi như phóng thích mặt trời bị Rāhu bắt giữ”.

“Hãy đến đây, Vakkali, chớ sợ hãi! Hãy nhìn Như Lai, ta sẽ cứu thoát người như phóng thích mặt trăng bị Rāhu bắt giữ”.

Ngay khi, tỳ kheo Vakkali sanh khởi hỷ lạc tràn ngập, tung người vào không trung trước mặt đấng Thập Lực, khi chân vừa chạm đứng trên một tảng đá, vị ấy chiêm nghiệm kệ ngôn đức Thế Tôn đã thuyết, liền chứng đắc quả A la hán với tứ tuệ phân tích. Tỳ kheo Vakkali bước xuống đứng bên bậc Đạo sư và đảnh lễ Ngài.

Tôn giả Vakkali được đức Thế Tôn đặt vào địa vị ưu tú về hạnh Tín thắng giải (Saddhādhimutta).

Lý giải:

Bài kệ này có ý nghĩa giống như bài kệ dhp 368. Chỉ khác là ở kệ ngôn pháp cú 368 thì câu đầu “Mettāvihārī yo bhikkhu_Tỳ kheo trú từ tâm”, còn ở đây kệ ngôn 381, thì câu đầu là “Pāmojjabahulo bhikkhu_Tỳ kheo nhiều hân hoan”.

Thông thường, vị tỳ kheo sống nhiều niềm hân hoan, vui thích đời sống phạm hạnh, vị ấy sẽ có niềm tin ở giáo pháp của Đức Phật; khi có lòng tin ở Phật pháp thì vị ấy có thể chứng đạt níp bàn là cảnh giới tịch tịnh an lạc, tĩnh lặng các pháp hu vi, dứt sanh tử luân hồi./.

Tỳ kheo Tuệ Siêu biên soạn.

Ý kiến bạn đọc