- 13913 S. Post Oak Rd, Houston TX 77045
- Phone: (281) 838-0535. Fax: (832) 550-2889
- Trụ Trì: Tỳ khưu Giác Đẳng
- Email: phapluan@gmail.com
- Web: chuaphapluan.com
- Xem bản đồ
Lớp Phật Pháp Buddhadhamma
Môn học: PĀLI PHÁP CÚ
Bài học chủ nhật 17.11.2024
XXV
Phẩm Tỳ Kheo
(Bhikkhuvagga)
XXV. Phẩm Tỳ kheo_Kệ số 19 (dhp 378)
Chánh văn:
19. Santakāyo santavāco
santavā susamāhito
vantalokāmiso bhikkhu
upasanto’ ti vuccati.
(dhp 378)
Chuyển văn:
19. Santakāyo santavāco santavā susamāhito vantalokāmiso bhikkhu upasanto’ ti vuccati.
Thích văn:
Santakāyo [chủ cách, số ít, nam tính, danh từ hợp thể santakāya (santa + kāya)] người có thân an tịnh.
Santavāco [chủ cách, số ít, nam tính, danh từ hợp thể santavāca (santa + vācā + a)] người có miệng an tịnh, khẩu ngôn an tịnh.
Santavā [chủ cách, số ít, nam tính, danh tính từ santavantu (santa + vantu)] có sự an tịnh, (ý) an tịnh.
Susamāhito [chủ cách, số ít, nam tính, tính từ hợp thể susamāhita (su + samāhita)] đã khéo định tĩnh.
Vantalokāmiso [chủ cách, số ít, nam tính, tính từ hợp thể vantalokāmisa (vanta + “loka + āmisa”)] đã bỏ thế lợi, đã bỏ vật chất thế gian.
Upasanto’ ti [hợp âm upasanto iti].
Upasanto [chủ cách, số ít, nam tính, tính từ upasanta (quá khứ phân từ của của động từ upasammati)] bậc an tịnh, bậc tịch tịnh.
Vuccati [động từ hiện tại, thụ động thể parassapada, ngôi III, số ít, “
Việt văn:
19. Thân tịnh, khẩu an tịnh,
ý tịnh, khéo định tĩnh
tỳ kheo bỏ thế lợi
xứng gọi “bậc tịch tịnh”
(pc 378)
19. Tỳ kheo có thân an tịnh, có khẩu an tịnh, có ý an tịnh, tâm khéo định tĩnh, đã từ bỏ thế lợi, vị ấy được gọi là “Bậc tịch tịnh”.
Duyên sự:
Kệ ngôn này, đức Phật thuyết ở thành Sāvatthi, khi Ngài ngụ tại chùa Jetavana, vì chuyện trưởng lão Santakāya.
Vị trưởng lão này có thân yên lặng, không có cử chỉ táy máy tay chân, hay vươn vai ngáp gió. Nghe rằng vị trưởng lão này từ chủng loại sư tử sanh lại cõi người. Loài sư tử có thói quen yên lặng, không có chạy nhảy lăng xăng, nhất là khi đã no mồi, chúng chỉ nằm yên sau bảy ngày mới đứng lên quan sát tìm mồi. Vị trưởng lão này do thường cận y duyên quá khứ nên nay mới như vậy.
Chư tỳ kheo thấy thân hành của vị trưởng lão ấy như vậy, đã trình bày với đức Phật:
“Bạch Thế Tôn, chưa từng thấy một vị tỳ kheo nào như trưởng lão Santakāya, vị này không động đậy tay, hoặc chân, hoặc vươn vai uốn éo…”.
Sau khi nghe câu chuyện, bậc Đạo sư đã dạy:
“Này chư tỳ kheo, là vị tỳ kheo thì phải an tịnh thân hành, khẩu hành và ý hành”. Nói xong đức Phật thuyết lên kệ ngôn: Santakāyo santavāco…v.v…upasanto’ ti vuccati.
Khi Thế Tôn thuyết dứt kệ ngôn, vị trưởng lão ấy đã trú vào quả vị A la hán.
Lý giải:
Trưởng lão Santakāya do thường cận y duyên quá khứ là giống loài sư tử, nên nay sanh làm người có cử chỉ trầm lặng nghiêm trang. Chư tỳ kheo thấy vị ấy như vậy đã khen ngợi. Đức Phật thấy cần phải dạy cho các tỳ kheo và bản thân vị trưởng lão ấy hiểu tính chất an tịnh thân khẩu ý của vị tỳ kheo có tu tập, nên Ngài dạy bài kệ này.
Gọi là “Thân an tịnh” (santakāyo) nghĩa là thân hành không làm điều sái quấy, như không giết hại sinh vật, đánh đập đã thương người khác…v.v…
Gọi là “Khẩu an tịnh” (santavāco) nghĩa là khẩu hành không nói lời sái quấy, như không nói dối, không chia rẻ, không nói lời độc ác, không nói chuyện nhảm nhí vô ích…v.v…
Gọi là “Ý an tịnh” (santavā). Vì thi kệ giới hạn từ ngữ nên nói santavā, đúng ra là santamano. Nghĩa là ý hành an tịnh, tức ý không suy nghĩ tham lam, sân hận, tà kiến…v.v…
Gọi là “Khéo định tĩnh” (susamāhito) nghĩa là khéo nhiếp tâm đối với thân hành, khẩu hành và ý hành, không để tâm buông lung xúi giục thân hành quấy, khẩu hành quấy, ý hành quấy.
Gọi là “từ bỏ thế lợi” (vantalokāmiso). Thế lợi hay tài sản thế gian (lokāmisa) là lợi đắc, cung kính, ngũ trần; cũng có nghĩa là sự tái sanh trong ba giới (dục giới, sắc giới và vô sắc giới). Bỏ thế lợi là làm cho mất đi sự luân hồi bằng bốn thánh đạo (tu đà hườn, tư đà hàm, a na hàm và a la hán).
Vị tỳ kheo nào có thân hành an tịnh, khẩu hành an tịnh, ý hành an tịnh, khéo nhiếp tâm, không còn luân hồi nữa, vị ấy được gọi là “Bậc tịch tịnh” đúng nghĩa; còn như một vị chỉ có thân trang nghiêm, cử chỉ điềm đạm, mà chưa tĩnh lặng phiền não, chưa dứt luân hồi, thì chưa được gọi là “Bậc tịch tịnh”./.
Tỳ kheo Tuệ Siêu biên soạn.