Môn học: PĀLI PHÁP CÚ | XXV. Phẩm Tỳ Kheo (Bhikkhuvagga) _ Kệ số 15, 16, 17 (dhp 374, 375, 376)

Thứ bảy, 28/12/2024, 05:10 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: PĀLI PHÁP CÚ

Bài học thứ năm 14.11.2024

XXV

Phẩm Tỳ Kheo

(Bhikkhuvagga)

XXV. Phẩm Tỳ kheo_Kệ số 15 đến 17 (dhp 374- 376)

Duyên sự:

Đức Phật thuyết chín bài kệ này cho chín nhóm tân tỳ kheo, khi Ngài trú ở Sāvatthi, tại Jetavana.

Một băng cướp 900 người đã đột nhập vào gia trang của một bà tín nữ, thân mẫu của tôn giả Sonakoṭikaṇṇa, trong lúc bà vắng nhà để đến chùa nghe tôn giả thuyết pháp.

Gia nhân lẻn ra ngoài đi đến chùa thông báo cho nữ chủ biết. Bà gạt đi và nói: “Kệ chúng, chúng muốn đem tài sản đi thì đem. Để yên ta nghe pháp”.

Lần thứ hai, rồi lần thứ ba, gia nhân đến báo tin cho bà biết, bọn cướp lúc đầu lấy kho tiền đồng, lần hai lấy kho bạc, bây giờ đang lấy kho vàng. Bà tín nữ cũng gạt ngang: “Hãy để ta nghe pháp. Mặc kệ bọn cướp, chúng muốn lấy vàng bao nhiêu thì lấy”. Tên gia nhân trở về nhà nói với bọn cướp: “Các ông muốn lấy vàng bạc bao nhiêu thì lấy. Chủ nhân nhà này không cần tài sản ấy mà chỉ cần tài pháp”.

Đảng cướp ngơ ngác nhìn nhau, chúa đảng ngộ ra được sự nhim mầu của giáo pháp, bèn ra lệnh đồng đảng đem trả lại tất cả tiền, vàng và bạc, trả vào kho của bà nữ chủ. Rồi tất cả cùng đi đến chùa gặp bà chủ để xin lỗi, đồng thời họ xin xuất gia với tôn giả Sona.

Tôn giả Sona truyền giới cho họ và dạy đề mục hành thiền khác nhau cho chín nhóm, mỗi nhóm trăm người.

Chín nhóm tân tỳ kheo tìm nơi thanh vắng để tu niệm đề mục thiền của mình. Lúc ấy, đức Thế Tôn tại hương thất Jetavana, Ngài quán xét thấy căn lành của chín trăm tân tỳ kheo ấy, liền phóng hào quang như đang ở trước mặt họ và tuần tự thuyết lên chín bài kệ này.

Khi dứt một kệ ngôn thì có một trăm vị tỳ kheo đắc A la hán với tứ tuệ phân tích… chín kệ ngôn đức Thế Tôn thuyết xong, tất cả 900 vị đều đạt đến quả vị Lậu tận với tứ tuệ phân tích.

Chư tỳ kheo ấy sau khi đắc thánh quả, đã theo đường hư không đi đến Jetavana cách đó 120 do tuần để đảnh lễ bậc Đạo sư.

Chánh văn:

15. Yato yato sammasati

khandhānaṃ udayabbayaṃ

labhati pītipāmojjaṃ

amataṃ taṃ vijānataṃ.

(dhp 374)

16. Tatrāyamādi bhavati

idha paññassa bhikkhuno

indriyagutti santuṭṭhi

pātimokkhe ca saṃvaro.

nitte bhajassu kalyāne

suddhājīve atandite.

(dhp 375)

17. Paṭisanthāravuttyassa

ācārakusalo siyā

tato pāmojjabahulo

dukkhass’antaṃ karissati.

(dhp 376)

Chuyển văn:

15. Yato yato khandhānaṃ udayabbayaṃ sammasati pītipāmojjaṃ labhati taṃ vijānataṃ amataṃ.

16. Idha paññassa bhikkhuno tatrā ayaṃ ādi bhavati indriyagutti santuṭṭhi pātimokkhe ca saṃvaro suddhājīve atandite kalyāne mitte bhajassu.

17. Paṭisanthāravutti assa ācārakusalo siyā tato pāmojjabahulo dukkhassa antaṃ karissati.

Việt văn:

15. Vị luôn khi thẩm xét

sự sanh diệt các uẩn

được hỷ lạc bất tử

điều các bậc liu tri

(pc 371)

16. Đây là bước đầu tiên

của tỳ kheo có trí

phòng hộ căn, biết đủ

thu thúc trong giới bổn

thân cận những bạn lành

sống thanh tịnh, siêng năng.

(pc 375)

17. Có thói quen hiếu khách,

phẩm hạnh tốt đẹp

do vậy, nhuần phỉ lạc

sẽ chấm dứt khổ đau.

(pc 376)

15. Bất cứ khi nào vị ấy thẩm xét sự sanh diệt của ngũ uẩn, thì vị ấy đạt được phỉ lạc hân hoan, một trạng thái bất tử mà điều ấy chư thánh chứng tri.

16. Trong việc ấy, đây là pháp tu bước đầu của vị tỳ kheo trong giáo pháp này: phòng hộ các căn, sống tri túc, thu thúc giới bn, thân cận bạn lành là những người siêng khất thực nuôi mạng thanh tịnh.

17. Thái độ tiếp đãi thân thiện, có phẩm hạnh tốt đẹp; Nhờ đó, sẽ đượm nhuần hỷ lạc và đoạn tận khổ đau.

Lý giải:

Kệ thứ bảy:

Bất cứ khi nào vị ấy thẩm xét sự sanh diệt các uẩn (yato yato sammarati khandhānaṃ udayabbayaṃ), nghĩa là vị hành giả tu tập thẩm xét ngũ uẩn đề mục thiền quán trong mọi thời sáng, trưa, chiều, tối hoặc thời nào thích hợp với mình. Thẩm xét ngũ uẩn thế nào? Là thẩm xét tính sanh và diệt của ngũ uẩn. Thẩm xét sắc uẩn sanh do vô minh làm tập khởi, do ái làm tập khởi, do nghiệp làm tập khởi, do xúc làm tập khởi; Thẩm xét thọ, tưởng, hành uẩn sanh do vô minh, ái nghiệp và xúc làm tập khởi; Thẩm xét thức uẩn sanh do vô minh, ái, nghiệp và danh sắc làm tập khởi. Thẩm xét tính diệt của ngũ uẩn: Khi pháp tập khởi của ngũ uẩn bị hoại diệt thì sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn và thức uẩn cũng hoại diệt. Như thế gọi là thẩm xét tính sanh diệt của ngũ uẩn.

Vị ấy được phỉ lạc hân hoan, một trạng thái bất tử mà điều ấy chư Thánh chứng tri (labhati pītipāmojjaṃ amataṃ taṃ vijānataṃ), nghĩa là khi một vị thẩm xét sự sanh diệt của ngũ uẩn như vậy, vị ấy đạt được phỉ lạc thuộc về pháp, hân hoan thuộc về pháp. Phỉ lạc và hân hoan sanh khởi khi hiểu biết danh sắc cùng với duyên trợ, ấy là pháp dẫn đến níp bàn bất tử. Chỉ có các bậc trí tuệ mới liu tri được trạng thái bất tử ấy.

Kệ ngôn thứ tám và kệ ngôn thứ chín:

Đây là bước đầu của tỳ kheo có trí (tatrā’ yamādi bhavati idha paññassa bhikkhuno). Trong hai bài kệ sau cùng này, đức Phật dạy pháp tu đầu tiên cho vị tỳ kheo hiền trí trong giáo pháp của Ngài.

Vị tỳ kheo trong giáo pháp này nên thực hành sáu pháp tu bước đầu là:

1/ Phòng hộ các căn (Indriyagutti) tức là thu thức sáu căn: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý (nhãn căn…v.v…).

2/ Tri túc (Santutthī), tức là biết đủ trong bốn món nhu yếu: y phục, vật thực, trú xứ và thuốc trị bệnh.

3/ Thu thúc giới bổn (pātimokkhe ca saṃvaro) tức là gìn giữ các học giới (sikkhāpada) mà đức Phật đã chế định trong Biệt giải thoát giới (Ba la đề mộc xoa- Pātimokkha).

4/ Thân cận những bạn lành sống thanh tịnh siêng năng (Mitte bhajassu kalyāne suddhājīve atandike), tức là tìm đến giao du với những người bạn, nuôi mạng trong sạch dựa vào sức mạnh đôi chân khất thực mà ăn, những người bạn không biếng nhác, không lơ là tu tập.

5/ Có thái độ tiếp đãi tốt (Paṭisanthāravutti assa). Có hai sự tiếp đãi: Tiếp đãi bằng vật chất (āmisapaṭisanthāra) và tiếp đãi bằng pháp (dhammapaṭisanthāra), vị tỳ kheo có thói quen ân cần tiếp đãi ấy gọi là có thái độ tiếp đãi tốt.

6/ Có phẩm hạnh tốt đẹp (ācārakusalo siyā). Có hai loại phẩm hạnh là giới (sīlaṃ ācāro) và phận sự (vattaparivattaṃ ācāro). Vị tỳ kheo trang nghiêm giới hạnh và chu toàn phận sự bậc xuất gia, đó gọi là có phẩm hạnh tốt.

Do vậy nhuần phỉ lạc (tato pāmojjabahulo), nghĩa là do có thái độ tiếp đãi và phẩm hạnh tốt đẹp nên phát sanh sự hân hoan trong pháp, gọi là nhuần phỉ lạc.

Sẽ chấm dứt khổ đau (dukkhassa’ antaṃ karissati), nghĩa là vị tỳ kheo có tu tập được thấm nhuần phỉ lạc như vậy sẽ chấm dứt toàn bộ khổ luân hồi.

Tỳ kheo Tuệ Siêu biên soạn.

Ý kiến bạn đọc