Môn học: PĀLI PHÁP CÚ | XXV. Phẩm Tỳ Kheo (Bhikkhuvagga) _ Kệ số 12, 13, 14 (dhp 371, 372, 373)

Thứ sáu, 27/12/2024, 07:05 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: PĀLI PHÁP CÚ

Bài học chủ nhật 10.11.2024

XXV

Phẩm Tỳ Kheo

(Bhikkhuvagga)

XXV. Phẩm Tỳ kheo_Kệ số 12, 13, 14 (dhp 371, 372, 373)

Duyên sự:

Đức Phật thuyết chín bài kệ này cho chín nhóm tân tỳ kheo, khi Ngài trú ở Sāvatthi, tại Jetavana.

Một băng cướp 900 người đã đột nhập vào gia trang của một bà tín nữ, thân mẫu của tôn giả Sonakoṭikaṇṇa, trong lúc bà vắng nhà để đến chùa nghe tôn giả thuyết pháp.

Gia nhân lẻn ra ngoài đi đến chùa thông báo cho nữ chủ biết. Bà gạt đi và nói: “Kệ chúng, chúng muốn đem tài sản đi thì đem. Để yên ta nghe pháp”.

Lần thứ hai, rồi lần thứ ba, gia nhân đến báo tin cho bà biết, bọn cướp lúc đầu lấy kho tiền đồng, lần hai lấy kho bạc, bây giờ đang lấy kho vàng. Bà tín nữ cũng gạt ngang: “Hãy để ta nghe pháp. Mặc kệ bọn cướp, chúng muốn lấy vàng bao nhiêu thì lấy”. Tên gia nhân trở về nhà nói với bọn cướp: “Các ông muốn lấy vàng bạc bao nhiêu thì lấy. Chủ nhân nhà này không cần tài sản ấy mà chỉ cần tài pháp”.

Đảng cướp ngơ ngác nhìn nhau, chúa đảng ngộ ra được sự nhim mầu của giáo pháp, bèn ra lệnh đồng đảng đem trả lại tất cả tiền vàng và bạc, trả vào kho của bà nữ chủ. Rồi tất cả cùng đi đến chùa gặp bà chủ để xin lỗi, đồng thời họ xin xuất gia với tôn giả Sona.

Tôn giả Sona truyền giới cho họ và dạy đề mục hành thiền khác nhau cho chín nhóm, mỗi nhóm trăm người.

Chín nhóm tân tỳ kheo tìm nơi thanh vắng để tu niệm đề mục thiền của mình. Lúc ấy, đức Thế Tôn tại hương thất Jetavana, Ngài quán xét thấy căn lành của chín trăm tân tỳ kheo ấy, liền phóng hào quang như đang ở trước mặt họ và tuần tự thuyết lên chín bài kệ này.

Khi dứt một kệ ngôn thì có một trăm vị tỳ kheo đắc A la hán với tứ tuệ phân tích… chín kệ ngôn đức Thế Tôn thuyết xong, tất cả 900 vị đều đạt đến quả vị Lậu tận với tứ tuệ phân tích.

Chư tỳ kheo ấy sau khi đắc thánh quả, đã theo đường hư không đi đến Jetavana cách đó 120 do tuần để đảnh lễ bậc Đạo sư.

Chánh văn:

12. Jhāya bhikkhu mā ca pamādo

mā te kāmaguṇe bhamassu cittaṃ

mā lohaguḷaṃ gilī pamatto

mā kandi dukkhamidan’ ti dayhamāno.

(dhp 371)

13. Natthi jhānaṃ apaññassa

paññā natthi ajhāyato

yamhi jhānañca paññā ca

sa ve nibbānasantike.

(dhp 372)

14. Suññāgāraṃ paviṭṭhassa

santacittassa bhikkhuno

amānusī rati hoti

sammā dhammaṃ vipassato.

(dhp 373)

Chuyển văn:

12. Bhikkhu jhāya mā ca pamādo te cittaṃ kāmaguṇe mā bhamassu pamatto lohaguḷaṃ mā gilī dayhamāno idaṃ dukkhaṃ kandi.

13. Apaññassa jhānaṃ natthi ajhāyato paññā natthi yamhi jhānañca paññā ca so ve nibbānasantike.

14. Suññāgāraṃ paviṭṭhassa santacittassa dhammaṃ sammā vipassato bhikkhuno amānusī rati hoti.

Việt văn:

12. Tỳ kheo, hãy tu thiền!

chớ buông lung phóng túng,

tâm đừng theo dục trần,

chớ nuốt hòn sắt sóng

bị đốt đừng than khổ.

(pc 371)

13. Không thiền, người vô trí

không trí, người vô thiền

người có thiền có trí

chắc chắn, gần níp bàn.

(pc 372)

14. Đi vào ngôi nhà trống,

tỳ kheo tâm an tịnh,

minh sát pháp chân chánh

có hỷ lạc siêu nhân.

(pc 373)

12. Tỳ kheo, hãy tu thiền, chớ có dễ duôi, chớ để tâm của người cuốn theo dục trần; Đừng phóng túng nuốt hòn sắt nóng, đừng để khi bị đốt cháy mới than thở “đây là khổ”.

13. Không trí tuệ thì không có thiền định, không thiền định thì không có trí tuệ; ở người nào có cả thiền định và trí tuệ, người ấy chắc chắn đến gần níp bàn.

14. Đối với vị tỳ kheo đi vào chỗ vắng vẻ, tâm ý an tịnh, chân chánh minh sát pháp, thì sẽ có được niềm hoan hỷ siêu nhân.

Lý giải:

Kệ ngôn thứ tư:

Tỳ kheo, hãy tu thiền (jhāya bhikkhu) là đức Phật kêu dạy “Này các tỳ kheo, ngươi hãy tu thiền theo hai loại chỉ (samattha) và quán (vipassanā).

Chớ có buông lung (mā ca pamādo) là đừng sống phóng túng, dễ duôi trong thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp.

Chớ để tâm ngươi cuốn theo dục trần (mā te kāmagune bhamassu cittaṃ), đức Phật dạy: đừng để tâm của ngươi cuốn theo, thỏa thích theo năm món dục lạc sắc đẹp, tiếng hay, mùi thơm, vị ngon, xúc lạc.

Chớ nuốt hòn sắt nóng, bị đốt đừng than khổ (mā lohaguḷaṃ gilī pamatto mā kandi dukkhamidaṇ’ ti dayhamāno), câu này có nghĩa là người xuất gia mà sống buông thả, thất niệm, sẽ nuốt hòn sắt nóng đỏ trong cõi địa ngục, do đó, đức Phật dạy các tỳ kheo: chớ dễ duôi mà nuốt hòn sắt nóng và đừng để khi bị đốt cháy cổ họng bởi hòn sắt nóng ấy, mới than khóc “đây là khổ” như thế là quá muộn rồi.

Kệ ngôn thứ năm:

Người không trí tuệ thì không có thiền định (natthi jhānaṃ apaññassa), bởi vì trí tuệ tạo nên sự tinh tấn và là nhân phát sanh thiền định, do đó đối với người không trí tuệ thì không có thiền định.

Người không thiền, không có trí tuệ (paññā natthi ajhāyato). Người không thiền là người tâm không định tĩnh; Mà người tâm không định tĩnh thì làm sao có trí tuệ? Bởi có Phật ngôn rằng: “Samāhito bhikkhu yathābhūtaṃ jānāti passati, vị tỳ kheo định tĩnh mới thấy biết như thật”, do đó, không thiền thì không có trí tuệ.

Người có thiền và trí tuệ, chắc chắn gần níp bàn (yamhi jhānañca paññā ca sa ve nibbānasantike), tức là nói đối với người nào có cả hai thiền và trí tuệ thì người ấy chắc chắn sẽ chứng ngộ níp bàn.

Kệ ngôn thứ sáu:

Đi vào ngôi nhà trống (suññāgāraṃ paviṭṭhassa), ngôi nhà trống là ám chỉ chỗ thanh vắng, bất cứ là chỗ nào. Vị tỳ kheo đi vào chỗ vắng vẻ, ngi xuống tác ý đề mục.

Tỳ kheo tâm an tịnh (santacittassa bhikkhuno), tức là vị tỳ kheo có tâm yên bình (nibbutacittassa).

Chân chánh minh sát pháp (sammā dhammaṃ vipassato), tức là quán xét danh sắc theo đặc tính vô thường, khổ, vô ngã; quán xét duyên tập khởi của danh sắc. Như vậy gọi là minh sát pháp.

Có hỷ lạc siêu nhân (amānusī rati hoti) nghĩa là đối với vị tỳ kheo ẩn cư nơi vắng vẻ, tu tập đề mục chỉ tịnh và minh sát, vị ấy sẽ hưởng được hỷ lạc của thiền quán và hỷ lạc của thiền chỉ, một trạng thái hỷ lạc như chư thiên, thứ hỷ lạc mà con người không cảm nhận được.

Tỳ kheo Tuệ Siêu biên soạn.

Ý kiến bạn đọc