Môn học: PĀLI PHÁP CÚ | XXIV. Phẩm Ái (Tanhāvagga) _ Kệ số 23, 24, 25, 26 (dhp 356, 357, 358, 359)

Thứ bảy, 14/12/2024, 00:10 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: PĀLI PHÁP CÚ

Bài học thứ hai 14.10.2024

XXIV

Phẩm Ái

(Tanhāvagga)

XXIV. Phẩm Ái_Kệ số 23, 24, 25 & 26 (dhp 356, 357, 358, 359)

Chánh văn:

23. Tiṇadosāni khettāni

rāgadosā ayaṃ pajā

tasmā hi vītarāgesu

dinnaṃ hoti mahapphalaṃ.

(dhp 356)

24. Tiṇadosāni khettāni

dosadosā ayaṃ pajā

tasmā hi vītadosesu

dinnaṃ hoti mahapphalaṃ.

(dhp 357)

25. Tiṇadosāni khettāni

mohadosā ayaṃ pajā

tasmā hi vītamohesu

dinnaṃ hoti mahapphalaṃ.

(dhp 358)

26. Tiṇadosāni khettāni

icchādosā ayaṃ pajā

tasmā hi vigaticchesu

dinnaṃ hoti mahapphalaṃ.

(dhp 359)

Chuyển văn:

23. Khettāni tiṇadosāmi ayaṃ pajā rāgadosā tasmā hi vītarāgesu dinnaṃ mahapphalaṃ hoti.

24. Khettāni tiṇadosāmi ayaṃ pajā dosadosā tasmā hi vītadosesu dinnaṃ mahapphalaṃ hoti.

25. Khettāni tiṇadosāmi ayaṃ pajā mohadosā tasmā hi vītamohesu dinnaṃ mahapphalaṃ hoti.

26. Khettāni tiṇadosāmi ayaṃ pajā icchādosā tasmā hi vītarāgesu dinnaṃ mahapphalaṃ hoti.

Thích văn:

Tiṇadosāni [chủ cách, số nhiều, trung tính, tính từ hợp thể tiṇadosa (tiṇa + dosa)] có tai hại là cỏ.

Khettāni [chủ cách, số nhiều, trung tính, danh từ khetta] các thửa ruộng, ruộng vườn.

Rāgadosā [chủ cách, số ít, nữ tính, tính từ hợp thể rāgadosa (rāga + dosa)] có tai hại là tham, có tham xâm hại.

Ayaṃ [chủ cách, số ít, nữ tính, chỉ thị đại từ ima] này, cái này, người này.

Pajā [chủ cách, số ít, nữ tính, danh từ pajā] nhân loại, loài người.

Tasmā [xuất xứ cách, số ít, trung tính, đại từ ta. Dùng có hi đi theo “tasmā hi”] bởi thế, do đó.

Vītarāgesu [định sở cách, số nhiều, nam tính, danh từ hợp thể vītarāga (vīta + rāga)] đến những vị ly tham.

Dinnaṃ [chủ cách, số ít, trung tính, tĩnh từ dinna (quá khứ phân từ của động từ dadati)] sự cho, sự bố thí, sự dâng hiến.

Hoti [động từ hiện tại, tiến hành cách, parassapada, ngôi III, số ít, “hū + a + ti”] nó là.

Mahapphalaṃ [chủ cách, số ít, trung tính, danh từ hợp thể mahapphala (mahā + phala)] quả lớn, kết quả to tát.

Dosadosā [chủ cách, số ít, nữ tính, tính từ hợp thể (dosa + dosa)] có tai hại là sân, có sân xâm hại.

Vītadosesu [định sở cách, số nhiều, nam tính, danh từ hợp thể vītadosa (vīta + dosa)] đến các bậc ly sân.

Mohadosā [chủ cách, số ít, nữ tính, tính từ hợp thể (moha + dosa)] có tai hại là si, có si xâm hại.

Vītamohesu [định sở cách, số nhiều, nam tính, danh từ hợp thể vītamoha (vīta + moha)] đến các bậc ly si.

Icchādosā [chủ cách, số ít, nữ tính, tính từ hợp thể icchādosa (icchā + dosa)] có dục vọng là tai tại, có tai hại là dục vọng.

Vigaticchesu [định sở cách, số nhiều, nam tính, danh từ hợp thể vigaticcha (vigata + icchā + a)] đến các bậc ly vọng, đến những vị ly dục.

Việt văn:

23. Ruộng vườn, cỏ xâm hại

loài người, ái xâm hại

cúng dường bậc ly tham

bởi thế, có quả lớn.

(pc 356)

24. Ruộng vườn, cỏ xâm hại

loài người, sân xâm hại

cúng dường bậc ly sân

bởi thế, có quả lớn.

(pc 357)

25. Ruộng vườn, cỏ xâm hại

loài người, si xâm hại

cúng dường bậc ly si

bởi thế, có quả lớn.

(pc 358)

26. Ruộng vườn, cỏ xâm hại

loài người, dục xâm hại

cúng dường bậc ly dục

bởi thế, có quả lớn.

(pc 359)

23. Ruộng vườn bị xâm hại bởi cỏ, con người bị xâm hại bởi tham. Do đó, bố thí đến các bậc ly tham là có quả lớn.

24. Ruộng vườn bị xâm hại bởi cỏ, con người bị xâm hại bởi sân. Do đó, bố thí đến các bậc ly sân là có quả lớn.

25. Ruộng vườn bị xâm hại bởi cỏ, con người bị xâm hại bởi si. Do đó, bố thí đến các bậc ly si là có quả lớn.

26. Ruộng vườn bị xâm hại bởi cỏ, con người bị xâm hại bởi dục vọng. Do đó, bố thí đến các bậc ly dục vọng là có quả lớn.

Duyên sự:

Bốn bài kệ này, đức Phật thuyết khi Ngài ngự trên thiên cung Đao Lợi, nơi bảo tọa của Thiên chủ Đế Thích, tảng đá Paṇḍukambala, nhân câu chuyện hai vị thiên tử Indaka và Aṅkura.

Khi đức Phật ngự lên cõi trời Đao Lợi, để thuyết Vi diệu pháp tiếp độ Mu thân. Ngài an tọa trên tảng đá vàng Paṇḍukambala của Đế Thích. Lúc ấy chư thiên hội tụ lại, thiên tử Indaka ngồi phía bên phải của đức Phật và thiên tử Aṅkura ngồi phía bên trái. Khi có vị thiên nào đến sau mà có uy lực lớn hơn, thì vị thiên kém phước hơn phải ngồi lùi lại nhường chỗ. Bấy giờ thiên tử Aṅkura cứ phải ngồi lùi lại, còn thiên tử Indaka thì vẫn ngi yên đó. Đức Thế Tôn biết nhưng Ngài vẫn hỏi hai thiên tử ấy, để lấy làm đề tài thuyết pháp cho hội chúng chư thiên.

Ngài hỏi thiên tử Aṅkura: “Ngươi đã tạo phước nghiệp gì mà được sanh thiên giới này? Nhưng sao phải lùi lại nhường chỗ?”

Thiên tử Aṅkura đáp: “Bạch Thế Tôn, khi ở cõi người, con đã bố thí thức ăn cho những người nghèo khổ suốt cả mười ngàn năm. Do quả thiện ấy con được sanh vào thiên giới này. Nhưng vì con chỉ bố thí đến những người tầm thường không giới hạnh, nên oai lực kém phải nhường chỗ cho các vị thiên đại thần lực”.

Đức Thế Tôn lại hỏi thiên tử Indaka: “Này Indaka, ngươi đã tạo thiện nghiệp gì mà được vào cõi trời Đao lợi này? Và nhân gì mà khiến ngươi có oai lực lớn không phải lùi xa nhường chỗ cho các vị thiên khác?”

“Bạch Thế Tôn, khi còn là nhân loại có lần con đã đặt bát cho trưởng lão Anuruddha một vá cơm, tuy làm phước ít ỏi nhưng con đã cúng dường đến bậc thánh nhân Lậu tận nên quả phước lớn lao, được sanh thiên giới và có đại uy lực hơn các vị khác.

Đức Phật kết hợp hai câu trả lời của hai vị thiên tử Aṅkura và Indaka, Ngài phán: “Sự cúng dường đến các bậc thánh nhân ly tham, ly sân, ly si, lìa dục vọng là có quả lớn như thế”. Rồi Ngài nói lên bốn bài kệ: Tiṇadosāmi khettāni…v.v…

Dứt kệ ngôn, hai vị thiên tử Aṅkura và Indaka đều chứng đắc quả Dự lưu.

Sau đó, đức Thế Tôn ngi giữa hội chúng thiên, có Thiên tử Đâu Suất thiên là hậu thân của mẹ Ngài, Ngài đã thuyết Vi diệu pháp suốt ba tháng (cõi nhân loại) để báo đáp ân Mẫu từ. Mẹ Ngài chứng quả Dự lưu.

Lý giải:

Đất ruộng hay đất vườn ở vùng nào có nhiều cỏ mọc, sẽ làm mất sự mầu mỡ khiến cho các hạt giống lúa, nếp hoặc cây ăn trái, rau củ thiếu chất dinh dưỡng sẽ không phát triển sung túc. Đây gọi là ruộng vườn bị cỏ xâm hại.

Những con người nội tâm ứ đầy những phiền não tham, sân, si, dục vọng sẽ khiến họ như ruộng vườn bị cỏ dại xâm hại, đất không mầu mỡ; có gieo hạt hay trồng cây cũng không thu hoạch được nhiều huê lợi. Cũng vậy, bố thí đến những người đầy tham, sân, si, dục vọng, sẽ không có quả lớn, như thiên tử Aṅkura tạo ra hàng ngàn bếp nấu thức ăn để bố thí cho người nghèo, thường nhơn nhưng gặt hái quả dị thục ít thôi, sanh cõi trời có uy lực kém vì gieo trồng hạt giống trên những thửa ruộng đầy cỏ dại.

Những đồng ruộng đã được dọn đất, nhổ bỏ cỏ dại, ruộng không bị cỏ xâm hại trở nên mầu mỡ, khi gieo hạt sẽ phát triển tốt, thu hoạch huê lợi dồi dào. Cũng vậy, các bậc đã ly tham, ly sân, ly si, ly dục vọng, như những đồng ruộng mầu mỡ phì nhiêu, nếu bố thí cúng dường đến những vị ấy sẽ gặt hái quả lớn, phước báu dồi dào, như thiên tử Indaka đã đặt bát cúng dường đến bậc thánh lậu tận nên sanh thiên có uy lớn vậy.

Ở đây, cũng cần phải hiểu về sự so sánh phước bố thí trong kinh đã nói: bố thí đến loài bàng sanh được 500 kiếp không bị đói khát, một trăm lần bố thí ấy không bằng một lần bố thí đến hạng thường nhân, một trăm lần bố thí này không bằng một lần bố thí đến người có tu tập, một trăm lần bố thí như vậy cũng không bằng một lần bố thí đến bậc sơ quả, rồi nhị quả, tam quả, đến vị tứ quả A la hán, đến A la hán độc giác, đến A la hán toàn giác, đến tăng chúng… Thiện pháp bố thí bao giờ cũng có lợi ích, có quả tốt đẹp, nhưng quả nhỏ hay lớn còn tùy tâm người cho và tùy đối tượng cho./.

Dứt phẩm hai mươi bốn

Phẩm Ái

Tỳ kheo Tuệ Siêu biên soạn.

Ý kiến bạn đọc