Môn học: PĀLI PHÁP CÚ | XXIV. Phẩm Ái (Tanhāvagga) _ Kệ số 22 (dhp 355)

Thứ tư, 11/12/2024, 23:48 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: PĀLI PHÁP CÚ

Bài học thứ năm 10.10.2024

XXIV

Phẩm Ái

(Tanhāvagga)

XXIV. Phẩm Ái_Kệ số 22 (dhp 355)

Chánh văn:

22. Hananti bhogā dummedhaṃ

no ca pāragavesino

bhogataṇhāya dummedho

hanti aññe’ va attānaṃ.

(dp 355)

Chuyển văn:

22. Bhogā dummedhaṃ hananti pāragavesino no ca, dummedho bhogataṇhāya attānaṃ aññe eva hanti.

Thích văn:

Hananti [động từ hiện tại, tiến hành cách, parassapada, ngôi III, số nhiều, “han + a + nti”] giết hại, làm hại, phá hại.

Bhogā [chủ cách, số nhiều, nam tính, danh từ bhoga] những của cải, tài sản.

Dummedhaṃ [đối cách, số ít, nam tính, danh tư hợp thể dummedha (du + medha)] người thiếu trí, kẻ ngu si.

No [bất biến từ] không, không phải, chẳng phải.

Ca [liên từ] và.

Pāragavesino [chỉ định cách, số ít, nam tính, danh từ hợp thể pāragavesī (pāra + gavesī)] đối với người tầm cầu bờ bên kia, kẻ cầu bờ giác.

Bhogataṇhāya [sở dụng cách, số ít, nữ tính, danh từ hợp thể bhogataṇhā (bhoga + taṇhā)] do/bởi ái tham của cải, tham luyến tài sản.

Dummedho [chủ cách, số ít, nam tính, danh từ dummedha] kẻ ngu si, người thiếu trí.

Hanti [động từ hiện tại, tiến hành cách, parassapada, ngôi III, số ít, “han + ti”. Ngữ căn này có hai hình thức ngôi III, số ít, là hanati, hanti] giết hại, làm hại.

Aññe’ va [hợp âm aññe eva].

Aññe [đối cách, số nhiều, nam tính, đại từ añña] cái khác, người khác.

Eva [bất biến từ] là tiếng chỉ nghĩa nhấn mạnh.

Attanaṃ (attānaṃ) [đối cách, số ít, nam tính, danh từ biệt ngữ atta] tự mình, bản thân.

Việt văn:

22. Tài sản hại người ngu

không hại người bỉ ngạn

kẻ ngu vì tham tài

hại mình và hại người.

(pc 355)

22. Tài sản làm hại kẻ thiếu trí, chứ không phải đối với người cầu bờ giác. Kẻ thiếu trí tự hại mình và làm hại người, bởi do lòng tham tài sản.

Duyên sự:

Bài kệ này, đức Phật thuyết khi Ngài trú ở Jetavana, gần thành Sāvatthi, đề cập đến ông trưởng giả tuyệt tự.

Trong thành Sāvatthi có ông trưởng giả giàu có nhưng không con nối dõi, ông ta lại là người sống hà tiện quá đáng, chỉ ăn cơm nguội với thức ăn thừa, chỉ mặc vải thô xấu, không dám ăn ngon mặc đẹp mặc dù có nhiều tài sản.

Sau khi ông ta chết, tất cả tài sản của ông ta được xung vào quốc khố của nhà vua. Đức vua Pasenadi sau khi tiếp nhận tài sản của ông trưởng giả ấy, đã đi đến bái kiến đức Phật và kể lại sự việc cho đức Phật nghe. Nhà vua bạch hỏi đức Phật về tiền nghiệp của ông trưởng giả ấy đã tạo nghiệp gì, mà kiếp này giàu có nhưng lại sống hà tiện và tuyệt tự?

Đức Phật đã thuyết tiền nghiệp của ông trưởng giả ấy:

_Thưa Đại vương, ông trưởng giả ấy trong thời quá khứ là một gia chủ đã cúng dường thực phẩm đến vị Phật độc giác tên Tagarasikhī. Ông ta sau khi bảo: “Hãy cho vị sa môn thức ăn” đã đứng lên bỏ đi. Ông ta là kẻ ngu si không có niềm tin chỉ nói vậy thôi rồi bỏ đi. Người vợ của ông ta có niềm tin, nghe ông chồng bảo “hãy cho” thì rất ngạc nhiên vì xưa nay ông có bao giờ nói “cho” ai cái gì đâu, nhưng bà rất vui vì có cơ hội cúng dường đặt bát. Bà nhận bình bát của vị độc giác và cho vào đầy những thức ăn thượng vị rồi dâng bình bát đến đức Phật độc giác.

Ông gia chủ ấy khi trở về nhìn thấy đức Phật độc giác, ông ta bước tới và hỏi: “Sao, này sa môn, ông đã nhận được gì?” vừa hỏi, ông ta vừa mở nắp bát của vị độc giác ra xem, khi thấy đầy những thức ăn thượng vị đã nuối tiếc: “phải chi thức ăn ngon này đem cho tôi tớ ăn có lợi ích hơn vì chúng sẽ làm việc cho ta, còn sa môn này ăn xong chỉ ngủ thôi!”.

Ông gia chủ ấy cũng trong kiếp sống đó, vì tham gia tài thừa kế mà đã giết chết đứa con trai duy nhất của người anh trai để chiếm đoạt.

Do thiện nghiệp bảo người bố thí cho vị Độc giác nên ông gia chủ ấy được quả sanh cõi trời rồi sanh làm người giàu có.

Nhưng do sau khi cho lại nuối tiếc, nên quả báo khiến ông ta tuy giàu nhưng không hưởng được của ngon vật lạ, chỉ ăn đồ ôi thiu.

Do nghiệp giết đứa con thừa kế của người anh trai để chiểm đoạt gia tài của nó, nên nay bị quả báo tuyệt tự, không con thừa kế tài sản.

Thưa đại vương, những phước lành quá khứ của trưởng giả ấy đã cạn kiệt, ông ta kiếp này không tạo những phước thiện mới. Hôm nay ông ấy mệnh chung đã tái sanh vào địa ngục Mahā Roruva rồi.

Đức vua Pasenadi sau khi nghe xong tiền nghiệp của ông trưởng giả ấy, đã bạch với đức Phật: “Ôi, bạch Thế Tôn, quả là nghiệp lực chúng sanh quá nặng nề. Khi có bấy nhiêu tài sản mà ông ta đã không tự mình hưởng thụ được, cũng không tạo phước nghiệp khi có một vị Phật như Ngài trú trong chùa gần bên”.

Bậc Đạo sư phán: “Đúng vậy, thưa đại vương, hạng người thiếu trí khi có được tài sản họ không tầm cầu níp bàn; Ái tham tài sản sẽ giết chết họ”. Nói xong đức Phật thuyết kệ ngôn này: Hananti bhogā dummedhaṃ…v.v…hanti aññe’ va attanan’ ti.

Dứt pháp thoại, nhiều người đã chứng đắc thánh quả.

Lý giải:

Tài sản (bhogā) ở đây là nói đến động sản và bất động sản. Động sản như đàn gia súc, tiền bạc, vàng ngọc… Bất động sản như đất đai ruộng vườn, nhà cửa…

Tài sản ấy làm hại kẻ ngu si thiểu trí (dummedha), chớ không hại được người cầu bờ giác (pāragavesī).

Quả thật vậy, kẻ ngu si là kẻ ác một khi lòng tham tài sản nổi dậy, nó bất chấp thủ đoạn giết hại người khác để chiếm đoạt; mà hại người khác cũng chính là tự hại mình, bởi giết người cướp của là một tội ác là tạo ác nghiệp, kẻ tạo ác nghiệp thì phải chịu quả báo sanh khổ cảnh, nếu sanh lại làm người phải chịu nhiều bất hạnh trong cuộc sống như ông trưởng giả nọ ở kinh thành Sāvatthi vậy. Nên mới nói kẻ thiếu trí vì tham tài sản làm hại người như tự làm hại mình.

Tài sản không làm hại người cầu bờ giác.

Người cầu bờ giác hay cầu bỉ ngạn (pāragavesī) tức là người tầm cầu bờ kia, tầm cầu bờ giác ngộ, tầm cầu níp bàn. Đó là chúng sanh bồ tát (Bodhisatta), người có trí tuệ thấy tài sản như con rắn độc, như cục than lửa cháy đỏ…v.v…Bồ tát cầu bờ giác, khi thành tựu tài sản biết đem ra bố thí, cúng dường các bậc tu hành, phụng dưỡng mẹ cha, làm các công đức, không vì tài sản mà sống dễ duôi, huống nữa là vì tham tài sản của người mà đoạt mạng cướp của!

Tỳ kheo Tuệ Siêu biên soạn.

Ý kiến bạn đọc