Môn học: PĀLI PHÁP CÚ | XXIV. Phẩm Ái (Tanhāvagga) _ Kệ số 12, 13 (dhp 345, 346)

Thứ hai, 16/09/2024, 05:48 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: PĀLI PHÁP CÚ

Bài học chủ nhật 15.9.2024

XXIV

Phẩm Ái

(Tanhāvagga)

XXIV. Phẩm Ái_Kệ số 12, 13 (dhp 345, 346)

Chánh văn:

12. Na taṃ daḷhaṃ bandhanamāhu dhīrā

yadāyasaṃ dārujaṃ babbajañca

sārattarattā maṇikuṇḍalesu

puttesu dāresu ca yā apekkhā.

(dhp 345)

13. Etaṃ daḷhaṃ bandhanamāhu dhīrā

ohārinaṃ sithilaṃ duppamuñcaṃ

etampi chetvāna paribbajanti

anapekkhino kāmasukhaṃ pahāya.

(dhp 346)

Chuyển văn:

12. Āyasaṃ dārujaṃ babbajaṃ ca yaṃ taṃ dhīrā daḷhaṃ bandhanaṃ na āhu, maṇikuṇḍalesu sārattarattā puttesu daresu ca yā apekkhā.

13. Etaṃ dhīrā daḷhaṃ bandhanaṃ āhu ohārinaṃ sithilaṃ duppamuñcaṃ etaṃ api chetvāna anapekkhino kāmasukhaṃ pahāya paribbajanti.

Thích văn:

Na [bất biến từ phủ định] không, không phải.

Taṃ [chủ cách, số ít, trung tính, đại từ ta] cái ấy, điều ấy.

Daḷhaṃ [chủ cách, số ít, trung tính, tính từ daḷha] chắc, chặt, bền vng, kiên cố.

Bandhanamāhu [hợp âm bandhanaṃ āhu]

Bandhanaṃ [chủ cách, số ít, trung tính, danh từ bandhana] sự trói buộc.

Āhu [động từ quá khứ, bất định khứ cách, parassapada, ngôi III, số nhiều, “brū + a”] (họ) đã nói.

Dhīrā [chủ cách, số nhiều, nam tính, danh từ dhīra] các bậc trí.

Yadāyasaṃ [hợp âm yaṃ āyasaṃ]

Yaṃ [chủ cách, số ít, trung tính, quan hệ đại từ ya] cái nào, cái mà. Dùng liên hệ với đại từ ta: yaṃ taṃ cái ấy là cái mà…

Āyasaṃ [chủ cách, số ít, trung tính, từ ngữ āyasa (aya + sa)] (tính từ) làm bằng sắt; (danh từ) dây xích, xích sắt.

Dārujaṃ [chủ cách, số ít, trung tính, từ ngữ dāruja (dāru + ja] (tính từ) bằng gỗ; (danh từ) gông cùm.

Babbajañca [hợp âm babbajaṃ ca]

Babbajaṃ [chủ cách, số ít, trung tính, từ ngữ babbaja (babba hay pabba + ja) (tính từ) bằng sợi, bằng chỉ; (danh từ) dây thừng.

Sārattarattā [chủ cách, số ít, nữ tính, danh từ hợp thể sārattarattā (sāratta + rattā)] sự đam mê, sự tham đắm.

Maṇikuṇḍalesu [định sở cách, số nhiều, trung tính, danh từ hợp thể maṇikuṇḍala (maṇi + kuṇḍla)] ngọc ngà và đồ trang sức, tài sản vật chất.

Puttesu [định sở cách, số nhiều, nam tính, danh từ putta] đối với con cái, đối với những đứa con.

Dāresu [định sở cách, số nhiều, nam tính, danh từ dāra (dāra là danh từ nam tính những ý nghĩa là nữ tính. Đây gọi là sammatiliṅga ngữ tính do định đặt)] người vợ.

[chủ cách, số ít, nữ tính, quan hệ đại từ ya] điều mà, cái mà.

Apekkhā [chủ cách, số ít, nữ tính, danh từ apekkhā] sự mong muốn, sự khát vọng.

Etaṃ [chủ cách, số ít, trung tính, đại từ eta] cái đó.

Ohārinaṃ [chủ cách, số ít, trung tính, tính từ ohārina hoặc avahārina] kéo xuống, dùn, trì trệ.

Sithilaṃ [chủ cách, số ít, trung tính, tính từ sithila] lơi, lỏng lẻo.

Duppamuñcaṃ [chủ cách, số ít, trung tính, tính từ hợp thể duppamuñca (du + pamuñca)] khó tháo gở, khó thoát ra.

Etampi [hợp âm etaṃ api].

Etaṃ [đối cách, số ít, trung tính, đại từ eta] đó, cái đó, ấy, cái ấy.

Chetvāna [bất biến quá khứ phân từ của động từ chindati, = chetvā, chinditvā] sau khi cắt đứt.

Paribbajanti [động từ hiện tại tiến hành cách, parassapada, ngôi III, số nhiều, “pari + vaj + a + nti”] (họ) đi ta bà, xuất gia, đi tu.

Anapekkhino [chủ cách, số nhiều, nam tính, tính từ anapekkhī (an + apekkhī) không còn mong mỏi, không còn mong cầu.

Kāmasukhaṃ [đốic cách, số ít, trung tính, danh từ hợp thể kāmasukha (kāma + sukha)] dục lạc, sự khoái lạc đối với dục trần.

Pahāya [bất biến quá khứ phân từ của động từ pajahati; (pa + hā + ya)] sau khi từ bỏ.

Việt văn:

12. Bậc trí nói sự trói

bằng xích, gông và thừng

trói ấy không chắc chắn,

tham tài sản, vợ con.

(pc 345)

13. Trói buộc ấy chắc chắn

bậc trí đã nói vậy

dùn, lơi, nhưng khó thoát,

sau khi cắt dây trói

bỏ dục lạc, không màng,

(bậc trí) đi xuất gia.

(pc 346)

12. 13. Các bậc trí nói, sự trói buộc ấy không chắc chắn, là trói bằng xích sắt, gông cùm, dây thừng. Mà chính là sự đam mê tài sản, sự tham muốn, vợ con, đó các bậc trí mới nói là dây trói chắc chắc, dù nó dùn dằn, lỏng lẻo, nhưng khó tháo gở. (các bậc trí) ra đi sau khi cắt bỏ sự trói buộc ấy, bỏ dục lạc, không màng đến.

Duyên sự:

Hai bài kệ này, đức Phật thuyết khi Ngài trú ở Jetavanavihāra, tại thành Sāvatthi, do chuyện nhà tù.

Một lúc nọ, có nhóm tỳ kheo khoảng ba mươi vị ở vùng quê lên kinh thành để bái kiến đức Phật. Các vị đến Sāvatthi vào buổi sáng đi khất thực trước. Lúc đi ngang qua nhà tù, nhìn thấy quân binh của vua đang áp giải những tên trộm cướp đến nhà tù, họ trói hai tay bằng dây thừng và xích hai chân bằng dây xích, trông bọn cướp rất thảm hại.

Sau khi khất thực xong, chư tỳ kheo trở về Jetavana yết kiến bậc Đạo sư. Vào nơi hương thất, đảnh lễ bậc Đạo sư xong bèn thuật lại cảnh tượng các tội nhân bị trói cột xiềng xích ở nhà tù, mà sáng nay mình nhìn thấy. Chư tỳ kheo bạch hỏi đức Phật: “Bạch Thế Tôn, có loại trói cột xiềng xích nào chắc hơn gông xiềng đó không?”

Đức Phật phán: “Này chư tỳ kheo, bậc hiền trí nói sự trói cột bằng xích sắt, gông cùm hay bằng dây thừng, không phải là chắc chắn, mà chính là sự trói cột bằng phiền não ái luyến tài sản, ngũ cốc, vợ và con mới là dây trói chắc chắn, khó bứt đứt. Bậc hiền trí thuở xưa đã chặt đứt sự trói buộc gia đình rồi xuất gia đi vào núi tuyết lãnh tu hành”. Nói xong đức Phật đã kể lại chuyện tiền thân Ngài khi còn là vị bồ tát. Bồ tát có ý muốn xuất gia, không muốn lập gia thất. Nhưng mẹ cha ép lấy vợ; Sau khi cha mẹ đã qua đời, bồ tát nói lên ý nguyện sống đời ẩn sĩ, nhưng người vợ đang mang thai yêu cầu bồ tát chờ con sanh ra rồi hãy đi. Bị trói buộc bởi vợ con nên bồ tát bị trì hoản việc xuất gia.

Đến đứa con thứ hai thì bồ tát dứt khoát cắt đứt sợi dây trói buộc gia đình, đã trốn đi vào núi Tuyết lãnh, xuất gia làm ẩn sĩ. Chẳng bao lâu bồ tát đắc chứng tám thiền và năm thắng trí.

Kể xong chuyện tiền thân, đức Thế Tôn đã thuyết lên hai bài kệ này: Na taṃ daḷhaṃ bandhanamāhu dhīrā…v.v…anapekkhino kāmasukhaṃ pahāyā’ ti.

Dứt pháp thoại, nhiều người đã đắc quả thánh.

Lý giải:

Bậc trí (dhīra) trong bài kệ, là những người có trí tuệ sáng suốt như đức Phật, hay các vị Độc Giác, các vị A la hán Thinh văn.

Các Ngài nói sự trói buộc bằng dây xích sắt, hay dây thừng bện, hay cái gông bằng gỗ tròng vào cổ, cùm hai tay… Sự trói buộc ấy tuy chắc chắn nhưng còn có thể bứt đứt hoặc bẻ gãy với sức mạnh. Nên nói là không chắc chắn.

Còn sự trói buộc bởi phiền não ái, tuy là sợi dây vô hình nhưng nó rất chắc, các bậc trí đã nói vậy.

Sợi dây ái trói cột con người quyến luyến tài sản, quyến luyến vợ con, sợi dây ái đó mặc dù không làm cho vướng víu tay chân hay làm đau da, nhưng khiến cho chúng sanh khó rứt ra để được tự do đi đến ch nào họ muốn.

Đức Bồ tát thời quá khứ, bị trói buộc bởi dính mắc vợ con nên không xuất gia được; nhưng sau cùng nhờ tâm mạnh mẽ dứt khoát, bồ tát đã cắt đứt dây ái, bỏ dục lạc, không mong cầu tài sản và vợ con nên bồ tát đi xuất gia làm Ẩn sĩ tu thiền được./.

Tỳ kheo Tuệ Siêu biên soạn.

Ý kiến bạn đọc