Môn học: PĀLI PHÁP CÚ | XXIII. Phẩm Voi (Nāgavagga) _ Kệ số 8 (dhp 327)

Chủ nhật, 18/08/2024, 07:59 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: PĀLI PHÁP CÚ

Bài học chủ nhật 18.8.2024

XXIII

Phẩm Voi

(Nāgavagga)

XXIII. Phẩm Voi_Kệ số 8 (dhp 327)

Chánh văn:

8. Appamādaratā hotha

sacittamanurakkhatha

duggā uddharath’ attānaṃ

paṅke satto’ va kuñjaro.

(dhp 327)

Chuyển văn:

8. Appamādaratā hotha sacittaṃ anurakkhatha paṅke satto kuñjaro iva attānaṃ duggā uddharatha.

Thích văn:

Appamādaratā [chủ cách, số nhiều, nam tính, danh từ hợp thể appamādarata (appamāda + rata quá khứ phân từ của động từ ramati)] sự thỏa thích trong hạnh không dễ duôi, sự vui trong hạnh chuyên cần.

Hotha [động từ hiện tại, mệnh lệnh cách, parassapada, ngôi II, số nhiều, hū + a + tha”] (các ngươi) hãy là.

Sacittamanurakkhatha [hợp âm sacittaṃ anurakkhatha].

Sacittaṃ [đối cách, số ít, trung tính, danh từ hợp thể sacitta (saka + citta)] tâm mình, nội tâm.

Anurakkhatha [động từ hiện tại, mệnh lệnh cách, parassapada, ngôi II, số nhiều, “anu + rakkh + a + tha”] (các ngươi) hãy hộ trì, hãy canh giữ.

Duggā [xuất xứ cách, số ít, trung tính, danh từ hợp thể dugga (duṭṭhu + gam)] chỗ đi tội lỗi, con đường tội lỗi.

Uddharatha’ attānaṃ [hợp âm uddharatha attānaṃ]

Uddharatha [động từ hiện tại, mệnh lệnh cách, parassapada, ngôi II, số nhiều, “u + dhar + a + tha”] hãy leo lên, hãy rút ra khỏi.

Attānaṃ [đối cách, số ít, nam tính, danh từ biệt ngữ atta] tự mình, chính mình, bản thân.

Paṅke [định sở cách, số ít, nam tính, danh từ paṅka] trong vũng lầy, nơi đầm lầy.

Satto’ va [hợp âm satto iva]

Satto [chủ cách, số ít, nam tính, tính từ satta (quá khứ phân từ của động từ sīdati. sad + ta)] bị chìm xuống, bị lún, bị sa vào.

Kuñjaro [chủ cách, số ít, nam tính, danh từ kuñjara] con voi.

Việt văn:

8. Hãy vui hạnh chuyên cần

hãy phòng vệ tâm mình

tự kéo khỏi ác đạo

như voi bị sa lầy.

(pc 327)

8. Các ngươi hãy vui thích trong chuyên cần, các ngươi hãy phòng vệ nội tâm, các ngươi hãy tự kéo ra khỏi đường khổ, như con voi bị sa lầy (cố nhấc mình khỏi vũng lầy).

Duyên sự:

Bài kệ này, đức Phật thuyết ở Sāvatthi, khi Ngài trú tại Jetavanavihāra, vì chuyện con voi Pāveyyaka của vua xứ Kosala.

Con voi ấy trong thời non trẻ có sức mạnh khủng khiếp, thời gian sau sức lực bị tàn phá bởi già yếu.

Một lúc nọ, voi Pāveyyaka lội xuống cái hồ lớn để tắm, nó bị mắc lún trong bùn, không thể bườn lên được. Đại chúng khi nhìn thấy nó đã bàn tán: “Con voi mạnh mẽ như vậy mà nay cũng đến tình trạng yếu đuối này”.

Nhà vua nghe câu chuyện ấy bèn truyền lệnh cho người nài voi: “Hãy đi và kéo con voi ấy ra khỏi đầm lầy”.

Người nài voi sau khi đến, tại chỗ ấy đã dàn thành trận tuyến và cho đánh trống thúc trận. Con voi bản tính kiêu hãnh nó hăng hái vùng lên vượt khỏi bùn lầy và đứng trên đất bằng.

Các vị tỳ kheo chứng kiến sự kiện ấy, đã trình lên bậc Đạo sư:

Đức Phật nhân việc này đã dạy các tỳ kheo: “Này chư tỳ kheo, con voi ấy đã tự mình bườn lên khỏi đầm bùn, các người chẳng lẽ nhảy vào đầm phiền não sao? Bởi thế, các ngươi hãy khéo nổ lực kéo mình ra khỏi đầm lầy ấy”. Nói xong, đức Thế Tôn thuyết lên kệ ngôn này: Appamādaratā hotha…v.v…paṅke satto’ va kuñjaro’ ti.

Đức Thế Tôn nói dứt kệ ngôn, các tỳ kheo ấy đã chứng đắc quả vị A la hán.

Lý giải:

Đức Phật dùng hình ảnh con voi Pāveyyaka đang bị sa lầy, vừa nghe tiếng trống trận thúc giục đã cố sức bườn lên kéo mình khỏi đầm lầy, để giáo huấn các tỳ kheo hãy cố sức kéo mình ra khỏi đầm lầy phiền não.

Điểm khác ở chỗ, con voi bị sa lầy đầm bùn (paṅkadugga), người nài muốn nó tự với sức mạnh bốn chân nhấc mình thoát khỏi đầm bùn, nên đã dàn trận và đánh trống thúc quân để khơi dậy niềm kiêu hãnh một chiến tượng; còn vị hành giả đang sa lầy phiền não (kilesadugga) muốn có sức mạnh để kéo mình ra khỏi đầm lầy phiền não ấy, thì phải bằng cách thấy sợ hãi sự luân hồi, thấy được nguy hiểm của phiền não, rồi vui trong sự chuyên cần và phòng vệ tâm.

Gọi là chuyên cần (appamāda) hay không dễ duôi, không xao lãng, tức là chuyên chú chánh niệm (satiyā avippavāse) khi đi, khi đứng, khi nằm, khi ngi, đều chánh niệm kiểm soát hành vi.

Gọi là phòng vệ tâm (sacittaṃ anurakkhati), nghĩa là canh giữ tâm mình không cho phan duyên theo trần cảnh như sắc, thinh,…v.v…

Gọi là tự kéo ra khỏi ác đạo (duggā uddharati attānaṃ), tức là kéo mình ra khỏi đầm lầy phiền não, chứng đắc đạo quả níp bàn./.

Tỳ kheo Tuệ Siêu biên soạn.

Ý kiến bạn đọc