- 13913 S. Post Oak Rd, Houston TX 77045
- Phone: (281) 838-0535. Fax: (832) 550-2889
- Trụ Trì: Tỳ khưu Giác Đẳng
- Email: phapluan@gmail.com
- Web: chuaphapluan.com
- Xem bản đồ
Lớp Phật Pháp Buddhadhamma
Môn học: PĀLI PHÁP CÚ
Bài học thứ năm 8.8.2024
XXIII
Phẩm Voi
(Nāgavagga)
XXIII. Phẩm Voi_Kệ số 5 (dhp 324)
Chánh văn:
5. Dhanapālo nāma kuñjaro
kaṭukabhedano dunnivārayo
baddho kabaḷaṃ na bhuñjati
sumarati nāgavanassa kuñjaro.
(dhp 324)
Chuyển văn:
5. Dhanapālo nāma kuñjaro kaṭukabhedano dunnivārayo baddho kabaḷaṃ na bhuñjati kuñjaro nāgavanassa sumarati.
Thích văn:
Dhanapālo [chủ cách, số ít, nam tính, tính từ riêng dhanapāla] voi Dhanapāla, voi Tài Hộ.
Nāma [bất biến từ] tên là, gọi là.
Kuñjaro [chủ cách, số ít, nam tính, danh từ kuñjara] con voi.
Kaṭukabhedano [chủ cách, số ít, nam tính, danh từ hợp thể kaṭukabhedana (kaṭuka + bhedana)] sự lên cơn, sự nổi cáu, sự phát dục của loài voi.
Dunnivārayo [chủ cách, số ít, nam tính, tính từ hợp thể dunnivāraya (du + nivāraya)] khó kiềm chế, khó nhiếp phục.
Baddho [chủ cách, số ít, nam tính, tính từ baddha (quá khứ phân từ của động từ bandhati)] bị cột trói, bị xiềng xích.
Kabaḷaṃ [đối cách, số ít, nam tính, danh từ kabaḷa] nắm cơm, miếng vật thực, miếng thức ăn.
Na [phủ định từ] không, chẳng.
Bhuñjati [động từ tiến hành cách, thì hiện tại, parassapada, ngôi III, số ít, “
Sumarati [một biến thể khác của động từ Sarati. Thì hiện tại, tiến hành cách, parassapada, ngôi III, số ít, “
Nāgavanassa [chỉ định cách, số ít, trung tính, danh từ hợp thể nāgavana (nāga + vana)] rừng voi, khu rừng của loài voi.
Việt văn:
5. Voi dha ná pa lá
nổi cơn, khó nhiếp phục
bị xiềng xích, bỏ ăn
con voi nhớ rừng voi.
(pc 324)
5. Con voi tên dhanapāla bị trói cột, nổi cơn điên, khó nhiếp phục, nó không ăn; voi nhớ đến rừng voi.
Duyên sự:
Bài kệ này, đức Phật thuyết ở Sāvatthi, khi Ngài trú tại Jetavavihāra, vì chuyện các người con của lão bà la môn.
Ở Sāvatthi có một lão Bà la môn giàu có. Ông ta có bốn người con trai đã trưởng thành và yên bề gia thất. Ông chia nửa gia tài cho bốn người con trai. Nửa gia tài ông giử lại cho vợ chồng ông sống lúc về già.
Chẳng bao lâu thì vợ của ông qua đời.
Bốn người con trai với vợ của chúng bàn bạc: “Mẹ chúng ta đã chết, nếu cha chúng ta cưới mẹ kế thì con của bà ấy sẽ hưởng phân nửa gia tài. Vậy chúng ta hãy xin cha chia nửa gia tài còn lại ấy cho chúng ta và chúng ta sẽ nuôi dưỡng cha”.
Bàn bạc xong, họ đến gặp người cha và xin chia hết gia tài với lời hứa hẹn sẽ phụng dưỡng cha. Lão Bà la môn bị các con thuyết phục, đã chia hết phần gia tài còn lại cho bốn đứa con trai.
Họ nuôi dưỡng cha được thời gian đầu, sau đó họ bị các cô vợ xúi giục nên đã hất hủi người cha. Không còn chổ dung thân, người ba la môn phải ra đường ăn xin. Đau khổ và tủi thân, người Bà la môn nghĩ đến đức Phật, ông ta đi đến Jetavana gặp đức Phật và tâm sự với Ngài.
Đức Phật dạy cho ông năm bài kệ với ý nghĩa hái tội bất hiếu của các đứa con.
Lão Bà la môn học thuộc lòng năm bài kệ từ đức Thế Tôn. Thế rồi, vào ngày hội họp của các bà la môn, bốn đứa con trai của ông lão cũng có mặt. Ông lão đi vào giữa thính đường và nói lên năm bài kệ ấy. Luật lệ của bà la môn đã có qui chế rằng: con cái thừa hưởng gia tài của cha mẹ, mà không phụng dưỡng cha mẹ thì đứa con ấy phải tội chết. Vì vậy, bốn đứa con của ông lão hoảng sợ liền quì dưới chân của người cha và xin cha tha thứ. Mọi người căm phẫn định giết chết họ, nhưng ông lão đã van xin mọi người tha chết cho các con của ông để chúng chuộc lỗi. Mọi người răn đe: “Này các gả kia, nếu từ hôm nay trở về sau các người không nuôi dưỡng người cha, các ngươi sẽ bị xử tử”.
Bốn đứa con trai của ông lão tuyên hứa trước hội đồng bà la môn và kiệu người cha đưa về nhà nuôi dưỡng tử tế.
Ông lão Bà la môn nhớ ơn đức Phật đã dạy cho mình cách cảnh tỉnh những đứa con, nên ông đã đến bái kiến đức Phật và xin qui y tam Bảo. Ông cũng thường bảo với các con: “Sa môn Gotama là thầy của cha, đã dạy cha cách cảnh tỉnh con cái”.
Vào một ngày nọ, các người con của ông lão muốn làm lễ chúc thọ cho cha. Ông lão bảo họ hãy thỉnh Phật và chúng tỳ kheo về nhà cúng dường.
Những người con vâng lời đã thỉnh đức Phật về nhà.
Họ kính cẩn cúng dường đức Phật và chúng tỳ kheo với những thức ăn thượng vị.
Sau khi đức Phật thọ thực xong, ông lão bà la môn và các con trai với các con dâu ngồi vây quanh đức Thế Tôn. Bốn người con trai của ông lão đã thưa với đức Phật rằng họ đã nuôi dưỡng người cha già thật chu đáo.
Đức Thế Tôn khen ngợi: “Hiền thiện thay là việc các ngươi đã làm; Việc nuôi dưỡng cha mẹ là tánh hạnh của bậc hiền trí thuở xưa”. Rồi Ngài thuyết bổn sanh Tượng chúa nuôi mẹ (Mātuposakanāgarājajātaka, Jat.445) kể về một con voi tên Dhanapāla hết lòng phụng dưỡng voi mẹ mù lòa trong rừng sâu, bị người thợ săn phát hiện và tâu vua bản xứ đưa người vào rừng bắt voi quí về kinh thành. Voi Dhanapāla được dẫn về và phong làm Tượng vương, nhưng voi nhớ rừng, nhớ mẹ, đã bỏ ăn và phát cáu, không ai quản được. Cuối cùng nhà vua lệnh thả voi về rừng để nó nuôi dưỡng mẹ, kể xong chuyện bổn sanh, đức Phật đã thuyết lên bài kệ này: Dhanapālo nāma kuñjaro…v.v…sumarati nāgavanassa kuñjaro’ ti.
Khi Thế Tôn thuyết dẫn chứng hiếu hạnh tiền kiếp của mình, thì tất cả người con trai và con dâu của lão bà la môn, họ đã lắng nghe bằng trái tim mềm nhũn và tuôn trào những dòng nước mắt.
Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn biết đã thích hợp cho họ, Ngài thuyết pháp về bốn chân lý.
Dứt pháp thoại, ông bà la môn với các con trai và các con dâu đã trú vào quả vị dự lưu.
Lý giải:
Bài kệ pháp cú này, đức Phật thuyết đúc kết câu chuyện bổn sanh voi Dhanapāla hiếu hạnh nuôi mẹ mù lòa, nhằm để kích động tâm hiếu thuận của những người con ông lão bà la môn, cho họ trú vào thiện pháp rồi sau đó Ngài thuyết bốn thành đế cho họ liễu tri và chứng đạo quả.
Cách thuyết pháp của đức Phật để tiếp độ chúng sanh “tùy cơ ứng biến”.
Trong mỗi bài pháp đức Phật thuyết đề có bốn tính cách:
a/ Giải thích (Sandassanā), tức là Ngài định nghĩa và phân tích pháp rõ ràng. Giúp người nghe hết si mê lầm lạc.
b/ Thuyết phục (Samādapanā), Ngài lập luận chặt chẽ, bố cục hợp lý, có tính thuyết phục. Điều này giúp người nghe chú ý lắng nghe, không chểnh mảng.
c/ Sách tấn (Samuttejanā), là Ngài khuyên bảo, cổ vủ, động viên tinh thần tu tập. Điều này giúp người nghe hăng hái, phấn chấn, không lười biếng tiêu cực.
d/ Khích lệ (Sampahaṃsanā), là Ngài khen ngợi, an ủi, làm cho tâm người nghe hân hoan. Điều này giúp cho thành tựu việc thực hành pháp.
Ngoài ra, đức Phật còn dùng nhiều phương tiện để thuyết khiến người nghe kích động, được dễ hiểu, như là Ngài đưa ra thí dụ, đưa ra sự kiện, đưa ra chuyện tiền thân liên quan…v.v…/.
Tỳ kheo Tuệ Siêu biên soạn.