Môn học: PĀLI PHÁP CÚ | XXIII. Phẩm Voi (Nāgavagga) _ Kệ số 12, 13, 14 (dhp 331, 332, 333)

Thứ hai, 26/08/2024, 08:18 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: PĀLI PHÁP CÚ

Bài học chủ nhật 25.8.2024

XXIII

Phẩm Voi

(Nāgavagga)

XXIII. Phẩm Voi_Kệ số 12, 13, 14 (dhp 331, 332, 333)

Chánh văn:

12. Atthamhi jātamhi sukhā sahāyā

tuṭṭhī sukhā yā itarītarena

puññaṃ sukhaṃ jīvitasaṅkhayamhi

sabbassa dukkhassa sukhaṃ pahānaṃ.

(dhp 331)

13. Sukhā matteyyatā loke

atho petteyyatā sukhā

sukhā sāmaññatā loke

atho brahmaññatā sukhā.

(dhp 332)

14. Sukhaṃ yāva jarā sīlaṃ

sukhā saddhā patiṭṭhitā

sukho paññāya patiḷābho

pāpānaṃ akaraṇaṃ sukhaṃ.

(dhp 333)

Chuyển văn:

12. Atthamhi jātamhi sahāyā sukhā itarītarena yā tuṭṭhī sukhā jīvitasaṅkhayamhi puññaṃ sukhaṃ sabbassa dukkhassa pahānaṃ sukhaṃ.

 13. Loke matteyyatā sukhā atho petteyyatā sukhā loke sāmaññatā sukhā atho brahmaññatā sukhā.

14. Yāva jarā sīlaṃ sukhaṃ saddhā patiṭṭhitā sukhā paññāya patiḷābho sukho pāpānaṃ akaraṇaṃ sukhaṃ.

Thích văn:

Atthamhi [định sở cách, số ít, nam tính, danh từ attha] lúc hu sự, khi có nhu cầu, khi cần.

Jātamhi [định sở cách, số ít, nam tính, tính từ jāta (quá khứ phân từ của động từ jamati)] khi sanh khởi, lúc phát khởi.

Sukhā [chủ cách, số nhiều, nam tính, tính từ sukha] vui vẻ, an vui, an lạc.

Sahāyā [chủ cách, số nhiều, nam tính, danh từ sahāya] bạn bè, thân hữu.

Tuṭṭhī [chủ cách, số ít, nữ tính, danh từ tuṭṭhī (do âm luật trong thơ kệ nên đọc tuṭṭhī)] sự vui vẻ, bằng lòng với, sự biết đủ.

[chủ cách, số ít, nữ tính, quan hệ đại từ ya] điều mà, cái mà.

Sukhā [chủ cách, số ít, nữ tính, tính từ sukha (tính từ đi theo danh từ tuṭṭhī)] an vui, an lạc.

Itarītarena [sở dụng cách, số ít, tính từ hợp thể itarītara (itara + itara)] với cái này cái kia, với bất cứ cái gì.

Puññaṃ [chủ cách, số ít, trung tính, danh từ puñña] phước hạnh, công đức.

Sukhaṃ [chủ cách, số ít, trung tính, tính từ sukha (tính từ đi theo danh từ puññaṃ)] an vui, an lạc.

Jīvitasaṅkhayamhi [định sở cách, số ít, nam tính, danh từ hợp thể jīvitasaṅkhaya (jīvita + saṅkhaya)] khi chấm dứt mạng sống, lúc mệnh chung, lúc chết.

Sabbassa [chỉ định cách, số ít, trung tính, tính từ sabba (đi với danh từ dukkha)] mọi, tất cả.

Dukkhassa [chỉ định cách, số ít, trung tính, danh từ dukkha] sự khổ, sự đau khổ.

Sukhaṃ [chủ cách, số ít, trung tính, tính từ sukha (tính từ đi theo danh từ pahānaṃ)] an vui, an lạc.

Pahānaṃ [chủ cáh, số ít, trung tính, danh từ pahāna] sự đoạn trừ, sự từ bỏ, sự dứt bỏ.

Sukhā [chủ cách, số ít, nữ tính, tính từ sukha (đi theo danh từ matteyyatā, petteyyatā, sāmaññatā, brahmaññatā)] an vui, an lạc.

Matteyyatā [chủ cách, số ít, nữ tính, danh từ chuyển hóa matteyyatā (“mātu + teyya” + ta) sự hiếu kính mẹ, sự phụng dưỡng mẹ.

Loke [định sở cách, số ít, nam tính, danh từ loka] trên thế gian, trong cuộc đời.

Atho [trạng từ] và rồi, rồi thì.

Petteyyatā [chủ cách, số ít, nữ tính, danh từ chuyển hóa peteyyatā (“pitu + teyya+ tā)] sự hiếu kính cha, sự phụng dưỡng cha.

Sāmaññatā [chủ cách, số ít, nữ tính, danh từ chuyển hóa sāmaññatā (“samaṇa + ṇya+ tā)] sự tôn kính sa môn, sự cúng dường đến các vị xuất gia tu hành.

Brāhmaññatā [chủ cách, số ít, nữ tính, danh từ chuyển hóa brāhmaññatā (“brāhmaṇa + ṇya + tā)] sự tôn kính bà la môn, sự tôn kính bậc thánh hiền, sự cúng dường đến các bậc thánh nhân.

Sukhaṃ [chủ cách, số ít, trung tính, tính từ sukha (đi theo danh từ trung tính sīlaṃ, akaraṇaṃ)] sự an vui, sự an lạc.

Yāva [trạng từ] cho đến khi…

Jarā [xuất xứ cách, số ít, nam tính, tính từ jara (dùng xuất xứ cách đi với trạng từ yāva)] cũ kỷ, suy tàn, già nua. “yāva jarā” cho đến già.

Sīlaṃ [chủ cách, số ít, trung tính, danh từ sīla] giới hạnh.

Saddhā [chủ cách, số ít, nữ tính, danh từ saddhā] niềm tin, đức tin.

Patiṭṭhitā [chủ cách, số ít, nữ tính, tính từ patiṭṭhāti (quá khứ phân từ của động từ patiṭṭhitā)] được thiết lập, được vững trú.

Sukho [chủ cách, số ít, nam tính, tính từ sukha (đi theo danh từ nam tính paṭilābho)] an vui, an lạc.

Paññāya [chỉ định cách, số ít, nữ tính danh từ paññā] trí tuệ.

Paṭilābho [chủ cách, số ít, nam tính, danh từ paṭilāha] sự có được, sự đắc thành.

Pāpānaṃ [chỉ định cách, số nhiều, trung tính, danh từ pāpa] các điều ác, các việc xấu, những điều tội lỗi.

Akaraṇaṃ [chủ cách, số ít, trung tính, danh từ akaraṇa] sự không làm, không tạo tác.

Việt văn:

12. Vui thay, bạn lúc cần

vui thay, sống biết đủ

vui thay, chết có phước

vui thay, dứt mọi khổ.

(pc 331)

13. Vui thay, hiếu dưỡng mẹ

vui thay, hiếu dưỡng cha

vui thay, kính sa môn

vui thay, kính hiền thánh.

(pc 332)

14. Vui thay, giới đến già

vui thay, tín an trú

vui thay, đắc trí tuệ

vui thay, không làm ác.

(pc 333)

12. Lúc hữu sự có bạn bè là an vui; Biết bằng lòng với cái này hoặc cái kia là an vui; Lúc mạng chung có phước đã làm là an vui; Chấm dứt mọi đau khổ là điều an vui.

13. Ở đời, hiếu dưỡng mẹ là điều an lạc; Hiếu dưỡng cha cũng là điều an lạc; Ở đời, tôn kính bậc sa môn là điều an lạc; Tôn kính bậc phạm chí cũng là điều an lạc.

14. Có giới lúc trẻ đến lúc già là an vui; có niềm tin được an trú là an vui; có được trí tuệ là an vui; không làm các việc ác là an vui.

Duyên sự:

Ba bài kệ này, đức Phật thuyết khi Ngài trú tại vùng Hy mã lạp sơn, trong am thất khu rừng cây, vì chuyện Ác ma muốn quấy ri Ngài.

Nghe rằng trong thời ấy, các vị vua cai trị quốc độ áp bức dân chúng. Bấy giờ đức Thế Tôn thấy dân chúng bị đàn áp bởi những hình phạt của những vị vua phi pháp, với lòng bi mẫn Ngài đã suy nghĩ như sau: “Có thể nào cai trị quốc độ theo đúng pháp mà không có đánh đập, không có giết hại, không có tranh thắng thua, không sầu muộn, không khiến sầu muộn chăng?”.

Ác ma sau khi biết được suy nghĩ ấy của đức Thế Tôn, tưởng rằng Ngài muốn cai trị quốc độ. Ác ma tính toán: “Nếu đức Phật làm vua cai trị xứ sở sẽ có điều kiện sơ suất, như vậy ta sẽ có cơ hội chọc phá Ngài”.

Nghĩ rồi, ác ma đi đến đức Phật và nói với Ngài: “Thế Tôn hãy trị vì vương quốc! Thiện Thệ hãy trị vì vương quốc! Ngài cai trị theo đúng pháp không có đánh đập, không có giết hại, không có tranh thắng thua, không sầu muộn, không khiến cho sầu muộn”.

Đức Phật nói với ác ma: “Này ác ma, người thấy gì ở ta mà ngươi nói với ta như vậy?”.

Ác ma trở lời: “Bạch Thế Tôn, bốn thần túc đã được Thế Tôn khéo tu tập. Bởi thế, nếu muốn, đức Thế Tôn có thể chú nguyện ngọn núi hùng vĩ Himavā thành vàng và tôi sẽ tạo nên tài sản cho Ngài, Ngài sẽ trị vì vương quốc theo pháp”.

Được nghe nói vậy, đức Thế Tôn đã kích động ác ma với những kệ ngôn này:

_ “Dầu toàn thể dãy núi

Biến thành vàng, vàng ròng

Cho đến nhiều gấp đôi

Cũng không thỏa mãn được

Tham vọng của một người

Biết vậy nên hành trì”.

_ “Ai đã thấy khổ đau

Và nguyên nhân đau khổ

Làm sao chúng sanh ấy

Có thể khuynh hướng dục?

Đã biết rõ sanh y

Là trói buộc ở đời

Chúng sanh nên học tập

Để trừ sanh y ấy”.

Rồi ác ma sầu khổ thất vọng: “Thế Tôn đã biết ta, Thiện thệ đã biết ta”, liền biến mất tại ch ấy. Có rất nhiều thiên nhân tụ hợp nơi đó, vì lợi ích cho chư thiên, đức Phật thuyết lên ba bài kệ: Atthamhi jātanhi sukhā sahāyā…v.v…pāpānaṃ akaraṇaṃ sukhan’ ti.

Dứt kệ ngôn nhiều vị trời được chứng ngộ giáo pháp.

Lý giải:

Ác ma, hiểu sai về đức Phật, nói rõ ra là ác ma không hiểu đức Phật. Đức Phật có tâm bi mẫn với dân chúng bị khổ, vì chính sách hà khắc của các vua vô đạo cai trị, nên Ngài suy nghĩ: Có thể chăng, cai trị quốc độ đúng pháp mà không có đánh đập, giết hại dân chúng… chỉ là ý nghĩ nhận xét thôi. Nhưng ác ma lại cho rằng đức Phật muốn làm vua nên đến thúc giục Ngài thực hiện. Thật là không biết trời cao đất dày!

Sau khi ác ma sầu khổ thất vọng biến mất khỏi chỗ ấy, đức Thế Tôn vì muốn lợi ích cho nhiều thiên nhân tụ hợp tại đấy, nên Ngài đã thuyết lên ba bài kệ nói về những điều an lạc tinh thần, an vui tự tại.

Bài kệ thứ nhất, lúc hữu sự có bạn bè là an vui; Biết bằng lòng với cái này hoặc cái kia là an vui; lúc mạng chung có phước đã là an vui; Chấm dứt mọi đau khổ là điều an vui. Bốn điều an vui ấy có ý nghĩa như sau:

Lúc hữu sự (Atthamhi jātamhi) là khi có hoạn nạn đau ốm hoặc có việc phải nhờ người giúp sức mới làm được… Lúc hữu sự như vậy mà có được bạn bè thân hữu giúp đỡ, làm chỗ nương tựa cho thì đó là niềm vui, là niềm an ủi.

Biết bằng lòng với cái này hoặc cái kia (tuṭṭhī yā itarītarena) là tri túc, biết đủ với những thứ mà mình có, không cảm thấy thiếu muốn có thêm nữa. Người sống tri túc, biết bằng lòng với những thứ mình có thì người ấy tâm nhẹ nhàng an lạc.

Lúc mạng chung có phước (puññaṃ jīvitasaṅkhayamhi), nghĩa là đối với người lúc bình sinh tạo được nhiều phước báu, khi sắp chết cảnh thiện hiện ra, tâm cận tử bắt cảnh ấy tạo thức tái sanh cõi vui. Nên nói, lúc mạng chung có phước đã làm là an vui.

Chấm dứt mọi khổ đau (sabbassa dukkhassa pahānaṃ), là chỉ ngay quả vị A la hán, bậc A la hán đã hoàn toàn chấm dứt khổ luân hồi (vaṭṭadukkhassa pahānaṃ), gọi là sự an lạc tuyệt đối.

Bài kệ thứ hai, ở đời hiếu dưỡng mẹ và hiếu dưỡng cha là điều an vui (matteyyatā petteyyatā sukhā loke), hai điều này có ý nghĩa là sự phụng dưỡng cha mẹ (mātāpitūnaṃ upaṭṭhānaṃ). Người con phụng dưỡng cha mẹ được các bậc trí khen ngợi và thân hoại mạng chung được sanh cõi trời; Hơn nữa, khi người con thực hành bổn phận đối với cha mẹ, nó sẽ an vui vì nghĩ rằng ta là người hiếu hạnh, tròn bổn phận làm con.

Ở đời, tôn kính các sa môn và tôn kính các bậc phạm chí, là điều an lạc.

Gọi là các sa môn (samaṇa) là ám chỉ những bậc xuất gia, những vị tu sĩ (pabbajitā). Tôn kính các sa môn (sāmaññatā) là thực hành nghĩa vụ của người cư sĩ đối với các bậc tu hành, như đối xử lịch sự, cúng dường tứ sự…

Gọi là các bậc phạm chí hay là bà la môn (brāhmaṇa) là ám chỉ các bậc thánh đã bài trừ ác pháp (bāhitapāpā), tức chư Toàn giác, chư Độc giác và chư Thinh văn giác, gọi là bậc Hiền Thánh. Tôn kính phạm chí (brāhmaññatā) là thực hành nghĩa cử đúng đắn đối với các bậc Thánh hiền ấy, như cung kính đảnh lễ.

Sự kính lễ bậc đáng kính lễ như vậy sẽ đem lại nhiều công đức phước báu cho người, nên mới nói “sự tôn kính sa môn, tôn kính phạm chí là điều an lạc”.

Bài kệ thứ ba,

Vui thay, giới đến già (sukhaṃ yāva jarā sīlaṃ) nghĩa là có giữ giới từ lúc trẻ cho đến lúc tuổi già đó là niềm an lạc. Vật trang điểm như vòng vàng bông tai hoặc như trang phục vận mặc, có những trang sức trang phục hợp tuổi trẻ không hợp tuổi già; hoặc hợp cho tuổi già mà không hợp với tuổi trẻ; Nhưng giới hạnh thì thích hợp và chói sáng cho mọi lứa tuổi, khi còn trẻ có giữ giới cho đến già cũng giữ giới ấy, càng trú trong giới, tâm càng an vui vì không ân hận, không ray rức.

Vui thay, tín an trú (sukhā saddhā patiṭṭhitā). Tín_saddhā là niềm tin, là điểm tựa tinh thần. Tín an trú đem lại sự an vui là chánh tín (sammāsaddhā), chứ không phải là tà tín (micchāsaddha). Chánh tín là tin nhân, tin quả, tin nghiệp báo, tin sự giác ngộ của đức Phật. Niềm tin như vậy mới là điều an lạc.

Vui thay, đắc trí tuệ (sukho paññāya paṭilābho) là có được trí hiệp thế và trí siêu thế, hoặc có được trí văn, trí tư và trí tu… Người đạt được trí tuệ như vậy dẫn lối đi đến chỗ an vui, thoát khỏi khổ cảnh.

Vui thay, không làm ác (pāpānaṃ akaranaṃ sukhaṃ), có ý nghĩa là người đã nhổ bổ gốc phiền não (kilesamūlasetughāta) nên không còn làm các điều ác nữa. Điều đó là niềm hạnh phúc nhất bởi không tạo nghiệp xấu, tâm được mát mẻ không bị đốt nóng.

Như vậy, ba bài kệ đức Phật đã thuyết, gm có mười hai sự kiện an lạc cho chúng sanh./.

Dứt phẩm hai mươi ba

Phẩm voi

Tỳ kheo Tuệ Siêu biên soạn.

Ý kiến bạn đọc