Môn học: PĀLI PHÁP CÚ | XXII. Phẩm Khổ Cảnh (Nirayavagga) _ Kệ số 4, 5 (dhp 309, 310)

Thứ ba, 16/07/2024, 06:16 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: PĀLI PHÁP CÚ

Bài học thứ năm 11.7.2024

XXII

Phẩm Khổ Cảnh

(Nirayavagga)

XXII. Phẩm Khổ Cảnh_Kệ số 4, 5 (dhp 309, 310)

Chánh văn:

4. Cattāri ṭhānāni naro pamatto

āpajjati paradārūpasevī

apuññalābhaṃ na nikāmaseyyaṃ

nindaṃ tatiyaṃ nirayaṃ catutthaṃ.

(dhp 309)

5. Apuññalābho ca gatī ca pāpikā

bhītassa bhītāya ratī ca thokikā

rājā ca daṇḍaṃ garukaṃ paṇeti

tasmā naro paradāraṃ na seve.

(dhp 310)

Chuyển văn:

4. Paradārūpasevī pamatto naro apuññalābhaṃ na nikāmaseyyaṃ tatiyaṃ nindaṃ catutthaṃ nirayaṃ ṭhānāni āpajjati.

5. Apuññalābho ca pāpikā gatī ca bhītassa bhītāya ratī ca thokikā rājā ca garukaṃ daṇḍaṃ paṇeti Tasmā naro paradāraṃ na seve.

Thích văn:

Cattāri [đối cách, số nhiều, trung tính, số mục tính từ catu] 4, bốn.

Ṭhānāni [đối cách, số nhiều, trung tính, danh từ ṭhāna] chổ, điều kiện, lý do.

Naro [chủ cách, số ít, nam tính, danh từ nara] người, người nam, đàn ông.

Pamatto [chủ cách, số ít, nam tính, tính từ pamatta (quá khứ phân từ của động từ pamajjati)] say mê, dễ duôi, buông thả.

Āpajjati [động từ tiến hành cách thì hiện tại, ngôi III, số ít, “a + pad + ya + ti”] đạt đến, bị, chịu.

Paradārūpasevī [chủ cách, số ít, nam tính, danh từ hợp thể paradārūpasevī (“para + dāra + upasevī)] kẻ quan hệ với vợ người khác, kẻ tư thông vợ người.

Apuññalābhaṃ [đối cách, số ít, nam tính, danh từ hợp thể (“a + puñña+ lābha)] nhận lãnh điều vô phúc, lãnh nhận điều tội lỗi, bị họa.

Na [phủ định từ] chẳng có, không có.

Nikāmaseyyaṃ [đối cách, số ít, trung tính, danh từ hợp thể nikāmaseyya (nikāma + seyya)] sự ngủ nghỉ bất an, ngủ không yên giấc.

Nindaṃ [đối cách, số ít, nữ tính, danh từ nindā] lời chê bai, sự chê trách.

Tatiyaṃ [đối cách, số ít, nữ tính, số mục tính từ tatiya (tatiyā)] thứ ba.

Nirayaṃ [đối cách, số ít, nam tính, danh từ niraya] địa ngục, khổ cảnh, cõi không có sự an vui.

Catutthaṃ [đối cách, số ít, nam tính, số mục tính từ catuttha] thứ tư, điều thứ tư.

Apuññalābho [chủ cách, số ít, nam tính, danh từ hợp thể apuññalābha] sự nhận lãnh điều vô phúc, lãnh nhận điều vô phước.

Gatī (gati) [chủ cách, số ít, nữ tính, danh từ gati] sanh thú, chổ tái sanh, cảnh giới đi đến.

Pāpikā [chủ cách, số ít, nữ tính, tính từ pāpika] ác xấu, tệ hại.

Bhītassa [sở thuộc cách, số ít, nam tính, tính từ bhīta (quá khứ phân từ của động từ bhāyati)] của người (nam) hoảng hốt, lo sợ.

Bhītaya [sở thuộc cách, số ít, nữ tính, tính từ bhīta (quá khứ phân từ của động từ bhāyati)] hoảng hốt, lo sợ.

Ratī (rati) [chủ cách, số ít, nữ tính, danh từ rati (chuyển hóa từ căn động từ ram + ti)] khoái lạc, sự thỏa thích, sự vui sướng.

Thokikā [chủ cách, số ít, nữ tính, tính từ thokika (thoka + ika)] ít ỏi, nhỏ nhoi, ngắn ngủi.

Rājā [chủ cách, số ít, nam tính, danh từ biệt ngữ rāja] đức vua, nhà vua.

Daṇḍaṃ [đối cách, số ít, nam tính, danh từ daṇḍa] hình phạt, sự phạt vạ.

Garukaṃ [đối cách, số ít, nam tính, tính từ garuka] nặng nề, nghiêm trọng.

Paṇeti [động từ tiến hành cách thì hiện tại, ngôi III, số ít, “pa + ni + e + ti”] áp dụng, ban hành.

Tasmā [xuất xứ cách, số ít, trung tính, chỉ thị đại từ ta] do đó, từ đó, bởi thế.

Paradāraṃ [đối cách, số ít, nam tính, danh từ hợp thể paradāra] vợ người, vợ của người khác.

Seve [động từ khả năng cách ba thì, ngôi III, số ít, loạt attanopadasev + a + e”] quan hệ tình dục, tư thông, giao hợp.

Việt văn:

4. Phóng đãng, theo vợ người

bị mắc phải bốn điều:

nhận lãnh điều vô phúc

ngủ nghỉ không thoải mái,

thứ ba, bị chê trách

thứ tư, đọa khổ cảnh.

(pc 309)

5. Vô phúc là khổ cảnh,

vui ít vì hoảng sợ

vua áp dụng trọng hình,

vậy, chớ theo vợ người.

(pc 310)

4. Người phóng đãng tư thông vợ người khác sẽ mắc phải bốn điều: một là nhận lãnh điều vô phước, hai là ngủ nghỉ không yên vui, ba là bị chê bai, thứ tư là đọa khổ cảnh.

5. Sự nhận lãnh điều vô phúc là sanh thú đọa, khoái lạc của hai người lo sợ ngắn ngủi, nhà vua dụng trọng hình. Do vậy, chớ nên lân la với vợ người.

Duyên sự:

Hai bài kệ này, đức Phật thuyết ở Sāvatthi, khi Ngài trú tại Jetavanavihāra, để tiếp độ thanh niên Khemaka cháu trai của trưởng giả Anāthapiṇḍika.

Người em gái của trưởng giả Anāthapiṇḍika có người con trai tên Khemaka, tướng vạm v, đẹp trai, lịch thiệp. Hầu hết các phụ nữ khi gặp Khemaka đều bị cuốn hút và sẳn sàng trao thân cho anh ta. Nhưng Khemaka chỉ thích quan hệ với vợ của người khác thôi.

Các người chồng trong gia đình rất đau khổ, tố cáo anh ta với đức vua.

Thế rồi một đêm kia, lính của vua đã rình bắt quả tang anh ta đang tà dâm với người đàn bà của gia đình nọ. Họ bắt anh ta dẫn đến vua. Nhà vua vì n tình trưởng giả Anāthapiṇḍika nên không phạt vạ gì anh ta và ra lệnh thả về. Thế nhưng Khemaka vẫn chứng nào tật nấy, không cha bỏ hành vi. Hai ba lần như vậy.

Vị đại trưởng giả nghe được chuyện của Khemaka cháu mình làm như thế, đã dẫn Khemaka đến diện kiến đức Phật và thỉnh Ngài giáo hóa thanh niên Khemaka.

Bậc Đạo sư đã thuyết pháp kích động tâm tư của Khemaka, Ngài chỉ ra những lỗi lầm và hậu quả của việc quan hệ bất chính với vợ người khác. Sau khi nói xong, đức Phật đã thuyết hai bài kệ này: Cattāri ṭhānāni naro pamatto…v.v…Tasmā naro paradāraṃ na seve’ ti.

Dứt pháp thoại, thanh niên Khemaka đã chứng đắc quả dự lưu. Kể từ đó, các gia đình sống bình yên hạnh phúc.

Tiền nghiệp của thanh niên Khemaka đã tạo gì, mà trong kiếp hiện tại các phụ nữ thấy Khemaka là bị cám dỗ?

Tương truyền, vào thời kỳ giáo pháp của đức Phật Kassapa, thanh niên này là Nhà đấu vật Quán quân, đã tín thành treo hai lá cờ màu vàng trên ngôi kim tháp thờ xá lợi đức Thập lực Kassapa và phát nguyện: “Ngoại trừ những nữ nhân huyết thống, còn lại các nữ nhân khác khi nhìn thấy ta đều sanh tâm ái luyến. Nguyện cho ta đắc được pháp mà các bậc thánh đã đắc.

Đó là tiền nghiệp thiện mà thanh niên Khemaka đã làm, vì thế, nay các nữ nhân vừa thấy Khemaka đã sanh lòng luyến ái.

Lý giải:

Đức Phật giáo hóa chúng sanh có bốn cách, cũng như người Mã sư huấn luyện ngựa vậy: đánh để dạy, dỗ ngọt để dạy, có dạy vừa đánh vừa dỗ ngọt, nếu là ngựa chứng bất trị thì giết chết.

Đối với chúng sanh hành động tội lỗi, đức Phật dạy pháp nói chê trách hành vi bất thiện sẽ bị hậu quả bi thảm để kích động tâm người ấy, như mã sư dùng biện pháp đánh để dạy ngựa vậy.

Đối với chúng sanh hiền thiện, đức Phật dạy pháp nói tán thán việc lành và lợi ích của điều lành làm cho người nghe hoan hỷ phấn khởi, như mã sư dùng biện pháp vỗ về vuốt ve để dạy ngựa.

Đối với chúng sanh không phải hiền cũng không phải dữ, khi giáo hóa họ thì đức Phật vừa chê trách pháp ác vừa khen ngợi pháp thiện để họ cân nhắc chọn lựa, như người mã sư dạy ngựa có khi dùng biện pháp vừa đánh vừa dỗ ngọt.

Đối với chúng sanh phiền não nặng nề, có ác tà kiến, không có khả năng lãnh hội giáo pháp, thì đức Phật không thuyết pháp cho họ, Ngài nghĩ rằng chúng sanh này không cần được giáo hóa. Cũng như người mã sư đối với ngựa bất kham, không thể huấn luyện, thì đem làm thịt, giết chết đi.

Hai bài kệ pháp cú này, đức Phật chỉ ra hậu quả cay đắng của hành động tà dâm, để giáo hóa thanh niên Khemaka, kích động tâm tư anh ta để anh ta thức tỉnh từ bỏ hành vi bất thiện. Đức Phật đã dùng biện pháp như người mã sư đánh để dạy ngựa.

Trước tiên, bài kệ dhp 309, đức Phật chỉ ra bốn hậu quả mà kẻ tư thông vợ người phải lãnh chịu.

Một là nhận lãnh điều vô phước (apuññalābhaṃ), tức là bị quả bất thiện.

Hai là ngủ nghỉ không thoải mái (na nikāmaseyyaṃ), tức là ngủ không yên giấc không như mong muốn, dù nằm trên chổ nằm sang trọng.

Ba là bị chê trách (nindaṃ), tức là bị người đời khinh bỉ, chửi mắng, nói những lời không đẹp.

Bốn là đọa khổ cảnh (nirayaṃ), tức là sau khi chết phải tái sanh vào địa ngục, hay ngạ quỉ, hoặc loài bàng sanh.

Ở bài kệ kế tiếp, dhp 310, đức Phật dạy thêm ý nghĩa thế nào là nhận lãnh điều vô phước (apuññalābho)?

Sự gặt hái điều vô phước là nó đi đến sanh thú hạ liệt như khổ cảnh (nirayasaṃkhātā pāpikā gati hoti).

Sự gặt hái điều vô phước là khoái lạc của hai con người (nam nữ) thật ngắn ngủi ít ỏi, vì họ đang lo sợ hành vi bất chánh (bhītāya itthiyā saddhiṃ bhītassa purisassa rati thokikā parittā hoti).

Sự gặt hái điều vô phước là nó bị đức vua ban hình phạt nặng nề như chặt tay hoặc cầm tù…(rājā hatthacchedādivasena garukaṃ daṇḍaṃ paṇeti).

Ba sự kiện này gọi là nhận lãnh điều vô phước.

Câu cuối trong bài kệ, đức Phật kết luận: Do đó, không nên quan hệ bất chính với vợ người khác.

Tỳ kheo Tuệ Siêu biên soạn.

Ý kiến bạn đọc