Môn học: PĀLI PHÁP CÚ | XXII. Phẩm Khổ Cảnh (Nirayavagga) _ Kệ số 13, 14 (dhp 318, 319)

Chủ nhật, 28/07/2024, 08:33 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: PĀLI PHÁP CÚ

Bài học chủ nhật 28.7.2024

XXII

Phẩm Khổ Cảnh

(Nirayavagga)

XXII. Phẩm Khổ Cảnh_Kệ số 13, 14 (dhp 318, 319)

Chánh văn:

13. Avajje vajjamatino

vajje c’āvajjadassino

micchādiṭṭhisamādānā

sattā gacchanti duggatiṃ.

(dhp 318)

14. Vajjañca vajjato ñatvā

avajjañca avajjato

sammādiṭṭhisamādānā

sattā gacchanti suggatiṃ.

(dhp 319)

Chuyển văn:

13. Avajje vajjamatino vajje ca avajjadassino micchādiṭṭhisamādānā sattā duggatiṃ gacchanti.

14. Vajjaṃ ca vajjato avajjaṃ ca vajjito ñatvā sammādiṭṭhisamādānā sattā suggatiṃ gacchanti.

Thích văn:

Avajje [định sở cách, số ít, trung tính, danh từ avajja (a + vajja)] điều không phải tội lỗi.

Vajjamatino [chủ cách, số nhiều, nam tính, danh từ hợp thể vajjamatī (vajja + matī)] những người nghĩ là tội lỗi.

Vajje [định sở cách, số ít, trung tính, danh từ vajja] điều lỗi lầm, điều tội lỗi.

C’ āvajjadassino [hợp âm ca avajjadassino].

Avajjadassino [chủ cách, số nhiều, nam tính, danh từ hợp thể avajjadassī (“a + vajja+ dassi)] những người thấy là không tội lỗi.

Vajjañca [hợp âm vajjaṃ ca].

Vajjaṃ [đối cách, số ít, trung tính, danh từ vajja] điều tội lỗi.

Vajjato [“vajja + to” dùng như xuất xứ cách, cả hai ngữ số, trung tính, danh từ vajja] là điều tội lỗi, từ điều tội lỗi.

Ñatvā [bất biến quá khứ phân từ của động từ jānāti, “ña + tvā”] sau khi biết.

Avajjañca [hợp âm avajjaṃ ca].

Avajjaṃ [đối cách, số ít, trung tính, danh từ avajja (a + vajja)] điều không lỗi lầm, điều không tội lỗi.

Avajjato [avajja + to. Dùng như danh từ xuất x cách] là không lỗi lầm.

Sammādiṭṭhisamādānā [chủ cách, số nhiều, danh từ hợp thể sammādiṭṭhisamādāna (“sammā + diṭṭhi+ samādāna)] sự chấp trì theo chánh kiến, sự chấp nhận quan điểm đúng.

Suggatiṃ (sugatiṃ) [đối cách, số ít, nữ tính, danh từ hợp thể suggati/sugati (su + gati)] chỗ đến tốt đẹp, cõi vui, thiện thú.

Việt văn:

13. Vô tội, nghĩ là tội

có tội, thấy vô tội

chấp nhận quan điểm sai

chúng sanh đi ác thú.

(pc 318)

14. Biết rõ tội là tội,

vô tội là vô tội,

chấp nhận quan điểm đúng

chúng sanh đến thiện thú.

(pc 319)

13. Chúng sanh đi đến khổ cảnh vì chấp trì quan điểm sai trái, đối với điều không phải tội lỗi thì cho là tội lỗi, đối với điều tội lỗi lại thấy là không tội lỗi.

14. Chúng sanh đi đến cõi vui vì chấp nhận qua điểm đúng đắn, điều tội lỗi biết rõ là tội lỗi, điều không phải tội lỗi thì biết là không tội lỗi.

Duyên sự:

Hai bài kệ này, đức Phật đã thuyết ở Sāvatthi, khi Ngài trú tại Jetavanavihāra, vì chuyện các đệ tử ngoại đạo.

Một thời, các đệ tử ngoại đạo khi thấy con của họ chơi thân với con nhà Phật tử, thì họ đã bắt các con thề rằng: sẽ không đảnh lễ những sa môn thích tử, cũng không bước vào chùa của những sa môn ấy.

Một ngày kia, bọn trẻ đang chơi đùa ngoài cổng chùa Jetavana, chúng khát nước, chúng bảo một đứa trẻ con nhà Phật tử đi vào chùa xin nước uống mang ra cho chúng.

Đứa bé ấy vào chùa đảnh lễ Phật, sau khi uống nước, nó đã kể cho đức Phật nghe chuyện bọn trẻ ngoại đạo. Đức Phật nói với đứa bé ấy: “Con uống nước xong hãy ra kêu, những đứa bé kia vào uống nước”. Đứa bé vâng lời, ra kêu các bạn vào.

Khi bọn trẻ đã vào uống nước xong, đức Phật gọi chúng lại và dạy chúng bằng đề tài pháp thích hợp, đã khiến chúng đạt được niềm tin bất động và trú vào tam qui ngũ giới.

Những đứa bé ấy về nhà thuật lại cho cha mẹ nghe sự việc ấy. Cha mẹ của chúng buồn phiền và than thở: “Các con của chúng tôi bị bại hoại tri kiến rồi”.

Bấy giờ những người láng giềng của họ đi đến khéo nói pháp để giải tỏa sầu muộn cho họ. Sau khi nghe những lời l của người láng giềng, họ nguôi ngoai và cùng với đông đảo thân bằng quyến thuộc đi đến chùa. Đức Phật quán xét căn duyên của họ, thuyết pháp và nói lên hai bài kệ: Avajje vajjamatino…v.v…sattā gacchanti sggatin’ ti.

Dứt pháp thoại, tất cả những người ấy trú vào tam qui và chứng đắc quả dự lưu.

Lý giải:

Bài kệ trước, vô tội nghĩ là tội (avajje vajjamatino) đó là nghĩ sai, bởi các thiện pháp đều là pháp không tội lỗi mà nghĩ rằng các pháp thiện ấy là tội lỗi, như ngoại đạo sư và đệ tử ngoại đạo cho rằng việc đảnh lễ các sa môn (đức Phật và đệ tử thinh văn của đức Phật) là có tội; Hoặc các ác pháp là có tội lỗi mà thấy rằng các pháp ác ấy không có tội, như ngoại đạo và các đệ tử ngoại đạo cho rằng việc giết thú lấy máu để tế thần là không có tội. Chúng sanh do chấp trì tri kiến sai lạc như vậy nên sẽ sanh vào đọa xứ khổ cảnh.

Bài kệ sau, có tội biết là có tội, vô tội biết là vô tội (vajjañca vajjato ñatvā avajjañca c’āvajjato), nghĩa là chúng sanh chấp nhận tri kiến chân chánh thì nhận thức rõ các pháp ác là pháp có tội, nhận thức rõ các pháp thiện pháp vô tội. Do chấp trì tri kiến đúng đắn như vậy nên chúng sanh ấy sẽ đi đến cõi vui./.

Dứt phẩm hai mươi hai

Phẩm khổ cảnh.

Tỳ kheo Tuệ Siêu biên soạn.

Ý kiến bạn đọc