Môn học: PĀLI PHÁP CÚ | XXI. Phẩm Tạp Lục (Pakiṇṇakavagga) _ Kệ số 5, 6 (dhp 294, 295)

Thứ năm, 06/06/2024, 08:10 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: PĀLI PHÁP CÚ

Bài học thứ năm 6.6.2024

XXI

Phẩm Tạp Lục

(Pakiṇṇakavagga)

XXI. Phẩm Tạp Lục_Kệ số 5 & 6 (dhp 294, 295)

Chánh văn:

5. Mātaraṃ pitaraṃ hantvā

rājāno dve ca khattiye

raṭṭham sānucaraṃ hantvā

anīgho yāti brahmaṇo.

(dhp 294)

6. Mātaraṃ pitaraṃ hantvā

rājāno dve ca sotthiye

veyyagghapañcamaṃ hantvā

anīgho yāti brahmaṇo.

(dhp 295)

Chuyển văn:

5. Mātaraṃ pitaraṃ dve ca khattiye rājāno hantvā sāmucaraṃ ratthaṃ hantvā brahmaṇo anīgho yāti.

6. Mātaraṃ pitaraṃ dve ca sotthiye rājāno hantvā veyyagghapañcamaṃ hantvā brahmaṇo anīgho yāti.

Thích văn:

Mātaraṃ [đối cách, số ít, nữ tính, danh từ biệt ngữ mātu] mẹ, người mẹ.

Pitaraṃ [đối cách, số ít, nam tính, danh từ biệt ngữ pitu] cha, người cha.

Hantvā [bất biến quá khứ phân từ “han + tvā” của động từ hanati] sau khi giết.

Rājāno [đối cách, số nhiều, nam tính, danh từ biệt ngữ rāja] các vị vua.

Dve [đối cách, số ít, nam tính, số mục tính từ dvi] hai, số 2.

Khattiye [đối cách, số nhiều, nam tính, danh từ khattiya] sát đế lỵ, hoàng tộc.

Raṭṭhaṃ [đối cách, số ít, trung tính, danh từ raṭṭha] quốc độ, đất nước, xứ sở.

Sānucaraṃ [đối cách, số ít, nam tính, tính từ sānucara (sa + anucara)] quần thần, người hậu cn, quan cận thần.

Anīgho [chủ cách, số ít, nam tính, tính từ anīgha (an + īgha)] vô ưu, không phiền toái, an nhiên.

Yāti [động từ hiện tại, tiến hành cách, ngôi III, số ít, “yā + a + ti”] đi, ra đi.

Brahmaṇo [chủ cách, số nhiều, nam tính, danh từ brahmaṇa] vị bà la môn. Vị phạm chí.

Sotthiye [đối cách, số nhiều, nam tính, danh từ sotthiya] học giả, giới trí thức; tên gọi khác của bà la môn.

Veyyagghapañcamaṃ [đối cách, số ít, nam tính, tính từ hợp thể veyyagghapañcama (veyyaggha + pañcama)] có cọp dữ là thứ năm; hiểm lộ là thứ năm, con đường nguy hiểm là thứ năm.

Việt văn:

5. Đã giết mẹ và cha,

giết hai vua chiến binh,

diệt quốc độ, quần thần,

phạm chí đi vô ưu.

(pc 294)

6. Đã giết mẹ và cha,

giết hai vua học giả,

phá hiểm lộ thứ năm,

phạm chí đi vô ưu.

(pc 295)

5. Sau khi giết mẹ, cha và hai vua sát đế lỵ, diệt sạch quốc độ cả quần thần, vị bà la môn ra đi không sầu muộn.

6. Sau khi giết mẹ, cha và hai vua bà la môn, phá con đường nguy hiểm là thứ năm, vị phạm chí ra đi không sầu muộn.

Duyên sự:

Hai bài kệ này, đức Phật thuyết ở Sāvatthi, khi Ngài trú tại Jetavanavihāra, đề cp đến trưởng lão Lakuṇṭabhaddiya. Ngài thuyết hai bài kệ cho hai nhóm tỳ kheo khách đến viếng thăm Ngài.

Bài kệ trước (dhp 294). Một ngày nọ, có nhiều vị tỳ kheo vãng lai đi đến bậc Đạo sư, đảnh lễ Ngài và ngồi xuống một bên. Lúc ấy, trưởng lão Lakuṇtakabhaddiya đi ngang qua cách không xa đức Thế Tôn, bậc Đạo sư quán xét biết tâm tư của các tỳ kheo nên Ngài phán bảo: “Này chư tỳ kheo, tỳ kheo này sau khi giết hại mẹ, cha, vị ấy ra đi không đau khổ (niddukkho).

Những vị tỳ kheo khách nhìn nhau ngơ ngác: “Bậc Đạo sư nói gì vậy?”. Rồi họ hỏi Ngài: “Bạch Thế Tôn, Thế Tôn nói điều đó là ý gì?”.

Đức Thế Tôn bèn thuyết pháp cho họ nghe và Ngài đã nói lên bài kệ: Mātāraṃ pitaraṃ hantvā rājāno dve ca khattiye raṭṭhaṃ sānucaraṃ hantvā anīgho yāti brahmaṇo’ ti.

Dứt kệ ngôn, các vị tỳ kheo khách tăng ấy đã chứng quả A la hán.

Bài kệ sau (dhp 295), có nhóm tỳ kheo khác về đảnh lễ Phật. Đức Phật quán xét biết tâm hướng của những tỳ kheo ấy, nhân lúc ấy có trưởng lão Lakuṇtakabhaddiya đứng cách Thế Tôn không xa, Ngài bảo: “Hãy nhìn kìa, này các tỳ kheo, vị tỳ kheo ấy sau khi giết cha mẹ, vị ấy không còn đau khổ, ra đi”.

Các tỳ kheo khách tăng thắc mắc, hỏi đức Phật về ý nghĩa lời nói này. Đức Phật thuyết pháp cho họ nghe và kết thúc Ngài nói lên bài kệ: Mātāraṃ pitara hantvā dve ca sotthiye veyyaddhapañcamaṃ hantvā anīgho yāti brahmaṇo’ ti.

Dứt thời pháp, các tỳ kheo khách ấy chứng quả A la hán.

Lý giải:

Đức Thế Tôn là bậc Đạo sư đã thuyết pháp với địa vị pháp vương, với tính cách thiện xảo phương pháp giảng dạy. Tùy cơ duyên chúng sanh mà Ngài thuyết, có khi nói thẳng chi pháp, có khi dẫn chứng, có khi đưa thí dụ, có khi thì dùng cách ẩn ngữ.

Trong hai kệ này, Ngài thuyết ẩn ngữ, khi hai nhóm tỳ kheo khách tăng có sự thắc mắc về ẩn ngữ nghĩa là gì? Bèn hỏi lại bậc Đạo sư. Đức Thế Tôn giải thích cho nghe thì họ được khai tâm, giác ngộ.

Cả hai bài kệ này, ẩn ngữ “giết mẹ” (mātaraṃ hantvā) nghĩa là “diệt ái” (taṇhā); Ái (taṇhā) ví như người mẹ (mātu), vì Ái tạo ra chúng sanh trong dục hữu, sắc hữu và vô sắc hữu. Ẩn ngữ “giết cha” (pitaraṃ hantvā) nghĩa là “diệt trừ ngã mạn” (asmimāna); người cha (pitu) ám chỉ ngã mạn (asmimāna) vì do dựa vào uy thế người cha mà đứa con hống hách, lên mặt, kiêu ngạo “Ta là con vua, ta là con quan, ta là con ông tỷ phú” Ẩn ngữ “giết hai vị vua” (vua sát đế lỵ, vua bà la môn) nghĩa là “trừ thường kiến và đoạn kiến”. Vị vua (rāja) ám chỉ tà kiến (micchādiṭṭhi) bởi vua có quyền lực, chi phối toàn bộ dân chúng trong vương quốc, cũng như tà kiến chi phối chúng sanh vậy. Vua chiến binh tức là vua dòng Sát đế lỵ (khattiyarāja); Vua học giả (sotthiyarāja) tức là vua dòng dõi bà la môn (brahmaṇa).

Trong bài kệ dhp 294, ẩn ngữ “quốc độ” (raṭṭhaṃ) tức là mười hai xứ (āyatanāni_gồm sáu nội xứ và sáu ngoại xứ); Quốc độ (raṭṭhaṃ) ám chỉ Thập nhị xứ (dvādasāyatanaṃ) bởi quốc độ là nơi dân chúng sinh hoạt trao đổi sản phẩm hàng hóa, cũng như sáu căn tiếp xúc với sáu cảnh tạo ra sáu thức vậy. Ẩn ngữ “quần thần” (sāmucaraṃ) là ám chỉ “Hỷ tham” (nandirāgo); Quần thần là những quan cận thần của vua, phụ trách các ngành trong guồng máy cai trị, được hưởng bổng lộc vua ban, cũng như hỷ tham thưởng thức dục lạc danh lợi vậy.

Trong bài kệ dhp 295, “Hiểm lộ thứ năm” (veyyagghapañcamaṃ), hiểm lộ là con đường nguy hiểm, khó đi; có hổ dữ lai vảng…v.v…là trở ngại cho khách l hành; Hiểm lộ ám chỉ năm chướng ngại tinh thần, gọi là ngũ triền cái (nīvaraṇapañcaka), trong năm triền cái ấy (dục dục cái, sân độc cái, hôn thụy cái, trạo hối cái và thứ năm là hoài nghi cái).

Câu cuối của hai bài kệ: “Phạm chí ra đi không sầu muộn” (anīgho yāti brahmaṇo) là ám chỉ bậc Lậu tận (khīnāsavo), tức là bậc A la hán. Vị đã sát trừ phiền não Ái, mạn, kiến, hỷ tham, triền cái bằng đạo tuệ A la hán, vị ấy ra đi không còn đau khổ (anīgho’ ti niddukkho)./.

Tỳ kheo Tuệ Siêu biên soạn.

Ý kiến bạn đọc