Môn học: PĀLI PHÁP CÚ | XXI. Phẩm Tạp Lục (Pakiṇṇakavagga) _ Kệ số 2 (dhp 291)

Thứ sáu, 31/05/2024, 09:01 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: PĀLI PHÁP CÚ

Bài học thứ năm 30.5.2024

XXI

Phẩm Tạp Lục

(Pakiṇṇakavagga)

XXI. Phẩm Tạp Lục_Kệ số 2 (dhp 291)

Chánh văn:

2. Paradukkhūpadhānena

attano sukham_icchati

verasaṃsaggasaṃsaṭṭho

verā so na parimuccati.

(dhp 291)

Chuyển văn:

2. Paradukkhūpadhānena attano sukhaṃ icchati verasaṃsaggasaṃsaṭṭho so verā na parimuccati.

Thích văn:

Paradukkhūpadhānena [sở dụng cách, số ít, trung tính, danh từ hợp thể paradukkhūpadhāna (para + “dukkha + upadhāna”)] bằng sự gây ra đau khổ cho người khác.

Attano [chỉ định cách, số ít, nam tính, danh từ biệt ngữ atta] cho chính mình, cho bản thân.

Sukham_icchati [hợp âm sukhaṃ icchati] muốn hạnh phúc, cầu an lạc.

Verasaṃsaggasaṃsaṭṭho [chủ cách, số ít, nam tính, tính từ hợp thể verasaṃsaggasaṃsaṭṭha (“vera + saṃsagga” + saṃsaṭṭha)] bị vướng vào vòng dây oan trái.

Verā [xuất xứ cách, số ít, trung tính, danh từ vera] khỏi sự thù hận, từ sự oan trái.

So [chủ cách, số ít, nam tính, chỉ thị đại từ ta] nó, người ấy.

Parimuccati [động từ tiến hành cách, thụ động thể, ngôi III, số ít, “pari + muc + ya + ti”] được giải thoát, được thoát khỏi.

Việt văn:

2. Gieo khổ cho người khác

mong cầu lạc cho mình

vướng vòng dây oan trái

không thoát khỏi oán cừu.

(pc 291)

2. Muốn an lạc cho mình bằng sự gieo rắc khổ đau cho người khác, kẻ ấy bị vướng mắc dây oan trái sẽ không thoát khỏi sự oán cừu.

Duyên sự:

Bài kệ này, đức Phật thuyết ở Sāvatthi, khi Ngài trú tại Jetavanavihāra, vì nhân để giải tỏa mối oan trái truyền kiếp của tiểu thơ ở Sāvatthi và nữ dạ xoa.

Câu chuyện hận thù truyền kiếp này, cũng có tình tiết gần giống như chuyện trong duyên sự kệ pháp cú dhp 5 phẩm song đối, chỉ khác khởi đầu.

Trước đây nhiều kiếp sống, có một thiếu nữ sở thích ăn trứng gà, ngoài món ăn đó không ăn thứ gì khác. Trong nhà nuôi con gà mái đẻ, hể khi gà mái đẻ trứng thì cô gái lấy trứng gà luộc ăn; con gà mái cột oan trái, sanh làm con mèo và cô gái sanh làm gà mái.

Gà mái bị con mèo ăn trứng của nó rồi lần cuối ăn thịt luôn gà mẹ. Cột thù hận, gà mái sanh làm con báo và mèo sanh làm con nai cái.

Khi nai cái sanh con ba lần đều bị báo đến vồ ăn.

Cứ như vậy, trải qua 500 kiếp sống chúng gieo rắc đau khổ cho nhau. Đến kiếp sống này, cô gái năm xưa sanh làm tiểu thư ở Sāvatthi, còn con gà mái nọ thì sanh làm nữ dạ xoa.

Cô tiểu thư lấy chồng và sanh con, hai đứa con đầu đều bị dạ xoa bắt; đến lần sanh thứ ba tiểu thư ẳm con trốn đi bị dạ xoa đuổi theo. Tiểu thư chạy vào chùa Jetavana cầu cứu đức Phật.

Đức Thế Tôn cho phép nữ dạ xoa vào. Và Ngài thuyết pháp cho cả hai nghe: “Quả thật vậy, hận thù được lắng yên do sự không oan trái”. Nói xong, Ngài đã thuyết lên bài kệ: Paradukkhūpadhānena…v.v…verā so na parimuccatī’ ti.

Dứt pháp thoại, cô tiểu thư chứng quả dự lưu, còn nữ dạ xoa thì trú trong tam qui và thọ trì ngũ giới, họ đã thoát khỏi hận thù.

Lý giải:

Câu nói: “Muốn an lạc cho mình mà gieo rắc khổ cho người khác”, nghĩa là ở đời có người muốn ăn ngon, mặc đẹp, tài sản, địa vị, rồi sát sanh, trộm cắp, bức hiếp chúng sanh khác…v.v…Người hành xử như vậy chỉ tạo thêm sự oan trái thù hận.

Câu nói: “Vướng vòng dây oan trái không thoát khỏi oán cừu”, tức là người gieo oan trái, tạo thù hận sẽ không bao giờ thoát ra khỏi dây oan nghiệt, đem khổ đau cho mình thôi, vì người bị hại sẽ trả thù, hai bên cứ vay nợ máu rồi trả nợ máu, truyền kiếp không biết bao giờ chấm dứt hận thù.

Phải một bên ngừng kết oán trái, hoặc hai bên đều bỏ thù hận như nữ dạ xoa và cô tiểu thư trong duyên sự, như vậy cả hai mới thoát ra khỏi vòng lẩn quẩn “gây thù báo oán”, “vay trả, trả vay”./.

Tỳ kheo Tuệ Siêu biên soạn.

Ý kiến bạn đọc