Môn học: PĀLI PHÁP CÚ | XXI. Phẩm Tạp Lục (Pakiṇṇakavagga) _ Kệ số 14 (dhp 303)

Thứ năm, 20/06/2024, 08:23 GMT+7

 Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: PĀLI PHÁP CÚ

Bài học thứ năm 20.6.2024

XXI

Phẩm Tạp Lục

(Pakiṇṇakavagga)

XXI. Phẩm Tạp Lục_Kệ số 14 (dhp 303)

Chánh văn:

14. Saddho sīlena sampanno

yasobhogasamappito

yaṃ yaṃ padesaṃ bhajati

tattha tath’ eva pūjito.

(dhp 303)

Chuyển văn:

14. Saddho sīlasampanno yasobhogasamappatito yaṃ yaṃ padesaṃ bhajati tattha tattha eva pūjito.

Thích văn:

Saddho [chủ cách, số ít, nam tính, danh từ saddha] tín đồ, người tín ngưỡng, người có đức tin.

Sīlena [sở dụng cách, số ít, trung tính, danh từ sīla] bằng giới, với giới hạnh.

Sampanno [chủ cách, số ít, nam tính, tính từ sampanno (quá khứ phân từ của động từ sampajjati)] thành tựu, viên mãn, đầy đủ.

Yasobhogasamappito [chủ cách, số ít, nam tính, danh từ hợp thể yasobhogasamappita (“yasa + bhoga” + samappita quá khứ phân từ của động từ samappeti)] đạt được danh tiếng và tài sản.

Yaṃ [đối cách, số ít, nam tính, quan hệ đại từ ya] nào, cái nào, bất cứ gì.

Padesaṃ [đối cách, số ít, nam tính, danh từ padesa] xứ, miền, vùng, chỗ.

Bhajati [động từ hiện tại tiến hành cách, ngôi III, số ít, “bhaj + a + ti”] sống ở, đi đến, hợp tác.

Tattha [trạng từ] ở đó, tại đấy.

Tatth’ eva [hợp âm tattha eva] ngay tại chỗ ấy.

Pūjito [chủ cách, số ít, nam tính, tính từ pūjita quá khứ phân từ của động từ pūjeti] được kính lễ, được tôn kính.

Việt văn:

14. Có đức tin, có giới,

có danh xưng, tài sản,

người ấy đến chỗ nào

được tôn kính tại đấy.

(pc 303)

14. Người có đức tin, thành tựu giới hạnh, đạt được danh xưng và tài sản, người ấy đến bất cứ chỗ nào, đều được tôn kính ở đấy.

Duyên sự:

Bài kệ này, đức Phật thuyết ở Sāvatthi, khi Ngài trú tại Jetavanavihāra, Ngài trả lời câu hỏi của Ānanda về chuyện gia chủ Citta.

Gia chủ Citta người ở thành Macchikāsaṇḍa. Lần đầu tiên trông thấy tôn giả Mahānāma, một trong năm vị Kiều Trần Như, đang trì bình khất thực, phm mạo trang nghiêm, gia chủ Citta phát tâm tín thành thỉnh vào nhà cúng dường thực phẩm. Sau khi thọ thực, tôn giả Mahānāma thuyết pháp cho gia chủ nghe, gia chủ Citta đắc quả dự lưu.

Gia chủ Citta với niềm tin kiên cố đã hiến cúng khu vườn Ambātakavana đến tôn giả, rồi tự bỏ ra tiền bạc để xây dựng một ngôi chùa tứ phương tăng tại địa phương.

Lần thứ hai, khi hai vị Thượng thủ Thinh văn của đức Thế Tôn du hành đến Macchikāsaṇḍa, gia chủ Citta thân hành đi đón rước quí Ngài và thỉnh về chùa mình, lo phục dịch các Ngài và dâng nước giải khát lúc ấy xế chiều.

Gia chủ ng lời xin đức Pháp chủ ban bố một thời pháp. Trưởng lão Sāriputta đã thuyết pháp cho vị gia chủ nghe.

Gia chủ Citta nghe pháp xong liền chứng đắc quả Thánh quả A na hàm. Sau đó đã thỉnh các Ngài ngày mai đến nhà ông thọ thực. Các vị trưởng lão nhận lời.

Sau khi thọ thực ở nhà gia chủ Citta xong, nhị vị Thượng thủ Thinh văn dẫn chư tỳ kheo tiếp tục du hành.

Thời gian sau, gia chủ Citta nghĩ thầm: “Từ lúc đắc quả dự lưu tới nay, ta chưa bái kiến bậc Đạo sư, vậy nay ta sẽ đi đến bái kiến Ngài”.

Thế rồi, gia chủ Citta chuẩn bị lễ phẩm các thứ để cúng dường, chất đầy năm trăm cỗ xe bò, cùng đoàn tùy tùng ba ngàn người khởi hành đi Sāvatthi.

Gia chủ Citta là một người có danh tiếng, có tài sản, lại là một cư sĩ thánh Bất Lai, nên ông có nhiều uy lực và phước báu. Ông dẫn đoàn hàng ngàn người đi từ Macchikāsaṇḍa đến Sāvatthi đường dài ba mươi do tuần, vậy mà suốt cả tháng hành trình vẫn có đầy đủ thức ăn thức uống cho tất cả mọi người, thậm chí không dùng tới lương thực mang theo, bởi chư thiên và dân chúng dọc đường biếu tặng.

Khi đoàn người đến chùa Jetavana, gia chủ Citta dẫn đầu 500 nam nhân đi vào, rồi lần lượt các nữ nhân.

Gia chủ Citta đi đến trước mặt bậc Đạo sư quì xuống đảnh lễ ôm chân Ngài. Ngay lúc đó hoa trời rơi xuống như mưa, với âm thanh vang rền: Sādhu! Sādhu! Sādhu.

Ông Citta lưu lại bên đức Thế Tôn thời gian một tháng. Mỗi ngày đều có lễ cúng dường đến đức Phật và chư tăng do các thiện nam, tín nữ ở Sāvatthi cúng dường, đồng thời chiêu đãi ông Citta cùng đoàn tùy tùng. Không có ngày nào mà ông phải lấy các lễ phẩm đem theo trên xe bò của ông cả.

Sau một tháng, gia chủ Citta vào đảnh lễ đức Phật và bạch rằng: “Bạch Thế Tôn, con đến đây với mục đích cúng dường, nhưng chư thiên và nhân loại ở đây mang lễ phẩm đến cúng dường suốt một tháng qua, con không có dịp dâng lễ phẩm của mình. Nay con định trở về quê hương. Xin Ngài chỉ định chỗ nào để con đặt xuống các lễ phẩm”.

Đức Phật dạy tôn giả Ānanda chọn một địa điểm thích hợp cho gia chủ Citta tuôn phẩm vật trên năm trăm cỗ xe bò xuống.

Xong việc, ông cùng đoàn tùy tùng lên đường về xứ. Nhưng chư thiên và loài người không chịu để gia chủ Citta trở về với xe không, họ đem tặng phẩm đến biếu để đầy 500 cỗ xe trở lại. Gia chủ Citta lại đích thân phân phát bố thí cho quần chúng các tặng phẩm ấy rồi mới khởi hành.

Thấy vậy tôn giả Ānanda bạch hỏi đức Phật:

“Bạch Thế Tôn, gia chủ Citta ở đây suốt cả tháng không ngớt nhận tặng phẩm mỗi ngày. Hôm nay biết ông đã cúng dường hết lễ phẩm trên xe bò, trở về với xe trống không, chư thiên và nhân loại lại đem biếu tặng phẩm đầy xe lại. Có phải do ông ấy đến đảnh lễ Thế Tôn mới có được sự tôn kính của chư thiên và nhân loại?”

Đức Phật bảo:

“Này Ānanda, gia chủ Citta là người có đủ đức tin và giới hạnh, nên dù đi đến xứ nào cũng được mọi người tôn kính như thế”. Nói xong, đức Phật đã thuyết bài kệ này: Saddho sīlena sampanno…v.v…tattha tatth’ eva pūjito’ ti.

Đức Phật sau khi nói lên bài kệ, Ngài cũng thuyết thêm: Gia chủ này được nhận nhiều tặng phẩm, cũng là do phước nghiệp tiền kiếp cúng dường đến chư tỳ kheo thời đức Phật Kassapa.

Lý giải:

Bài kệ này, đức Phật thuyết cho cả hai giới xuất gia và tại gia. Người nào thành tựu niềm tin, đầy đủ giới hạnh, đạt được danh xưng và tài sản, người ấy dù đi đến xứ nào cũng được sự tôn kính trọng vọng nơi ấy.

Gọi là “có niềm tin” (saddho), là có được đức tin hiệp thế (lokiyasaddhā) nếu là phàm phu, có được đức tin siêu thế (lokuttarasaddhā) nếu là bậc thánh. Nhưng dù là niềm tin hiệp thế cũng phải hiểu là chánh tín.

Gọi là “thành tựu giới” (sīlena sampanno), nếu là bậc xuất gia thì thành tựu giới xuất gia (anāgāriyasīla), nếu là hàng cư sĩ thì thành tựu giới tại gia (āgāriyasīla) như gia chủ Citta đây là thành tựu giới tại gia.

Gọi là “đạt được danh xưng” (yasosamappito) là có danh thơm, tiếng tốt, tiếng lành đồn xa, như trưởng giả Anāṭḥāpiṇḍika, gia chủ Citta…

Gọi là “đạt được tài sản” (bhogasamappito), có hai loại tài sản là tài sản vật chất (dhaññādidhana) và tài sản cao quí (ariyadhana). Người xuất gia chỉ có tài sản cao quí, người tại gia như gia chủ Citta thì có cả hai thứ tài sản.

Người có được đức tin, giới hạnh, danh xưng và tài sản như vậy, dù là bậc xuất gia hay người tại gia có đi đến bất cứ nơi nào cũng được sự tôn kính của mọi người. Tuy nhiên, người được mọi người trọng vọng và phát sanh lợi lộc nhiều, một phần cũng do đời trước đã tạo công đức đặc biệt, như gia chủ Citta, đức Phật đã giảng về tiền nghiệp phước nên nay được trọng vọng như vậy./.

Tỳ kheo Tuệ Siêu biên soạn.

Ý kiến bạn đọc