Môn học: PĀLI PHÁP CÚ | XXI. Phẩm Tạp Lục (Pakiṇṇakavagga) _ Kệ số 13 (dhp 302)

Chủ nhật, 16/06/2024, 14:34 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: PĀLI PHÁP CÚ

Bài học thứ năm 13.6.2024

XXI

Phẩm Tạp Lục

(Pakiṇṇakavagga)

XXI. Phẩm Tạp Lục_Kệ số 13 (dhp 302)

Chánh văn:

13. Duppabbajjaṃ durabhiramaṃ

durāvāsā gharā dukhā

dukkho’ samānasaṃvāso

dukkhānupatitaddhagū

tasmā na c’ addhagū siyā

na ca dukkhānupatito siyā.

(dhp 302)

Chuyển văn:

13. Duppabbajjaṃ durabhiramaṃ gharā durāvāsā dukhā asamānasaṃvāso dukkho addhagū dukkhānupatito, tasmā na ca siya dukkhānupatito na ca siya.

Thích văn:

Duppabbajjaṃ [chủ cách, số ít, trung tính, danh từ hợp thể duppabbajja (du + pabbajja)] sự xuất gia là khó.

Durabhiramaṃ [chủ cách, số ít, trung tính, danh từ hợp thể durabhiramaṃ (du + abhiramaṃ)] khó thỏa thích (trong hạnh xuất gia).

Durāvāsā [chủ cách, số nhiều, nam tính, danh từ hợp thể durāvāsa (du + āvāsa)] sự khó sinh hoạt, khó cư xử.

Gharā [chủ cách, số nhiều, nam tính, danh từ ghara] những ngôi nhà; “gharāvāsa”_ “Đời sống tại gia, người cư sĩ”.

Dukhā (dukkhā) [chủ cách, số nhiều, nam tính, tính từ dukkha] khổ đau.

Dukkho’ samānasaṃvāso [hợp âm dukkho asamānasaṃvāso].

Dukkho [chủ cách, số ít, nam tính, tính từ dukkha] khổ đau.

Asamānasaṃvāso [chủ cách, số ít, nam tính, danh từ hợp thể asamānasaṃvāsa (asamāna + saṃvāsa)] sự cộng trú bất tương đồng, sự chung sống với người không đồng đẳng.

Dukkhānupatitaddhagū [hợp âm dukkhānupatito addhagū].

Dukkhānupatito [chủ cách, số ít, nam tính, tính từ hợp thể dukkhānupatita (dukkha + anupatita quá khứ phân từ của động từ anupatati)] bị rơi vào khổ đau, bị khổ áp đảo.

Addhagū [chủ cách, số ít, nam tính, danh từ addhagū] kẻ dong ruổi, người lữ hành.

Siyā [động từ khả năng cách, ngôi III, số ít, as + a” (= assa)] nên là, nên trở thành.

Việt văn:

13. Khó xuất gia, khó vui,

người đời khổ khó xử,

sống bất đồng là khổ,

dong ruổi luân hồi khổ.

vậy chớ đi dong ruỗi,

chớ dấn thân vào khổ.

(pc 302)

13. Sự xuất gia là khó, thỏa thích hạnh xuất gia là khó, đời sống tại gia khó cư xử là khổ, cộng trú với người không đồng đẳng là khổ, dong ruổi luân hồi bị áp đảo là khổ. Do đó, không nên là người dong ruổi luân hồi, không nên dấn thân vào khổ đau.

Duyên sự:

Bài kệ này, đức Phật thuyết ở Vesāli, khi Ngài trú tại Mahāvana (Đại Lâm), vì chuyện tỳ kheo Vajjiputtaka.

Tỳ kheo ấy là thái tử con của đức vua xứ Vajji, từ bỏ kế vị vương quốc đi xuất gia và trú ở đại lâm gần thành Vesāli.

Một lúc nọ, tại kinh thành Vesāli diễn ra một lễ hội, được tổ chức suốt đêm dưới ánh trăng rằm, rộn rịp tưng bừng với những tiếng đàn, tiếng trống, tiếng kèn…

Tỳ kheo Vajjiputtaka trong đêm trăng tĩnh mịch đang đi kinh hành trong khu rừng, vị ấy nghe được những âm thanh nhạc trống từ kinh thành vọng lại. Bất giác, vị ấy dừng lại đứng tựa vào thân cây cuối đường kinh hành, khởi lên nổi niềm tâm sự: “Có ai thấp kém khốn khổ như ta không nhỉ? Giờ ta không có gì cả, không có những đồ trang điểm, thậm chí chỉ là chiếc khăn đội đầu cũng không có, ta giống như một khúc củi bị vất bỏ trong rừng vậy”. Rồi tỳ kheo ấy tự thốt lên vần kệ:

Một mình trú rừng sâu

như củi ném trong rừng

đêm về tiếng nhạc xa

có ai khổ hơn ta?

Có một vị thiên ngụ trong rừng ấy, biết được tâm tư vị tỳ kheo, bèn nói lên vần kệ để an ủi vị ấy:

Đơn độc trú rừng sâu

như củi ném trong rừng,

nhiều kẻ mong như Ngài,

như chúng sanh địa ngục

ước mơ lên cõi trời.

Sau khi nghe vị thiên nói lên bài kệ này, vị tỳ kheo tự an ủi rồi qua ngày hôm sau đã đến đảnh lễ bậc Đạo sư.

Đức Thế Tôn biết rõ sự việc ấy, Ngài muốn nêu lên nỗi khổ của đời sống tại gia, nên đã gom năm điều khó để nói thành bài kệ: Duppabbajjaṃ…v.v…na ca dukkhānupatito siyā’ ti.

Khi Thế Tôn kết thúc pháp thoại, tỳ kheo Vajjiputtaka nhân chán sự khổ được trình bày qua năm khía cạnh, đoạn tận năm hạ phần kiết sử và năm thượng phần kiết sử, đắc chứng A la hán.

Lý giải:

Bài kệ này, đức Phật thuyết nêu lên năm vấn đề, nhưng trong đó có ba điều khó và ba điều khổ.

Như thế nào?

Ba điều khó là Duppabbajjaṃ (khó xuất gia), durabhiramaṃ (khó thỏa thích), và durāvāsā (khó cư xử).

Ba điều khổ: là Gharā dukkhā (đời sống tại gia là khổ), dukkho asamānasaṃvāso (sống chung người bất đồng là khổ), Dukkhānupatitaddhagū (dong ruổi luân hồi là khổ).

Tại sao sáu điều mà chỉ năm vấn đề?

Vì vấn đề thứ ba vừa có cái khó vừa là cái khổ. Đó là người sống tại gia khó cư xử nên khổ (durāvāsā gharā dukkhā).

Giải thích năm vấn đề:

“Khó xuất gia” (duppabbajjaṃ), sự từ bỏ gia đình, gồm gia sản và gia quyến, để chấp nhận đời sống không gia đình, đó không phải là việc dễ, nên gọi là khó xuất gia.

“Khó thỏa thích” (durabhiramaṃ). Đây có nghĩa là khó thỏa thích với hạnh xuất gia. Đời sống xuất gia phải hạn chế nhiều thứ: không trang phục se sua, không tích góp tài sản, ăn một ngày một bữa, khất thực mà sống, không tham gia lễ hội… phải thu thúc thân khẩu ý, phòng hộ giới luật. Tất cả điều ấy không phải dễ dàng để thỏa thích.

“Người tại gia khó cư xử nên khổ” (durāvāsā gharā dukkhā). Người sống tại gia có nhiều trách nhiệm, nhiều phận sự; Là vua phải làm phận sự của vị vua, là người lãnh đạo một hội chúng phải làm phận sự của người lãnh đạo, là chủ một gia đình phải làm phận sự của người gia chủ. Khi làm phận sự phải khéo cư xử sao cho êm đẹp, vừa lòng mọi người, việc cư xử ấy không dễ vì mỗi người người có tánh khí khác nhau, được lòng người này sẽ mích lòng người kia. Vì khó cư xử như vậy nên khổ tâm. Bởi thế, người sống tại gia là khổ.

“Sống chung người bất đồng là khổ” (dukkho asamānasaṃvāso). Quả thật, người trí sống chung với người ngu, người hiền sống chung với hung dữ, người chân thật sống chung với người giả dối, người chánh kiến sống chung với người tà kiến… là sống chung với người bất đồng. Sống chung như vậy thật là khổ, không phải chỉ có người cư sĩ sống với người bất đồng mới là khổ, mà bậc xuất gia sống với hội chúng những người bất đồng cũng là khổ.

“Dong ruổi luân hồi” (dukkhānupatitaddhagū). Addhagū là người hành trình đường xa, tức là người dong ruổi luân hồi là dấn thân vào khổ đau (ye vaṭṭasaṅkhātaṃ addhānaṃ paṭipannattā addhagū). Người dong ruổi luân hồi là dấn thân vào khổ đau (te dukkhe anupatitā’ va), thân ngũ uẩn phải chịu vô thường_khổ_vô ngã, có thân tứ đại phải bị già_bệnh_chết, thân sanh hu phải lãnh nhận quả của nghiệp nhất là lúc tái sanh vào bốn cõi khổ.

Hai câu cuối của bài kệ, đức Phật khuyên: Tasmā na ca addhagū siyā na ca dukkhānupatito siyā. Do đó, chớ làm người dong ruổi luân hồi; chớ dấn thân vào sự khổ. Một người đã đoạn tận phiền não, chấm dứt hành trình luân hồi, người ấy chấm dứt sự khổ đau, đó chính là bậc Lậu Tận, hãy tu tập để chứng đắc quả A la hán./.

Tỳ kheo Tuệ Siêu biên soạn.

Ý kiến bạn đọc