Môn học: PĀLI PHÁP CÚ | XXI. Phẩm Tạp Lục (Pakiṇṇakavagga) _ Kệ số 1 (dhp 290)

Thứ hai, 27/05/2024, 08:05 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: PĀLI PHÁP CÚ

Bài học chủ nhật 26.5.2024

XXI

Phẩm Tạp Lục

(Pakiṇṇakavagga)

Gồm 16 bài kệ với 9 duyên sự

XXI. Phẩm Tạp Lục_Kệ số 1 (dhp 290)

Chánh văn:

1. Mattāsukhapariccāgā

passe ce vipulaṃ sukhaṃ

caje mattāsukhaṃ dhīro

sampassaṃ vipulaṃ sukhaṃ.

(dhp 290)

Chuyển văn:

1. Mattāsukhapariccāgā ce vipulaṃ sukhaṃ passe vipulaṃ sukhaṃ sampassaṃ dhīro mattāsukhaṃ caje.

Thích văn:

Mattāsukhapariccāgā [xuất xứ cách, số ít, nam tính, danh từ hợp thể mattāsukhapariccāga (“mattā + sukha” + pariccāga)] nhờ bỏ lạc nhỏ, từ sự bỏ lạc nhỏ.

Passe [động từ khả năng cách hình thức attanopada, ngôi III, số ít, “dis + a + e”] có thể thấy, có thể gặp được.

Ce [giới từ, rút gọn của giới từ sace] nếu.

Vipulaṃ [đối cách, số ít, trung tính, tính từ vipula] lớn lao, to tát.

Sukhaṃ [đối cách, số ít, trung tính, danh từ sukha] hạnh phúc, sự an lạc.

Caje [động từ khả năng cách hình thức attanopada, ngôi III, số ít, “caj + a + e”] phải bỏ, nên từ bỏ.

Mattāsukhaṃ [đối cách, số ít, trung tính, danh từ hợp thể mattāsukha (mattā + sukha)] lạc nhỏ, hạnh phúc nhỏ nhoi.

Dhīro [chủ cách, số ít, nam tính, danh từ dhīra] người trí.

Sampassaṃ [chủ cách, số ít, nam tính, tính từ sampassanta (hiện tại phân từ của động từ sampassati)] khi đang nhìn thấy, khi đang tìm kiếm.

Việt văn:

1. Nếu nhờ bỏ lạc nhỏ

thấy được lạc lớn lao

bậc trí bỏ lạc nhỏ

đi tìm lạc lớn hơn.

(pc 290)

1. Nếu do bỏ lạc nhỏ mà có thể thấy được lạc lớn, thì bậc trí khi đang tìm lạc lớn phải bỏ lạc nhỏ.

Duyên sự:

Bài kệ này, đức Phật thuyết ở thành Rājagaha, khi Ngài trú tại Veḷuvana, nhân kể lại tiền nghiệp của Ngài.

Một thời ở thành Vesāli bị ba đại họa là nạn đói, nạn dịch bệnh và nạn phi nhơn.

Vua Licchavī Mahāli thân hành qua kinh đô Rājagaha, xin phép vua Bimbisāra để được cung thỉnh đức Phật ngự đến Vesāli. Đức Thế Tôn đang trú tại Veḷuvana ngoại thành Rājagaha.

Khi đức Thế Tôn nhận lời. Vua Bimbisāra sửa sang con đường dài năm do tuần, từ thành Rājagaha đến bến sông Gaṅgā, để cung tiển đức Thế Tôn và năm trăm tỳ kheo tùy tùng, đồng thời báo tin cho vua Mahāli.

Vua Licchavī Mahāli cho chiếc thuyền rồng cặp bến chờ rước đức Phật và chư Tăng đi đường thủy một do tuần. Mới đến bến sông thuộc địa phận Vesāli, vua cho sửa sang con đường từ bến sông đến kinh thành Vesāli để cung nghinh đức Phật. Cuộc cung tiển và cung nghinh diễn ra thật long trọng.

Đức Phật vừa đặt chân lên bờ địa phận Vesāli, thì có trận mưa thật to trút xuống làm sạch sẽ và xua tan xú uế.

Đức Phật đã thuyết kinh Ratanasutta đem lại thái bình cho dân chúng thành Vesāli, giải trừ ba tai là nạn đói, nạn dịch bệnh và nạn phi nhơn ở Vesāli.

Đức Thế Tôn lưu lại bảy ngày thuyết pháp tiếp độ dân chúng và chư thiên tụ họp, đắc thánh quả dự lưu nhiều vô số.

Xong bảy ngày, vua Licchavī Mahāli và dân chúng cung tiển đức Phật và tăng về Rājagaha, thật long trọng.

Về phía vua Bimbisāra, cũng cung đón đức Phật trở về, thật trọng thể như lúc tiển Ngài đi.

Về đến Veḷuvana, chư tăng hội họp nơi giảng đường luận bàn về chuyến đi:

“Ôi, oai đức của chư Phật thật là vô lượng, thật là lớn lao! Được trời người tôn vinh cúng dường với sự cúng dường đặc biệt”.

Đức Phật ngự đến giảng đường và hỏi chư tỳ kheo bàn luận việc gì? Chư tỳ kheo thuật lại cho bậc Đạo sư nghe đề tài luận bàn.

Đức Phật phán:

“Này chư tỳ kheo, sự kiện đưa đón trọng thể trong chuyến đi này là do phước nghiệp của Như Lai đã tạo quá khứ. Đây không phải là oai lực của chư Phật đâu!”.

Nghe vậy chư tỳ kheo thỉnh cầu đức Phật giảng tiền nghiệp của Ngài đã tạo phước thế nào.

Đức Thế Tôn bèn thuyết bổn sanh:

“Trong thời quá khứ, bồ tát là vị bà la môn Saṅkha có người con trai tên Susīma đi tìm đạo lộ bất tử, đã vào rừng Isipatana gặp chư vị Độc giác và nương theo hạnh của các vị ấy, chẳng bao lâu cũng chứng quả vị Độc Giác. Nhưng vì tuổi thọ ngắn, nên thời gian sau đó, Phật Độc giác Susīma đã vô dư y níp bàn. Chư vị Độc giác cùng dân chúng trong vùng làm lễ trà tỳ nhục thể đức Độc giác Susīma và lập tháp thờ xá lợi.

Ông bà la môn Saṅkha nhớ đến con trai, đã đi vào rừng Isipatana, hỏi thăm mới biết con trai mình tu hành đắc đạo và đã viên tịch và kia là tháp thờ xá lợi.

Ông Bà la môn Saṅkha than khóc bi ai, rồi đến bảo tháp nhổ cỏ xung quanh, treo cờ xí trang trí ngôi tháp và cúng dường hoa rừng.

“Này chư tỳ kheo, thời ấy ta là bà la môn Saṅkha, đã tạo phước sửa sang, trang trí, cúng dường tháp xá lợi của đức Phật Độc giác Susīma do nghiệp lành ấy mà nay ta được tôn vinh như thế”.

Để khích kệ các tỳ kheo tu tập, đức Phật thuyết lên bài kệ: Mattāsukhapariccāgā…v.v…sampassaṃ vipulaṃ sukhan’ ti.

Dứt pháp thoại có nhiều vị chứng được thánh quả.

Lý giải:

Ví như một người “mê gánh cỏ, bỏ gánh vàng”, một người thiểu trí khư khư giữ lấy hạnh phúc nhỏ mà bỏ qua hnh phúc lớn.

Trái lại, người trí nếu biết do bỏ đi hạnh phúc nhỏ mà được hạnh phúc lớn, thì sẵn sàng bỏ hạnh phúc nhỏ để đạt được hạnh phúc lớn.

Gọi là hạnh phúc nhỏ (mattāsukha) ở đây nghĩa là hạnh phúc tầm thường, hạnh phúc thoáng qua, hạnh phúc không giải trừ được khổ đau

Gọi là hạnh phúc lơn, hay lạc lớn (vipulasukha) tức là hạnh phúc cao quí, hạnh phúc lâu dài, hạnh phúc có thể giải trừ sự đau khổ như lạc níp bàn (nibbānasukha) hay lạc giải thoát (vimuttisukha).

Như thế nào là bỏ lạc nhỏ để được lạc lớn?

Nói theo cấp độ thấp, như một người nhịn miệng ba ăn để đem làm phước bố thí cúng dường

Nói theo cấp độ vừa, như một người bỏ lạc thú ngũ trần để đi xuất gia, tu chứng thiền định

Nói theo cấp độ cao, như người bỏ lạc thiền chứng để tu thiền quán đắc chứng đạo quả níp bàn.

Tùy theo duyên mà làm./.

Tỳ kheo Tuệ Siêu biên soạn.

Ý kiến bạn đọc