Môn học: PĀLI PHÁP CÚ | XX. Phẩm Đạo Lộ (Maggavagga) _ Kệ số 8 (dhp 280)

Chủ nhật, 28/04/2024, 14:54 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: PĀLI PHÁP CÚ

Bài học chủ nhật 28.4.2024

XX

Phẩm Đạo Lộ

(Maggavagga)

XX. Phẩm Đạo Lộ_Kệ số 8 (dhp 280)

Chánh văn:

8. Uṭṭhānakālamhi anuṭṭhahāno

yuvā balī ālasiyaṃ upeto

saṃsannasaṅkappamano kusīto

paññāya maggaṃ alaso na vindati.

(dhp 280)

Chuyển văn:

8. Uṭṭhānakālamhi anuṭṭhahāno yuvā balī ālasiyaṃ upeto saṃsannasaṅkappamano kusīto alaso paññāya maggaṃ na vindati.

Thích văn:

Uṭṭhānakālamhi [định sở cách, số ít, nam tính, danh từ hợp thể Uṭṭhānakāla (uṭṭhāna + kāla)] trong thời siêng năng, trong thời cần nổ lực.

Anuṭṭhahāno [hình thức hiện tại phân từ với tiếp vĩ ngữ như āna, như māna. Anuṭṭhahāno chủ cách, số ít, nam tính, tính từ hợp thể anuṭṭhahāna hay anuṭṭhahamāna (na + uṭṭhahāna (uṭṭhahamāna)] không nổ lực, không siêng năng.

Yuvā [chủ cách, số ít, nam tính, danh từ biệt ngữ yuva] thanh niên, trai tráng.

Balī [chủ cách, số ít, nam tính, danh tính từ balī (bala + ī)] người có sức lực, người mạnh mẽ, cường tráng.

Ālasiyaṃ [đối cách, số ít, trung tính, danh từ ālasiya] tánh lười biếng, tánh biếng nhác.

Upeto [chủ cách, số ít, nam tính, upeta quá khứ phân từ của động từ upeti] bị mắc phải, có. Cụm từ Ālasiyaṃ upeto “có tánh biếng nhác, có tật lười”.

Saṃsannasaṅkappamano [chủ cách, số ít, nam tính, danh từ hợp thể saṃsannasaṅkappamano (saṃsanna + saṅkappa + mana)] người tâm tư chùn xuống, người ý chí nhu nhược, người tư tưởng thụ động.

Kusīto [chủ cách, số ít, nam tính, tính từ kusīta] chây lười, biếng nhác.

Alaso [chủ cách, số ít, nam tính, tính từ alasa] lười biếng, biếng nhác.

Vindati [động từ hiện tại_tiến hành cách, ngôi III, số ít, vid + ṃ_a + ti”] chứng ngộ, tìm thấy.

Việt văn:

8. Lúc phải siêng, không siêng

trai tráng khoẻ mà lười

chí thụ động, biếng nhác,

kẻ lười nhác không thấy

đạo lộ bằng trí tuệ.

(pc 280)

8. Lúc phải nổ lực thì không nổ lực, thanh niên trai tráng mà lười, tâm tư thụ động biếng nhác, thì không thể tìm thấy đạo lộ bằng trí tuệ được.

Duyên sự:

Bài kệ này, đức Phật thuyết ở Sāvatthi, khi Ngài trú tại Jetavanavihāra, vì câu chuyện tỳ kheo Tissa tinh tấn phi thời.

Có 500 thiện nam tử cư dân Sāvatthi xuất gia theo đức Phật. Các vị học đề mục và đi đến khu rừng hành Sa môn pháp và đạt đến quả vị A la hán. Trong số các tỳ kheo ấy có một vị tụt lại phía sau.

Các vị tỳ kheo sau khi đắc đạo quả, đã trở về Sāvatthi khoảng một do tuần, đã đi vào một ngôi làng nhỏ để khất thực. Có người cận sự nam thấy chư tăng bèn cúng dường cơm cháo và đã thỉnh chư tăng trở lại vào ngày mai.

Ngay hôm ấy, các vị đến thành Sāvatthi. Vào buổi chiều, các tỳ kheo ấy đi đến đảnh lễ bậc Đạo sư và ngồi xuống một bên. Bậc Đạo sư đã tiếp xúc ân cần với chư tỳ kheo ấy.

Vị tỳ kheo tụt lại phía sau ấy là bạn của chư tỳ kheo này, đã suy nghĩ: “Bậc Đạo sư không ngớt lời trò chuyện thân thiện với những vị này, nhưng Ngài không nói chuyện với ta, bởi ta chưa chứng đạo quả; Ngay hôm nay, nếu ta chứng A la hán, chắc Ngài sẽ nói chuyện với ta”.

Phần các tỳ kheo kia đã cáo biệt đức Thế Tôn và thưa: “Bạch Thế Tôn, trên đường về đây, chúng con được một cận sự nam thỉnh mời vào ngày mai. Sáng sớm chúng con sẽ đi đến đấy”.

Thế rồi, vị tỳ kheo bạn của các vị ấy suốt đêm đi kinh hành, do buồn ngủ đã té ngã lên một phiến đá ở cuối đường kinh hành và bị gãy xương đùi. Vị ấy kêu thét tiếng lớn. Các vị tỳ kheo bạn nhận ra tiếng của vị ấy đã chạy lại, thắp đèn lên và cứu giúp; Khi làm xong việc, thì mặt trời đã mọc lên cao không kịp giờ đến làng ấy.

Bậc Đạo sư đã hỏi các vị sao chưa đi đến làng nhận vật thực. Các vị đã bạch trình sự việc ấy.

Đức Phật nói không phải chỉ nay vị này làm trở ngại lộc thực của các người, mà kiếp trước người này cũng đã từng là trở ngại rồi.

Được thỉnh cầu, Đức Phật thuyết bổn sanh Varaṇa (Jātaka chuyện số 71).

Sau khi nói bổn sanh, ngài dạy tiếp: “Này chư tỳ kheo, người nào không siêng năng, tâm tư thụ động, kẻ biếng nhác ấy sẽ không chứng đạt pháp thù thắng như thiền định, đạo quả …”

Rồi đức Phật đã nói lên bài kệ: Uṭṭhānakālamhi anuṭṭhahāno…v.v… maggaṃ alaso na vindatī’ ti.

Dứt pháp thoại có nhiều vị tỳ khưu khác chứng đắc thánh quả.

Lý giải:

Thời cần siêng năng thì không siêng năng (uṭṭhānakālamhi anuṭṭhahāno), nghĩa là lúc còn trẻ còn khoẻ là lúc cần tinh tấn nổ lực để học pháp hành pháp, thì lại lười biếng không siêng năng; đến lúc qua thời kỳ nhiệt huyết thì dù có học hành cũng không đạt kết quả.

Chí thụ động biếng nhác (Saṃsannasaṅkappamano kusīto), nghĩa là sự biếng nhác làm nhục chí, ý chí chùn xuống, sống không đeo đuổi lý tưởng; Mặc khác, sự lười biếng không khơi dậy chánh tư duy, chỉ có sống với ba tà tư duy thôi (dục tư duy, sân tư duy và hại tư duy).

Kẻ lười biếng không thấy được đạo lộ bằng trí tuệ (Paññāya maggaṃ alaso na vindati), nghĩa là người nhác lười không thể với trí tuệ thấy được thánh đạo cần phải thấy, không đắc được bốn quả vị sa_môn là đạo quả tu đà huờn, đạo quả tư đà hàm, đạo quả a na hàm và đạo quả a la hán.

Tỳ kheo Tuệ Siêu biên soạn.

Ý kiến bạn đọc