Môn học: PĀLI PHÁP CÚ | XX. Phẩm Đạo Lộ (Maggavagga) _ Kệ số 7 (dhp 279)

Thứ năm, 25/04/2024, 19:10 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: PĀLI PHÁP CÚ

Bài học thứ năm   25.4.2024

XX

Phẩm Đạo Lộ

(Maggavagga)

XX. Phẩm Đạo Lộ_Kệ số 7 (dhp 279)

Chánh văn:

7. Sabbe dhammā anattā’ ti

yadā paññāya passati

atha nibbindati dukkhe

esa maggo visuddhiyā.

(dhp 278)

Chuyển văn:

6. Yadā sabbe dhammā anattā iti paññāya passati, atha dukkhe nibbandati eso visuddhiyā maggo.

Thích văn:

Dhammā [chủ cách, số nhiều, nam tính, danh từ dhamma] các pháp.

Anattā’ ti [hợp âm anattā iti].

Anattā [chủ cách, số nhiều, nam tính, tính từ anatta (na + atta)] vô ngã, không có bản ngã, không phải thực ngã

Việt văn:

7. “Tất cả pháp vô ngã”

khi với trí thấy vậy

sẽ yểm ly sự khổ

đó là đạo thanh tịnh.

(pc 279)

7. Khi nào tỏ bằng trí tuệ rằng: “Tất cả pháp là vô ngã”, lúc ấy sẽ yểm ly khổ đau, đó là con đường dẫn đến thanh tịnh.

Duyên sự:

Bài kệ này, đức Phật cũng thuyết ở Sāvatthi, khi Ngài trú ở Jetavanavihāra, nhân vì 500 vị tỳ kheo kiếp xưa từng tu tập quán vô ngã.

Năm trăm tỳ kheo ấy hành thiền trong rừng tinh tấn vẫn không chứng đắc đạo quả. Chư vị nghĩ rằng phải về bái kiến đức Phật để Ngài dạy cho đề mục thích hợp.

Các vị tỳ kheo ấy trở về Sāvatthi, vào Jetavana đảnh lễ bậc Đạo sư và trình bày lý do. Đức Thế Tôn quán xét căn duyên của 500 vị tỳ kheo này sẽ chứng A la hán và Ngài cũng quán xét khuynh hướng của các vị tỳ kheo ấy, biết trong thời Đức Phật Kassapa họ đã chuyên tâm tu tập quán vô ngã tướng. Do đó, đức Phật dạy: “Này chư tỳ kheo, ngũ uẩn là vô ngã bởi ý nghĩa là không chủ quyền kiểm soát được”. Nói xong, đức Phật thuyết lên bài kệ: Sabbe dhammā anattā’ ti…v.v…esa maggo visuddhiyā’ ti.

Dứt kệ ngôn, tất cả 500 vị tỳ kheo ấy đều trú vào quả vị A la hán.

Lý giải:

“Sabbe saṅkhārā aniccā’ ti” - tất cả hành là vô thường (dhp 277). “Sabbe saṅkhārā dukkhā’ ti” - tất cả hành là khổ não (dhp 278). “Sabbe dhammā anattā’ ti” - tất cả pháp là vô ngã (dhp 279). Vì sao nói đến vô thường, khổ não thì đức Phật nói hành hay hữu vi (saṅkhārā), còn khi nói đến vô ngã thì đức Phật dùng từ pháp (dhammā) mà không dùng từ hữu vi (saṅkhārā)?

Ở đây, danh từ “dhammā” chỉ cho cả pháp hữu vi (“saṅkhārādhamma” hay “saṅkhatadhamma”) và pháp vô vi (“asaṅkhāradhamma” hay “asaṅkhatadhamma”).

Pháp hữu vi, tức ngũ uẩn (pañcakhandha), có hiện tượng sanh diệt nên gọi là vô thường; Pháp hữu vi, tức ngũ uẩn, có hiện tượng bị bức xúc nên gọi là khổ não; Pháp vô vi, tức níp bàn (nibbāna) không có hiện tượng sanh diệt, không có hiện tượng bị bức xúc, nên không gọi là vô thường (anicca) và khổ não (dukkha).

Nhưng kẻ vô văn phàm phu chấp sai ngũ uẩn là ngã, ngã là ngũ uẩn, trong ngũ uẩn có ngã, trong ngã có ngũ uẩn và kẻ phàm phu cũng chấp sai níp bàn là ngã, ngã là níp bàn, trong níp bàn có ngã, trong ngã có níp bàn … Chính vì thế, đức Phật thuyết pháp kiến chấp ấy: ngũ uẩn (pháp hữu vi) là vô ngã, níp bàn (pháp vô vi) cũng là vô ngã. Nên trong bài kệ dhp 279, Ngài mới thuyết rằng: “Sabbe dhammā anatta’ ti”_Tất cả pháp là vô ngã.

Vô ngã (anatta) có 4 ý nghĩa:

(1) Trống rỗng (suññato).

(2) Không sở hữu chủ (assāmikato).

(3) Không có quyền chi phối (avasavattito).

(4) Trái nghĩa với bản ngã (attapaṭikkhepato).

Hành giả quán thấy các pháp hữu vi và vô vi là pháp thực tính, có tướng trạng, nhưng không theo sự sắp đặt, không có thực ngã, tất cả là vô ngã, thì hành giả sẽ nhàm chán đối với thân ngũ uẩn này, do nhàm chán nên ly tham, do ly tham nên được giải thoát. Sự giải thoát chứng đạt nhờ hành giả tuỳ quán vô ngã, được gọi là tánh không giải thoát (Suññatāvimokkha).

Đó là con đường đưa đến thanh tịnh (eso visuddhiyā maggo), nghĩa là tuỳ quán vô ngã, cũng là đạo lộ để chứng níp bàn.

Tỳ kheo Tuệ Siêu biên soạn.

Ý kiến bạn đọc