Môn học: PĀLI PHÁP CÚ | XX. Phẩm Đạo Lộ (Maggavagga) _ Kệ số 16, 17 (dhp 288, 289)

Thứ sáu, 24/05/2024, 08:32 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: PĀLI PHÁP CÚ

Bài học thứ năm 23.5.2024

XX

Phẩm Đạo Lộ

(Maggavagga)

XX. Phẩm Đạo Lộ_Kệ số 16 & 17 (dhp 288, 289)

Chánh văn:

16. Na santi puttā tāṇāya

na pitā na’ pi bandhavā

antaken’ ādhipannassa

natthi ñātīsu tāṇatā.

(dhp 288)

17. Etaṃ atthavasaṃ ñatvā

paṇḍito sīlasaṃvuto

nibbānagamanaṃ maggaṃ

khippameva visodhaye.

(dhp 289)

Chuyển văn:

16. Antakena adhipannassa tāṇāya puttā na santi, pitā na, bandhavā na api, ñātīsu tāṇatā natthi.

17. Paṇḍito etaṃ atthavasaṃ ñatvā sīlasaṃvuto nibbānagamanaṃ maggaṃ khippaṃ eva visodhaye.

Thích văn:

Santi [động từ hiện tại tiến hành cách, ngôi III, số nhiều “as + a + nti”] là, có.

Puttā [chủ cách, số nhiều, nam tính, danh từ putta] con trai; con cái (nói chung).

Tāṇāya [chỉ định cách, số ít, trung tính, danh từ tāṇa] để bảo vệ, để bảo hộ, để che chở.

Pitā [chủ cách, số ít, nam tính, danh từ pitu] người cha; cha mẹ (nói chung).

Bandhavā [chủ cách, số nhiều, nam tính, danh từ bandhava] những bà con, những người thân.

Antaken’ ādhipannassa [hợp âm antakena adhipannassa].

Antakena [sở dụng cách, số ít, nam tính, tính từ antaka] bởi sự chấm dứt, bởi sự chết, bởi tử thần.

Adhipannassa [sở thuộc cách, số ít, nam tính, tính từ adhipanna (quá khứ phân từ của động từ adhipajjati)] đối với người bị chinh phục bởi, bị áp đảo bởi.

Ñātīsu [định sở cách, số nhiều, nam tính, danh từ ñāti] nơi các thân quyến, ở các quyến thuộc.

Tāṇatā [chủ cách, số ít, nữ tính, danh từ tāṇatā] sự bảo vệ, sự che chở.

Etaṃ [đối cách, số ít, nam tính, đại từ eta] đó, cái đó.

Atthavasaṃ [đối cách, số ít, nam tính, danh từ atthavasa] sự kiện, đạo lý.

Ñatvā [bất biến quá khứ phân từ của động từ jānāti] sau khi biết, sau khi hiểu.

Paṇḍito [chủ cách, số ít, nam tính, danh từ paṇḍita] người có trí, bậc hiền trí, bậc thiện trí.

Sīlasaṃvuto [chủ cách, số ít, nam tính, danh từ hợp thể sīlasaṃvuta (sīla + saṃvuta)] sự thu thúc giới hạnh, sự phòng hộ giới.

Nibbānagamanaṃ [đối cách, số ít, nam tính, tính từ hợp thể nibbānagamna (nibbāna + gamana)] đưa đến níp bàn, dẫn đến níp bàn.

Maggaṃ [đối cách, số ít, nam tính, danh từ magga] con đường, đạo lộ.

Khippameva [hợp âm khippaṃ eva].

Khippaṃ [trạng từ] nhanh, mau chóng.

Visodhaye [động từ khả năng cách_truyền động thể, ngôi III, số ít, “vi + sudh + ṇaya + e”] nên làm sạch sẽ, nên dọn sạch.

Việt văn:

16. Không con cái che chở,

không mẹ cha, bà con;

bị thần chết chinh phục

không nương tựa quyến thuộc.

(pc 288)

17. Biết rõ đạo lý ấy

bậc trí phòng hộ giới

nhanh chóng làm thanh tịnh

con đường đến níp bàn.

(pc 289)

16. Một khi bị thần chết chinh phục thì không có con cái, không có cha mẹ, cũng không có người thân nào che chở cho; không có chổ nương nơi quyến thuộc.

17. Bậc trí sau khi biết đạo lý đó, phòng hộ giới hạnh, phải gấp rút làm sạch con đường dẫn đến níp bàn.

Duyên sự:

Hai bài kệ này, đức Phật thuyết ở Sāvatthi, khi Ngài trú tại Jetavanavihāra, nhân vì thiếu phụ Paṭācārā.

Nàng Paṭācārā là tiểu thư con một trưởng giả. Trong nhà nàng có cha mẹ và người anh trai. Khi nàng đến tuổi trưởng thành, nàng yêu một nam gia nhân và cả hai dắt nhau trốn đi biệt xứ.

Thời gian sau, nàng mang thai đứa con đầu lòng, nàng xin chồng đưa về nhà cha mẹ mình để sanh nở, người chồng không cho. Nàng trốn đi, giữa đường nàng sanh một đứa con trai. Chồng nàng đuổi theo và gặp, đem nàng và con trở lại nhà.

Nàng lại mang thai lần thứ hai, nàng cũng trốn chồng, bồng con nhỏ đi về nhà cha mẹ. Chồng nàng đuổi theo và bắt kịp. Lúc ấy trời sắp mưa và nàng chuyển dạ. Người chồng vội vả vào rừng tìm cây và lá để làm một chổ trú ẩn cho vợ. Nào ngờ chồng nàng rủi ro bị rắn cắn chết.

Nàng Paṭācārā lúc chờ chồng, đã sanh ra đứa con trai thứ hai. Chịu đựng giá rét cho đến sáng hôm sau, nàng ẳm con đi tìm chồng trong khu rừng thì thấy thi thể chồng nàng ở đó. Nàng suy sụp tinh thần, đau khổ khóc than.

Nàng còn chổ dựa để tiếp tục sống chính là hai đứa con, gạt lệ sầu thương, nàng Paṭācārā bồng bế hai con nhỏ tìm đường về nhà cha mẹ.

Khi đến một dòng sông, nàng không thể một lần đem hai con qua sông, nên để đứa lớn ở lại bờ này và bế đứa nhỏ sơ sinh lội qua bờ kia và đặt nó nằm ở đó. Nàng quay lại bờ này để đón đứa con lớn qua sông, nhưng khi nàng đến giữa dòng sông thì nàng thấy một con diều hâu bay xà xuống bắt lấy đứa con sơ sinh, nàng la lên và vẩy tay đuổi. Bên bờ này đứa con lớn tưởng mẹ gọi, nó nhảy xuống sông và bị nước cuốn trôi.

Nàng Paṭācārā hoảng loạn tinh thần, gần như tuyệt vọng vì chỉ trong thời gian ngắn mà nàng đã mất đi ba người thân: chồng và hai đứa con trai. Rồi nàng nghĩ đến cha mẹ và anh trai, vẫn còn chổ dựa tinh thần để nàng sống.

Nàng lội lên bờ và tìm đường về nhà. Về tới Sāvatthi, nàng gặp một người quen và hỏi thăm nhà cha mẹ mình, người ấy báo tin nàng biết hôm qua mưa to gió lớn làm sập đổ nhà ông trưởng giả, cha mẹ và người anh trai của nàng đều chết cả.

Nghe vậy, nàng Paṭācārā đầu óc quay cuồng, tinh thần hoàn toàn sụp đổ khi mà mọi chổ dựa cho nàng đều bỏ nàng ra đi. Rồi như một người điên, nàng xé toạc y phục trên thân, đứng trần truồng giữa đường mà kêu gào thảm thiết …

Nàng đi lang thang hướng về chùa Jetavana do nhân duyên dong ruổi, nàng bước vào cổng chùa và đến nơi hội chúng đức Phật đang thuyết pháp. Đức Phật quán xét thấy nàng Paṭācārā có căn lành ba la mật tròn đủ, nàng đến đây để giác ngộ chân lý. Đức Thế Tôn ra hiệu bảo hội chúng đừng ngăn cản nàng Paṭācārā để nàng đến.

Khi nàng đến gần, bậc Đạo sư phán:

“Này Paṭācārā, hãy tỉnh lại! Paṭācārā, hãy tỉnh lại!”

Tức thì nàng tỉnh táo bình thường lại, nàng hổ thẹn với thân xác loã lồ, người ta ném cho nàng một tấm choàng. Nàng choàng vào thân kín đáo rồi đảnh lễ chân bậc Đạo sư và xin đức Thế Tôn tế độ nàng.

Đức Thế Tôn dạy: “Này Paṭācārā, trải qua vô thuỷ luân hồi, nước mắt đổ ra khóc ly biệt người thân còn nhiều hơn nước bốn biển”. Nghe pháp đức Phật thuyết xong, nàng Paṭācārā tâm tư lắng đọng nỗi sầu khổ.

Khi biết tâm của nàng Paṭācārā đã vơi bớt sầu khổ, đức Phật dạy tiếp: “Này Paṭācārā, khi người đi đến thế giới khác thì con cái hay cha mẹ hay quyến thuộc cũng không thể là chổ nương náu, chổ trú ẩn, chổ nương tựa cho người được; bởi vậy, dù có họ cũng như không có thôi. Nên với bậc trí tuệ, hãy trì giới trong sạch và dọn sạch con đường dẫn đến níp bàn”. Nói xong, đức Phật thuyết lên hai bài kệ này: Na santi puttā tāṇāya…khippameva visodhaye’ ti.

Khi đức Thế Tôn nói dứt kệ ngôn, nàng Paṭācārā chứng đắc quả dự lưu.

Sau đó, nàng xin Thế Tôn cho nàng xuất gia tỳ kheo ni, rồi chẳng bao lâu tỳ kheo ni Paṭācārā sau khi nghe đức Phật thuyết kệ ngôn: Yo ca vassasataṃ jīve apassa udayabbayaṃ ekāhaṃ jīvitaṃ seyyo passato udabbayan’ ti (dhp 113) đã chứng quả A la hán.

giải:

Hai bài kệ pháp cú 288 và 289, đức Phật thuyết cho thiếu phụ Paṭācārā để tiếp độ đạt đến quả vị dự lưu (Tu đà hườn), trước khi bà trở thành vị tỳ kheo ni Lậu tận (A la hán), trong hoàn cảnh bà đau khổ vì mất hết chổ dựa là người thân.

Ở bài kệ 288, đức Phật thức tỉnh bà, chớ nghĩ rằng khi mọi người thân chết hết là mình không còn chổ nương tựa, vì cho dù con cái, cha mẹ, và bà con còn đó, nhưng họ cũng không can thiệp che chở được cho ta một khi cái chết xảy đến ta.

Bằng chứng ngược lại, ta không thể là chổ nương tựa che chở cho cha mẹ hay con cái của mình được, một khi thần chết đến bắt họ đi.

bài kệ 289, đức Phật chỉ cho bà một lối thoát. Nếu là một người trí, sau khi biết rõ đạo lý, khi tử thần đến bắt đi, thì không có người thân nào là chổ ẩn náu an toàn cho mình được, thế thì người trí ấy lo phòng hộ giới và mau chóng làm sạch con đường dẫn đến níp bàn.

Người trí phòng hộ giới (paṇḍito sīlasaṃvuto) là thu thúc theo tứ thanh tịnh giới. Về điều này, nên hiểu rằng, đức Phật thuyết pháp luôn khế cơ khế lý, Ngài biết rõ căn cơ của nàng Paṭācārā vào thời đức Phật Padumuttara, nàng đã nghe đức Phật tán thán một vị tỳ kheo ni tối thắng hạnh trì luật, nàng đã phát nguyện thắng hạnh trì luật như thánh ni ấy. Bởi thế, bậc Đạo sư mới thuyết trong bài kệ có câu “người trí phòng hộ giới”, để khơi dậy tiềm năng của bà. Quả thật vậy, về sau bà xuất gia đắc A la hán và được đức Phật tuyên dương là vị tỳ kheo ni tối thắng về trì luật.

Mau chóng làm sạch con đường dẫn đến níp bàn (nibbānagamaṇaṃ maggaṃ khippameva visodhaye) là khẩn trương tu tiến bát chánh đạo để chứng ngộ níp bàn. Bát chánh đạo đây là con đường tám chi phần tức là chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định.

Dứt phẩm hai mươi

Phẩm Đạo Lộ

Tỳ kheo Tuệ Siêu biên soạn.

Ý kiến bạn đọc