Môn học: PĀLI PHÁP CÚ | XX. Phẩm Đạo Lộ (Maggavagga) _ Kệ số 15 (dhp 287)

Chủ nhật, 19/05/2024, 17:08 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: PĀLI PHÁP CÚ

Bài học chủ nhật 19.5.2024

XX

Phẩm Đạo Lộ

(Maggavagga)

XX. Phẩm Đạo Lộ_Kệ số 15 (dhp 287)

Chánh văn:

15. Taṃ puttapasusammattaṃ

byāsattamanasaṃ naraṃ

suttaṃ gāmaṃ mahoghova

maccu ādāya gacchati.

(dhp 287)

Chuyển văn:

15. Puttapasusammattaṃ byāsattamanasaṃ taṃ naraṃ suttaṃ gāmaṃ mahogho iva maccu ādāya gacchati.

Thích văn:

Taṃ [đối cách, số ít, nam tính, chỉ thị đại từ ta] ấy, người ấy, nó.

Puttapasusammattaṃ [đối cách, số ít, nam tính, tính từ hợp thể puttapasusammatta (putta + pasu + sammatta_quá khứ phân từ)] sự dính mắc con cái và gia súc.

Byāsattamanasaṃ [đối cách, số ít, nam tính, tính từ hợp thể byāsattamanasa (byāsatta + manasa)] có ý đắm say, có tâm quyến luyến.

Naraṃ [đối cách, số ít, nam tính, danh từ nara] con người, hạng người.

Suttaṃ [đối cách, số ít, nam tính, tính từ sutta (quá khứ phân từ của động từ supati)] đã ngủ, ngủ say.

Gāmaṃ [đối cách, số ít, nam tính, danh từ gāma] làng xóm, thôn ấp.

Mahoghava [hợp âm mahogho iva].

Mahogho [chủ cách, số ít, nam tính, danh từ hợp thể mahogha (mahā + ogha)] lũ lụt lớn, trận lũ lớn.

Iva [bất biến từ tỷ giảo] như, ví như.

Maccu [chủ cách, số it, nam tính, danh từ maccu] sự chết, thần chết.

Ādāya [bất biến quá khứ phân từ của động từ ādāti] sau khi cầm lấy, sau khi bắt.

Gacchati [động từ hiện tại, tiến hành cách, ngôi III, số ít, “gam + a + ti”] đi đến. Thành ngữ động từ ādāya gacchati “bắt đi, lấy đi, dẫn đi”.

Việt văn:

15. Người đắm say, dính mắc

con cái và gia súc

bị thần chết bắt đi

như lụt trôi làng ngủ.

(pc 287)

15. Người dính mắc con cái và gia súc, tâm ý đắm say, tử thần sẽ bắt đi người ấy như nước lũ cuốn trôi xóm làng say ngủ.

Duyên sự:

Bài kệ này, đức Phật thuyết cho nàng thiếu phụ Kisāgotamī, khi Ngài trú ở Jetavanavihāra, thành Sāvatthi.

Nàng Kisāgotamī là một tiểu thư nhà danh giá, được gả cho một công tử nhà trưởng giả trong thành Sāvatthi.

Thời gian sau, nành sinh một đứa con trai rất dễ thương, nhưng không bao lâu đứa con trai của nàng bị bệnh chết.

Nàng Kisāgotamī vô cùng đau khổ. Nàng hy vọng có thuốc cứu con trai của nàng. Nàng bồng xác đứa con trai đi khắp nơi, để tìm thầy thuốc giỏi có thể cải tử hoàn sinh con nàng. Nhưng không có ai cả. Người ta chỉ nhìn nàng và nghĩ rằng cô ấy bị quẩn trí.

Có một cận sự nam hiền trí thấy vậy, cảm thông hoàn cảnh của nàng, ông cận sự nam liền bảo cô hãy đi tìm đức Phật, bậc Y vương, Ngài đang ngự tại Jetavana, Ngài có phương pháp cứu được con trai của cô.

Nghe vậy, nàng Kisāgotamī loé lên một tia hy vọng, vội vã ẳm xác con trai đi đến Jetavana vào bái kiến đức Phật và cầu xin Ngài cải tử hoàn sinh cho con trai nàng.

Đức Phật quán xét căn cơ của nàng Kisāgotamī, thấy nàng có duyên lành đắc quả dự lưu, nên Ngài bảo cô: “Này Kisāgotamī, nếu nàng tìm được một nắm hạt cải trong nhà nào không có người thân chết, đem về đây, Như Lai sẽ cứu con của nàng.

Nàng Kisāgotamī từ biệt đức Phật, rồi ẳm xác đứa con đi tìm hạt cải. Nàng đến từ nhà này đến nhà khác trong xóm làng, hỏi thăm nhà nào không từng có người thân chết để xin hạt cải. Hạt cải xin thì có, nhưng nhà nào cũng có người thân chết.

Nàng Kisāgotamī chợt nhận ra: “chúng sanh ai cũng phải chết, không riêng gì con trai ta; gia đình nào cũng phải biệt ly người thân, đâu phải chỉ có ta”. Thế rồi nàng đem xác đứa con trai bỏ vào bãi tha ma và trở lại Jetavana yết kiến đức Phật.

Đức Phật hỏi: “Này Kisāgotamī, nàng đã tìm được nắm hạt cải chưa?”

Nàng đáp: “Bạch Thế Tôn, con không tìm được hạt cải trong nhà nào không từng có người thân chết”.

Đức Phật thuyết pháp cho nàng nghe: “Tất cả chúng sanh đều phải chết là qui luật tự nhiên, có người chết ở tuổi già, có người chết khi còn trẻ. Ngươi còn quyến luyến con cái hay gia súc, không biết rằng thần chết cũng sẽ bắt họ, như lụt trôi xóm làng đang ngủ say”. Rồi đức Phật thuyết bài kệ: Taṃ puttapasusammattaṃ…v.v…maccu ādāya gacchatī’ ti.

Thế Tôn nói dứt kệ ngôn, nàng Kisāgotamī chứng quả dự lưu.

Nàng xin xuất gia làm tỳ kheo ni và trong một ngày bố tát, nàng nhìn ngọn đèn ánh sáng chập chờn suy xét tới mạng sống mỏng manh tạm bợ, chỉ có níp bàn là bất tử. Đức Phật xuất hiện và sách tấn nàng với bài kệ pháp cú 114. Nàng Kisāgotamī đắc A la hán.

Lý giải:

Ý nghĩa của bài kệ pháp cú này là:

Chúng sanh ai cũng phải chết, nhưng có người chết không kịp chuẩn bị hành trang, có người thì chết kịp chuẩn bị để hành trình luân hồi.

Người chết không kịp chuẩn bị hành trang là người khi sống dính mắc ái luyến con cái và tài sản như đàn gia súc hoặc vàng bạc … không ý thức rằng ta sẽ chết cần phải có thiện nghiệp làm hành trang. Người như vậy, khi thần chết cướp đoạt mạng sống, họ hoảng loạn, ví như dân làng đang ngủ say thình lình nước lũ dâng tràn cuốn trôi mất tích.

Đức Phật thuyết bài kệ này, để khuyến cáo nàng Kisāgotamī chớ mãi dính mắc con cái mà quên rằng chính ta cũng phải chết; phải sống tỉnh thức, lo tu sửa bản thân để sẳn sàng khi cái chết xảy đến tâm bình tĩnh được./.

Tỳ kheo Tuệ Siêu biên soạn.

Ý kiến bạn đọc