- 13913 S. Post Oak Rd, Houston TX 77045
- Phone: (281) 838-0535. Fax: (832) 550-2889
- Trụ Trì: Tỳ khưu Giác Đẳng
- Email: phapluan@gmail.com
- Web: chuaphapluan.com
- Xem bản đồ
Lớp Phật Pháp Buddhadhamma
Môn học: PĀLI PHÁP CÚ
Bài học chủ nhật 25.2.2024
XVIII
Phẩm Uế Nhiễm
(Malavagga)
XVIII. Phẩm Uế Nhiễm_Kệ số 18 (dhp 252)
Chánh văn:
18. Sudassaṃ vajjaṃ aññesaṃ
attano pana duddasaṃ
paresaṃ hi so vajjāni
opuṇāti yathā bhusaṃ
attano pana chādeti
kaliṃ’ va kitavā saṭho.
(dhp 252)
Chuyển văn:
18. Aññesaṃ vajjaṃ sudassaṃ attano pana duddasaṃ hi so paresaṃ vajjāni yathā bhusaṃ opuṇāti kaliṃ’ va kitavā saṭho attano pana chādeti.
Thích văn:
Sudassaṃ [chủ cách, sô ít, trung tính, hợp thể tính từ sudassa (su + dassa)] dễ thấy, dễ nhìn thấy.
Vajjaṃ [chủ cách, số ít, trung tính, danh từ vajja] lỗi lầm, “điều cần phải tránh”.
Aññesaṃ [ sở thuộc cách, số nhiều, nam tính, phiếm chỉ đại từ añña] khác, cái khác, người khác.
Attano [sở thuộc cách, số ít, nam tính, danh từ biệt ngữ atta] của ta, của mình.
Duddasaṃ [chủ cách, số ít, trung tính, hợp thể tính từ duddasa (du + dasa)] khó thấy, khó nhìn thấy.
Paresaṃ [sở thuộc cách, số nhiều, nam tính, phiếm chỉ đại từ para] khác, cái khác, người khác, = aññesaṃ.
Hi [bất biến từ] bởi lẽ, vì thế.
So [chủ cách, số ít, nam tính, chỉ thị đại từ ta] nó, người ấy.
Vajjāni [đối cách, số nhiều, trung tính, danh từ vajja] các khuyết điểm, các lỗi lầm.
Opuṇāti [động từ hiện tại_tiến hành cách “ava +
Yathā [trạng từ] như, cũng như.
Bhusaṃ [đối cách, số ít, trung tính, danh từ bhusa] vỏ lúa, trấu.
Chādeti [động từ hiện tại_tiến hành cách “
Kaliṃ [đối cách, số ít, nam tính, danh từ kali] điều lỗi lầm, thân tội lỗi.
‘va [iva. Bất biến từ tỷ giảo] ví như.
Kitavā (nữ tính) = kitavo (nam tính) [chủ cách, số ít] sự nguỵ trang.
Saṭho [chủ cách, số ít, nam tính từ, danh từ saṭha] sự gian xảo, kẻ gian. Trong bài kệ này, có nghĩa là “người bẫy chim” (Sākuṇiko saṭho nāma).
Việt văn:
18. Lỗi người khác dễ thấy,
lỗi của mình khó thấy
lỗi người thì bươi móc
như sàng sảy trấu gạo
lỗi mình thì che giấu
như thợ săn nguỵ trang.
(pc 252)
18. Lỗi của người khác thì dễ thấy, còn lỗi mình thì khó thấy. Thật vậy, người ta thường phanh phui những lỗi của kẻ khác như thể sàng sảy trấu (trong gạo); nhưng lại che giấu lỗi lầm của mình như người bẫy chim nguỵ trang ẩn thân.
Duyên sự:
Bài kệ này, đức Phật thuyết khi Ngài trú tại rừng Jātiyā, gần thành Bhaddiyā, để tiếp độ gia đình trưởng giả Meṇḍaka.
Trong khi đức Thế Tôn du hành trong xứ Aṇguttarāpa, Ngài thấy duyên lành chứng quả dự lưu của một gia đình trưởng giả, gồm gia chủ Meṇḍaka, vợ ông ta Candapadumā, con trai là Dhanañcaya, con dâu là Sumanadevī, đứa cháu nội là Visākhā và đứa đầy tớ là Puṇṇa. Đức Thế Tôn liền đi đến kinh thành Bhaddiya và trú tại khu rừng Jātiyā.
Ông trưởng giả Meṇḍaka nghe tin đức Phật đến xứ Aṇga, đang trú tại khu rừng Jātiyā, gần kinh thành Bhaddiya nơi ông ở, bèn đi đến viếng thăm Ngài và thỉnh về nhà.
Trên đường đi, trưởng giả Meṇḍaka gặp các ngoại đạo sư ngăn cản ông đừng đi đến đức Phật. Họ nói: “Này gia chủ, ông là người theo chủ thuyết hành động (kiriyavādo) sao lại đi đến sa môn Gotama, người có chủ thuyết không hành động (Akiriyavādo)? [Ngoại đạo chỉ trích đức Phật chủ trương thuyết vô hành, vì Ngài không chấp nhận bản ngã hay linh hồn tạo tác, Ngài thuyết các pháp là vô ngã].
Mặc dù bị ngoại đạo sư ngăn cản, nhưng trưởng giả Meṇḍaka không đếm xỉa lời nói của họ, ông vẫn đi đến viếng đức Phật và thỉnh Ngài về nhà cúng dường.
Khi đức Thế Tôn thọ thực xong, trưởng giả Meṇḍaka và các thành viên trong gia đình ngồi lại để nghe bậc Đạo sư thuyết pháp.
Đức Thế Tôn đã thuyết tuần tự pháp (Anupubbīkathā) như bố thí, trì giới, cõi trời, sự nguy hại của các dục, lợi ích của xuất ly. Dứt pháp thoại, các thành viên trong gia đình ông Meṇḍaka đã chứng đắc quả Tu đà huờn.
Trưởng giả Meṇḍaka sau khi đắc thánh quả, đã kể lại cho đức Phật nghe ông bị chặn đường ngăn cản không cho đi đến thỉnh Phật, với luận điệu xuyên tạc giáo thuyết của Ngài. Đức Phật nghe xong bèn dạy “Này gia chủ, những chúng sanh đó không thấy lỗi lầm của mình, chỉ tìm lỗi của người khác, dù không có cũng bươi móc cho có như tìm thóc trong gạo vậy”. Rồi Ngài nói lên bài kệ: Sudassaṃ vajjaṃ aññesaṃ…v.v…kaliṃ’ va kitavā saṭho’ ti.
Lý giải:
Lỗi của người khác thì dễ thấy (Aññesaṃ vajjaṃ sudassaṃ), bởi thường tình thế gian bản chất đố kỵ và bỏn xẻn (Issāmacchariya). Đố kỵ khi người khác được khen, được thành công, được lợi đắc … Bỏn xẻn, kiệm lời tán thán khen ngợi ưu điểm của người khác. Bởi thế, người ta chỉ muốn thấy khuyết điểm, lỗi lầm của người khác để bôi nhọ, bêu xấu, hạ bệ người khác; Khi đã có ý xấu như vậy thì người khác có khuyết điểm gì, nó cũng thấy liền, hoặc người khác không có khuyết điểm gì, nó cũng tạo ra khuyết điểm để chỉ trích, như những kẻ ngoại đạo tạo ra khuyết điểm cho đức Phật để chúng công kích.
Và khi muốn bôi nhọ người khác, nó tìm kiếm, phanh phui khuyết điểm, lỗi lầm như người sàng gạo tìm nhặt ra những hạt thóc vậy. Đồng nghĩa với thí dụ này có câu “Bới lông tìm vết”.
Lỗi của mình thì khó thấy (attano vajjaṃ duddasaṃ), bởi con người phàm tục thường tự tán, huỷ tha (khen mình chê người), luôn cho mình là tốt, là đúng. Do bản chất đó, người ta không nhìn thấy cái khuyết điểm bản thân, không nhìn nhận lỗi lầm của mình.
Và người ta thường bưng bít, che giấu lỗi lầm của mình, như tay thợ săn quỉ quyệt nguỵ trang giấu mình bằng lá cây để tiếp cận con mồi.
Có bản dịch, dịch câu “Kaliṃ’va kitavā saṭho”, là “Như kẻ đánh bài gian lận giấu lá bài xấu”.
Nhưng trong bản chú giải pháp cú, giải thích: Ettha sakuṇesu aparajjhanabhāvena attabhāvo kali nāma, gọi là “kali” ám chỉ bản thân, bởi bóng người là nỗi sợ hãi đối với muông thú. Sākhabhaṅgādikaṃ paṭicchādanaṃ kitavā nāma, gọi là “kitavā” ám chỉ sự nguỵ trang, lấy cành lá chẳng hạn che đậy kín đáo. Sākuṇiko saṭho nāma, gọi là “saṭho” ám chỉ người săn chim. Như vậy đã quá rõ ý nghĩa.
Tỳ kheo Tuệ Siêu biên soạn.