Môn học: PĀLI PHÁP CÚ | XVIII. Phẩm Uế Nhiễm_Kệ số 17 (dhp 251)

Thứ bảy, 24/02/2024, 05:52 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: PĀLI PHÁP CÚ

Bài học thứ năm 22.2.2024

XVIII

Phẩm Uế Nhiễm

 (Malavagga)

XVIII. Phẩm Uế Nhiễm_Kệ số 17 (dhp 251)

Chánh văn:

17. Natthi rāgasamo aggi

natthi dosasamo gaho

natthi mohasamaṃ jālaṃ

natthi taṇhāsamā nadī.

(dhp 251)

Chuyển văn:

17. Rāgasamo aggi natthi dosasamo gaho natthi mohasamaṃ jālaṃ natthi taṇhāsamā nadī natthi.

Thích văn:

Natthi [hợp âm na atthi] không có.

Rāgasamo [chủ cách, số ít, nam tính, hợp thể tính từ rāgasama (rāga + sama)] sánh bằng ái tình.

Aggi [chủ cách, số ít, nam tính, danh từ aggi] lửa.

Dosasamo [chủ cách, số ít, nam tính, hợp thể tính từ dosasama (dosa + sama)] sánh bằng sân hận.

Gaho [chủ cách, số ít, nam tính, danh từ gaha] sự cố chấp, sừ kềm kẹp.

Mohasamaṃ [chủ cách, số ít, trung tính, hợp thể tính từ mohasama (moha + sama)] sánh bằng si mê.

Jālaṃ [chủ cách, số ít, trung tính, danh từ jāla] lưới giăng, mạng lưới.

Taṇhāsamā [chủ cách, số ít, nữ tính, hợp thể tính từ taṇhāsama (taṇhā + sama)] sánh bằng tham ái.

Nadī [chủ cách, số ít, nữ tính, danh từ nadī] con sông, dòng sông.

Việt văn:

17. Không lửa nào bằng tình

không chấp nào bằng sân

không lưới nào bằng si

không sông nào bằng ái.

(pc 251)

17. Không có lửa nào bằng ái tình, không cố chấp nào bằng sân hận, không có lưới nào bằng si mê, không có sông nào bằng tham ái.

Duyên sự:

Bài kệ này, đức Phật thuyết ở Jetavana, thành Sāvatthi, vì chuyện năm cận sự nam nghe pháp.

Có năm người cận sự nam rủ nhau đi đến chùa nghe đức Phật thuyết pháp. Sau khi đảnh lễ Bậc Đạo sư xong, ngồi xuống một bên.

Đức Thế Tôn vì họ mà thuyết pháp, Ngài lấy pháp làm trọng yếu, tâm của bậc Chánh Đẳng Giác không bao giờ phân biệt: Đây là người giai cấp Sát đế lỵ, đây là người giai cấp Bà la môn, đây là hạng trưởng giả, đây là hạng Thủ đà la thấp kém, đây là người giàu, đây là kẻ nghèo; Đối với người này ta sẽ thuyết pháp cao siêu, đối với người nọ ta sẽ thuyết pháp trung bình, hay đối với người kia ta sẽ không thuyết…v.v…Ngài thuyết pháp như mưa trên bầu trời đổ xuống. Bất cứ ai hữu duyên, lãnh hội được thì có lợi ích cho họ.

Trong khi đức Thế Tôn đang thuyết giảng với phạm âm tuyệt vời như vậy, nhưng năm người cận sự nam ngồi nghe pháp với năm thái độ khác nhau. Bốn người không tập trung, có người thì lấy ngón tay xủi đất, có người thì lắc lư, run đùi, có người thì mắt nhìn xa xăm, có người thì ngủ gà, ngủ gật; Chỉ có một người ngồi chăm chú nghe pháp.

Tôn giả Ānanda đang đứng quạt hầu đức Thế Tôn, nhìn thấy những cử chỉ ngồi nghe pháp của năm người ấy bèn bạch với đức Thế Tôn rằng:

“Bạch Thế Tôn, Ngài thuyết pháp cho những người này nghe, phạm âm của Ngài thanh tao vang vọng như tiếng sấm trên bầu trời, thế mà họ nghe pháp thờ ơ, chỉ có một người chú ý nghe thôi”.

“Này Ānanda, ngươi không biết đó thôi, chúng sanh do tiền khiên tật quá khứ chi phối nên tâm giao động, nghe pháp khó lãnh hội”.

Rồi theo lời thỉnh cầu của Tôn giả Ānanda, đức Thế Tôn đã nói rõ tiền khiên tật quá khứ của những người ấy, có người vì thói quen của loài giun đất, có người vì thói quen của loài khỉ, có người vì thói quen của nhà chiêm tinh, có người vì thói quen của loài rắn.

Tiếp đến, đức Phật đã giảng giải do nguyên nhân gì mà chúng sanh khó nghe được Phật pháp: “Này Ānanda, chúng sanh khó nghe được Phật pháp vì tiêm nhiễm tham, tiêm nhiễm sân, tiêm nhiễm si, tiêm nhiễm ái”.

Và để nói mãnh lực tàn khốc của tham (rāga), sân (dosa), si (moha), ái (taṇhā), đức Phật đã nói lên bài kệ: Natthi rāgasamo aggi…v.v…natthi taṇhāsamā nadī’ ti.

Dứt pháp thoại, người cận sự nam mà chăm chú nghe pháp ấy, đã đắc chứng quả vị Dự lưu.

Lý giải:

Câu: Natthi rāgasamo aggi, không lửa nào bằng tình. Ý nghĩa này đã được lý giải trong bài kệ pháp cú 202 (dhp 202).

Câu: Natthi dosasamo gaho, không chấp nào bằng sân. Quả thật vậy, khi người ta sân nộ thì người cột buộc oan trái, ghìm chặt thù hận, tìm cách báo oán … cũng chính do sân nộ cố chấp nên chuyện bé xé to, khi sân người ta dễ bắt lỗi nhau, làm lớn chuyện.

Câu: Natthi mohasamaṃ jālaṃ, không lưới nào bằng si, có nghĩa là mạng lưới đánh cá của thuyền chài tung ra trùm bầy cá, dù vậy vẫn có những con cá thoát ra được, hoặc như mãnh lưới bắt chim của thợ săn giăng bẩy trùm xuống bầy chim, nhưng vẫn có những con chim chun ra thoát được. Còn si mê bao trùm chúng sanh phàm phu thì trùm kín không có lối thoát, nên nói không có lưới nào bằng lưới si.

Câu: Natthi taṇhāsamā nadī không có sông nào bằng ái. Nghĩa là những con sông như sông Hằng, sông Mê kông…v.v…còn có lúc đầy, có lúc vơi, có lúc khô cạn; Nhưng đối với tham ái (taṇhā) thì không có lúc đầy lúc cạn, thường là chúng sanh thấy thiếu thốn, tham không thoả mãn, nô lệ cho tham ái. Do đó, không có sông nào bằng ái.

Đức Phật thuyết bốn điều này, liên quan đến nguồn gốc khiến chúng sanh có tiền khiên tật, nên không có duyên lãnh hội chánh pháp được bậc Chánh Đẳng Giác thuyết. Cần phải hiểu như vậy.

Tỳ kheo Tuệ Siêu biên soạn.

Ý kiến bạn đọc