Môn học: PĀLI PHÁP CÚ | XIX. Phẩm Chấp Pháp (Dhammaṭṭhavagga) _ Kệ số 9, 10 (dhp 264, 265)

Thứ năm, 28/03/2024, 16:32 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: PĀLI PHÁP CÚ

Bài học thứ năm 28.3.2024

XIX

Phẩm Chấp Pháp

(Dhammaṭṭhavagga)

XIX. Phẩm Chấp Pháp_Kệ số 9, 10 (dhp 264, 265)

Chánh văn:

9. Na muṇḍakena samaṇo

abbato alikaṃ bhaṇaṃ

icchālobhasamāpanno

samaṇo kiṃ bhavissati.

(dhp 264)

10. Yo ca sameti pāpāni

aṇuṃ thūlāni sabbaso

samitattā hi pāpānaṃ

samaṇo’ ti pavuccati.

(dhp 265)

Chuyển văn:

 

9. Na muṇḍakena samaṇo, abbato alikaṃ bhaṇaṃ icchālobhasamāpanno kiṃ samaṇo bhavissati.

10. Yo ca anuṃ thūlāni pāpāni sabbaso sameti pāpānaṃ samitattā hi samaṇo’ ti pavuccati.

Thích văn:

Muṇḍakena [sở dụng cách, số ít, nam tính, danh từ muṇḍaka] bởi đầu trọc.

Samaṇo [chủ cách, số ít, nam tính, danh từ samaṇa] tịnh giả, vị sa môn.

Abbato [chủ cách, số ít, nam tính, danh từ, hợp thể abbata (na + vata; v đổi thành bb được gấp đôi sau nguyên âm a = abbata)] người không hạnh tu, vô đạo hạnh.

Alikaṃ [đối cách, số ít, trung tính, danh từ alika] sự láo khoét, sự giả dối.

Bhaṇaṃ [chủ cách, số ít, nam tính, hiện tại phân từ bhaṇanta (của động từ bhaṇati)] đang nói.

Icchālobhasamāpanno [chủ cách, số ít, nam tính, danh từ hợp thể icchālobhasamāpanna (icchā + lobha + samāpanna)] người còn tham vọng, còn ham muốn.

Kiṃ [chủ cách, số ít, trung tính, đại từ nghi vấn ka] cái gì? sao?

Bhavissati [động từ tương lai cách “bhi+a+issati”, ngôi III, số ít] sẽ là, sẽ trở thành.

Sameti [động từ hiện tại_tiến hành cách “saṃ + i + a + ti”, ngôi III, số ít] lắng yên, tỉnh lặng.

Pāpāni [đối cách, số nhiều, trung tính, danh từ pāpa] các điều ác, những điều xấu.

Aṇuṃ [đối cách, số nhiều, trung tính, tính từ aṇu] nhỏ, vi tế.

Thūlāni [đối cách, số ít, trung tính, tính từ thūlā] lớn, thô thiển.

Sabbaso [trạng từ] tất cả, mọi, hết thảy.

Samitattā [xuất xứ cách, số ít, trung tính, danh từ hợp thể samitatta (samita + tta)] từ trạng thái yên tịnh.

Pāpānaṃ [chỉ định cách, số nhiều, trung tính, danh từ pāpa] đối với các điều ác.

Việt văn:

9. Sa môn, không vì trọc;

kẻ vô hạnh, nói láo,

mong muốn và tham lam

làm sao là sa môn?

(pc 264)

10. Và người nào lắng yên

mọi điều ác lớn nhỏ.

được gọi là: Sa môn

bởi tỉnh lặng các ác.

(pc 265)

9. Không phải bởi đầu trọc mà là sa môn, kẻ không đạo hạnh, nói lời láo xược, ham muốn và tham lam, kẻ ấy làm sao thành sa môn?

10. Người nào lắng yên mọi ác pháp thô tế, người ấy được gọi là “Sa môn” bởi vì đã tĩnh lặng ác pháp.

Duyên sự:

Hai bài kệ này, đức Phật thuyết ở Sāvatthi, khi Ngài ngự tại Jetavanavihāra, vì chuyện tỳ kheo Hatthaka.

Tỳ kheo Hatthaka dòng họ Thích. Vị này rất thích tranh luận với ngoại đạo.

Mỗi khi tranh luận đuối lý, tỳ khưu Hatthaka đề nghị với đối phương:

“Các ông hãy đến địa điểm đó, vào ngày giờ đó, rồi chúng ta sẽ tiếp tục tranh luận”.

Thế rồi, tỳ kheo Hatthaka đến điểm hẹn trước giờ, chờ một lúc không thấy các vị ngoại đạo đến, đã nói với mọi người rằng:

“Quí vị hãy xem! Các ngoại đạo sợ ta nên không đến. Như vậy ta đã thắng họ”.

Hatthaka dùng các trớ trêu như thế để giành chiến thắng đối phương mỗi khi tranh luận đuối lý.

Bậc Đạo Sư nghe chuyện tỳ kheo Hatthaka hành động như vậy, Ngài truyền gọi Hatthaka đến và hỏi: “Này Hatthaka, có thật không ngươi đã làm như vậy?” _ “Bạch Thế Tôn, thật như vậy”.

Đức Thế Tôn bảo: “Tại sao ngươi lại làm như thế? Người nói dối không phải là Sa môn dù cái đầu cạo trọc. Ai lắng yên các ác thô hoặc tế, người này đích thực là Sa môn”. Sau khi nói xong, đức Phật đã thuyết hai bài kệ này: Na muṇḍakena samaṇo…v.v…Samano’ ti pavuccatī’ ti.

Dứt pháp thoại, có nhiều vị tỳ kheo đã chứng đắc thánh quả.

Lý giải:

Danh từ Sa môn, đọc âm từ pāli “Samaṇo” có nghĩa đặc biệt là: “Người lắng yên ác pháp” (pāpāni sametī’ ti samaṇo).

Thuở xưa, trong xã hội Ấn, người ta dùng danh từ Samaṇo (Sa môn) để chỉ cho những người cạo đầu, đắp y ca sa, bỏ nhà sống không nhà. Sa môn khác với đạo sĩ Bà la môn và du sĩ, chỉ có sa môn mới cạo đầu trọc.

Khi đức Phật xuất hiện, Ngài cũng dùng từ Sa môn, nhưng minh định lại ý nghĩa Sa môn.

Người nào lắng yên, tịnh chỉ các ác nhỏ hoặc lớn, người ấy được gọi là Sa môn do yên tịnh pháp ác.

Trong bài kệ 264, đức Phật khẳng định Sa môn không phải do đầu trọc (na muṇḍakena samaṇo). Ngài còn bảo: Người không đạo hạnh, nói dối, có tham vọng, sao là sa môn?

Sở dĩ Ngài chỉ nói ba ác pháp ấy vì duyên sự tỳ kheo Hatthaka có ba pháp ác đó, nên đức Phật nêu ra để khiển trách.

Không đạo hạnh (abbato) là không có hạnh giới và hạnh đầu đà.

Nói dối (alikaṃ bhaṇaṃ) là nói lời không thật.

Có tham vọng (icchālobhasamāpanno) là mong muốn những gì chưa đạt đến và ham thích những gì đã đạt đến.

Nên hiểu rằng, người không những có ba ác pháp trên, mà có những ác pháp khác đều không xứng là bậc Sa môn.

Tỳ kheo Tuệ Siêu biên soạn.

Ý kiến bạn đọc