Môn học: PĀLI PHÁP CÚ | XIX. Phẩm Chấp Pháp (Dhammaṭṭhavagga) _ Kệ số 4 (dhp 259)

Thứ hai, 18/03/2024, 08:21 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: PĀLI PHÁP CÚ

Bài học chủ nhật 17.3.2024

XIX

Phẩm Chấp Pháp

(Dhammaṭṭhavagga)

XIX. Phẩm Chấp Pháp_Kệ số 4 (dhp 259)

Chánh văn:

4. Na tāvatā dhammadharo

yāvatā bahu bhāsati

yo ca appampi sutvāna

dhammaṃ kāyena passati

sa ve dhammadharo hoti

yo dhammaṃ nappamajjati.

(dhp 259)

Chuyển văn:

4. Yāvatā bahu bhāsati tāvatā dhammadharo na (hoti). Yo ca appaṃ api sutvāna kāyena dhammaṃ passati yo dhammaṃ nappamajjati so ve dhammadharo hoti.

Thích văn:

Tāvatā [trạng từ] cho dù là, chỉ vì thế.

Dhammadharo [chủ cách, số ít, nam tính, hợp thể danh từ dhammadhara (dhamma + dhara) người nắm giữ giáo pháp, bậc trì pháp.

Yo [chủ cách, số ít, nam tính, quan hệ đại từ ya] người mà, ai, người nào.

Appampi [hợp âm appaṃ api].

Appaṃ [đối cách, số ít, trung tính, tính từ appa] ít, ít ỏi.

Api [liên từ] dù là.

Sutvāna [bất biến quá khứ phân từ “su + tvāna” của động từ suṇāti] sau khi nghe, khi nghe xong.

Dhammaṃ [đối cách, số ít, nam tính, danh từ dhamma] pháp, giáo lý, giáo pháp.

Kāyena [sở dụng cách, số ít, nam tính, danh từ kāya] với thân, bằng thân.

Passati [động từ hiện tại_tiến hành cách “dis + a = passa”, ngôi III, số ít] thấy, ngộ.

Sa [So. Chủ cách, số ít, nam tính, chỉ thị đại từ ta] người ấy, vị ấy.

Ve [bất biến từ] quả thật, thật vậy.

Nappamajjati [hợp âm na pamajjati].

Na [bất biến từ] không, chẳng có.

Pamajjati [động từ hiện tại_tiến hành cách “pa + mad + ya”, ngôi III, số ít] xao lãng, giải đãi, dễ duôi.

Việt văn:

4. Là bậc trì giáo pháp

không phải vì nói nhiều.

người nào tuy nghe ít

mà thân ngộ được pháp

không dễ duôi chánh pháp

thật là bậc trì pháp.

(pc 259)

4. Không phải là bậc trì pháp chỉ vì nói nhiều. Người nào dù nghe ít mà thân chứng được pháp và không xao lãng giáo pháp, người ấy mới thật là bậc trì pháp.

Duyên sự:

Bài kệ này, được đức Phật thuyết ở Sāvatthi, khi Ngài trú tại chùa Jetavana, vì chuyện vị trưởng lão Lậu tận Ekudāna.

Sở dĩ vị trưởng lão Lậu tận ấy có biệt danh Ekudāna, vì vị ấy chỉ thuộc lòng một bài kệ Cảm hứng (ekaṃ eva assa udānaṃ paguṇaṃ), mà vị ấy được nghe từ đức Thế Tôn nói lên lời cảm hứng, trong khi Ngài thấy tôn giả Sāriputta ngồi không xa, kiết già, thiểu dục, tri túc, viễn ly, không ưa hội họp, chuyên cần tinh tấn, chú tâm vào tăng thượng tâm. Bài kệ cảm hứng đó như sau:

Adhicetaso appamajjato

munino monapathesu sikkhato

sokā na bhavanti tādino

upasantassa sadā satīmato’ti.

(udāna kệ 37)

Mâu ni, tăng thượng tâm,

không giải đãi, tu tập

trên đạo lộ trí tuệ,

luôn an tịnh, chánh niệm

vị ấy không sầu muộn.

(cảm hứng ngữ 37)

Trưởng lão Ekudāna sống độc cư trong một khu rừng rậm. Vào những ngày bố tát, trưởng lão tự mình thông báo thời nghe pháp rồi nói lên bài kệ ấy. Tiếng “Sādhu” của chư thiên như âm thanh địa chấn.

Thế rồi, vào một ngày bố tát, có hai vị tỳ kheo thông suốt kinh điển, mỗi vị có tuỳ tùng 500 tỳ kheo đi đến chổ trú ngụ của trưởng lão Ekudāna.

Vị trưởng lão thấy các tỳ kheo ấy, Ngài hoan hỷ nói: Lành thay, các vị quang lâm đến nơi này, hôm nay chúng tôi sẽ được nghe pháp của chư vị”.

_ “Nhưng này hiền giả, ở đây có ai muốn nghe pháp?”.

_ “Thưa quí Ngài, có. Khu rừng rậm này vào ngày thính pháp vang lên âm thanh tiếng “Sādhu” của chư thiên”.

Một trong hai vị thông kinh điển ấy đã thuyết pháp, vị kia thì giải nghĩa. Nhưng không có một thiên nhân tán thán “sādhu” cả.

Hai vị tỳ kheo nọ mới hỏi: “Này hiền giả, ngài nói trong ngày thính pháp chư thiên trong khu rừng này lớn tiếng tán dương “sādhu”. Nay vẫn im lặng là sao vậy?”

_ “Bạch quí Ngài, những ngày khác đồng loạt vang lên tiếng “sādhu”, nhưng hôm nay tôi cũng không hiểu sao nữa?”.

_ “Nếu vậy thì hiền giả hãy thuyết pháp xem”.

Vị trưởng lão cầm quạt ngồi trên chổ ngồi xong, bèn thuyết kệ ngôn cảm hứng ấy.

Vừa dứt kệ ngôn thì chư thiên đã lớn tiếng tán thán “sādhu”.

Các vị tỳ kheo tuỳ tùng của hai vị thông tam tạng ấy đã khiển trách: “Chư thiên trong rừng này tán thán nhìn mặt. Trong khi Nhị vị tam tạng thuyết chừng ấy mà chư thiên chẳng một lời tán dương, còn vị trưởng lão già cả này chỉ nói một bài kệ mà chư thiên lại tán thán!”.

Các tỳ kheo ấy sau khi đến Jetavana vihāra, đã trình bày sự việc đó lên đức Thế Tôn. Bậc Đạo sư nói: “Này chư tỳ kheo, người học nhiều, hay nói nhiều ta không gọi người ấy là bậc trì pháp. Nhưng người nào dù chỉ học một kệ ngôn mà thấu triệt những chân lý, người này là bậc trì pháp”. Nói xong đức Phật đã thuyết lên bài kệ: Na tāvatā dhammadharo…v.v…yo dhammaṃ nappamajjatī’ ti.

Cuối pháp thoại có nhiều vị tỳ kheo chứng đắc thánh quả.

Lý giải:

Gọi là bậc trì pháp (dhammadharo) là người gìn giữ giáo pháp, bảo tồn chánh pháp.

Người sống theo chánh pháp, chứng nghiệm được lý pháp như các bậc thánh mới đúng là người bảo tồn chánh pháp, vì các vị ấy không lúc nào giải đãi, buông trôi.

Còn như người chỉ học tập giáo pháp, nhớ và tụng đọc, nhưng không thực hành, không chứng nghiệm giáo pháp thì không gọi là bậc trì pháp, bảo tồn chánh pháp, vì người ấy sẽ có lúc xao lãng, không nhớ, không tụng đọc nữa.

Vị trưởng lão dù chỉ thuyết một kệ ngôn chánh pháp, nhưng vị đó đã chứng nghiệm chân lý, là bậc bảo tồn giáo pháp nên chư thiên đặc biệt hoan hỷ và tán thán.

Còn những vị tỳ kheo phàm nhân kia dù có học nhiều, đọc nhiều, giảng nhiều Phật ngôn, nhưng chư thiên không tán thán, vì các vị ấy chưa phải là bậc bảo tồn chánh Pháp, các vị ấy sẽ biến giáo pháp như bông hoa tươi đẹp có sắc mà không hương.

Tỳ kheo Tuệ Siêu biên soạn.

Ý kiến bạn đọc