Môn học: PĀLI PHÁP CÚ | XIX. Phẩm Chấp Pháp (Dhammaṭṭhavagga) _ Kệ số 3 (dhp 258)

Thứ sáu, 15/03/2024, 14:55 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: PĀLI PHÁP CÚ

Bài học thứ năm 14.3.2024

XIX

Phẩm Chấp Pháp

(Dhammaṭṭhavagga)

XIX. Phẩm Chấp Pháp_Kệ số 3 (dhp 258)

Chánh văn:

3. Na tena paṇḍito hoti

yāvatā bahu bhāsati

khemī averī abhayo

paṇḍito’ ti pavuccati.

(dhp 258)

Chuyển văn:

3. Yāvatā bahuṃ bhāsati tena paṇḍito na hoti khemī averī abhayo paṇḍito iti pavuccati.

Thích văn:

Yāvatā [trạng từ] cho dù là, dẫu cho.

Bahu [bahuṃ_đối cách, số ít, ba tính, tính từ bahu] nhiều.

Bhāsati [động từ hiện tại_tiến hành cách “bhās + a”, ngôi III, số ít] nói ra.

Khemī [chủ cách, số ít, nam tính, danh từ khemī] người tự tại, người sống an ổn.

Averī [chủ cách, số ít, nam tính, tính từ averī (na + vera + ī)] không gây thù chuốc oán, không gây oan trái.

Abhayo [chủ cách, số ít, nam tính, tính từ abhaya (na + bhaya)] không sợ hãi.

Paṇḍito’ ti [hợp âm paṇḍito iti].

Paṇḍito [chủ cách, số ít, nam tính, danh từ paṇḍita] bậc minh triết, bậc hiền triết.

Iti [bất biến từ] rằng, là.

Việt văn:

3. Không phải do nói nhiều

mà thành bậc minh triết;

tự tại, không oán sợ

được gọi: Bậc minh triết.

(pc 258)

3. Cho dù nói nhiều, không vì thế mà thành bậc minh triết. Người tự tại, không gây hận thù, không lo sợ, được gọi là “Bậc hiền triết”.

Duyên sự:

Bài kệ này, đức Phật thuyết ại Sāvatthi, khi Ngài trú ở chùa Jetavana, do câu chuyện các tỳ kheo phe lục sư.

Các vị tỳ kheo này tự cho mình là khôn ngoan, là tri thức, nên họ đi đến đâu là gây rối ở đó.

Một ngày kia, chư tỳ kheo sau khi thọ thực trong làng trở về, thấy nơi trai đường rối tung, bèn hỏi các vị sa di trẻ ở chùa: “Này các sư, trai đường sao lại như vậy?”. Các sa di ấy đáp: “Bạch quí Ngài, có những vị tỳ kheo nhóm lục sư đến đây, tự cho mình là khôn ngoan, là trí thức, rồi đánh chúng con, đổ rác lên đầu chúng con và đuổi chúng con ra, họ làm rối tung phòng ăn”.

Chư tỳ kheo đi đến bậc Đạo sư và trình bày sự việc ấy. Bậc đạo sư nói: “Này chư tỳ kheo, người thuyết nhiều, nhưng gây tổn thương đến những người khác, ta không gọi là Bậc minh triết; Ta chỉ gọi là bậc minh triết, vì người này sống an nhiên, không thù hận và không khiếp sợ”. Nói xong, đức Thế Tôn đã thuyết bài kệ này: Na tena paṇḍito hoti…v.v…paṇḍito’ ti vuccatī’ ti.

Dứt pháp thoại có nhiều vị tỳ kheo đắc chứng thánh quả.

Lý giải:

Danh từ “Paṇḍita” (bậc hiền trí, bậc hiền triết, bậc mình triết). Theo người đời, thì họ gọi một người thông hiểu mọi việc, ăn nói lưu loát, hiểu nhiều, nói nhiều … là bậc minh triết. Nhưng trong Phật pháp, thì bậc minh triết (paṇḍita) là người biết nhân, biết quả, biết người, biết ta, biết thời, biết hội chúng và biết sống tiết độ.

Ở đây, trong bài kệ pháp cú này, vì các vị tỳ kheo phe lục sư tự cho rằng: “Mayameva viyattā mayameva paṇḍitā, chúng tôi là bậc thông thái, chúng tôi là bậc minh triết”. Thế nhưng, các vị ấy đi trong làng hay trong chùa thường bắt nạt người khác, nên khi nghe chư tăng nói lại hành động của những tỳ kheo phe lục sư, đức Phật mới dạy rằng: Là bậc minh triết không phải chỉ vì nói nhiều; mà con người tự tại, không thù hận, không sợ hãi mới đáng gọi là bậc minh triết.

Bậc minh triết là người có trí tuệ ứng xử trong cuộc sống, biết làm cho mình an vui và làm cho người khác an vui.

Sống an ổn tự tại (khemī) là không bị chi phối bởi não phiền.

Không thù hận (averī) là không oan trái với người và cũng không làm cho người khác cột oan trái với mình.

Không sợ hãi (abhayo) là không sợ ai và cũng không làm ai sợ. Bậc trí chánh thiện, nên dù đến giữa hội chúng hay trước mặt vua cũng không sợ sệt và bậc trí có lòng nhân từ không bắt nạt làm cho người khác sợ.

Tỳ kheo Tuệ Siêu biên soạn.

Ý kiến bạn đọc