Môn học: PĀLI PHÁP CÚ | XIX. Phẩm Chấp Pháp (Dhammaṭṭhavagga) _ Kệ số 1, 2 (dhp 256, 257)

Chủ nhật, 10/03/2024, 18:01 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: PĀLI PHÁP CÚ

Bài học chủ nhật 10.3.2024

XIX

Phẩm Chấp Pháp

(Dhammaṭṭhavagga)

Gồm 17 bài kệ với 10 duyên sự

XIX. Phẩm Chấp Pháp_Kệ số 1, 2 (dhp 256 và 257)

Chánh văn:

1. Na tena hoti dhammaṭṭho

yen’ atthaṃ sahasā naye

yo ca atthaṃ anatthañca

ubho niccheyya paṇḍito.

(dhp 256)

2. Asāhasena dhammena

samena nayatī pare

dhammassa gutto medhāvī

dhammaṭṭho’ ti pavuccati.

(dhp 257)

Chuyển văn:

1. Yena atthaṃ sahasā naye tena dhammaṭṭho na hoti paṇḍito yo atthaṃ ca anatthaṃ ca ubho niccheyya.

2. Asāhasena dhammena samena pare nayatī dhammassa gutto medhāvī dhammaṭṭho iti pavuccati.

Thích văn:

Na [phủ định từ] không, chẳng phải.

Tena [sở dụng cách, số ít, nam tính, chỉ thị đại từ ta] bằng cách ấy, bởi việc ấy.

Hoti [động từ hiện tại_tiến hành cách “hū + a”, ngôi III, số ít] là.

Dhammaṭṭho [chủ cách, số ít, nam tính, hợp thể danh từ dhammaṭṭha (dhamma + ṭhā + a)] người nắm giữ pháp luật, người chấp pháp.

Yen’ atthaṃ [hợp âm yena atthaṃ).

Yena [sở dụng cách, số ít, nam tính, quan hệ đại từ ya] bằng cách mà, bởi việc nào.

Atthaṃ [đối cách, số ít, nam tính, danh từ attha] sự việc, lý lẽ; hợp lý, đúng lý.

Sahasā [trạng từ] hấp tấp, vội vàng.

Naye [động từ khả năng cách_attanopa “nī + a = naya”, ngôi III, số ít] xử lý, phân xử, phán quyết.

Anatthañca [đối cách, số ít, nam tính, danh từ anattha (na + attha)] điều phi lý, việc không đúng, việc sai.

Ubho [đối cách, số nhiều, ba tính, phiến chỉ đại từ ubha] cả hai.

Niccheyya [động từ khả năng cách “nis + ci” ngôi III, số ít (động từ tiến hành cách là nicchināti)] phân biệt, nhận xét, nhận định.

Paṇḍito [chủ cách, số ít, nam tính, danh từ paṇḍita] bậc trí tuệ.

Asāhasena [sở dụng cách, số ít, nam tính, asāhasa. Đây dùng như một trạng từ] bằng cách không độc đoán, không áp đảo, không áp đặt.

Dhammena [sở dụng cách, số ít, dhamma. Đây dùng như trạng từ] theo pháp, bằng cách đúng pháp.

Samena [sở dụng cách, số ít, nam tính, sama. Đây dùng như trạng từ] một cách công bằng.

Nayatī [Nayati_động từ hiện tại tiến hành cách “nī + a + ti”, ngôi III, số ít] xử lý, phân xử, phán quyết.

Pare [đối cách, số nhiều, nam tính, phiếm chỉ đại từ para] những người khác.

Dhammassa [chỉ định cách, số ít, nam tính, danh từ dhamma] pháp, pháp luật, phép tắc.

Gutto [chủ cách, số ít, nam tính, quá khứ phân từ gutta (gup + ta) của động từ gopeti] đã gìn giữ, đã bảo vệ, đã trông coi.

Medhāvī [chủ cách, số ít, nam tính, danh từ medhāvī] người sáng suốt, người có trí.

Dhammaṭṭho’ ti [hợp âm dhammaṭṭho iti]

Pavuccati [động từ thụ động thể_tiến hành cách “pa + vac + ya”, ngôi III, số ít] được gọi là, được kêu là.

Việt văn:

1. Người xét việc hấp tấp

không phải người chấp pháp,

bậc trí, nên nhận định

cả hai việc đúng sai.

(pc 256)

2. Người sáng suốt giữ pháp,

xử người cách công bằng,

theo pháp, không áp đảo,

đáng gọi người chấp pháp.

(pc 256)

1. Người phân xử việc một cách hấp tấp, do đó, người ấy không phải là bậc chấp pháp; Bậc anh minh là người nên nhận định cả hai trường hợp đúng và sai.

2. Bậc trí bảo vệ công lý, xét xử người khác không áp đảo, dựa theo pháp luật và thật công bằng, mới được gọi là người chấp pháp.

Duyên sự:

Hai bài kệ này, đức Phật thuyết khi Ngài trú tại chùa Jetavana, thành Sāvatthi, nhân chuyện các quan xử án.

Một ngày nọ, các vị tỳ kheo khất thực trong làng cửa bắc thành Sāvatthi, khất thực xong các vị ấy trở về chùa. Vừa đến giữa kinh thành thì trời đổ mưa, các vị tỳ kheo bèn ghé vào pháp đình ở trước mặt đụt mưa. Các vị nhìn thấy quan xử án đã nhận hối lộ rồi xử lật ngược, người đúng cho là sai, người sai cho là đúng. Các tỳ kheo thấy vậy nghĩ rằng: “Ôi, các quan này phi pháp, thế mà chúng ta cứ tưởng những quan xử án là công minh”.

Khi mưa tạnh, các tỳ kheo về chùa đảnh lễ đức Phật và thuật lại sự việc ấy. Bậc Đạo sư nói: “Này các tỳ kheo, những người theo pháp thiên vị, xử án áp đặt, không đáng là người chấp pháp; Những người cân nhắc đúng người, đúng tội, xử án không áp đảo mới thật là người chấp pháp”. Nói xong, Ngài thuyết lên hai bài kệ: Na tena hoti dhammaṭṭho…v.v…dhammaṭṭho’ ti pavuccatī’ ti.

Dứt pháp thoại có nhiều vị tỳ kheo đắc thánh quả.

Lý giải:

Hai bài kệ này, đức Phật thuyết vì nghe các tỳ kheo thuật lại chuyện các quan toà ở pháp đình, nhận hối lộ rồi xử án đảo lộn công lý. Ngài thuyết để dạy các đệ tử, nhất là đối với các vị tỳ kheo có thẩm quyền phân xử những cuộc tranh tụng trong tăng chúng.

Gọi là người chấp pháp (dhammaṭṭho) là người bảo vệ công lý, nắm giử và thi hành luật pháp.

Người chấp pháp phải là người anh minh, liêm chính, xử việc không thiên vị vì thương (chandāgati), vì ghét (dosāgati), vì si mê (mohāgati), vì sợ (bhayāgati) mà bóp méo sự thật. Người ấy đáng gọi là người chấp pháp.

Còn người cầm cân công lý mà phán xử hấp tấp, hoặc theo sự thiên vị vì thương, vì ghét, vì si, vì sợ mà nói dối để bóp méo công lý. Người ấy không đáng gọi là người chấp pháp.

Người chấp pháp anh minh phải nên cân nhắc cả hai trường hợp: Đúng nói là đúng, sai nói là sai. Dù là bà con thân hữu, có tội vẫn xử là tội, đó là không thiên vị vì thương. Dù là kẻ thù đối lập, nhưng họ không tội vẫn xử là vô tội, đó là không thiên vị vì ghét. Dù người ta đưa hối lộ cũng không nhận, không phải vì người hối lộ cho mình mà xử cho họ phần thắng, đó là không thiên vị vì si mê. Dù bị cáo là người có thế lực, cũng không sợ thế lực mà xử cho họ đúng nếu họ làm sai, đó là không thiên vị vì sợ. Bậc trí tuệ xử án dựa vào luật pháp công lý, không hàm hồ, không thiên vị, như thế mới đáng được gọi là người chấp pháp.

Tỳ kheo Tuệ Siêu biên soạn.

Ý kiến bạn đọc