Môn học: PĀLI PHÁP CÚ || XVIII. Phẩm Uế Nhiễm (Malavagga) - Kệ số 7 (dhp 241)

Chủ nhật, 28/01/2024, 05:48 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: PĀLI PHÁP CÚ

Bài học chủ nhật 28.1.2023

XVIII

Phẩm Uế Nhiễm

 (Malavagga)

XVIII. Phẩm Uế Nhiễm_Kệ số 7 (dhp 241)

Chánh văn:

7. Asajjhāyamalā mantā

anuṭṭhānamalā gharā

malaṃ vaṇṇassa kosajjaṃ

pamādo rakkhato malaṃ.

(dhp 241)

Chuyển văn:

7. Mantā asajjhāyamalā gharā anuṭṭhānamalā kosajjaṃ vaṇṇassa malaṃ pamādo rakkhato malaṃ.

Thích văn:

Asajjhāyamalā [chủ cách, số nhiều, trung tính, hợp thể tính từ asajjhāyamala (a + sajjhāya + mala)] nhớp nháp do không tụng đọc.

Mantā [chủ cách, số nhiều, trung tính, danh từ manta (mantā, mantāni)] các chú thuật, các kinh chú.

Anuṭṭhānamalā [chủ cách, số nhiều, trung tính, hợp thể tính từ anuṭṭhānamala (a + uṭṭhāna + mala)] bẩn thỉu do không đứng lên, dơ bẩn do không siêng năng.

Gharā [chủ cách, số nhiều, trung tính, danh từ ghara (gharā, gharāni)] nhà cửa, các ngôi nhà.

Malaṃ [chủ cách, số ít, trung tính, danh từ mala] sự uế nhiễm, sự hoen ố, bụi bẩn.

Vaṇnassa [sở thuộc cách, số ít, trung tính, danh từ vaṇṇa] của nhan sắc, của dung sắc.

Kosajjaṃ [chủ cách, số ít, trung tính, danh từ kosajja] sự lười biếng, sự biếng nhác.

Pamādo [chủ cách, số ít, nam tính, danh từ pamāda] sự dễ duôi, sự xao lãng, sự lơ đểnh.

Rakkhato [sở thuộc cách, số ít, nam tính, tính từ rakkhanta (hiện tại phân từ của động từ rakkhati)] của người đang canh gác.

Việt văn:

7. Không tụng đọc, nhớp kinh

không siêng năng, bẩn nhà

lười biếng, nhơ dung sắc

lơ đểnh, uế người canh.

(pc 241)

7. Không tụng đọc là bụi bẩn kinh điển; Không siêng năng là bụi bẩn nhà cửa; Lười biếng là bụi bẩn dung sắc; Lơ đểnh là bụi bẩn của người canh gác.

Duyên sự:

Bài kệ này, đức Phật thuyết tại Sāvatthi, khi Ngài trú ở Tịnh xá Jetavana, vì câu chuyện của trưởng lão Lāḷudāyi.

Tại thành Sāvatthi, các cư sĩ hằng ngày đi đến tịnh xá Jetavana, buổi sáng thì cúng dường trai phạn, buổi chiều thì cúng dường thức uống và nghe pháp. Thường thì do hai vị thượng thủ Thinh Văn Sāriputta và Mahāmoggallāna thuyết pháp. Các cư sĩ nghe hai vị thuyết pháp, họ hoan hỷ và tán thán hai vị trưởng lão ấy.

Tôn giả Lāḷudāyi khi nghe các cư sĩ cứ tán thán pháp thoại của trưởng lão Sāriputta hoặc trưởng lão Mahāmoggallāna thì ganh tỵ, bèn nói với các cư sĩ: “Các ông chỉ nghe pháp của hai vị ấy thuyết mà đã tán thán như vậy, nếu nghe ta thuyết pháp thì không biết các ông sẽ tán thán thế nào đây nữa?”

Mọi người nghe thế nghĩ rằng chắc hẳn trưởng lão này cũng là vị pháp sư, có dịp chúng ta sẽ nghe vị này thuyết pháp. Rồi một ngày kia, các cư sĩ đến Tịnh xá cúng dường xong, họ thỉnh cầu tôn giả Lāḷudāyi thuyết pháp cho họ nghe.

Tôn giả Lāḷudāyi ngồi trên pháp toạ nhưng không biết pháp nào để thuyết, bèn nói: “Thôi hãy để vị khác thuyết, còn ta sẽ tụng kệ ngôn”. Các cư sĩ sau khi nghe vị khác thuyết pháp xong, bèn thỉnh tôn giả Lāḷudāyi tụng kệ ngôn. Thế nhưng tôn giả cũng không nhớ kệ ngôn nào để tụng, nên bảo với họ: “Hãy để vị khác tụng kệ ngôn, ta sẽ thuyết pháp buổi tối”.

Cứ thế, tôn giả Lāḷudāyi hẹn lần này đến lần khác cho tới sáng cũng không thuyết pháp được, không tụng kinh kệ được.

Nhóm cư sĩ phẫn nộ tìm đến tôn giả Lāḷudāyi trách mắng: “Khi chúng tôi tán thán pháp thoại của hai Ngài Sāriputta và Ngài Moggallāna, thì sư ganh tỵ nói ta cũng thuyết pháp được và có thể hay hơn hai vị ấy nữa, mà giờ đây Sư lại chẳng được tích sự gì. Sư dốt quá!” Rồi họ làm hùng hổ với vị ấy, vị ấy bỏ chạy, các cư sĩ đuổi theo. Trong khi chạy trốn, vị ấy té xuống một hầm phẩn, người dính đầy phẩn, hôi hám vô cùng.

Chư tỳ kheo biết chuyện tôn giả Lāḷudāyi ganh tài với hai vị Thượng thủ thinh văn, bị hậu quả nhục nhã.

Đức Phật được nghe chư tỳ kheo thuật lại. Ngài đã phán: “Không phải chỉ nay mà trong quá khứ, người này cũng đã bị nhấn chìm vào hố phẩn như vậy rồi”. Rồi đức Phật thuyến bổn sanh Con heo rừng (Sūkarajātaka_số 153).

Sau khi nói bổn sanh của vị ấy, đức Thế Tôn nói tiếp: “Này chư tỳ kheo, chút ít giáo pháp mà Lāḷudāyi được học nhưng không ôn tập, do nhân không ôn tập nên pháp học rỉ sét”. Nói xong, đức Phật thuyết bài kệ này: Asajjhāyamalā mantā…v.v…pamādo rakkhato malan’ ti.

Dứt pháp thoại, có nhiều vị tỳ kheo được chứng đắc đạo quả.

Lý giải:

Danh từ mala (cấu uế, bụi bẩn) trong bài kệ nên hiểu nghĩa tuỳ theo ngữ cảnh.

Asajjhāyamalā mantā, có nghĩa là kinh điển bị quên do nguyên nhân không thường xuyên tụng đọc. Mala trong ngữ cảnh này phải hiểu là “bụi quên”.

Không phải chỉ có kinh điển pháp học, mà kể cả pháp hành thiền định và cả nghề nghiệp cũng thế, không thực hành thường xuyên, chánh niệm không bén nhạy, nghề nghiệp không tinh thục. Bởi vậy, xưa có câu “văn ôn, võ luyện”.

Anuṭṭhānamalā gharā, không siêng năng là bụi bẩn của nhà cửa. Có nghĩa là nhà cửa bị hư hao không được sửa sang, là do người sống trong nhà không có siêng năng quét dọn sửa chữa. Mala trong ngữ cảnh này nên hiểu là “bị bỏ phế”.

Malaṃ vaṇṇassa kosajjaṃ, lười biếng là bụi bẩn dung sắc. Có nghĩa là người nam hay người nữ lười biếng chăm sóc, tắm rửa, trang điểm thân thể, sẽ khiến dung sắc tàn tạ xấu xí. Chữ Mala trong ngữ cảnh này nên hiểu là “tàn tạ”.

Pamādo rakkhato malaṃ, sự lơ đểnh là bụi bẩn của người canh gác. Có nghĩa là người canh cổng thành mà thiếu cảnh giác, hoặc ngủ gục, hoặc lo vui chơi, thì địch có thể đột nhập; Hay như người chăn giữ bò mà lơ là, do ngủ quên, hoặc lo chơi, không chú ý đàn bò, những con bò có thể đi lạc hoặc bị thú dữ vồ ăn thịt, hoặc bò có thể xuống ruộng lúa người khác, người giữ bò bị tai vạ… Chữ Mala trong ngữ cảnh này nên hiểu là “sự tắc trách”. Lại nữa, một vị xuất gia canh phòng lục căn nhưng lại dễ duôi, phiền não có thể sanh khởi và đến khổ luỵ.

Tỳ kheo Tuệ Siêu biên soạn.

Ý kiến bạn đọc